Trang chủ    Diễn đàn    Vai trò bảo vệ công lý của Tòa án trong Hiến pháp 2013
Thứ tư, 17 Tháng 8 2016 14:58
5033 Lượt xem

Vai trò bảo vệ công lý của Tòa án trong Hiến pháp 2013

(LLCT) - Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về tòa án và hoạt động tư pháp, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý. Điều này được thể hiện trong các quy định về Tòa án của Hiến pháp 2013.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về Tòa án và hoạt động tư pháp

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hiến pháp năm 1946. Người chỉ rõ nhiệm vụ của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn này là “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Bởi vì, một Nhà nước dân chủ phải là một nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở của Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, thiết kế xây dựng một bộ máy nhà nước pháp quyền, thực sự dân chủ và có hiệu lực. Trong đó, Tòa án với vị trí là cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải đảm bảo sự độc lập trong hoạt động của mình, không bị chi phối, lệ thuộc vào các nhánh quyền lực khác.

Sắc lệnh 13 ngày 24-1-1946quy định:

Điều thứ 47: Toà án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính.

Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp”.

Điều 63 Hiến pháp 1946 quy định: “Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có:

a) Tòa án tối cao.

b) Các tòa án phúc thẩm.

c) Các tòa án đề nhị cấp và sơ cấp.

Theo Hiến pháp năm 1946 và các sắc lệnh đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân thì Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước. Tòa án có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chế độ Nhà nước, chế độ xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; bảo vệ công lý và công bằng xã hội. Vai trò quan trọng của Tòa án còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc, tháng 2-1948: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính”.

Để phát huy vai trò của Tòa án trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm thuận lợi cho nhân dân, Sắc lệnh 13 quy định trách nhiệm của các Tòa án là: “Thẩm phán sơ cấp có thể ngày nào cũng xử kiện, dù là ngày chủ nhật hay là ngày lễ cũng được. Lại có thể, nếu cần đến, mở phiên toà ngoài trụ sở ngoài toà án, ở các nơi xa cách Toà”.

Tại Hội nghị học tập của ngành cán bộ Tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch…”. Người cũng yêu cầu đặc biệt thực hiện nghiêm minh trong thưởng, phạt: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”(1), “Nếu không thưởng thì không có khuyến khích, nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật”(2), “ Chớ ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt”(3). Cần xét xử nghiêm minh để nhân dân tin vào chính quyền, vào Đảng. Cần kết hợp giữa phòng và chống, lấy ngăn ngừa, răn đê, giáo dục làm chính; xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Trong hoạt động xét xử, công tác hòa giải ở địa phương giữ vai trò quan trọng. Việc phân tích, giải thích, thuyết phục, động viên… có tác dụng giải quyết mâu thuẫn, các tranh chấp nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với đạo lý và truyền thống người Việt Nam.

Đối với đội ngũ cán bộ làm tư pháp, Người yêu cầu phải cần, kiệm, liêm chính, bởi đó vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là chuẩn mực pháp lý. Cán bộ tư pháp phải vô tư, không thiên vị, không tư thù, tư oán, không được cho mình đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Việc xét xử phải kịp thời, công minh, đúng người, đúng tội. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17-9-1945), Người cảnh báo và chỉ rõ những hành vi của cán bộ, đảng viên cần nghiêm khắc sửa chữa, đó là “lạm dụng hình phạt, kỷ luật không nghiêm, lên mặt quan cách mạng, độc hành độc đoán, dĩ công dinh tư, dùng pháp công để báo thù tư”.

Sắc lệnh số 13 là văn bản pháp lý có nhiều quy định thể hiện vị trí và trách nhiệm của thẩm phán. Quan điểm Hồ Chí Minh về bảo đảm nguyên tắc độc lập của Tòa án được thể hiện trong các quy định về nguyên tắc hoạt động của Tòa án: “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp”;Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”.

Sắc lệnh còn dành riêng một mục gồm 6 điều quy định về nghĩa vụ về chức nghiệp của các thẩm phán bao gồm các nghĩa vụ như: không được từ chối xét xử một vụ việc nào (trừ các trường hợp cáo tị và hồi tị), không được tự đặt ra luật lệ mà xử đoán, không thể bào chữa các việc bằng miệng hay bằng giấy (trừ trường hợp là việc của mình, của vợ con, của thân thuộc, thích thuộc về trực hệ của mình, hay của một đứa trẻ vị thành niên mà mình làm giám hộ), xét xử nhanh chóng và công minh, phải cư xử đúng mực và biết tự trọng để giữ thanh danh và phẩm cách của một vị quan tòa, tôn trọng Chính phủ và trung thành với Chính thể dân chủ cộng hòa.

Người coi cán bộ tư pháp là “bậc trí thức” có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, phải làm gương cho dân trong mọi việc. Cán bộ tư pháp là phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ. Trong Thư gửi tới Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948,  Người căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công thủ pháp”, “chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Quan điểm Hồ Chí Minh về Tòa án là kết quả của việc kết hợp giữa truyền thống đạo lý, pháp lý của dân tộc với những giá trị tư tưởng tiến bộ của nhân loại.

2. Vai trò bảo vệ công lý của Tòa án trong Hiến pháp 2013

Công lý và pháp luật có mối quan hệ khăng khít, bao hàm lẫn nhau, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Pháp luật hướng tới công lý và công lý có trong pháp luật: “Luật pháp thường được xếp ngang hàng với công lý. Các tòa án được mệnh danh là “các tòa án công lý”... Các nhà nước lập ra “bộ tư pháp” để giám sát việc thi hành của hệ thống pháp lý”(4).

Luật pháp được hiểu là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục cưỡng chế.Với quan niệm như vậy, ngay từ đầu, luật pháp bản thân nó đã mang tính công lý. Việc pháp luật gắn liền với công lý trong trường hợp này như là một “luật tự nhiên” tức là sinh ra pháp luật là phải có công lý, không thể tách rời. Nhưng khi gắn pháp luật với ý chí của nhà nước hay ý chí giai cấp thống trị, trong nhiều xã hội, pháp luật lại có chiều hướng ngược lại, chệch hướng khỏi công lý. Trong những xã hội có đạo đức, mong muốn có công lý, sẽ là một sai lầm nếu xếp cả luật pháp và công lý vào cùng một loại(5).

Công lý không đồng nghĩa với pháp luật do pháp luật thể hiện tính giai cấp, thể hiện ý chí giai cấp thống trị. Còn công lý mang tính xã hội. Đây không phải là công cụ của nhà cầm quyền để quản lý xã hội như pháp luật mà nó tồn tại độc lập so với ý chí của giai cấp thống trị.

Pháp luật tuy có mục đích là đạt tới công lý, nhưng do bị ý chí giai cấp thống trị chi phối, bị quan niệm về công lý của giai cấp thống trị áp đặt, phụ thuộc vào hình thái kinh tế - xã hội của xã hội đó quy định, nên tất yếu, pháp luật không thể đồng nhất với công lý. Pháp luật đồng nhất với công lý là một trạng thái xã hội hoàn toàn lý tưởng, tuy nhiên điều này rất khó bởi trong xã hội luôn tồn tại nhiều giai cấp khác nhau, với quan điểm “công lý” khác nhau, bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: địa lý, giới tính, tầng lớp kinh tế, vai trò xã hội…

Luật pháp và công lý có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền con người. Công lý không có sự nâng đỡ của luật pháp sẽ trở lên yếu đuối, mờ nhạt. Luật pháp không dựa trên các giá trị của công lý sẽ trở lên tàn bạo, hà khắc. Công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người. Không có công lý thì sẽ không có đạo luật khách quan và hệ quả là các cá nhân sẽ phải lệ thuộc vào tầng lớp thống trị. Trong thực tế những đạo luật có thể công bằng hay không công bằng nhưng chính những giá trị của công lý cung cấp những tiêu chí quan trọng và cơ bản để đánh giá hiệu lực của các đạo luật thực định. Công lý tự nhiên cao hơn luật pháp, luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp.

Do đó, ngoài việc thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị xã hội, pháp luật cần phản ánh đầy đủ nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ của lương tri, đạo đức, các giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công lý, công bằng, lẽ phải, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người.

Điều 102 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Nhờ đó, Tòa án có sự chủ động, chứ không thụ động, thuần túy áp dụng những luật pháp thực định để bảo đảm và bảo vệ quyền cơ bản của công dân như những quan niệm trước đây.

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Đảng ta đã khẳng định:“Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm” và mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Chiến lược là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý”.

Trong những trường hợp Tòa án phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý đối với những lĩnh vực có “khoảng trống”, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị yêu cầu cần khai thác, sử dụng án lệ, tập quán, quy tắc góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật, đồng thời giao “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. 

Sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, một số văn bản luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế đã thể hiện sự thống nhất quan điểm đó. Khoản 2 Điều 14 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.  Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 49, đặc biệt sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, đời sống chính trị, pháp lý của nước ta có nhiều thay đổi. Việt Nam đã từng bước xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch và văn minh, bảo đảm nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Việc xét xử của Tòa án được minh bạch hơn, Tòa án ra phán quyết dựa trên xem xét chứng cứ và kết quả tranh tụng giữa các bên tại phiên tòa.

Bộ máy Tòa án được thay đổi theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 với bốn cấp, hướng tới tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp cơ sở. Mặt khác, hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng và bổ trợ hoạt động tư pháp được Nhà nước quan tâm củng cố, xây dựng như: cơ quan điều tra, truy tố, thi hành án, công chứng, luật sư, giám định, định giá, trợ giúp pháp lý, thừa phát lại... nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, đào tạo lại nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và thực tiễn. Quy trình bổ nhiệm thẩm phán được tiến hành chặt chẽ nhằm lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc.

Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp có nhiều tiến bộ; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, thi hành án, luật sư, công chứng, giám định tư pháp theo đúng chủ trương, định hướng đã nêu ra

Việc Đảng, Nhà nước quyết tâm xây dựng xã hội dựa trên nền tảng công lý, trật tự, ổn định là yếu tố quan trọng để củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân. Với các định hướng, quy định theo hướng năng cao, mở rộng thẩm quyền của Tòa án đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu thiết lập công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân. Từ đây sẽ tạo được môi trường pháp lý tốt đẹp không những đối với mọi người dân, tổ chức trong nước mà còn đối với việc hội nhập quốc tế, phát triển xã hội trong tình hình mới.

______________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.438.

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.466, 480.

(4), (5) Raymond Wacks, dịch giả Phạm Kiều Tùng (2011): Triết học luật pháp, NXB Tri thức, Hà Nội, tr111-112, 112.

 

ThS Nguyễn Thế Anh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền