Trang chủ    Diễn đàn    Về lực lượng sản xuất hiện đại
Thứ hai, 01 Tháng 2 2016 11:11
11610 Lượt xem

Về lực lượng sản xuất hiện đại

(LLCT) - Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội mà thước đo là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX) ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Với tư cách là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên trong quá trình sản xuất vật chất, LLSX thường xuyên vận động và phát triển. Ngày nay, trước tác động của khoa học, công nghệ hiện đại, LLSX không ngừng phát triển với những diện mạo mới. Do đó, quan niệm về LLSX cũng có nhiều thay đổi.

Kể từ khi xuất hiện đến nay, khoa học luôn đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của sản xuất, cải biến đời sống xã hội loài người. Sự phát triển của nó cũng đã tạo nên những cuộc cách mạng trong lịch sử. Ngày nay, những thành tựu to lớn của khoa học, công nghệ hiện đại là nhân tố quyết định tạo nên sự phát triển của LLSX hiện đại.

Khi phân tích đến các yếu tố cấu thành của LLSX, C.Mác không chỉ chỉ ra hai yếu tố cơ bản cấu thành là tư liệu sản xuất và người lao động mà còn khẳng định: Khi khoa học phát triển đến một mức độ nhất định nào đó sẽ trở thành LLSXtrực tiếp. Theo quan điểm của C.Mác, sự phát triển của LLSXlà do khoa học đóng một vai trò to lớn. C.Mác đã tiên đoán: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến (wissen knowledge) đã chuyển hóa đến mức độ nào đó thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến một mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức mà cả như là những cơ quan thực hành xã hội trực tiếp, những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực”(1). Theo luận điểm trên, tri thức khoa học đã làm cho tư bản cố định như: nhà máy, máy móc được dùng trong sản xuất chuyển hóa đến một mức độ nhất định nào đó thì trở thành LLSXtrực tiếp. Điều đó có nghĩa là, tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành máy móc, thành công cụ sản xuất của con người và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất. Do đó, nó trở thành LLSX trực tiếp.

Điều kiện để tri thức khoa học trở thành LLSX trực tiếp được Mác khẳng định như sau: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích(2).

Ngày nay,khoa học, công nghệ được coi là LLSX trực tiếp, là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định sự phát triển của kinh tế - xã hội. Lâu nay, người ta hiểu khoa học là LLSX trực tiếp với nghĩa là khoa học tham gia vào quá trình sản xuất bằng việc tạo ra công nghệ, đề ra và xây dựng phương pháp tổ chức và quản lý để phát triển LLSX, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của sản xuất. Ngày nay, trong kinh tế tri thức, khoa học trở thành LLSX trực tiếp còn với nghĩa là khoa học đã có thể trực tiếp làm ra sản phẩm khoa học và là một trong những thành tố cấu thành không thể thiếu của LLSX hiện đại.Ở nhiều nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển,do nhu cầu khách quan mà đã xuất hiện các “công viên khoa học”, “thành phố khoa học”, các “khu công nghệ cao”... nhằm tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để khoa học, công nghệ và cơ sở sản xuất gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một “cơ thể” thống nhất. Chính ở đây có thể coi phòng thí nghiệm cũng chính là nhà máy, công ty, xí nghiệp; nhà khoa học đồng thời là người sản xuất kinh doanh. Tại đây, người ta có thể vừa nghiên cứu, thí nghiệm đồng thời sản xuất đại trà các sản phẩm và được lưu thông ngay trên thị trường; không phân biệt đâu là sản phẩm của phòng thí nghiệm, đâu là sản phẩm của cơ sở sản xuất. Đây cũng là nơi hội tụ nhữngđiều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để “nhất thể hoá” quá trình nghiên cứu thực nghiệm khoa học, triển khai công nghệ và sản xuất. Nhờ thế mà các ý tưởng khoa học nhanh chóng trở thành công nghệ, tạo ra sản phẩm, thu hút lực lượng lao động có trình độ tri thức và công nghệ cao thông qua hoạt động quản lý hiện đại mà tăng cường LLSX.

Khoa học phát triển mạnh mẽ đến một mức độ nhất định sẽ trở thành LLSX trực tiếp là một tiên đoán mang tính khoa họccủa C.Mác, dựa trên việc nghiên cứu quy luật phát triển tất yếu của xã hội nói chung và sự phát triển của LLSX nói riêngvà đang dần trở thành hiện thực.

Đầu thế kỷ XX, thế giới chứng kiến bước phát triển nhảy vọt chưa từng có của khoa học, kỹ thuật. Xu thế ấy ngày càng mạnh mẽ hơn với tốc độ nhanh hơn. Điều đó đã tạo ra cuộc đổi mới sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là một động lực to lớn đối với kỹ thuật và công nghệ cũng như đối với các ngành khoa học. Bản chất cách mạng của sự phát triển đó sẽ “thúc đẩy khoa học tiến lên hơn mười trường đại học”(3).

Xem xét tiến trình phát triển của khoa học, người ta thấy rằng mở đầu cho cuộc cách mạng khoa học ở đầu thế kỷ XX là ngành vật lý với sự ra đời của Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử. Người có công lớn nhất trong việc xây dựng hai học thuyết này là A.Anh-xtanh. Đến giữa thế kỷ XX bắt đầu cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại với sản phẩm điển hình là máy tính điện tử (còn gọi là máy điện toán - computer). Chính nhờ cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại này mà công nghệ đã có bước nhảy vọt,làm thay đổi về chất nền công nghiệp và từ đó làm đảo lộn mọi lĩnh vực của sản xuất và đời sống xã hội.

Từ thời kỳ này, xuất hiện thuật ngữ Công nghệ cao (high technology). Bên cạnh thuật ngữ công nghệ cao, người ta còn dùng các thuật ngữ công nghệ mới; công nghệ tiên tiến; công nghệ hiện đại, nhưng thuật ngữ công nghệ cao được sử dụng rộng rãi hơn cả. Hệ thống công nghệ cao gồm 8 ngành công nghệ cao cơ bản là: Công nghệ thông tin (hay còn gọi là công nghệ thông tin và truyền thông); Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu tiên tiến -công nghệ vật liệu nanô; Công nghệ năng lượng mới; Công nghệ bảo vệ môi trường; Công nghệ biển và hải dương; Công nghệ hàng không - vũ trụ và Công nghệ quản lý. Ngoài ra còn có hàng loạt các công nghệ chuyên ngành. Hệ thống công nghệ cao chính là cốt lõi của LLSX mới trong nền sản xuất hiện đại(4).

Công nghệ cao ra đời dựa trên thành tựu khoa học mới với hàm lượng tri thức, hàm lượng khoa học và sáng tạo cao,đã xóa nhòa dần ranh giới giữa “khoa học” và “công nghệ”, đã rút ngắn quá trình từ phát minh khoa học đến việc áp dụng những phát minh đó vào trong sản xuất và đời sống. Chu trình “Khoa học - Công nghệ - Sản xuất” được gắn kết chặt chẽ nên đã chuyển nhanh chóng tri thức khoa học vào đời sống xã hội. Trên nhiều lĩnh vực, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Cùng với sự xuất hiện hệ thống công nghệ cao, đã hình thành LLSX mới với những biểu hiện đặc trưng của nó là:

Một là, khoa học đã trở thành LLSX trực tiếp. Nếu trước đây C.Mác đã từng chỉ ra rằng tất cả công cụ lao động (như máy móc, đường sắt, điện báo, máy sợi con rọc di động,v.v..) đều là sản phẩm lao động của con người, do “bàn tay con người tạo ra” nên đều là “sức mạnh vật hoá của tri thức... và C.Mác “coi khoa học trước hết như cái đòn bẩy mạnh mẽ của lịch sử, như một lực lượng cách mạng”(5)thì đến trình độ phát triển của nền sản xuất hiện nay, tri thức khoa học đã trở thành LLSX trực tiếp. Có thể nhận biết được đặc điểm này của LLSXmới qua những biểu hiện thực tế của nó. Thí dụ: số lượng nhân lực khoa học tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất được gọi là “công nhân cổ trắng” chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội hơn hẳn “công nhân cổ xanh” (là số công nhân chủ yếu sử dụng sức lực cơ bắp và thực hiện một số thao tác máy móc trong khi lao động). Những “công nhân cổ trắng” đó còn có tên gọi thực chất hơn là công nhân tri thức. Thông qua họ,cùng với những công cụ sản xuất hiện đại (vật hóa của tri thức), tri thức khoa học đã trực tiếp đi vào dòng sản xuất.

Ngày nay rất khó phân biệt hệ thống thiết bị khoa học, các phòng thí nghiệm (còn gọi labo) với hệ thống máy móc của dây chuyền sản xuất và các xí nghiệp sản xuất công nghệ cao. Thậm chí, các máy móc khoa học hiện đạinhất cũng được đưa ngay vào ứng dụng thực tế gần như ở dạng nguyên mẫu. Từ thời gian tạo ra sản phẩm ở phòng thí nghiệm đến thời gian tạo ra sản phẩm đem ra thị trường được rút ngắn chưa từng thấy. Doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu tích hợp với nhau ngày càng chặt chẽ. Hơn nữa, khoa học trong LLSX mới không chỉ là khoa học công nghệ mà còn cả khoa học xã hội, những tri thức về kinh tế học, khoa học quản lý, tài chính - ngân hàng, quảng cáo - tiếp thị, tâm lý học, mỹ học, ngôn ngữ học... ngày càng trở thành yếu tố quan trọng của LLSX mới(6).

Hai là, tri thức khoa học làm thay đổi mạnh mẽ trình độ của LLSXhiện đại. Việc phát huy, khai thác kho tri thức sẵn có và việc sản sinh ra tri thức mới càng hiệu quả và nhanh bao nhiêu thì nền kinh tế tăng trưởng càng nhanh bấy nhiêu. LLSXmới không chỉ có mặt ở trong các ngành sản xuất mới xuất hiện mà nó còn lan toả, cải tạo, đổi mới các ngành sản xuất cũ của nền kinh tế. LLSXmới tất yếu sẽ thay thế LLSXcũ qua sự phủ định biện chứng.

Ba là, do tri thức khoa học mang tính toàn cầu nên LLSXhiện đại - dựa trên tri thức khoa học - mang tính toàn cầu hoá. Nhờ sự phát triển mạnh của Internet, khoa học nói riêng và tri thức nói chung được phổ biến nhanh chóng, hầu như tức thời (online) với nhiều sự kiện khoa học trên toàn thế giới. Dòng tri thức, dòng công nghệ cùng với dòng vốn được lưu thông với tốc độ chưa từng có trên toàn thế giới. Người ta có thể sản xuất từng bộ phận cấu thành của một sản phẩm ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó lắp ráp và lưu thông ở nhiều nơi trên thế giới, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Bốn là, vốn người là vốn quan trọng trong LLSXhiện đại. Vốn người không chỉ bao gồm tri thức khoa học (còn gọi là tri thức hiện có thể điển hoá, mã hoá và truyền bá trên mạng máy tính) mà còn tri thức dân gian do mỗi người tích luỹ trong cuộc sống mà có (còn gọi là tri thức ẩn như: bí quyết, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm lâu năm, tay nghề thành thạo...). Trong kinh tế thị trường, khi thực hiện quá trình chu chuyển thì vốn người chuyển thành tư bản, nên còn gọi là tư bản con người. Ngay từ thế kỷ XIX,C.Mác đã chỉ ra: “Bồi dưỡng tất cả những phẩm chất của con người mang tính xã hội và sự sản xuất ra con người, với tư cách là con người, có những phẩm chất và những mối liên hệ, và do đó, có những nhu cầu hết sức phong phú, sự sản xuất ra con người với tư cách là sản phẩm mang tính chất chính thể nhất và vạn năng nhất của xã hội (bởi vì muốn sử dụng được nhiều vật dụng, con người phải có năng lực sử dụng chúng nghĩa là con người phải trở thành con người hết sức có văn hoá), đó cũng là những điều kiện của một nền sản xuất dựa trên tư bản”(7).

Năm là, LLSX hiện đại tạo ra mối liên hệ bền vững giữa con người với tự nhiên. Trong mỗi đơn vị sản phẩm hiện nay,hàm lượng tri thức tăng lên, hàm lượng vật liệu và năng lượng giảm đi, do đó tác động của khí phát thải trong sản xuất năng lượng sẽ ít đi, làm giảm nguy cơ gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc sử dụng công nghệ cao làm cho lượng chất thải của sản xuất giảm mạnh, làm giảm tốc độ cạn kiệt tài nguyên, hơn nữa còn tiến tới triệt để tái chế chất thải, hướng tới nền sản xuất ít hoặc không có chất thải. Việc áp dụng các thành tựu mới của công nghệ sinh học sẽ hạn chế dùng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu hoá chất, do đó làm giảm ô nhiễm nguồn nước và suy thoái đất nông nghiệp, bảo tồn được đa dạng sinh học, giữ được cân bằng các hệ sinh thái...(8)

Như vậy, có thể hiểu, LLSXhiện đại chính là LLSX dựa trên hệ thống công nghệ mới được đặc trưng bằng năng suất rất cao, hiệu quả lớn, ngày càng ít gây tổn hại đến môi trường sinh thái, tiêu hao ngày càng ít năng lượng và vật liệu cho một sản phẩm, đồng thời hàm lượng tri thức trong mỗi sản phẩm chiếm tỷ lệ ngày càng cao.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.46, phần II, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội,tr.372.

(2) Sđd,C.Mác và Ph.Ăngghen, t.46, tr.367.

(3) Sđd, C.Mác và Ph.Ănghen, t.31, tr.271.

(4) Vũ Đình Cự - Trần Xuân Sầm (chủ biên):Lực lượng sản xuất mới và kinh tế tri thức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.135.

(5) Sđd, C.Mác và Ph. Ăngghen, t.19, tr.497.

(6) Sđd, Vũ Đình Cự - Trần Xuân Sầm (chủ biên), tr.145-150.

(7) Sđd, C.Mác và Ph. Ăngghen, t.46, tr.627-628.

(8) Sđd, Vũ Đình Cự - Trần Xuân Sầm (chủ biên), tr.153-54.

 

ThS Lê Thị Chiên

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền