Trang chủ    Diễn đàn    Đổi mới công tác đánh giá công chức phường hiện nay
Thứ bảy, 13 Tháng 8 2016 16:14
2535 Lượt xem

Đổi mới công tác đánh giá công chức phường hiện nay

(LLCT) - Phường là đơn vị hành chính cấp thấp nhất được tổ chức ở đô thị. Trong xu thế đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, số lượng phường và đi cùng với nó là đội ngũ cán bộ, công chức phường ngày càng tăng.

Hiện nay, nước ta có 1.567  phường. Bình quân mỗi phường có 13cán bộ; 10 công chức; 20,3 người hoạt động không chuyên trách; 66 người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố(1).

Công chức phường là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ủy ban nhân dân (UBND) phường, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì công chức phường có các chức danh sau: (1) Chỉ huy trưởng quân sự; (2) Văn phòng - Thống kê; (3) Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; (4) Tài chính - Kế toán; (5) Tư pháp - Hộ tịch;  (6) Văn hóa - Xã hội.

Công chức phường làm công tác chuyên môn thuộc biên chế của UBND phường, có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND phường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác được phân công và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND giao.

Công chức phường là những người trực tiếp làm việc với dân, có trách nhiệm tổ chức, quản lý việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật trong thực tế cuộc sống, để tổ chức nhân dân thực hiện đúng và đủ. Đồng thời, là những người tham mưu cho cơ quan chức năng để các cơ quan này ban hành các chính sách phù hợp với thực tế cuộc sống. Do vậy, phải hiểu rõ chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phải nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình thực tế trên địa bàn phường, từng tổ dân phố được phân công phụ trách.

Hoạt động quản lý nhà nước của công chức phường là hoạt động tỷ mỷ, đa dạng và phức tạp, từ những việc đơn giản nhất của đời sống xã hội như cấp giấy khai sinh, khai tử cho đến những việc quan trọng, phức tạp, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ như quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, hộ tịch, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị nên đòi hỏi đội ngũ công chức phường phải có trình độ, kỹ năng nhất định. Do phường thường có dân số đông, thành phần dân cư đa dạng, phức tạp, nhiều biến động, trình độ dân trí cao nên đòi hỏi công chức phường có tính chuyên môn cao. Mặt khác, do sự đa dạng của các công việc quản lý đô thị, nên công chức phường mặc dù được bố trí theo chức danh cụ thể nhưng hầu hết đều kiêm nhiệm nhiều việc cùng lúc.

Công chức phường là người trực tiếp thực hiện các mối quan hệ ở cơ sởđô thị, nơi vốn có các mối quan hệ xã hội phong phú,phức tạpvà vô cùng sinh động. Do vậy, cóđiều kiện nắm bắt được các thông tin từ thực tiễn một cách nhanh chóng, đầy đủ và toàn diện; từ đó công chức phường có điều kiện góp phần vào việc quản lý có hiệu quả các công việc của cơ sở.

Công chức phường là những người trực tiếp thực thi pháp luật, công vụ, thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở. Thông qua đội ngũ công chức phường, chính quyền khẳng định vị trí, vai trò cụ thể của mình trước người dân và xã hội. Nói cách khác,công chức phườnglà đại diện cho Nhà nước tại địa phương cho nên những đánh giá của người dân về phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ của họ sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước tại cơ sở.

2. Một số giải pháp và kiến nghị nhằm đổi mới công tác đánh giá công chức phường

Để xây dựng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra hiện nay là đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Thực tế hiện nay, đánh giá cán bộ, công chức là khâu tiền đề quan trọng nhất nhưng vẫn là khâu khó và yếu nhất.Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ”(2).

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đánh giá công chức phường hiện naylà:

Thứ nhất,tổ chức, cá nhân liên quan cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của khâu đánh giácông chức. Phải nhận thức rõ đâylà một nội dung quan trọng trong công tác quản lýcông chức. Kết quả của đánh giá công chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức; giúp công chức phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm. Nếu đánh giá công chức đúng sẽ tạo điều kiện cho công chức phát huy được sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, do đó, công chức yên tâm, nhiệt tình công tác. Ngược lại, đánh giá công chức không đúng thì không những bố trí, sử dụng công chức không đúng mà còn là làm mai một dần động lực phát triển của người công chức.

Thứ hai, mởrộng thẩm quyền đánh giá công chức phường. Hiện nay, pháp luật quy định công chức phường tự đánh giá, tập thể công chức phường họp cho ý kiến, Chủ tịch UBNDphường kết luận và quyết định xếp loại công chức. Tuy nhiên, căn cứ vào 6 tiêu chí được quy định trong Luật cán bộ, công chức năm 2008, đánh giá công chức là đánh giá toàn diện trên mọi mặt từ việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ và thái độ phục vụ dân. Với tư cách là thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND chỉ có thể đánh giá chính xác về kết quả thực thi công vụ của công chức, tuy nhiên bên cạnh Chủ tịch UBND, công chức phường còn chịu sự hướng dẫn, kiểm tra giám sát về mặt chuyên môn của các phòng ban thuộc UBND quận. Hiện nay, chúng ta mới chỉ quy định tập thể công chức tham gia ý kiến trước khi Chủ tịch UBND phường kết luận và quyết định xếp loại công chức. Như vậy, ý kiến của tập thể công chức chỉ có giá trị tham khảo. Vì vậy, để đảm bảo đánh giá công chức phường một cách khách quan, toàn diện, chúng ta cần mở rộng phạm vi chủ thể đánh giá công chức, cụ thể:

- Đối với việc đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để tổ chức đảng và đoàn thể đánh giá. Đối với thái độ phục vụ nhân dân nên để nhân dân trực tiếp đánh giá. Phần đánh giá này chiếm 30%.

- Đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao thì do Phòng ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường đánh giá. Phần đánh giá này chiếm 70% để đảm bảo đánh giá công chức lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo chủ yếu. 

Thứ ba, đánh giá công chức phường phải được xem xét trong một quá trình, kết hợp theo dõi đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ về công chức nhằm phản ánh liên tục và kịp thời sự phát triển của công chức, kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau để phân tích, chọn lọc cho khách quan.

Khi đánh giá công chức không thể chỉ xét một lúc, một thời điểm, một thời gian ngắn, hoặc chỉ thấy hiện tại, mà cần có thời gian dài, có một quá trình. Bởi vì, mọi việc đều có sự biến chuyển, con người cũng có sự thay đổi về nhiều mặt, cho nên nhận xét về một con người không thể cố định bất biến mà phải trong quá trình vận động, biến đổi.

Thứ tư, hiện nay các tiêu chí đánh giá công chức không phù hợp với xếp loại công chức. Sáu tiêu chí bao gồm chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ và thái độ phục vụ nhân dân. Như vậy, tiêu chí đánh giá mang tính chất toàn diện, việc thực hiện nhiệm vụ được giao chỉ là một trong sáu tiêu chí nhưng đến khi xếp loại thì lại theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ (có 4 loại: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ). Vì vậy, cần thay đổi xếp loại công chức cho phù hợp với nội dung đánh giá công chức.

Thứ năm, xây dựng Quy chế đánh giá riêng đối vớicông chức phường, phù hợp với đặc thù chức trách công tác và điều kiện làm việc.Đối với công chức cấp xã nói chung và công chức phường nói riêng có hệ thống tiêu chuẩn và nhiệm vụ riêng,được quy định trong các văn bản pháp luật. Song,đến nay chưa có quy chế, quy định đánh giá riêng. Vì vậy, cần có quy chế đánh giá riêng đối với công chức phường. Quy chế phải được xây dựng trên căn cứ hệ thống tiêu chuẩn và nhiệm vụ của công chức phường.

Đặc biệt, do công chức phường là người trực tiếp làm việc với nhân dân ở cơ sở đô thị, nên tiêu chi phong cách, thái độ phục vụ, tác phong công tác phải được đề cao đúng mức trong hệ tiêu chí đánh giá.

_________________

(1)   Cả nước có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.567 phường, 597 thị trấn và 9.064 xã. Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là trên 1,2 triệu người, gồm: Cán bộ chuyên trách làtrên 145 nghìn người (bình quân 13 người/xã); công chức là 111,5 nghìn người (bình quân 10 người/xã); người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 229,6 nghìn người (bình quân 20,3 người/xã); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là gần 730 nghìn người (bình quân 66 người/xã). Theo Ngọc Quang: “Số lượng công chức, viên chức tăng chóng mặt từ 2007-2014”, Http://giaoduc.net.vn, 18/02/2015.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H, 2016, tr.180-181

                                                            ThS Phạm Thị Kim Anh

                                                        Trường Chính trị Tô Hiệu, TP Hải Phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền