Trang chủ    Diễn đàn    Vai trò của các tổ chức xã hội và một vài khuyến nghị
Thứ sáu, 22 Tháng 7 2016 17:21
11226 Lượt xem

Vai trò của các tổ chức xã hội và một vài khuyến nghị

(LLCT) - Ở Việt Nam, cáctổ chức xã hội (TCXH) là tên gọi chung để chỉ các tổ chức tự nguyện của quần chúng. Trong bài viết này, các TCXH không bao gồm 6 tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh). Các TCXH có nhiều hình thức hoạt động khác nhau tuỳ theo tính chất, tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức đó như: hội, liên hiệp các hội, hiệp hội...

 

Các TCXH có một số đặc điểm chung là: các tổ chức ngoài nhà nước, tự nguyện, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, hoạt động phi lợi nhuận, tập hợp kết nạp hội viên là người cùng ngành, nghề, giới, lứa tuổi, sở thích...có điều lệ hoặc quy chế được thành lập hoạt động một cách thường xuyên để đạt mục đích nào đó. Tổ chức và hoạt động của các tổ chức đó không được trái với lợi ích của nhân dân, dân tộc, Tổ quốc, chế độ XHCN và được pháp luật công nhận (có đăng ký hoạt động, phê chuẩn điều lệ...).

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với những phát triển trong kinh tế là sự phát triển trong lĩnh vực xã hội, Đảng ta khuyến khích sự phát triển các loại hình “hội”, nhiều TCXH đã hình thành. Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) có: 80 hội, 61 liên hiệp hội địa phương, 600 trung tâm và viện (400 trực thuộc Vusta, 200 thuộc các hội)(1). Việc tồn tại với số lượng lớn và đa dạng của các loại hình TCXH như vậy chứng tỏ sự đa dạng hóa loại hình này đang ngày càng tăng lên trong thực tế.

1. Vai trò của các TCXH

Hiện nay, ở Việt Nam vai trò năng động của các tổ chức và phong trào xã hội ngày càng rõ rệt. Các tổ chức này đã và đang đóng góp tích cực vào thực hiện “dân chủ cơ sở”, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội...

Các tổ chức xã hội thực hiện chức năng đại diện cho quyền lợi của các nhóm công dân bị thiệt thòi khi đưa ra các khuyến nghị, tác động đến điều kiện chính trị và quá trình soạn thảo chính sách nói chung. Như vậy, TCXH có một vai trò quan trọng trong việc đòi hỏi và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân của mình thông qua giám sát và phản biện chính sách.

Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, các TCXH  có các vai trò rất đa dạng, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội thông qua những hoạt động như: là người đại diện cho các đối tượng cần sự trợ giúp; có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật; tập huấn và xây dựng năng lực; cung cấp dịch vụ; góp phần xác định vấn đề và giải pháp, mở rộng sự hiểu biết của công chúng về các vấn đề phát triển; cung cấp thông tin; tư vấn, phản biện và giám định xã hội, thẩm định những chủ trương, chính sách, kế hoạch hoạt động của các cơ quan nhà nước; góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo vệ hội viên; tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các hoạt động từ thiện nhân đạo; thực hiện những dịch vụ xã hội không vụ lợi, phi lợi nhuận; tiến hành các hoạt động công tác xã hội hướng vào việc thực hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tham gia giám sát thực hiện luật pháp, chính sách,...

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(2), cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180 nghìn người nhiễm HIV, gần 170 nghìn người nghiện ma túy... Tính đến năm 2010 cả nước có 21,6 triệu trẻ em/85.789.573 người, chiếm 24,7%  dân số trong cả nước, trong đó khoảng 40% dân số trẻ em hiện đang sống ở 2 vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Để tham gia bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng nêu trên rất cần có sự tham gia đóng góp của toàn xã hội. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động của các tổ chức xã hội thường tập trung vào bảo vệ quyền cho các đối tượng ở tầng thấp trong tháp phân tầng xã hội. Đó là những người nghèo, những gia đình gặp rủi ro, những người thất nghiệp, có bệnh tật, hoàn cảnh sống khó khăn, có những thương tật hoặc khuyết tật bẩm sinh, những phụ nữ nghèo khổ v.v...

2. Một số vấn đề khó khăn, thách thức đối với các TCXH

Trong quá trình hoạt động, có nhiều vấn đề mà các TCXH mong muốn được quan tâm như: được khẳng định vị trí, vai trò trong các văn bản pháp lý; được sự quan tâm của các cấp, các ngành; được nâng cao năng lực tổ chức; nguồn lực hoạt động... Đặc biệt trong đó, các TCXH mong muốn được tạo điều kiện nhiều hơn nữa để tham gia vào các quá trình xây dựng chính sách, giám sát, đánh giá việc thực hiện luật pháp, chính sách và phản biện xã hội.

Thực tế cho thấy, quá trình tham gia vào sự phát triển xã hội, vận động chính sách, giám sát xã hội, các TCXH đã có nhiều thuận lợi, Chính phủ ngày càng quan tâm các TCXH; mạng lưới các TCXH ngày càng rộng mở hơn.

Tuy nhiên, có một số vấn đề khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với các TCXH:

Vị trí, vai trò hoạt động cùng với tính hiệu quả, trách nhiệm của các TCXH còn nhiều hạn chế. Thiếu sự cộng tác tích cực để được tham gia xây dựng, giám sát chính sách.

Một số TCXH cònthiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin, dữ liệu...

Bên cạnh đó, về mặt thể chế xã hội, có một số vấn đề khó khăn đối với hoạt động của các TCXH như:

Những quy định pháp luật hiện hành chưa tạo được một cơ chế pháp lý hữu hiệu cho các TCXH thực hiện quyền tư vấn và đóng góp xây dựng chính sách, giám sát, tham gia xây dựng kinh tế - xã hội.

Việc chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế nảy sinh nhiều vấn đề mới, cả phía quản lý nhà nước và các TCXH đều tiếp cận những vấn đề mới mẻ. Nhận thức về vai trò của các TCXH đối với phát triển xã hội dân sự trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam chưa chuyển kịp với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và xu thế thời đại.

 Do chưa có Luật về hội nên hiện nay một số hội đã coi quy định nhiệm vụ trong Điều lệ của mình đã được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền là điều kiện có tính pháp lý để triển khai hoạt động của TCXH. Tuy nhiên, Điều lệ không phải là văn bản quy phạm pháp luật có tính áp dụng chung nên sẽ không thuận lợi cho TCXH, hiệp hội khi tham gia các quan hệ xã hội có tác động ra bên ngoài. Hơn thế, nếu mỗi hội có cách quy định riêng về phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện thì các hoạt động xã hội sẽ được tiếp cận có sự khác nhau trong các Điều lệ của các TCXH.

Nhiều TCXH còn chậm đổi mới hoạt động, thụ động, ỷ lại vào Nhà nước, làm theo cách hành chính (hoặc nhà nước hóa), lúng túng trước những vấn đề mới và mối quan hệ mới. Một số TCXH còn thiếu các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực liên quan để có thể làm việc hiệu quả với các cơ quan, tổ chức và đối tác tương ứng của Việt Nam và nước ngoài.

Do yêu cầu bức thiết hiện nay, việc nghiên cứu ban hành Luật về hội để có cơ sở pháp lý cao về quản lý nhà nước đối với hội và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của TCXH là một việc làm quan trọng. Đồng thời, các tổ chức hội phải đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng “nhà nước hóa”, “hành chính hóa”, thực sự gắn bó với hội viên, thành viên, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên và thực hiện được các nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

3. Một vài khuyến nghị

Từ một số khó khăn nêu trên, có một vài khuyến nghị sau đây:

Một là, tăng cường tương tác giữa chính quyền trung ương, địa phương với các tổ chức xã hội

Nhà nước cũng đang nhận thấy các TCXH có thể đóng một vai trò thiết thực trong việc đưa ra những phản hồi nhằm tăng cường hiệu quả các chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy mối quan hệ giữa nhà nước và TCXH tại Việt Nam tiến triển rất chậm. Sự thiếu hụt một khung pháp lý rõ ràng cho các TCXH, nên môi trường hoạt động thiếu một bộ các quy trình có thể áp dụng cho tất cả các tổ chức phi chính phủ.

 Luật về các hội, hiệp hội đang tiếp tục được đưa ra bàn luận để thông qua. Được biết 75% các tổ chức được khảo sát trong nghiên cứu cho biết họ tin rằng việc thực hiện một đạo luật như vậy sẽ giúp tăng cường vị thế của các TCXH tại Việt Nam.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng nhiều cán bộ nhà nước không hiểu rõ vai trò của TCXH và các tổ chức phi chính phủ. Nhiều lãnh đạo địa phương thường nhìn nhận NGOs một cách sai lệch. Điều này dẫn tới một sự thiếu hụt lớn về thông tin và càng làm rõ thêm sự nhìn nhận trong các cơ quan nhà nước rằng các TCXH cần phải được quản lý hơn là được khuyến khích hoạt động.

Như phần nêu trên cho thấy, ở Việt Nam có đề cập đến một số khái niệm tương đồng như: “các tổ chức phi chính phủ”, “các tổ chức xã hội”. Các ý kiến cho rằng các khái niệm này là “gần nhau về ngữ nghĩa, trong quá trình dịch chuyển, thuật ngữ này được hiểu là đồng nhất mặc dù có sự khác biệt chút ít”.Các khái niệm này được vận dụng trong nhiều bối cảnh với nhiều cách diễn đạt khác nhau: các TCXH, các tổ chức quần chúng, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức thuộc cộng đồng, các tổ chức nhân dân, hội, khu vực thứ ba... Về bản chất, đây là các tổ chức ngoài nhà nước, bên cạnh nhà nước(3). Do đó, việc thống nhất được khái niệm trong Luật Hội là cần thiết để tạo nên sự tương tác tích cực hơn giữa chính quyền và các TCXH.

Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của  các tổ chức xã hội

Ngay từ khi giành được chính quyền, Nhà nước đã tạo điều kiện để các tổ chức của dân ra đời và phát triển. Hiến pháp 1946, tiếp theo là 1969, 1980, 1992 đều công nhận “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền thông tin, có quyền hội họp, lập hội... theo quy định của pháp luật”. Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 101/SL/003 ngày 20-5-1957 về “quyền tự do hội họp”vàsố 102SL/004 ngày 27-5-1957 về “quyền lập hội”.

Nghị quyết Đại hội IXcủaĐảng cũng đã khẳng định: “Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp...”(4[1])và “hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu lợi ích củanhân dân. Những tổ chức này được nhà nước ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ cung ứng một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng”.

Đánh giá về vai trò của các tổ chức, Đại hội X của Đảng đã ghi nhận: “Các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo và các tổ chức xã hội khác có nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội”(5)và trách nhiệm của Đảng là “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng, khắc phục tình trạng hành chính hóa... làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân”(6).

Về địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội hiện nay được quy định trong Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;một số văn bản khác như Nghị định số 148/2007/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, ngày 16-7-2008, của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật;Quyết định số 14/2014/QĐ-TTgvề hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam... và các văn bản quy định cho các hoạt động cụ thể khác.

Tuy nhiên, cần được thống nhất về tên gọi và có cơ sở pháp lý cho hoạt động. Liên quan đến vấn đề này là luật cho hoạt động của các hội: “Nhà nước cần ban hành Luật về lập Hội và tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của các đoàn thể nhân dân”(7).

Ba là, xây dựng cơ chế tham gia giám sát của các TCXH

Trong các vai trò của các TCXH, tham gia giám sát là khó khăn nhất do chưa có cơ sở pháp lý quy định rõ ràng trách nhiệm và cơ chế cho hoạt động  này. Thamg gia giám sát sẽnâng cao vị thế của TCXH vàđóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội.

Theo quy định của một số văn bản pháp luật, hình thức giám sát của các tổ chức xã hộilà tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của tổ chức đó; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện thấy những vấn đề bất cập của chính sách, pháp luật đối với tổ chức; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Pháp luật quy định nhân dân có quyền và trách nhiệm giám sát cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để nhân dân và các TCXHgiám sát hoạt động của mình. Đại hội X của Đảng nêu rõ: “Coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức”(8[1]), khẳng định: “Hoạt động của Đảng và Nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân”.

Điều này xuất phát từ thực tiễn của tiến trình dân chủ hóa xã hội, xuất phát từ yêu cầu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, tinh gọn và thuận tiện.

Nghị quyết Trung ương Đảng 4 khóa XI đã nêu: do “Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao”(9).

Đại hội X của Đảng nêu rõ:“Đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động đúng định hướng chính trị, đúng pháp luật và có hiệu quả. Phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của mình. Có cơ chế, chính sách lãnh đạo và quản lý phù hợp với từng loại hội. Tiếp tục luật hóa các hoạt động của các đoàn thể nhân dân và các hội”(10).

Tuy nhiên, từ việc chỉ đạo của Đảng đến việc luật hóa quy định rõ quyền, lợi ích hợp pháp và vai trò giám sát và đặc biêt có cơ chế cho việc thực hiện giám sát chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện.

Giám sát của các tổ chức xã hội- giám sát của nhân dândo các tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm theo dõi, quan sát, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước; làm cho các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, giới hạn được giao.

Giám sát của nhân dân có tác dụng phòng ngừa, góp phần ngăn chặn có hiệu quả những vi phạm pháp luật từ phía cơ quan hành chính. Do đó, có phạm vi rất rộng và nếu được tiến hành thường xuyên, liên tục sẽ tác động đến quyền lực nhà nước bằng “dư luận xã hội”, “kiến nghị”, “yêu cầu” giúp cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được đúng hướng, đúng pháp luật.

Với bản chất nhà nước pháp quyền XHCNcủa nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước XHCNViệt Nam phải thể hiện được quyền làm chủ của nhân dân đối với quyền lực nhà nước, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, giám sát xã hội mang tính quyền lực nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước đối với tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước là một trong những điều kiện quan trọng, nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1) Theo phát biểu tham luận của  PGS, TS Phạm Bích San - Phó Tổng thư ký VUSTA tại Hội thảo “Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng chính sách phát triển dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình”do Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 8-8-2014 tại Hà Nội.

(2) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo cáo tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong  giáo dục Đại học  giai đoạn 2013-2020, Hà Nội, 2013.

(3) Vũ Duy Phú, Nguyễn Vi Khải và các cộng sự: Xã hội dân sự - một số vấn đề chọn lọc, Nxb Tri thức, 2008, tr.29-30.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.130-131.

(5), (6), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.160, 124, 310.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.128.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.254.

(9) ĐCSVN: Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 16-1-2012.

 

TS Đỗ Thị Ngọc Phương

Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền