Trang chủ    Diễn đàn    Một số nhận thức nhằm nâng cao đạo đức tư pháp
Thứ năm, 24 Tháng 3 2016 09:28
2911 Lượt xem

Một số nhận thức nhằm nâng cao đạo đức tư pháp

(LLCT) - Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau...”. Việc củng cố đạo đức tư pháp, tăng cường lòng tin của nhân dân vào pháp luật, vào công lý và vào hoạt động tư pháp thật sự cần thiết hiện nay. Việc tăng cường đạo đức tư pháp phải được nhận thức ở hai khía cạnh là “ràng buộc và tự do”.

1. Nội dung của đạo đức tư pháp

Trong nhà nước pháp quyền, việc tăng cường đạo đức tư pháp là rất quan trọng, bởi các quyết định tư pháp không khách quan sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hệ thống cơ quan tư pháp. Đạo đức tư pháp gắn liền với hoạt động, kết quả và trách nhiệm của công chức tư pháp, nhất là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Điều tra viên.

Trên thế giới, những luật lệ quốc tế được đặt ra nhằm xây dựng một chuẩn mực về đạo đức tư pháp có thể kể đến như: Hiến chương quốc tế về Thẩm phán (do Hiệp hội thẩm phán Quốc tế ban hành năm 1999), Các nguyên tắc cơ bản về sự độc lập của ngành Tòa án (do Liên Hợp quốc ban hành năm 1985), Dự thảo Bangalore về quy tắc ứng xử tư pháp (theo sáng kiến của Liên Hợp quốc và Tổ chức minh bạch quốc tế, 2001), Hiến chương châu Âu về quy chế đối với Thẩm phán (do Hội đồng châu Âu ban hành tại Strasbourg, 1998), khuyến nghị về tính độc lập, hiệu quả và vai trò của Thẩm phán (do Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu ban hành, 1994)...

Ở nước ta, chưa có định nghĩa chính thống về đạo đức tư pháp. Đạo đức tư pháp là một phạm trù xã hội, pháp lý và nghề nghiệp. Dù ở bất cứ phương diện nào thì đạo đức tư pháp nên được xem là một chuẩn mực trong ứng xử xã hội và nghề nghiệp của một công chức tư pháp. Với bản chất đó thì đạo đức tư pháp có hai đặc điểm chính: thứ nhất, đạo đức tư pháp gắn liền với hoạt động tư pháp của cá nhân; thứ hai, đạo đức tư pháp là chuẩn mực ứng xử của công chức tư pháp.

Ở Việt Nam, đề cập đến đạo đức tư pháp có thể kể đến: Luật cán bộ, công chức, Quyết định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành tòa án nhân dân, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp, Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư…

Nội dung cơ bản về đạo đức tư pháp bao gồm các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và ngoài nghề nghiệp, được thể hiện ở các nội dung sau:

Thứ nhất, sự liêm chính

Công chức tư pháp phải giữ gìn sự liêm chính của cơ quan, của bản thân và phải có trách nhiệm giữ gìn niềm tin của người dân vào cơ quan tư pháp. Điều này được nhắc nhiều trong các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Biểu hiện của sự liêm chính là công chức tư pháp không được có các hành vi nhũng nhiễu, tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp để trục lợi.

Thứ hai, sự độc lập

Tính độc lập có ý nghĩa quyết định đến nội dung của các quyết định tư pháp, hành vi tư pháp của công chức tư pháp, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì hoạt động tư pháp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, không chịu áp lực bởi bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào. Sự độc lập trong đạo đức tư pháp không chỉ gắn với công chức tư pháp mà còn là sự độc lập của cơ quan thực hiện các hoạt động tư pháp. Sự độc lập còn được bảo hộ bởi sự tôn trọng của các chủ thể khác trong xã hội đối với công chức tư pháp và các cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Thứ ba, sự khách quan

Các quyết định tố tụng, mà cao nhất là các bản án của Tòa án phải được dựa trên pháp luật và công lý. Công chức tư pháp phải thực sự khách quan khi thực thi nhiệm vụ. Khi thực hiện nhiệm vụ, công chức tư pháp phải tuyệt đối tuân theo các quy định của pháp luật, không thiên vị, không đánh giá sự vật, hiện tượng bằng nhận thức chủ quan.

Thứ tư, giao tiếp ứng xử

Công chức tư pháp phải cư xử một cách kiên nhẫn, cao quý và sẵn lòng giúp đỡ đối với các bên trong quan hệ tố tụng, không có sự thiên vị và những biểu hiện lệch lạc, thiếu công bằng.

Bên cạnh hoạt động giao tiếp, công chức tư pháp còn có trách nhiệm xây dựng, duy trì và phát triển kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Do vậy, công chức tư pháp phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

2. Thực trạng đạo đức tư pháp ở nước ta hiện nay

Ở Việt Nam, đội ngũ công chức tư pháp luôn có một vị trí pháp lý, chính trị quan trọng trong hệ thống chính trị. Công chức tư pháp đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu, trong đội ngũ công chức tư pháp vẫn còn một số công chức vi phạm pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào hệ thống cơ quan tư pháp. Ngoài sự vi phạm về các nguyên tắc nghề nghiệp, rất nhiều công chức tư pháp vi phạm đạo đức nghề nghiệp như bị khởi tố về hành vi hối lộ, “chạy án”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này đã xâm phạm đến sự liêm chính trong hoạt động tư pháp, xâm phạm đến tính độc lập, khách quan của các quyết định và hành vi tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan tư pháp.

Sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ cũng làm suy giảm về đạo đức tư pháp. Các bản án, quyết định của tòa án do áp dụng không đúng pháp luật, vi phạm thủ tục tố tụng làm cho kết quả giải quyết vụ án không khách quan, dẫn đến bản án phải bị hủy, sửa nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm tốn nhiều chi phí tố tụng cho xã hội và đương sự. Hoặc các chấp hành viên ra các quyết định trái pháp luật về đối tượng thi hành án, đối tượng phải thi hành án, thu tiền thi hành án nhưng không lập biên lai thu tiền, sử dụng vào mục đích cá nhân gây thiệt hại cho đương sự, làm cho bản án, quyết định của Tòa án không được thi hành trên thực tế. Bên cạnh những vi phạm về công tác chuyên môn, về nguyên tắc nghề nghiệp, công chức tư pháp còn để xảy ra những sai phạm liên quan đến đạo đức cá nhân, có những biểu hiện lệch lạc trong giao tiếp với nhân dân, gợi ý, đe dọa,… Sự thiếu minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến người dân, đến công luận cũng gây những hệ lụy nhất định đối với hoạt động tư pháp và công chức tư pháp.

Trước thực tế đó, việc đề ra các giải pháp nhằm giữ vững đạo đức tư pháp là đặc biệt cần thiết trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.

3. Một số quan điểm, nhận thức

Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau...”. Việc củng cố đạo đức tư pháp, tăng cường lòng tin của nhân dân vào pháp luật, vào công lý và vào hoạt động tư pháp thật sự cần thiết hiện nay. Việc tăng cường đạo đức tư pháp phải được nhận thức ở hai khía cạnh là “ràng buộc và tự do”.

Thứ nhất, sự ràng buộc. Đạo đức tư pháp chính là vòng tròn ràng buộc sự tự do của công chức tư pháp, gồm cả sự tự do trong các nguyên tắc nghề nghiệp và ngoài các nguyên tắc nghề nghiệp được ghi nhận bởi một văn bản pháp lý hoặc các giá trị truyền thống, đạo đức thông thường. Công chức tư pháp chỉ có thể thực hiện sự tự do của mình trong vòng tròn đó, bất kỳ sự vượt qua giới hạn nào đều phải bị xử lý nghiêm.

Thứ hai, sự tự do. Công chức tư pháp phải có toàn quyền quyết định đối với sự tự do của mình trong phạm vi đã được ngăn cách, điều này đồng nghĩa với việc hành vi của công chức tư pháp được pháp luật, nhà nước và xã hội bảo hộ một cách tuyệt đối, mọi sự xâm phạm đến hoạt động tư pháp, sự độc lập, khách quan của công chức tư pháp đều được xem là hành vi vi phạm pháp luật và phải được xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, công chức tư pháp còn được hưởng những chính sách đặc thù, phù hợp với tính chất và trách nhiệm công việc.

Để xây dựng một chuẩn mực đạo đức tư pháp chỉ cần thiết lập một danh mục những việc được làm và không được làm của công chức tư pháp và xem nó như một ranh giới mà công chức tư pháp không được phép xâm phạm thì coi như đã đạt yêu cầu, nhưng để giữ gìn và bảo vệ ranh giới đó mới là điều quan trọng và thực sự khó khăn. Tác giả xin đề xuất công thức để xây dựng, giữ gìn và bảo vệ đạo đức tư pháp bao gồm 4 yếu tố là: “lựa chọn, giới hạn, đảm bảo và thực thi”

Lựa chọn. Tư pháp là một ngành đặc thù, do đó người được tuyển dụng để trở thành công chức tư pháp phải là những người được lựa chọn kỹ càng, có năng lực cao về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, sự kiên định trong việc giữ vững tính liêm chính, độc lập, khách quan. Để làm được điều này, đỏi hỏi phải có một quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, qua nhiều bước, phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch và thực sự khách quan trong quá trình tuyển chọn.

Giới hạn. Người được lựa chọn trở thành công chức tư pháp sẽ được hưởng những lợi ích từ việc thực hiện nhiệm vụ được giao, được đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng hoàn thiện về trình độ, năng lực công tác. Công chức tư pháp phải cam kết không được vi phạm các nguyên tắc đạo đức tư pháp trong suốt quá trình công tác, kể cả trong công tác chuyên môn và trong quan hệ xã hội thường ngày. Bất kỳ sự vi phạm về đạo đức tư pháp, vi phạm các chuẩn mực xã hội, dẫn đến sự mất uy tín của công chức tư pháp thì người cán bộ đó phải rời khỏi cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Đảm bảo. Công chức tư pháp phải được đảm bảo trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, bao gồm sự đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Đảm bảo tất cả các cơ quan nhà nước khác phải có trách nhiệm phối hợp và nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu, đề nghị, quyết định của công chức tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản trước, trong và sau khi thực hiện các nhiệm vụ tư pháp. Đảm bảo không bị quyền lực áp đặt, chi phối, tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ của công chức tư pháp. Đảm bảo chế độ, chính sách, tiền lương, thăng tiến trong công tác nhằm phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ của công chức tư pháp.

Thực thi. Đạo đức tư pháp sẽ không được giữ vững nếu không có những cam kết cụ thể và thiết thực từ phía Nhà nước. Do đó, cần thiết phải có những chế tài mạnh mẽ và hiệu quả đối với những hành vi vi phạm đạo đức của bản thân công chức tư pháp và hành vi xâm phạm của các chủ thể khác đối với đạo đức của công chức tư pháp. Thực thi còn là việc các quyết định của cơ quan tư pháp, công chức tư pháp phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành và tôn trọng.

Để thực hiện được bốn yếu tố nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống tư pháp, nâng cao vai trò, vị trí của các cơ quan tư pháp trong hệ thống chính trị. Các tổ chức Đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để các cơ quan tư pháp thực sự là nơi bảo vệ pháp luật, bảo vệ công bằng, công lý cho toàn xã hội. Đặc biệt, cơ quan tư pháp phải là chủ thể đi đầu trong việc phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, là cơ quan chủ đạo thực hiện công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc. Xây dựng chế độ chính sách đặc thù, phù hợp đối với công việc và trách nhiệm của công chức tư pháp, tạo động lực, sức hút mạnh mẽ đối với công chức có tâm huyết với các cơ quan thực hiện các hoạt động tư pháp.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

 

ThS Phạm Hồng Phong
Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền