Trang chủ    Diễn đàn    Phải chăng Việt Nam nên chuyển hẳn sang con đường “dân tộc và dân chủ”
Thứ tư, 02 Tháng 3 2016 15:40
4253 Lượt xem

Phải chăng Việt Nam nên chuyển hẳn sang con đường “dân tộc và dân chủ”

(LLCT) - Thành tựu của công cuộc đổi mới là to lớn, có ý nghĩa lịch sử không ai có thể phủ nhận, mặc dù vậy trên con đường đó, Đảng, Nhà nước ta còn vấp phải không ít rào cản từ mọi phía. Kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH), dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng đang ra sức phát  huy những thành quả đã đạt được, đồng thời sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm, nhất là khuyết điểm, sai lầm vốn có từ thời kỳ quan liêu, bao cấp. Tàn tích, ảnh hưởng của những khuyết điểm, hạn chế thời kỳ trước đổi mới đã và đang được khắc phục nhằm bảo đảm định hướng XHCN, xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Trong quá trình dân chủ hóa, công khai hóa, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng, tiếp thu vì mục tiêu, lợi ích tối cao của dân tộc. Tuy nhiên, không ít kẻ “mượn danh” góp ý cho Đảng, có lúc họ công khai phản bác đường lối cách mạng của Đảng, cho rằng đó là đường lối sai lầm, có lúc lại “đổi giọng” sang “kiến nghị với Đảng” phải điều chỉnh, hay chuyển hướng cách mạng cho phù hợp với thời đại (!).

Một trong những luận điệu đó là: Việt Nam ngày nay phải chuyển hẳn sang con đường dân tộc và dân chủ (!).

Những người nêu luận điệu đó muốn gì? Phải chăng họ đã và đang tìm cách phủ nhận con đường tất yếu, mang tính nguyên tắc của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội?Con đường độc lập và dân chủ mà họ nêu ra thực chất là con đường gì? “Chuyển hẳn sang con đường dân tộc và dân chủ” vì mục đích, ý đồ gì? 

Xin được góp phần vạch rõ.

Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo đến nay luôn luôn kiên định với con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Với ngọn cờ đó dẫn dắt, cách mạng Việt Nam hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả nước đi lên CNXH.

Tuân thủ các yêu cầu và nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc và dân chủ luôn luôn được Đảng, nhân dân ta tôn trọng, giữ gìn và phát huy giá trị vốn có... Sau khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn dưới ách cai trị của chủ nghĩa thực dân mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương làm 2 nhiệm vụ cách mạng ở 2 miền: miền Bắc tiến hành cách mạng XHCN tạo ra sức mạnh của hậu phương lớn, chỗ dựa, niềm tin của cả nước, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến hành đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược và  tay sai. Tư tưởng Hồ Chí Minh về 2 nhiệm vụ chiến lược đã soi đường cho cách mạng Việt Nam thắng lợi, bạn bè năm châu hết lòng ngợi ca, coi đó là tư tưởng “chưa có trong tiền lệ” trong cách mạng thế giới.

Hồ Chí Minh trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, chính nhờ trước hết ở việc Người đã xác định đúng con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc, khủng hoảng về đường lối lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).

Bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới ánh sáng của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(2). Người còn chỉ ra tính tất yếu của con đường cách mạng XHCN đối với các dân tộc: “Con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa của các dân tộc là con đường chung của thời đại, của lịch sử, không ai ngăn cản nổi”(3).

Con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng đắn, phù hợp hoàn toàn với nhu cầu, nguyện vọng của toàn thể quốc dân Việt Nam.

Nhất quán với nhận thức đó, kiên định với con đường đã chọn, Hồ Chí Minh đã khai mở nền độc lập cho dân tộc, đưa tới quyền dân chủ cho nhân dân... Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòađã thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân về thể chế chính trị - dân chủ nhân dân ở nước ta.

Độc lập cho dân tộc, dân chủ cho nhân dân, đó là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối, để bảo đảm giữ gìn và phát  huy độc lập, dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập dân tộc, dân chủ gắn bó thiết thực với CNXH.

Lôgíc phát triển của con đường cách mạng Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của toàn thể quốc dân Việt Nam! Độc lập dân tộc, dân chủ cho nhân dân luôn luôn là mục tiêu và động lực để phát triển đất nước từ khi có Đảng Cộng sản ra đời đến nay. Đó là một thực tế hiển nhiên không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận. Vậy mà ai đó còn đòi hỏi phải “chuyển hẳn sang con đường dân tộc và dân chủ”? Phải chăng họ mơ hồ về chính trị? Hay cố phớt lờ một thực tế hiển nhiên là dân tộc, dân chủ luôn luôn được tôn trọng ở Việt Nam, luôn luôn là điều kiện, tiền để để xây dựng thành công CNXH?

Con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ dẫn dắt dân tộc đã đi, đang đi bao hàm trong đó nguyên tắc gắn bó hữu cơ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội!

Xin hỏi tác giả của luận điểm sai trái đó: cách mạng dân tộc là gì? Dân chủ là dân chủ nào? Phải rạch ròi chính kiến không thể úp mở, mơ hồ gây nghi ngờ, hoang mang cho người kém hiểu biết!

Cách mạng dân tộc ở Việt Nam bao hàm cả giải quyết vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam: vấn đề dân tộc - trước hết là dân tộc - quốc gia: phải giành lấy, giữ gìn bền lâu độc lập, chủ quyền lãnh thổ, trong mọi hoàn cảnh, là đoàn kết toàn dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là quan hệ đối ngoại, chính sách đối ngoại mà Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng, thực hiện với nguyên tắc: hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi và không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nhau.  Lôgíc của cách mạng dân tộc đòi hỏi phải gắn với thể chế chính trị để bảo đảm định hướng độc lập dân tộc, dân chủ lâu bền - thể chế đó chỉ có được trong xã hội XHCN. Vấn đề dân tộc, cách mạng dân tộc ở Việt Nam phải luôn luôn tuân thủ mục tiêu mang tính nguyên tắc: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. CNXH là xã hội bảo đảm đúng đắn nhất, chắc chắn nhất, bền vững nhất độc lập dân tộc, tài sản mà cha ông ta đã tốn bao máu xương để giành được. Không những thế, vấn đề dân tộc còn được giải quyết ở Việt Nam theo các nội dung cụ thể, thiết thực, bao hàm cả việc giải quyết các quan hệ tộc người trong quốc gia đa tộc. Công cuộc đổi mới đã cho Đảng ta có được quan điểm đúng đắn về vấn đề dân tộc theo nghĩa đó. Văn kiện Đảng đã khẳng định: Vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc - tộc người luôn luôn có ý nghĩa chiến lược lâu dài, đồng thời còn là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam.

Trong cách mạng dân tộc bao hàm cả nội dung dân chủ. Đó cũng là điều hiển nhiên vì cách mạng Việt Nam ở giai đoạn 1 là cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân với mục tiêu giành độc lập, giành dân chủ cho nhân dân...

Dân chủ nhân dân ở Việt Nam chỉ là bước đầu “làm quen”, “tập dượt dân chủ”. Đó là một thực tế. Đảng và Nhà nước ta muốn dân chủ hóa thật sự, xây dựng một nền dân chủ toàn diện, dân chủ cho đa số, dân chủ triệt để! Đó không phải là cái gì khác ngoài nền dân chủ XHCN! Để dân chủ  hóa thật sự, phải nâng tầm văn hóa dân chủ cho nhân dân: từ dân chủ nhân dân, lên dân chủ XHCN. Một nền dân chủ có bản chất ưu việt, tiến bộ, nhân đạo, nhân văn, được xây dựng, hoàn thiện để vượt qua dân chủ tư sản, gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản. Lôgíc của phát triển dân chủ với tư cách là quá trình phát triển của thể chế chính trị Việt Nam là như vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi dân chủ có tầm quan trọng đặc biệt để phát triển đất nước. Dân chủ được Người coi là chìa khóa vạn năng để mở đường cho phát triển. Hiện nay ở Việt Nam, quá trình dân chủ hóa đã và đang được thể chế hóa, được bảo hộ bằng pháp luật...

Vậy vì sao lại phải chuyển hướng cách mạng sang dân tộc dân chủ? Phải chăng đó chỉ là một luận điệu sáo rỗng, vừa mang tính mị dân vừa cao giọng “thời thượng” để phủ nhận con đường mà Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã lựa chọn: Dân tộc gắn liền với độc lập dân tộc. Dân chủ gắn liền với dân chủ XHCN.

Bản thân dân tộc là vấn đề lớn mà bất cứ quốc gia nào cũng đòi hỏi phải giải quyết: đó là quan hệ giữa giai cấp - dân tộc - quốc tế. Con đường của cách mạng dân tộc Việt Nam đã đi, đang đi, luôn luôn đòi hỏi giải quyết hài hòa quan hệ đó, không cực đoan, không thiên lệch. Chủ nghĩa dân tộc - theo Hồ Chí Minh là một động lực của cách mạng trong điều kiện của dân tộc thuộc địa, dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa dân tộc chân chính phải thống nhất hài hòa với lợi ích của giai cấp công nhân, dân tộc và quốc tế.

Dân tộc độc lập, dân sinh hạnh phúc, dân quyền bảo đảm, đòi hỏi phải gắn mục tiêu độc lập dân tộc với CNXH, đạt tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dân chủ trong xã hội đương đại chỉ có thể là một trong hai thể chế: hoặc dân chủ XHCN hoặc dân chủ tư sản - không có dân chủ chung chung, trừu tượng nào cả.

Cái luận điệu mà những ai đó “kiến nghị”, “đề xuất” đòi cách mạng Việt Nam phải chuyển sang dân tộc và dân chủ phải chăng chỉ với ý đồ đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan? và dân chủ tư sản, dân chủ theo kiểu phương Tây?

Thực chất, ý đồ thâm độc, xảo trá của họ là ở đấy.

Hiện nay trên thế giới, vấn đề dân tộc, lợi ích dân tộc, dân chủ và dân chủ hóa đang trở thành vấn đề thời sự. Mỗi thể chế chính trị đều có quan điểm giải quyết vấn đề theo nhãn quan, lập trường của giai cấp thống trị, không thể khác!

Với dân tộc Việt Nam, con đường dân tộc, dân chủ luôn luôn đòi hỏi phải tuân theo định hướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quá trình đổi mới đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đổi mới tư duy đã giúp Đảng ta nhận thức đúng hơn, đầy đủ hơn về dân chủ và dân chủ XHCN. Đây là một nền dân chủ tiến bộ, ưu việt, phải được xây dựng, vun đắp và phải được thể chế hóa thành pháp luật, được thực thi, bảo hộ bằng pháp luật. Dân chủ XHCN ở Việt Nam, theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân là chủ, dân làm chủ.

Đảng và nhân dân ta luôn luôn coi độc lập dân tộc, dân chủ là giá trị, là nhu cầu, là thước đo của chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng, bảo vệ.

Đảng ta từng chỉ rõ: “Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc trong mục tiêu chung là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(4).

Trong các đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng có tới hai đặc trưng gắn liền với dân chủ và vai trò nhân dân làm chủ: Đặc trưng thứ nhất thể hiện mục đích bao trùm của công cuộc xây dựng Việt Nam là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc trưng kế tiếp thể hiện bản chất của chế độ chính trị ở Việt Nam là: do nhân dân làm chủ. Cũng tương tự, có tới 2 đặc trưng liên quan đến dân tộc ở cả phương diện đối nội, đối ngoại: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển và có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới(5).

Định hướng XHCN ở Việt Nam đã bao hàm đầy đủ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Dân chủ XHCN phản ánh bản chất ưu việt của chế độ, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đất nước. Vậy hà cớ gì còn phải chuyển đường, chuyển hướng? Ai đó muốn phủ nhận con đường cách mạng của cả dân tộc Việt Nam đang đi dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đã bộc lộ ý đồ xấu xa, nham hiểm hòng lợi dụng những yếu kém của chúng ta còn vấp phải trên con đường dân chủ hóa, nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ sự đồng thuận giữa dân với Đảng.

Độc lập dân tộc, dân chủ gắn liền với CNXH. Điều đó phản ánh nguyện vọng, mong muốn của toàn thể quốc dân Việt Nam. Tại Chương 1, Chế độ chính trịcủa Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013đã ghi 3 điều về những nội dung trên:

Điều 1: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, biển đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 2:

1/ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2/ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3/ Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Điều 3: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Con đường cách mạng mà dân tộc Việt Nam đang đi hoàn toàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh. Đó cũng chính là nguyện vọng, nhu cầu lợi ích của toàn thể nhân dân Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

Xin nhắc lại luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cảnh tỉnh những ai còn mơ hồ kêu gọi Việt Nam chuyển hướng, chuyển đường: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”(6).

Con đường cách mạng Việt Nam đã đi, đang đi là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với nhu cầu, lợi ích mong đợi của toàn thể quốc dân Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2015

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.

(2) Sđd, t.15, tr.392.

(3), (6) Sđd, t.11, tr.19, 158.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.635.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

 

PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Ma Phúc Dự

Tỉnh đoàn Tuyên Quang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền