Trang chủ    Diễn đàn    Làm gì để giữ vững vị trí và thực hiện tốt vai trò của đảng cầm quyền
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 15:29
4233 Lượt xem

Làm gì để giữ vững vị trí và thực hiện tốt vai trò của đảng cầm quyền

(LLCT) - Với 85 năm tuổi đời, 70 năm cầm quyền liên tục, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những cống hiến vĩ đại cho đất nước, dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được độc lập dân tộc, xây dựng nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chế độ cộng hòa dân chủ đầu tiên ở Việt Nam; sau đó liên tiếp đánh thắng các đế quốc to, bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới 30 năm qua của đất nước ta giành được thành tựu to lớn, có nghĩa lịch sử, đã từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá bước vào hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế.

 

Hiến pháp 1980, 1992 và 2013 của Việt Nam đã ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước. Đấy là sự ghi nhận xứng đáng công lao và vai trò không thể thay thế được của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử dân tộc. So với tất cả các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là đảng duy nhất trên thế giới có vị thế cao nhất mà một đảng chính trị có thể có được: là đảng duy nhất trong xã hội; là duy nhất lãnh đạo, cầm quyền được ghi nhận vào Hiến pháp.

Tự hào với lịch sử hào hùng của Đảng - như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói là “pho lịch sử bằng vàng” - cũng đồng thời phải trả lời câu hỏi đặt ra cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là làm thế nào để tiếp tục duy trì và được xã hội thừa nhận vị trí cũng như vai trò là đảng duy nhất cầm quyền, duy nhất lãnh đạo xã hội, đất nước?

Thực tiễn lịch sử thế giới nói chung và phong trào cộng sản nói riêng cho thấy một đảng có công lao to lớn trong lãnh đạo đất nước phát triển, chiến thắng chủ nghĩa phát xít, có lịch sử lâu dài, ra đời sớm hơn Đảng ta 3 thập kỷ, có thời gian cầm quyền liên tục tới 73 năm như Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn có thể bị mất quyền lãnh đạo và suy sụp. Đấy là bài học mà những người Cộng sản không được quên.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, phải thừa nhận hiện nay có một số hiện tượng nói lên vai trò lãnh đạo của Đảng lúc này, lúc khác, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia chưa tốt, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là nguyên nhân có thể làm suy yếu vị thế lãnh đạo của Đảng. Có thể kể một vài hiện tượng như:

1. Có những lĩnh vực còn thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, năm 2013 ở hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, thành phố Hồ Chí Minh có 0,8% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức đảng, trung bình 16 đảng viên/tổ chức; Hà Nội có 3,9% có tổ chức đảng, trung bình hơn 25 doanh nghiệp ngoài nhà nước mới có 1 doanh nghiệp có tổ chức đảng, trung bình 20 đảng viên/tổ chức. Ngay cả trong nhiều doanh nghiệp lớn của Nhà nước, vai trò của tổ chức Đảng cũng còn yếu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, lãng phí, vi phạm pháp luật, mà Vinashin là một điển hình.

Điều này đặt ra câu hỏi, tại sao hiện nay tổ chức đảng khó phát triển được trong doanh nghiệp, chưa có ảnh hưởng cần thiết đối với các doanh nghiệp trong khi đất nước đang cần phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN?

2. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả còn kém, tham nhũng còn nhiều, không ít người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tư cách người đảng viên (như người từng đứng đầu cơ quan Thanh tra nhà nước bị báo chí phanh phui gần đây) nhưng tổ chức đảng không kịp thời phát hiện, xử lý?  Điều này đặt ra câu hỏi: sức chiến đấu của tổ chức đảng ở nhiều nơi vì sao không phát huy được?

Đối với một đảng cầm quyền, để bộ máy nhà nước cồng kềnh, chi tiêu cho bộ máy thì lớn nhưng kém hiệu lực, hiệu quả, quan chức tham nhũng là điều nguy hiểm nhất, sẽ khiến đảng mất quyền lãnh đạo nhà nước và đất nước. Những biến động chính trị, lật đổ nhiều chính phủ ở các nước Đông Nam Á trong các năm gần đây đều dưới khẩu hiệu chống tham nhũng, là những bài học không thể coi thường. Với một Đảng Cộng sản, điều này càng nguy hiểm vì đảng sẽ đánh mất đi hình ảnh và biểu tượng về tính tiền phong, gương mẫu, phẩm hạnh đạo đức trong sáng của Đảng Cộng sản.

3.Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm qua có xu hướng chậm lại, phát triển thiếu bền vững, không tương xứng với tiềm năng của đất nước, có nguy cơ tụt hậu so với các nước trên thế giới và khu vực. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như suy thoái kinh tế thế giới, thì nguyên nhân chủ quan thuộc về sự lãnh đạo, cầm quyền là chính. Điều này có thể dẫn đến câu hỏi: tầm nhìn, khả năng đề ra chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược của Đảng ra sao?

Bài học trên thế giới cho thấy nếu các đảng cầm quyền không có được những chính sách thích hợp khiến kinh tế đất nước khó khăn, thậm chí suy thoái, là điều nguy hiểm không kém tham nhũng, sẽ khiến đảng có thể bị mất tín nhiệm về năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức của đảng và do đó mất quyền lãnh đạo. Điều này đã và đang xảy ra ở nhiều nước xung quanh chúng ta và là bài học xương máu cho nhiều đảng cầm quyền và nhiều nhà lãnh đạo đất nước.

Từ kinh nghiệm của nhiều đảng cầm quyền trên thế giới thuộc các chế độ chính trị xã hội khác nhau, từ kinh nghiệm thành công cũng như có lúc thiếu sót trong 85 năm lãnh đạo nhân dân ta qua các giai đoạn cách mạng, soi vào những nhược điểm trong lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hiện nay để khẳng định: chỉ có khắc phục được những yếu kém, Đảng mới làm tròn vai trò lãnh đạo, cầm quyền, xứng đáng với vị trí cao nhất mà đất nước, xã hội trao cho.

Trong rất nhiều nghị quyết, từ nghị quyết các Đại hội Đảng tới các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Đảng đã chỉ ra các phương hướng, giải pháp nhằm xây dựng Đảng: thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội XI của Đảng nêu 8 phương hướng giải pháp gồm: tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; tiếp tục đổi mới, kiện toàn bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu 3 nhiệm vụ cấp bách là: đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược của Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, mối quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể cấp ủy. Để thực hiện nhiệm vụ thứ nhất, toàn Đảng đã tiến hành các đợt sinh hoạt phê bình, tự phê bình và thu được một số kết quả tích cực.

Đó là những phương hướng, giải pháp đúng đắn.

Nhìn từ góc độ của đảng cầm quyền, có thể nhấn mạnh thêm, Đảng phải nắm chắc 3 lĩnh vực cực kỳ quan trọng, đúng chức năng, nhiệm vụ của một đảng cầm quyền là:

- Giám sát, kiểm soát được các chức danh  lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo nhà nước do Đảng giới thiệu, bố trí, đặc biệt là các chức danh cao nhất của bộ máy chính quyền các cấp (ở tầm quốc gia là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng; ở địa phương là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân), bởi vì đây chính là các chức danh có tác động trực tiếp tới chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Kiểm soát được quy trình hoạch định và nội dung của các chính sách, pháp luật, chủ trương mang tính chiến lược của Nhà nước trên mọi mặt; kiểm soát được sự phân bổ các nguồn lực của đất nước, bao hàm cả kiểm soát được chi tiêu tài chính của Nhà nước.

-Tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và người của Đảng đang đảm nhiệm các chức vụ nhà nước và hệ thống chính trị nói chung.

Để thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ đó, điều quan trọng đầu tiên với một đảng cầm quyền là phải thiết kế thể chế, bộ máy Đảng và Nhà nước hợp lý. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, phải bảo đảm Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng phù hợp với nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Các cơ quan của Nhà nước, các chức vụ trong bộ máy nhà nước phải thực hiện quyền hạn của mình một cách có hiệu lực, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, đồng thời có thể kiểm soát lẫn nhau, không để lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền hạn, chức vụ vào mục đích cá nhân. Đảng lãnh đạo, cầm quyền song trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật. Mọi tổ chức và đảng viên sống và làm việc theo pháp luật. Chủ trương, chính sách của Đảng phải biến thành pháp luật và được tổ chức thực hiện chủ yếu bằng Nhà nước. Thực hiện nguyên tắc nhà nước pháp quyền cũng là ngăn ngừa tham nhũng, mất dân chủ. 

Để góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, trong khuôn khổ của Hiến pháp 2013, người đứng đầu của Đảng phải đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Điều này bảo đảm cho lãnh tụ của Đảng có vị thế nhà nước cao nhất, đại diện cho quốc gia trên trường quốc tế, có quyền hạn xứng đáng đối với Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương đối với các chức danh Thủ tướng và các bộ trưởng, phải tăng cường vai trò giám sát, kiểm soát của Quốc hội (cũng tức là của Đảng) đối với Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm thường kỳ hay đột xuất. Chủ tịch Quốc hội, các chủ tịch Ủy ban của Quốc hội cần phải là thành viên ban lãnh đạo cao nhất của Đảng (Bộ Chính trị, Ban Bí thư). Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như vừa qua là hình thức phù hợp, cần thiết.  

Ngược lại cũng cần tăng thẩm quyền của Thủ tướng, bộ trưởng để có đủ thẩm quyền cần thiết trong chủ động, sáng tạo lãnh đạo, điều hành công tác, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào tập thể. Không nhất thiết các bộ trưởng phải là Ủy viên Trung ương hay đại biểu Quốc hội.

Ở các địa phương, Bí thư tỉnh, thành ủy phải là Chủ tịch Hội đồng nhân dân để có đủ quyền hạn và thực hiện đúng chức năng lãnh đạo cơ quan đại biểu nhân dân giám sát, kiểm soát đối với người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương. Các chủ nhiệm ủy ban của Hội đồng cũng phải là các thành viên của Ban lãnh đạo cao nhất của cấp ủy Đảng.

Bằng việc bố trí các nhân sự cấp cao của Đảng vào các chức vụ cao nhất của cơ quan đại diện của dân, Đảng sẽ giám sát, kiểm soát được con người, kiểm soát được việc phân bổ các nguồn lực và tài chính của đất nước, địa phương. Cấp ủy Đảng không chỉ đề ra chủ trương chung mà phải nắm được chính xác các chương trình, dự án và việc phân bổ kinh phí, tài chính cho các dự án, chương trình trong phạm vi từng địa phương. Kiểm soát về tài chính hiện nay là điều Đảng còn yếu. Nếu làm tốt điều này sẽ làm tăng quyền lực của Đảng trong việc nắm bộ máy nhà nước và lãnh đạo bộ máy nhà nước.

Phòng, chống tham nhũng hiệu quả là bảo vệ uy tín của đảng cầm quyền. Bất cứ đảng cầm quyền nào để cho tham nhũng phát triển đều bị mất uy tín, dẫn đến mất quyền lãnh đạo. Do vậy điều quan trọng thứ hai hiện nay là Đảng phải tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, song trong giai đoạn hiện nay phải tạo được bước đột phá, có chuyển biến mạnh. Có thể coi chống tham nhũng là nhiệm vụ “chuyên chính” trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường. Đồng thời với việc ban hành và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật cần thiết như kê khai và công khai tài sản, phải tăng thẩm quyền cho Ban Nội chính cũng như Ủy Ban kiểm tra của Đảng ở các cấp trong phát hiện và xử lý kỷ luật đối với đảng viên tham nhũng. Ủy Ban kiểm tra phải được Đại hội bầu và có thẩm quyền quyết định kỷ luật cao hơn nữa.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng có hiểu, tự giác thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào các đảng viên nắm chức vụ nhà nước hay không, phụ thuộc vào công tác truyền thông và vận động quần chúng. Nên coi đây là thực hiện hoạt động “quan hệ công chúng” và là công việc quan trọng thứ ba hiện nay.  Nghị quyết của Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác dân vận trong tình hình mới, về tăng cường thông tin chính thống, tăng cường đối thoại, giải đáp, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu khống trên mạng internet về mọi hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước là điều cần thiết, đúng đắn, cần được ủng hộ.

Quan hệ công chúng của Đảng cần phải được tăng cường hơn nữa, hướng tới các tầng lớp nhân dân rộng hơn, tới đồng bào có đạo, dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè, đối tác nước ngoài của Việt Nam. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hữu nghị nhân dân cần được phát huy nhiều hơn nữa.

Suy cho cùng vấn đề con người là nhân tố quyết định. Về lâu dài, Đảng có đủ tầm trí tuệ, bản lĩnh chính trị; có năng lực lãnh đạo, cầm quyền; trong sạch, văn hóa hay không phụ thuộc vào việc Đảng có làm tốt công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng được đội ngũ đảng viên đủ phẩm chất để bố trí vào các cương vị quan trọng của hệ thống chính trị và nhà nước hay không. Do vậy, điều quan trọng thứ tư hiện nay là Đảng phải làm tốt “công tác gốc”của Đảng là công tác cán bộ như lời Bác Hồ dạy. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài để bảo đảm cho các thế hệ của Đảng kế tiếp nhau lãnh đạo đất nước. Đóng góp vào công tác cán bộ của Đảng, các trường Đảng, trường cán bộ phải cấp bách và thường xuyên đổi mới, nâng cao chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lên một trình độ mới, cao hơn, hiện đại hơn. Đến lượt mình, bản thân đội ngũ cán bộ của hệ thống trường Đảng cũng cần phải được thường xuyên, liên tục bồi dưỡng, rèn luyện, đổi mới và trưởng thành không chỉ trên bục giảng mà còn trong thực tiễn trực tiếp lãnh đạo, quản lý ở các cấp.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015

PGS, TS Vũ Hoàng Công

Tạp chí Lý luận chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền