Trang chủ    Diễn đàn    Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - 35 năm một chặng đường khẳng định chân lý lịch sử
Thứ hai, 09 Tháng 5 2016 17:27
3291 Lượt xem

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - 35 năm một chặng đường khẳng định chân lý lịch sử

(LLCT) - 35 năm qua, kể từ khi Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (28-5-1981), đến nay, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và hệ thống các tổ chức, cơ quan làm công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh được xác lập, công tác nghiên cứu lịch sử quân sự đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều công trình lịch sử quân sự và tổng kết chiến tranh của Viện và ngành lịch sử quân sự được xuất bản, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan, phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ chân lý, giáo dục truyền thống và hun đúc tinh thần yêu nước, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ người dân Việt Nam.

 

35 năm qua, ngành lịch sử quân sự đã phấn đấu vượt lên khó khăn, thử thách trên mỗi chặng đường, không ngừng nỗ lực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đạt được những thành tựu quan trọng. Các công trình nghiên cứu của Viện và ngành phong phú về thể loại, chất lượng khoa học từng bước được nâng cao.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử quân sự cần nắm vững một số vấn đề sau: Một là, nghiên cứu lịch sử thực chất là nghiên cứu, tìm tòi, đúc kết các quy luật khách quan của khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; nghiên cứu quá trình Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Hai là, phải quán triệt nguyên tắc tính đảng, tính khoa học, bởi tính khoa học mà tách rời tính đảng thì khoa học sẽ không còn mục tiêu của nó. Khi ấy khoa học không còn tác dụng cải tạo thế giới mà chỉ là “vật trang sức” mà thôi. Bảo đảm tính đảng - tính khoa học trong biên soạn lịch sử quân sự, lợi ích của giai cấp và của dân tộc hoàn toàn nhất quán với yêu cầu phát triển của khoa học. Sự nhất quán ấy thể hiện ở chỗ lịch sử quân sự vừa trình bày những sự kiện thành công, vừa trình bày những sự kiện không thành công; vừa trình bày thuận lợi, vừa trình bày khó khăn; vừa nêu ưu điểm, vừa chỉ rõ nhược điểm và cuối cùng rút ra kinh nghiệm và quy luật của cuộc chiến tranh.

Quá trình phát triển của cách mạng nước ta là quá trình đi lên từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ không đến có, từ thắng lợi từng phần đến thắng lợi hoàn toàn. Vậy, trình bày đúng sự thật lịch sử quân sự Việt Nam phải trình bày như thế nào? Như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng đã nêu lên thái độ phê bình và tự phê bình của Đảng vào năm 1939 như sau: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một Đảng tiền phong cách mạng, mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”(1).

Do vậy, khi đánh giá các nhân vật quân sự trong các thời kỳ lịch sử phải xét đến những hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà các đồng chí đó đã hoạt động và chiến đấu. Phải chú ý phân tích vai trò và quan điểm tư tưởng chính trị của cá nhân trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là trong những bước bước ngoặt lịch sử. Sẽ là chưa đúng nếu chúng ta cứ đòi hỏi các nhân vật trong lịch sử cũng phải có quan điểm lý luận, tư tưởng và hành động như ngày nay. Khi đánh giá công lao của các nhân vật lịch sử không nên căn cứ vào chỗ họ chưa cống hiến được so với đòi hỏi của xã hội đương thời, mà phải xem trong những điều kiện cụ thể họ đã cống hiến. Và vì vậy, nếu không dựng lại bức tranh chân thực của các sự kiện quân sự và quá trình phát triển của cuộc kháng chiến, người viết sử sẽ không có nền tảng, nội dung làm cơ sở để tổng kết kinh nghiệm và làm rõ quy luật. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu lịch sử thường tâm niệm rằng: thoát ly quá trình tìm hiểu cụ thể thì không thể hiểu được bản chất vấn đề. Trên bước đường tìm tòi, chúng ta đôi khi bỏ qua quá trình thực hiện thao tác theo trình tự, không đi sâu nghiên cứu những việc tìm hiểu sự kiện cụ thể. Vì thế dễ dẫn tới tình trạng viết gò ép, suy diễn từ một số công thức có sẵn rồi tìm những dẫn chứng lịch sử để minh họa. Nói cách khác, là chưa làm tốt công tác tư liệu.

Sự kiện lịch sử diễn ra trong một thời gian, không gian nhất định, có diễn biến hoạt động cụ thể và đa dạng. Vì vậy, nhận thức và phản ánh khách quan, trung thực lịch sử, cũng chỉ là tiệm cận đến chân lý mà thôi.

Lịch sử được bộc lộ thông qua vô số hiện tượng muôn màu muôn vẻ. Nhưng lịch sử không phải là một mớ hỗn độn các sự kiện, các biến cố riêng rẽ, mà nối tiếp nhau theo thời gian và theo một quy luật nhất định, thông qua một vỏ bề ngoài các hiện tượng phức tạp sinh động.

Muốn tìm được sự thật mà không bị các hiện tượng che lấp thì phải tìm đúng được cái bản chất của hiện tượng. Đó là quy luật. Quy luật là hiện tượng có tính bản chất, phản ánh cái bản chất trong vận động và quy luật không tồn tại bên ngoài hiện tượng, mà nó vốn có ngay bên trong của hiện tượng. Hiện tượng thường thay đổi không ổn định, không chắc chắn. Nhưng quy luật thì bền vững, ổn định. Quy luật và bản chất có phần tương đồng, biểu hiện sự nhận thức sâu sắc của con người về các hiện tượng. Vì vậy, khi chưa nắm được bản chất của hiện tượng lịch sử thì cũng là chưa hiểu được sự thật lịch sử, có khi nhầm lẫn hiện tượng với bản chất. Và khi đó, không thể trình bày đúng đắn và chính xác sự thật lịch sử. Cho nên việc tổng kết kinh nghiệm, phát hiện bản chất và làm rõ quy luật là một quá trình tư duy trừu tượng đòi hỏi phải sâu sắc, tinh tế, khoa học để dựng lại bức tranh lịch sử. Hiệu quả và chất lượng của quá trình này phụ thuộc vào hiệu quả và chất lượng của trình tự thao tác trong nghiên cứu. Vì vậy, muốn tìm hiểu sự thật lịch sử, phải tìm hiểu cả hiện tượng và bản chất của nó. Và muốn tìm ra quy luật phải tìm hiểu toàn bộ các hiện tượng.

Trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, khi nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự cũng như lịch sử các đơn vị, quân binh chủng, phải nghiên cứu và phân tích đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân; phải phản ánh đúng tính tích cực cách mạng, tính tự giác và sáng tạo thể hiện trong các phong trào của quần chúng. Mặt khác, phải phân tích đầy đủ vai trò những người lãnh đạo, chỉ huy, làm rõ được vị trí chân chính của các tướng lĩnh trong từng thời kỳ. Để làm được điều này có nhiều khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi, tuy tài liệu lịch sử có thời kỳ không thật đầy đủ nhưng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, nhà nước cũng như các tướng lĩnh quân đội qua các thời kỳ đã tiến hành tổng kết, phân tích nhiều lần, nhìn chung những vấn đề lớn cần phải tiếp tục bàn bạc để thống nhất không còn nhiều.

Khi nghiên cứu, biên soạn một cuốn sử thì cũng không thể đòi hỏi quá cầu toàn, phải đầy đủ yếu tố rồi mới nghiên cứu. Nhưng điều tối kỵ của những người viết sử là không mắc những thiếu sót như: đẽo gọt, suy diễn, gán ghép sai sự thật.

Thí dụ, viết về thời kỳ 1954 - 1975 mà không nêu lên được các mặt hoạt động của Đảng - quân đội - nhân dân ta thì khó có thể phản ánh được sự thật lịch sử của thời kỳ đó. Nhưng sẽ là thiếu chân thực, chính xác nếu viết thời kỳ đó mà không nêu bật được quy luật về kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự qua các giai đoạn chiến lược cụ thể của địch. Trong kháng chiến chống Pháp, bạo lực cách mạng được thể hiện bằng sự kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, trong đó đấu tranh quân sự là chủ yếu. Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, cả đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị đều là hai mặt đấu tranh cơ bản, trong đó đấu tranh quân sự ngày càng giữ vai trò chi phối và quyết định cuối cùng; nhưng đấu tranh chính trị vẫn luôn luôn là một mặt đấu tranh cơ bản kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, tiến lên tới đỉnh cao là tiến công và nổi dậy đồng loạt để giành toàn thắng.

Chẳng hạn, những năm 1969- 1975 là thời kỳ tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng tới cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1972, Mỹ dùng chính sách ngoại giao con thoi với các nước lớn rất xảo quyệt, thỏa hiệp với Trung Quốc, Liên Xô hòng cô lập cách mạng Việt Nam. Vậy phải xử lý vấn đề này như thế nào để đánh giá khách quan về sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam, nhưng cũng phản ánh đúng chính sách đối ngoại của hai nước. Hay như trong phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn - Gia Định, nhất là thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến, “lực lượng thứ ba” hoạt động sôi nổi, khi nghiên cứu, ta phải có thái độ đánh giá khách quan về sự đóng góp của họ cho cách mạng.

Do vậy, khi viết về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng CNXH, chúng ta có thuận lợi về nguồn tư liệu đầy đủ, nhân chứng lịch sử vẫn còn nhưng việc phân tích, xử lý tư liệu đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, thảo luận mới thống nhất quan điểm nhận thức. Cũng cần khẳng định rằng, đây là một thời kỳ lịch sử hết sức sôi động và phong phú nên đòi hỏi những người nghiên cứu vận dụng những hiểu biết và phương pháp nghiên cứu một cách nhuần nhuyễn. Vì đó là cuộc chiến đấu anh dũng, bền bỉ của nhân dân ta suốt hơn 20 năm cùng sự ủng hộ của nhân dân các nước XHCN anh em, các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới; là cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trên các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - tư tưởng…; là sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng. Và như vậy, nếu viết thiếu một yếu tố đều không phản ánh đủ sự thật lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhưng sẽ không viết đúng sự hào hùng của cuộc kháng chiến nếu trình bày các yếu tố một cách bình bình, dàn đều ngang nhau. Mà phải tổng hợp các yếu tố làm nổi bật những yếu tố có vai trò then chốt, quyết định nhất.

Khoa học lịch sử quân sự đóng vai trò lớn và phát huy tác dụng thiết thực thông qua chức năng của nó là dựng lại, phân tích quá trình vận động phát triển của lịch sử quân sự trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Nghiên cứu về lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự sẽ giúp xác định mục tiêu của chiến lược quân sự, phương thức tiến hành chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc phù hợp với điều kiện mới. Nhiều nhà nghiên cứu về chiến lược quân sự đều nhận rõ việc phân tích và đánh giá đúng quá khứ như là một điểm tựa để tiến tới giành lấy thắng lợi mới cho cuộc cách mạng. Cho nên, nghiên cứu lịch sử không chỉ là việc ghi chép, dựng lại lịch sử, mà chính là để phát huy những truyền thống và bài học lịch sử nhằm làm cho những trang sử mới thêm rạng rỡ. Do đó, công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, truyền thống cách mạng không chỉ có tính chất thường xuyên lâu dài, mà còn có tính chất rất hiện thực và cấp bách.

Những thành tựu của công tác nghiên cứu của Viện lịch sử quân sự và ngành trong 35 năm qua dù chỉ là bước đầu trên con đường khẳng định chân lý của khoa học lịch sử nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực tế nghiên cứu lịch sử quân sự những năm qua đã để lại những kinh nghiệm quý báu. Những kinh nghiệm ấy cần được tổng kết, hệ thống lại nâng lên thành lý luận và phương pháp luận để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lịch sử quân sự trong những chặng đường sắp tới.

_______________

(1) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.624.

 

Đại tá, TS Nguyễn Văn Bạo

Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền