Trang chủ    Diễn đàn    Bàn về vấn đề hợp nhất cơ quan kiểm tra và thanh tra
Thứ tư, 02 Tháng 3 2016 15:35
5470 Lượt xem

Bàn về vấn đề hợp nhất cơ quan kiểm tra và thanh tra

(LLCT) - Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đường lối, chủ trương của Đảng được thể chế hoá bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước, nhưng không bao biện, làm thay công việc của Nhà nước. Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống tổ chức riêng, hoạt động tương đối độc lập với hệ thống tổ chức của Đảng. Điều này dẫn tới hiện tượng song trùng tổ chức bộ máy có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau, như cơ quan Tổ chức của Đảng với cơ quan Nội vụ của chính quyền, Tuyên giáo với Thông tin truyền thông, Kiểm tra với Thanh tra. Từ thực tế đó, nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng với công tác thanh tra sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo, giải quyết vụ việc không kịp thời.

Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến bàn về việc sáp nhập những cơ quan của Đảng với những cơ quan của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau, nhất là khi tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ chuẩn bị Đề án về việc sáp nhập thí điểm các cơ quan này. Đây là vấn đề lớn, nên trong bài viết, tác giả chỉ bàn về vấn đề sáp nhập cơ quan Kiểm tra của Đảng với Thanh tra Nhà nước.

Thực hiện thí điểm Đề án sáp nhập cơ quan Kiểm tra của Đảng với Thanh tra Nhà nước, có hai loại ý kiến là: (1) ủng hộ sáp nhập và (2) không ủng hộ sáp nhập, nên giữ nguyên như hiện nay.

1. Ý kiến không ủng hộ sáp nhập dựa trên các lý do sau:

Thứ nhất,về mặt phạm vi hoạt động, thanh tra có đối tượng rộng hơn kiểm tra của Đảng (bao gồm các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, người ngoài đảng công tác trong các cơ quan, tổ chức). Thanh tra bao hàm kiểm tra nếu hiểu kiểm tra theo nghĩa hẹp, nhưng ngược lại, kiểm tra lại bao hàm thanh tra nếu hiểu theo nghĩa rộng.

Thứ hai, thanh tra thực thi nhiệm vụ dựa trên các quy định của pháp luật, kiểm tra thì dựa vào quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Nói cách khác, thanh tra mang tính nhà nước, còn kiểm tra có thể mang tính nhà nước hoặc phi nhà nước (kiểm tra của Đảng hay các tổ chức chính trị - xã hội).

Thứ ba, thanh tra và kiểm tra có hình thức, phương pháp tiến hành khác nhau. Kiểm tra đảng được thực hiện bằng các phương pháp sau: Dựa vào tổ chức đảng; Phát huy tính tự giác, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; Phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; Làm tốt công tác thẩm tra, xác minh; Kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra của Chính phủ, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra của các tổ chức chính trị - xã hội và phối hợp với các ban, ngành có liên quan.

Hình thức tiến hành của kiểm tra, gồm có kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất.

Hình thức tiến hành của Thanh tra nhà nước, gồm thanh tra theo diện hoặc theo điểm, định kỳ hoặc đột xuất.

Thanh tra theo diện là tiến hành thanh tra nhiều cơ quan, đơn vị trên cùng một địa bàn (một quận, một tỉnh) hoặc trên một khu vực (nhiều tỉnh hoặc cả nước) về cùng một nội dung.

Thanh tra theo điểm là tiến hành thanh tra từng cơ sở với những nội dung, mục đích khác nhau.

Thanh tra có thể định kỳ hoặc đột xuất. Tùy thuộc tính chất hoạt động của cơ sở, của dấu hiệu vi phạm mà thanh tra định kỳ (một năm một lần). Thanh tra đột xuất để xác định sự tuân thủ các quy định của pháp luật của cơ sở hoặc khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm, hoặc do yêu cầu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. 

Thứ tư, khác nhau về chủ thể của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Chủ thể thanh tra là tổ chức thanh tra chuyên nghiệp của Nhà nước theo quy định của Luật Thanh tra; ngoài ra trong những trường hợp cần thiết, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước có quyền ban hành quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra. Chủ thể thanh tra là Nhà nước, hoạt động thanh tra mang tính quyền lực nhà nước. Đối tượng của công tác thanh tra nhà nước là công dân và tổ chức chính quyền, tổ chức kinh tế của Nhà nước. Còn công tác kiểm tra của Đảng thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, chủ thể của hoạt động kiểm tra đảng là Đảng, cụ thể là các tổ chức đảng. Đối tượng kiểm tra là đảng viên và tổ chức đảng.

Thứ năm, Ủy ban kiểm tra được Ban Chấp hành cùng cấp bầu, làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Thanh tra là cơ quan do thủ trưởng cơ quan hành chính bổ nhiệm, thủ trưởng cơ quan hành chính cũng chịu sự kiểm tra của Ủy ban kiểm tra cùng cấp; đồng thời nếu là Chánh thanh tra tỉnh, Chánh thanh tra huyện còn là Ủy viên kiêm chức của Ủy ban kiểm tra cùng cấp.

Thứ sáu, chương trình, kế hoạch kiểm tra do Thường vụ cấp ủy quyết định, còn chương trình, kế hoạch thanh tra do thủ trưởng cơ quan hành chính, cấp hành chính quyết định.

2. Ý kiến ủng hộ việc sáp nhập dựa trên cơ sở lý luận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhằm làm tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý.

Khi đánh giá về bộ máy nhà nước Xôviết sau 5 năm hoạt động, V.I.Lênin đã phát hiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo trong hoạt động, Người đã suy nghĩ, vạch kế hoạch cải tiến bộ máy nhà nước Xôviết và các cơ quan đảng theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”: “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”(1). Đánh giá về Bộ Dân ủy thanh tra công nông, V.I.Lênin chỉ rõ: “Chúng ta cứ nói thẳng, Bộ Dân ủy thanh tra công nông hiện không có một chút uy tín nào cả”(2).V.I.Lênin đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền Xôviết? Như vậy, có phải là không có cái gì không thể dung nạp được hay sao?” và Người khẳng định: “tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế?”(3), “tại sao, đối với một cơ quan có tầm quan trọng như thế, và ngoài ra, còn đòi hỏi một sự linh hoạt phi thường trong những hình thức hoạt động của nó nữa,  tại sao, đối với cơ quan ấy, lại không thừa nhận là có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền?”(4).

V.I.Lênin cho rằng, việc hợp nhất hai cơ quan đó sẽ có ích cho cả hai. Một mặt, Bộ Dân uỷ thanh tra công nông sẽ vì thế mà có được một uy tín rất cao; mặt khác, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cùng với Ban Kiểm tra Trung ương sẽ hoàn toàn trở thành một hội nghị tối cao của Đảng. Mục tiêu của việc sáp nhập chính là: “chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái tuyệt đối không cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”(5).

Trong tổ chức bộ máy nhà nước Xôviết đã từng có mô hình kết hợp hai loại cơ quan này: “trong một bộ máy dân ủy như Bộ Dân ủy ngoại giao, việc kết hợp như thế thật là vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới thành lập? Phải chăng là Bộ Chính trị đã không thảo luận, trên quan điểm của Đảng nhiều vấn đề, lớn và nhỏ, về những “nước cờ” mà chúng ta đang dùng để chống lại những “nước cờ” của các nước ngoài nhằm đề phòng, chẳng hạn - nói cho có lễ độ - một mưu kế nào đó của họ? Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta?”(6).

Ở Việt Nam, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, có nhiệm vụ giám sát tất cả công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa II (tháng 3-1951), Trung ương phân công Ban Kiểm tra gồm 3 đồng chí: Lương, Mậu, Trân(7) và một số cán sự giúp việc. “Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng ban Kiểm tra của Trung ương Đảng được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ(8). Sau đó, theo Sắc lệnh số 263 - SL ngày 25-4-1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ.

Như vậy có thể thấy rằng, bộ máy nhà nước của Việt Nam cho dù cơ quan Thanh tra Nhà nước và Kiểm tra Đảng được thành lập và hoạt động độc lập nhưng có nhiều thời kỳ vẫn do một người đứng đầu.

Về thực tiễn, có thể thấy rằng hai cơ quan này ngoài những khác biệt như trên đã nêu thì đều có chung chủ thể, đối tượng (là các tổ chức đảng và đảng viên giữ vai trò lãnh đạo kiểm tra, thanh tra), đều chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cùng cấp. Nếu sáp nhập sẽ giúp cho các hoạt động được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà. Việc sáp nhập còn tránh được tình trạng cùng một vụ việc nhưng kết luận của thanh tra và kiểm tra lại khác nhau, như vụ việc của tập đoàn Vinashin...

Theo chúng tôi, sáp nhập cơ quan kiểm tra và thanh tra là hợp lý. Những khác biệt giữa hai cơ quan có thể khắc phục được. Mục đích là nhằm tăng cường một cách mạnh mẽ công tác chống quan liêu, tham nhũng, sự trì trệ trong bộ máy đảng và nhà nước. Nó cũng thể hiện sự cầm quyền thực sự của Đảng, nghĩa là Đảng sử dụng bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và thanh tra.

Khi sáp nhập thì mô hình tổ chức có thể thực hiện theo các định hướng như sau:

- Ở cấp Trung ương khi sáp nhập Thanh tra Chính phủ với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì vẫn duy trì hai chức năng là thanh tra và kiểm tra. Đồng chí Tổng Thanh tra là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Như vậy, hoạt động sẽ có hiệu quả hơn, công tác thanh tra sẽ gắn liền với công tác kiểm tra của uỷ ban kiểm tra các cấp.

- Tổ chức đảng cấp trên cần trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan này để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; chấn chỉnh và giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Cần quy định chế độ “kiểm tra, giám sát chéo” nghĩa là cử cán bộ kiểm tra theo dõi bộ phận thanh tra để thực hiện chức năng giám sát thường xuyên nhằm ngăn chặn và phòng ngừa các sai phạm của các cơ quan thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

- Sau khi thanh tra, phát hiện và xử lý các vi phạm, uỷ ban kiểm tra có căn cứ để xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm ngay sau kết luận của thanh tra, khắc phục tình trạng đảng viên là cán bộ vi phạm trong quản lý nhà nước nhưng không bị kỷ luật về đảng; tránh được sự chồng chéo, trùng lặp vì phần lớn các vị trí chủ chốt trong cơ quan nhà nước đều do cán bộ, đảng viên nắm giữ.

- Khi tiếp nhận đơn tố cáo, khiếu nại của công dân và đảng viên thì bộ phận thanh tra cần chủ động chuyển, thông báo cho kiểm tra xem xét, xử lý theo thẩm quyền; đối với bộ phận kiểm tra khi nhận được đơn tố cáo về kinh  tế, xã hội không thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý thì kịp thời chuyển sang bộ phận tranh tra xem xét, giải quyết.

- Khắc phục tình trạng cồng kềnh, quan liêu hóa của bộ máy nhà nước.

Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và kỷ luật đảng càng có vai trò quan trọng, là một trong những biện pháp cấp bách để củng cố, nâng cao vai trò và sức chiến đấu của Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đề ra. Việc sáp nhập cơ quan thanh tra và kiểm tra là rất cấp thiết. Tuy nhiên, cần có những bước đi thận trọng, chắc chắn, nhất là trong thời điểm chúng ta đang tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2015

(1), (2), (3), (4), (5), (6) V.I.Lênin: Toàn tập,  t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.443, 446, 452, 453, 459, 452.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, tháng 3-1951, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.521.

(8) Ủy ban Kiểm tra Trung ương: 60 năm truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.49.

 

TS Lê Văn Cường

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền