Trang chủ    Diễn đàn    Góp thêm một cách nhìn về tầng lớp trung lưu - doanh nhân
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 10:28
3077 Lượt xem

Góp thêm một cách nhìn về tầng lớp trung lưu - doanh nhân

(LLCT) - Trong lịch sử xã hội Việt Nam, tầng lớp doanh nhân một thời gian dài không được coi trọng, có lúc vì tư tưởng “trọng nông ức thương”, bị coi là đối tượng cần cải tạo. Cùng với sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, xã hội ta đã nhìn nhận ngày càng tích cực đối với tầng lớp này. Những năm gần đây, hàng loạt các chính sách được Nhà nước ban hành nhằm tạo điều kiện cho tầng lớp doanh nhân phát triển. Từ năm 2004, Nhà nước đã lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày doanh nhân để ghi nhận sự hiện diện và vai trò quan trọng của tầng lớp doanh nhân trong đời sống kinh tế - xã hội.

(Lễ trao giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2013)

Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng tập hợp tầng lớp trung lưu thành thị, tiểu tư sản đi vào phái vô sản giai cấp; là “bầu bạn” của giai cấp công nhân, nông dân và giới trí thức. Họ đã kề vai sát cánh đoàn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc do liên minh công - nông - trí thức làm nòng cốt, tạo thành một khối gắn kết bền vững mang tính chiến lược dưới sự lãnh đạo của Đảng.          

Ngày nay, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tầng lớp trung lưu - doanh nhân đóng vai trò nhất định vào quá trình kiến tạo, phát triển đất nước đi đến thịnh vượng...   

Để đơn giản, có thể khai quát: tầng lớp trung lưu - doanh nhân là những người làm nghề kinh doanh, những doanh nhân, song có những tiêu chí của tầng lớp trung lưu.   

Tầng lớp trung lưu được phân biệt thành hai loại: tầng lớp trung lưu “cũ” và tầng lớp trung lưu “mới’.

Tầng lớp trung lưu "cũ" được hiểu là những nhà thầu khoán và các chủ trang trại; các tri thức bậc trung (luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo).

Tầng lớp trung lưu "mới" là các ông chủ, các chuyên gia, nhà quản lý và một số lượng lớn những người làm nghề lao động trí óc.  

Cuộc cách mạng “bàn giấy” với sự tăng lên một cách mạnh mẽ các nghề lao động trí óc song hành với cuộc cách mạng công nghiệp đã làm tăng nhanh số lượng của tầng lớp trung lưu.

Theo một cách khác, tầng lớp trung lưu được phân chia ra làm ba loại với trật tự từ thấp đến cao: trung lưu “dưới”, trung lưu “giữa” và trung lưu “trên”.  

Mặc dù có sự khác biệt nhất định trong các cấp độ và sắc thái khác nhau, song nhìn chung tầng lớp trung lưu có các điểm cơ bản sau:      

- Thường là có nền tảng giáo dục tốt.           

- Có cơ sở kinh tế cơ bản và tri thức lập nghiệp, có thu nhập ổn định từ nghề nghiệp của họ. 

- Tương đối giàu (có mức sống, thu nhập ở trên mức trung bình so với mặt bằng xã hội).      

- Thường có khả năng tạo việc làm, thu nhập cho tầng lớp nghèo.     

- Là những người có lối sống tôn trọng chuẩn mực, quy tắc xã hội, pháp luật nhà nước, ham học hỏi, cầu tiến bộ, lao động siêng năng, sáng tạo và luôn tìm tòi, đổi mới.        

Tầng lớp trung lưu khá gắn kết với các ngành như giáo dục, văn hóa nghệ thuật, tư tưởng... Họ thường trở thành những người đi tiên phong, “kích hoạt” để các ngành này phát triển; họ là người đóng thuế chủ yếu cho xã hội và là lực lượng bảo đảm cân bằng, ổn định xã hội.  

Một số ý kiến cho rằng, tầng lớp trung lưu có thể được phân làm hai nhóm: nhóm trung lưu chuyên nghiệp, chuyên môn và nhóm trung lưu giàu có tài sản.         

Nhóm thứ nhất có trình độ học vấn chuyên môn đại học và sau đại học (qua trường lớp hoặc tự học), có thu nhập khá cao và ổn định từ công việc chuyên môn; nhu cầu văn hóa có nhiều điểm tương đồng và đồng đều về chất lượng.           

Nhóm thứ hai là những doanh nhân không nhất thiết phải có trình độ đại học nhưng có thu nhập cao, có nhiều nhu cầu về vật chất; nhu cầu về văn hóa tinh thần thường ít tương đồng.

Tầng lớp doanh nhân (giới nghiệp chủ) là những người có khả năng lĩnh hội những phát minh kỹ thuật và những phương pháp quản lý mới cũng như ứng dụng chúng vào xí nghiệp hoặc công việc kinh doanh. Họ có khả năng dự kiến được lợi ích tiềm tàng do những đổi mới mang lại, đề xướng được nội dung đổi mới và sẵn sàng thực hiện những công việc mạo hiểm. Họ là những người cải cách, quản lý doanh nghiệp. Họ là người bỏ vốn, hoặc vay vốn để đầu tư cho sự phát triển doanh nghiệp; trực tiếp quản lý hoặc thuê người quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh.        

Trong bối cảnh của chức năng quản trị và điều hành doanh nghiệp dần được tách khỏi quyền sở hữu, thuật ngữ doanh nhân còn bao hàm cả những giám đốc, nhà quản trị, những người thực sự có vai trò lập kế hoạch, điều hành các hoạt động của doanh nghiệp.        

Ở các nền kinh tế mới nổi (BRICs), tầng lớp trung lưu - doanh nhân mới có vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực cho đất nước; giải quyết một cách có hiệu quả nhu cầu việc làm đang tăng nhanh trong xã hội; góp phần vào sự bình ổn, cân bằng xã hội; thúc đẩy sự đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh sự phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề, đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn; đóng góp một nguồn lực lớn vào GDP quốc gia, phúc lợi xã hội, cũng như hàng loạt các công tác xã hội khác.      

Là một quốc gia đang phát triển, có một số điểm chung của nền kinh tế mới chuyển đổi, những định hướng phát triển xã hội, tuy có một số khác biệt nhất định, song tầng lớp trung lưu - doanh nhân Việt Nam cũng có những đặc điểm, vai trò khá gần gũi với tầng lớp trung lưu - doanh nhân một số nước đang phát triển.           

Khi được hỏi, một số doanh nhân tự quan niệm, đánh giá về tầng lớp trung lưu - doanh nhân như sau:

Về góc độ kinh tế, là người khá giả, có cuộc sống vật chất đầy đủ, có tích lũy khá.   

Về góc độ xã hội, có chỗ đứng, có địa vị nhất định trong xã hội.      

Về văn hóa, có học thức, được đào tạo qua trường lớp từ cao đẳng, đại học trở lên.            

Phải có một nghề, để hiểu thấu đáo và điều hành, giải quyết công việc của doanh nghiệp một cách vững vàng.           

Tầng lớp trung lưu - doanh nhân phải hội đủ các yếu tố đó. Nếu thiếu một trong các yếu tố đó thì chưa phải là trung lưu - doanh nhân.     

Tầng lớp doanh nhân đóng góp nhiều về mặt kinh tế, văn hóa - xã hội cho đất nước. Việc làm đường, xây dựng trạm biến thế, làm cột điện và việc kéo dây đến từng nhà, ở các khu phố, các ngày lễ Tết, các ngày kỷ niệm như 22-12, ngày thương binh liệt sĩ 27-7,... tài trợ cho phố, xóm, đóng góp cho các quỹ để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân... là các thí dụ sinh động. Thực tế cho thấy, tầng lớp trung lưu - doanh nhân đông đảo, mạnh mẽ thì đời sống kinh tế, văn hóa, an ninh, xã hội sẽ tốt lên, tệ nạn xã hội giảm đi.      

Với tinh thần vượt khó vươn lên, sự thành đạt về kinh tế, sự đóng góp nhiều mặt cho xã hội, đa số các doanh nhân đều có uy tín trong xã hội, nhận được sự trân trọng của nhân dân địa phương.          

Trong phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân hiện nay cho thấy, vai trò không thể thiếu của của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy sự liên kết “bốn nhà” nếu được vận hành tốt sẽ mang lại lợi ích cho mỗi bên và cho cộng đồng.

Tuy vậy, trong tầng lớp doanh nhân cũng có những người làm ăn gian dối, phi pháp nhưng không phải là số nhiều. Trên thực tế, doanh nhân phải bươn bải, chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình cực kỳ khó khăn, gian khổ. Đạo đức nghề nghiệp luôn được đa số những doanh nhân chân chính đặt lên hàng đầu. Chỉ có rất ít doanh nhân là xem nhẹ điều này. Chữ “tâm”, chữ “đức” cùng với chữ “trí”, chữ “tài”, chữ “dũng” là đạo kinh doanh của doanh nhân Việt Nam nói chung.

Trong mối quan hệ với công nhân, nông dân, trí thức thì trung lưu - doanh nhân chủ yếu không phải là “đối kháng", là quan hệ “bóc lột”, “chủ thợ” theo nghĩa xưa cũ mà là sự hợp tác tự nguyện giữa người đầu tư vốn, công nghệ, việc làm, người tổ chức sản xuất - kinh doanh với người có sức lao động, có nhu cầu việc làm. Các bên cùng dựa vào nhau, nương tựa vào nhau, phụ thuộc vào nhau, cùng chung trách nhiệm và chia sẻ lợi ích, cùng làm giàu cho mình và cho quê hương, cho đất nước.         

Khi người trung lưu - doanh nhân làm giàu hợp pháp, hợp thức, tuân thủ đầy đủ quy tắc, pháp luật của Nhà nước, sống có đạo đức kinh doanh, đạo lý thì đó là những trung lưu - doanh nhân tích cực, đáng được vinh danh, khích lệ, biểu dương,  được tạo điều kiện cho họ tiếp tục phát triển và có số lượng ngày càng đông.    

Tầng lớp trung lưu - doanh nhân là những người trung lưu làm nghề kinh doanh một cách chuyên nghiệp, họ là những chuyên gia kinh doanh, những người lính “thiện chiến" trên mặt trận kinh tế, làm giàu; họ cũng đồng thời là những người hoạt động trí óc, những người chỉ huy, điều hành sản xuất - kinh doanh giỏi, người có nhiều tài năng và tố chất của thủ lĩnh kinh tế, nhà thương thuyết, nhà đàm phán, nhà bảo trợ và nhà công tác xã hội. Doanh nhân gánh vác và tham gia đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật. Góp phần một cách đáng kể cho một xã hội tăng trưởng nhanh, bền vững.        

Tầng lớp doanh nhân Việt Nam đang ngày một lớn lên, họ đang vươn tới sự sang giàu cho mình và cho xã hội. Đảng, Nhà nước Việt Nam cần có đường lối, chính sách đúng đắn, kịp thời, thúc đẩy tầng lớp này phát triển theo đúng quỹ đạo và phát huy tốt nhất vai trò trong tiến trình phát triển đất nước.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

 

GS, TS Nguyễn Đình Tấn

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

       

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền