Trang chủ    Diễn đàn    Ảnh hưởng của tôn giáo đến tư duy của người Việt về mối quan hệ con người và tự nhiên
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:54
3650 Lượt xem

Ảnh hưởng của tôn giáo đến tư duy của người Việt về mối quan hệ con người và tự nhiên

Nho, Phật, Đạo, Công giáo là các tôn giáo lớn theo các ngả đường khác nhau du nhập vào Việt Nam, tồn tại nhiều thế kỷ qua và đã trở thành một thành tố văn hóa, bén rễ, ăn sâu, có ảnh hưởng đến lối sống, nếp nghĩ của người Việt Nam. Giáo lý của các tôn giáo “giáo hóa” con người bằng đạo đức, hướng họ đến những giá trị toàn thiện, hài hòa trong mối quan hệ Người - Người, Người - Giới tự nhiên.

Đạo giáo chủ trương Vô vi (không tạo tác, không làm gì nhưng chẳng gì không làm được) hay còn gọi là Thiên đạo (tự nhiên hành động, không làm trái với những gì Trời đã sinh ra). Lý thuyết Vô vi có điểm hạn chế là hoài cổ, yếm thế, đi ngược lại văn minh, tuy nhiên nó lại có ảnh hưởng sâu rộng trong tâm hồn người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Chủ thuyết đó được áp dụng trong thuật chính trị, ngoại giao: lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường; trong quan hệ xã hội: nếp sống cho phải Đạo, đúng Đức lối sống an nhiên, tự tại, không vướng bận bụi trần, không bon chen, vị kỷ, thị phi; trong ứng xử với giới tự nhiên: tôn trọng quy luật của giới tự nhiên, không chế ngự và can thiệp quá sâu vào thiên nhiên dẫn đến phá hỏng sự cân bằng của vũ trụ, trời đất và vạn vật... Song, Vô vi không có nghĩa là không làm gì cả theo cách hiểu thông thường, mà chỉ không làm theo tư ý, tư dục và trái với tự nhiên.

Nho giáo (thời Khổng Mạnh) quan niệm rằng, giữa Trời và Người có mối quan hệ tương hỗ (Thiên nhân tương dữ, thiên nhân cảm ứng, thiên nhân hợp nhất) nghĩa là các hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng đến đạo đức con người, ngược lại, đạo đức của con người cũng có tác động đến hoàn cảnh tự nhiên. Các giáo lý trong Nho giáo chủ trương giáo dục con người phải tôn trọng tự nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ cảm ứng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người được no đủ.

Nho giáo (thời Tuân Tử) chủ trương Thiên nhân bất tương quan. Tuân Tử tin có Trời, nhưng cho rằng giữa Trời và Người không có mối quan hệ, việc trị loạn thành hay bại là do người, không nên trông đợi ở Trời. Theo đó, cái Đạo của người là cần phải chế ngự thiên nhiên để nó phục vụ nhu cầu của mình, con người phải biết dùng tài trí của mình để làm cho muôn vật trở nên giàu có. Nhờ chế ngự được trời đất nên người xứ này mới có sản vật của những xứ khác để dùng, người ở biển có cây trên núi, người trên núi có cá dưới biển, con người trở nên mạnh như hổ, nhanh như ngựa. Đó chính là hòa mình với thiên nhiên. Song, muốn chế ngự thiên nhiên, con người phải biết hợp quần, vì sức một người thì yếu, không đủ chống với vạn vật, nhưng góp sức của muôn người lại thì rất mạnh. Mà muốn hợp quần thì phải có lễ nghĩa, không có lễ nghĩa thì tất sinh loạn, mà loạn thì yếu.... Xét cho cùng, phạm trù Đạo và Đức của Nho giáo không trừu tượng, cao siêu mà được thâu hóa vào con người (Nho học gọi đó là Nhân luân/Nhân đạo). Thuyết “Vô vi” của Lão Tử được bổ sung với thuyết “Hữu vi” của Nho giáo (thời Tuân Tử) trong quan hệ giữa con người với giới tự nhiên (Trời).

Lý thuyết của Phật giáo thì cho rằng, con người là một tiểu thiên, vũ trụ là một đại thiên, do đó, con người mang những đặc tính của vũ trụ, những đặc tính này chi phối sự phát triển con người. Cả tiểu thiên và đại thiên đều biến đổi tuần hoàn theo bốn vòng quay đều đặn: Sinh, Trụ, Dị, Diệt/Thành, Trụ, Hoại, Không/ Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Con người là vũ trụ (đại thiên) thu nhỏ, do đó, muốn hiểu được vũ trụ - thiên nhiên thì phải hiểu được con người. Mặc dù các thuyết của Phật giáo tập trung nhiều vào việc giảng dạy về các phương pháp giải thoát con người khỏi cuộc sống nhân sinh, nhưng trong đó ẩn chứa đầy đủ những quan điểm về mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới bên ngoài (giới tự nhiên) trong lý thuyết Nhân - Duyên. Ý nghĩa quan trọng của thuyết Nhân - Duyên trong cách dạy cho con người ứng xử trước giới tự nhiên thể hiện ở chỗ mọi hành vi của con người đều gây các ra hậu quả tất yếu và trước hay sau sẽ quay ngược lại tác động vào chính chủ thể của hành vi ban đầu. Do đó, trong ứng xử với thiên nhiên, con người cần chú trọng đến luật Nhân - Quả: không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà chúng phải nương tựa, phụ thuộc lẫn nhau. Vật này có nên vật khác có, cái này không thì cái kia cũng không, vật này sinh nên vật khác sinh, mà cái này diệt thì cái kia cũng diệt...

Giáo lý của Đức Giêsu Kitô dạy rằng, Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trụ và yêu thích “tác phẩm” của mình, giao phó tất cả thế giới cho con người coi sóc và con người phải làm cho nó tốt đẹp thêm lên. Do đó, bổn phận của mọi tín đồ là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên như bảo vệ chính những tặng vật mà Chúa ban tặng, nên khi đứng trước một thế giới mà con người sống ở đó đang vướng phải những vấn nạn về môi trường do chính mình gây ra, mọi tín đồ không thể thờ ơ. Thông điệp Gaudium et Spes trong Vatican II (1965) huấn truyền rằng, Giáo hội nói chung và giáo hữu nói riêng phải “đứng trong” và lo âu cùng những âu lo của toàn nhân loại.

Các lý thuyết của Nho giáo, Phật giáo, Ðạo giáo và cả Công giáo đều có chung ý tưởng về sự hòa hợp của con người với tự nhiên, có ảnh hưởng và chi phối đến tư duy người Việt. Chữ Thiên, chữ Trời xuất hiện khá phổ biến trong lối suy nghĩ và cách ứng xử của người Việt với môi trường thiên nhiên. Phạm trù Thiên/Trời trong tư duy người Việt được dùng để diễn tả thế giới thiên nhiên đang hiện hữu trong quan hệ với con người, hiển thị ở ba ý nghĩa sau:

Một là, thế giới thiên nhiên vật lý (mây, mưa, sấm, chớp...). Trong tục ngữ ca dao của người Việt có rất nhiều câu ca nói lên sự yêu mến, đề cao sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên (trời, đất): Gió thổi là chổi trời; Nước chảy đá mòn; Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây; Trông trời, trông đất, trông mây...

Hai là, nhân cách hóa ông Trời, thần thánh hóa ông Trời, xem đó là một lực lượng thánh - thiện, che chở, bảo vệ chúng sinh, trừng phạt kẻ ác và nuôi dưỡng vạn vật, thể hiện trong nhiều câu ca dao, tục ngữ: Đèn trời soi xét; Ông Trời có mắt; Xởi lời Trời gửi của cho, xo ro Trời co của lại; Ơn Trời mưa nắng phải thì (thời)... Chính vì vậy, giới tự nhiên (trời) còn là biểu tượng thờ cúng của nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt (Thần Sấm, Chớp, Mây, Mưa trong Tứ pháp: Vân, Vũ, Lôi, Điện).

Ba là, quan hệ Người - Trời được nâng lên và khái quát hóa trong triết lý Tam tài của người Việt (Thiên - Địa - Nhân), trong đó con người là khâu trung gian nối Trời với Đất. Trời - Người - Đất là ba yếu tố cơ bản hợp thành một vũ trụ luận phổ thông của người Việt. Đất đi đôi với Trời trong mối tương giao với Người. Nhiều thành ngữ trong văn hóa người Việt đã chỉ rõ điều đó, như: Địa linh, Nhân kiệt; Trời tru đất diệt; Trách chàng Từ Thức vụng suy, cõi tiên chẳng ở về chi cõi trần...

Thiên/Trời là những phạm trù gần gũi thân quen trong triết lý nhân sinh và vũ trụ luận của người Việt. Các lý thuyết của Nho, Phật, Đạo, Công giáo về mối quan hệ con người với thiên nhiên đã trang bị sự nhận thức về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên để vượt lên làm chủ và tự do trước thiên nhiên, để biết phải xây nhà theo hướng nào có lợi cho sức khỏe, biết tự điều hòa khí âm khí dương, ái, ố, hỉ, nộ trong con người sinh học của mình để giống với tự nhiên, hòa quyện với thiên nhiên thành một thể thống nhất khiến cho sức khỏe được nâng lên. Khi đã thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo đến một mức độ nhất định đối với tự nhiên, người Việt trở nên kiên cường hơn, tính cách linh hoạt hơn, lối sống năng động hơn trước những biến đổi của thiên nhiên. Tư tưởng sống hài hòa với thiên nhiên trong giáo lý của các tôn giáo đã ảnh hưởng đến lối sống hài hòa, tôn trọng tự nhiên của người Việt.

Song, cũng chính bởi sự gắn bó, thân thiện, hòa mình với thiên nhiên, với đất trời dẫn đến hình thành lối sống lệ thuộc, trông chờ, dựa vào thiên nhiên ưu đãi. Khi thiếu thốn, người Việt chỉ lo vào rừng, xuống biển kiếm, hình thành tâm lý “trời cho còn hơn lo làm”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, coi tài nguyên thiên nhiên xuất hiện như luật Trời đã định dành cho con người, để con người có quyền thụ hưởng nó liên tục, vô hạn. Chính vì vậy, người Việt đã giản lược hóa một cách thực dụng, thiếu sự suy tính trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, thiếu tôn trọng sự toàn vẹn, tuần hoàn của thiên nhiên, thiếu ý thức trong việc vừa khai thác, vừa dự trữ, không nghĩ tới có trách nhiệm tái tạo thiên nhiên cho đời sau. Như vậy, vô hình trung, đã triệt tiêu thiên nhiên và hủy hoại môi trường sống của mình. Lúc này, những chuẩn mực, nguyên tắc, định hướng về quan hệ Trời - Người theo cách thức mà các tôn giáo đưa ra như: giới hạn tăng trưởng, trở về với tự nhiên, không tạo tác, cuộc sống khép kín, hài hòa, tự điều chỉnh, tôn trọng và bảo vệ sự toàn vẹn của thiên nhiên,... không còn phù hợp nữa. Việc không còn phù hợp không phải do các lý thuyết đó đã cạn kiệt khả năng vận dụng mà do những nghịch lý trong sự phát triển của xã hội với sự tiến hóa của thiên nhiên: khi dân số tăng lên, nhu cầu mưu sinh tăng, con người ngày một thông thái hơn (khoa học - kỹ thuật phát triển), dẫn đến trình độ chinh phục và cải tạo thiên nhiên của con người ngày một tinh vi và ngày càng làm tổn thương đến sự toàn vẹn của thiên nhiên, phá hoại và hủy diệt thiên nhiên một cách nghiêm trọng, nhanh chóng hơn. Ngược lại, nếu cắt giảm nhu cầu của con người thì cung sẽ giảm, sản xuất ngưng trệ, kinh tế suy thoái, nhiều người thất nghiệp, xã hội bất ổn, v.v..

Bởi vậy, nhân loại ngày nay cần phải tìm kiếm và xây dựng một triết lý phát triển đi đến một sự tối ưu là thực hiện đồng tiến hóa cả Người và Trời để khắc phục những hạn chế trong việc áp dụng các lý thuyết của tôn giáo về mối tương quan Trời - Người, để bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ sự sống còn của chính mình. Đối với mỗi cá nhân người Việt, không cứ là tín đồ tôn giáo, cần ý thức sâu sắc về vấn nạn thiếu năng lượng và ô nhiễm môi sinh, góp phần mình trong giải quyết vấn đề rộng đó bằng sự quan tâm, chia sẻ và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên; trách nhiệm trong một nền kinh tế nhân bản và đạo đức.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử số 9-2015

 

PGS, TS Đỗ Lan Hiền

Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền