Trang chủ    Diễn đàn    Về kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm
Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 16:30
10258 Lượt xem

Về kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm

(LLCT) - Mục đích của công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là làm cho Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn, hoàn thànhthắng lợi nhiệm vụ chính trị, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Điều đó yêu cầu công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viênkhi có dấu hiệu vi phạm của UBKT các cấp phải tích cực, chủ động, nghiêm minh, chính xác và kịp thời, nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa.

Trước Đại hội VI, Đảng ta quy định “cơ quan kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, gọi tắt là kiểm tra đảng viên vi phạm”. Tại Đại hội VI đã đổi quy định kiểm tra đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng sang là “kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng”.Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, quy định đó lại thể hiện rõ những hạn chế, bất cập, vìphạm vi kiểm tra rộng, dễ bỏ qua những trọng điểm phải kiểm tra. Điều lệ Đảngthông qua tạiĐại hội VII bổ sung Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp được kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng (UBKT cấp trên của tổ chức cở đảng được chuẩn y kỷ luật khai trừ đảng viên; UBKT được quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên là cán bộ do cấp ủy cùng cấp quản lý, nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp hoặc cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp.

Đại hội VIII quy định UBKT các cấp kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) hoặc tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Tức là đã chuyển từ kiểm tra đảng viên chấp hành sang kiểm tra đảng viên hoặc tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Điều đó đã làm tăng tính tích cực phòng ngừa của công tác kiểm tra. Bổ sung thẩm quyền thi hành kỷ luật của UBKT từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên được quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng đảng trong tình hình mới.

Đại hội XI tiếp tục thực hiện quan điểm về công tác kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và và chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, đồng thời xác định rõ nội dung, đối tượng, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Theo quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua tại Đại hội XI, UBKT các cấp có 6 nhiệm vụ, trong đó, nhiệm vụ thứ nhất và thứ hai là: “1. Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp uỷ viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. 2. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng”.

Theo quy định của Điều lệ Đảng thì kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp. Do xác định là nhiệm vụ trọng tâm nên trong thực tế tiến hành các hoạt động nghiệp vụ của mình, UBKT các cấp đã làm khá tốt nhiệm vụ này. Theo báo cáo cho thấy: năm 2013, UBKT các địa phương, đơn vị trong toàn quốc đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết luận số đảng viên có vi phạm chiếm 80% so với số được kiểm tra.Đối với tổ chức đảng, qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm có 66% là vi phạm so với tổ chức đảng được kiểm tra; Năm 2014, qua kiểm tra, kết luận số đảng viên có vi phạm chiếm 79% và 68% tổ chức đảng.

Từ tỷ lệ số tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm lại phát hiện có vi phạm (tới 80% đảng viên) và phải xem xét xử lý rất lớn. Vấn đề đặt ra là, vậy phải chăng, kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viênkhi có dấu hiệu vi phạm cũng đồng nghĩa là kiểm tra để xử lý? Nếu không có những lý giải thấu đáo sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề mà trước tiên là gây tâm lý hoang mang, thậm chí đối phó của đối tượng được kiểm tra vì cho rằng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đồng nghĩa với việc kiểm tra để xử lý kỷ luật.

Để giải quyết vấn đề này cần hàng loạt những giải pháp có tính đồng bộ, trước hết cần hiểu đúng về khái niệm kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là khái niệm ghép. Theo Đại từ điển tiếng Việt:

Kiểm tra:được hiểu là “xem xét thực chất, thực tế”.

Khi có: là chỉ tính thời điểm (vừa mới) dấu hiệu vi phạm đã bộc lộ hay đã quan sát và nhận biết được.

Dấu hiệu:là “Dấu để cho biết, chứng tỏ điều gì đó”.

Vi phạm: là “Làm trái quy định”.

Từ cách hiểu trên, có thể hiểu “khi có dấu hiệu vi phạm” là khi có biểu hiện việc không tuân theo hoặc làm trái những điều đã quy định mà đã phát hiện và nhận biết được. Tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm là tổ chức đảng hoặc đảng viên có những hiện tượng cho thấy có sự không tuân theo hoặc làm trái tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong thực hiện nhiệm vụ đảng.

Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 1- 11- 2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nêu khái niệm vềtổ chức đảng hoặc đảng viên khi códấu hiệu vi phạmnhư sau: “Khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên là khi có những thông tin, tài liệu thu thập được đối với các quy định của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội mà đảng viên tham gia, với pháp luật của nhà nước có căn cứ cho thấy tổ chức đảng hoặc đảng viên đó không tuân theo, không làm hoặc làm trái một hoặc một số những điều quy định của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Như vậy, khi có dấu hiệu vi phạm chỉ mới là hiện tượng, chưa phải là bản chất nên khi UBKT tiến hành kiểm tra thì chưa thể kết luận là tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra là có vi phạm. Chỉ khi nào kết quả kiểm tra cung cấp đủ căn cứ để kết luận có vi phạm thì tổ chức đảng hoặc đảng viên đó mới là có vi phạm, cần xem xét để có hình thức xử lý kỷ luật. Còn khi chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra đưa ra, kết luận thì các hành vi có biểu hiện sai trái của tổ chức đảng hoặc đảng viên chỉ được xem là “có dấu hiệu vi phạm”. Điều này cũng phù hợp với một trong những nguyên tắc cơ bản trong nền pháp lý hiện đại là “suy đoán vô tội”.

Như vậy, nội hàm khái niệm công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viênkhi có dấu hiệu vi phạmđược thể hiện ở các nội dung sau:

- Xác định đúng chủ thể và đối tượng kiểm tra:

Chủ thể kiểm tra gồm những tổ chức đảng có thẩm quyền sau đây: Cấp ủy, UBKT, chi bộ là chủ thể kiểm tra; trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quy định của Điều lệ Đảng.

Đối tượng kiểm tra là: Những đảng viên hoặc tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm.

- Nội dung vi phạm:

Trong điểm 1 Điều 32 Điều lệ Đảng xác định UBKT các cấp có nhiệm vụ: Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Nói cách khác, các dấu hiệu vi phạm của đảng viên hoặc tổ chức đảng đã được Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước quy định, không có ngoại lệ.

- Mức độ của dấu hiệu vi phạm:

Việc nhận dạng mức độ dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng hoặc đảng viên có ý nghĩa rất lớn trong việc xem xét, kết luận tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra có hay không có vi phạm. Vậy vấn đề đặt ra khi có dấu hiệu vi phạm phải được hiểu như thế nào? Ranh giới giữa dấu hiệu vi phạm và đã vi phạm căn cứ theo tiêu chí nào? Làm thế nào để nhận diện dấu hiệu vi phạm?

Khái niệm dấu hiệu vi phạm và khái niệm vi phạm liên quan chặt chẽ với nhau, song không đồng nhất. Dấu hiệu vi phạm và vi phạm thuộc cặp phạm trù hiện tượng và bản chất trong đó vi phạm là bản chất, dấu hiệu vi phạm là hiện tượng. Mỗi sự vật đều là sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng. Sự thống nhất đó trước hết thể hiện ở chỗ bản chất bao giờ cũng tự bộc lộ ra những hiện tượng nhất định, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của bản chất. Tuy bản chất và hiện tượng thống nhất với nhau, về căn bản phù hợp với nhau, nhưng hiện tượng không bao giờ trùng khớp hoàn toàn với bản chất mà có thời điểm hiện tượng phản ánh xuyên tạc bản chất. Đây là cơ sở phương pháp luận giúp cho chủ thể kiểm tra xác định được dấu hiệu vi phạm, mức độ vi phạm, hoặc chưa vi phạm để xem xét, kết luận chính xác các dấu hiệu vi phạm.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm không có nghĩa là tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra đã có vi phạm. Nếu tuyệt đối hóa tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (hiện tượng) là chưa có vi phạm gì, hoặc đã vi phạm (bản chất) đều không chính xác. Vì vậy, dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng hoặc đảng viên được biểu hiện ở các mức khác nhau: Có thể dấu hiệu vi phạm mới dừng lại ở khuyết điểm, vi phạm ít nghiêm trọng, vi phạm nghiêm trọng, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng...  Cũng có thể, qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm kết luận tổ chức đảng hoặc đảng viên không có vi phạm. Hoặc mức độ của dấu hiệu vi phạm mới manh nha, khởi phát nhưng cũng có thể dấu hiệu vi phạm đó tiềm ẩn chiều hướng sẽ dẫn tới vi phạm, thậm chí đã vi phạm. Về thời gian biểu hiện, dấu hiệu vi phạm có thể mới xảy ra hoặc xảy ra từ lâu, nay mới bộc lộ qua hiện tượng.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp, kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nhưng thực chất là kiểm tra vi phạm vì hành vi vi phạm đã rõ, đã xảy ra, có vụ việc đã diễn ra trong thời gian dài. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho UBKT các cấp là phải chủ động, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm thì phải tiến hành kiểm tra; nếu để xảy ra vi phạm mới tiến hành kiểm tra thì không bảo đảm tính phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới manh nha.

Có tình trạng nêu trên là do một số tổ chức đảng buông lỏng giáo dục, quản lý, kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng; thậm chí né tránh, ngại va chạm, nên các dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng hoặc đảng viên chậm được phát hiện, dẫn tới vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước. Chính vì vậy, UBKT Trung ương đã hướng dẫn, chỉ đạo UBKT các cấp phải chủ động tiến hành kiểm tra ngay tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, không để chậm trễ, kéo dài, gây tác động xấu đến nội bộ đảng và xã hội.

Như vậy, cụm từ “khi có” vừa thể hiện mức độ dấu hiệu vi phạm mới ở hiện tượng, khuyết điểm, vừa chỉ về mặt thời gian mới bộc lộ chứ không phải đã diễn ra quá lâu. Bởi vậy, UBKT các cấp cần nâng cao tính chủ động, kịp thời, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải tiến hành kiểm tra ngay.

Mặt khác, khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm cần có sự thống nhất về nhận thức đâu là dấu hiệu vi phạm và đâu là đã vi phạm. Trên thực tế có những vấn đề tuy có vẻ rất rõ ràng nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận về quan điểm.

Từ sự khác nhau về quan điểm dẫn đến việc báo cáo tổng hợp về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm cũng sẽ khác nhau.

Từ hiểu đúng về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên sẽ dẫn tới các khả năng sau:

Thứ nhất, qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm kết luận tổ chức đảng hoặc đảng viên không có vi phạm.

Thứ hai, dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng hoặc đảng viên tồn nghi trong nhiều năm, không có cơ sở thẩm tra, xác minh để xem xét, kết luận làm rõ đúng, sai.

Thứ ba, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm kết luận tổ chức đảng hoặc đảng viên có vi phạm và cần phải xử lý theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm đã được phân tích ở trên.

Mục đích của công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là làm cho Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn, hoàn thànhthắng lợi nhiệm vụ chính trị, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Điều đó yêu cầu công tác kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viênkhi có dấu hiệu vi phạm của UBKT các cấp phải tích cực, chủ động, nghiêm minh, chính xác và kịp thời, nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa.

Hiểu đúng và thực hiện về kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm sẽ giúp cho UBKT các cấp tăng tính chủ động trong xác định sớm các dấu hiệu vi phạm và tránh được tình trạng áp đặt, thậm chí định kiến với đối tượng được kiểm tra khi cho rằng kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm chỉ là để xử lý kỷ luật. Như vậy là góp phần thực hiện được phương châm của ngành kiểm tra: “không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm ít nghiêm trọng thành vi phạm nghiêm trọng, vi phạm của một người thành vi phạm của nhiều người”.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Như Ý (chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 1998.

2. ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

 

TS Lê Văn Cường

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền