Trang chủ    Diễn đàn    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phải là một tổ chức chính trị có tính xã hội?
Thứ sáu, 25 Tháng 4 2014 15:43
22218 Lượt xem

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phải là một tổ chức chính trị có tính xã hội?

(LLCT) - Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức quần chúng do Đảng thành lập và lãnh đạo, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, yêu hòa bình làm thành sức mạnh to lớn để chiến thắng thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngày nay, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò hết sức to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những điều kiện đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.      

Khẳng định vai trò của Mặt trận, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”(1).   

Điều 9 Hiến pháp 1992 cũng thể chế hoá vị trí pháp lý của Mặt trận trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết, tăng cường nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả”. 

Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đúng tầm với địa vị chính trị và pháp lý của tổ chức này trong đời sống chính trị- xã hội của đất nước trong thời kỳ mới thì vấn đề nhận thức đúng về tính chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là điều rất cần thiết.         

1. Tính chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Trải qua mấy chục năm đấu tranh với những tên gọi khác nhau, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 đã thống nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là các hình thức chính trị để Đảng tập hợp quần chúng, vận động, giáo dục và thu hút các lực lượng xã hội vào các phong trào cách mạng, để giải quyết các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Như vậy, tính chất chính trị của Mặt trận Dân tộc Thống nhất được xác định ngay từ khi mới ra đời: đó là tập hợp lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện mục tiêu chính trị là độc lập dân tộc và CNXH. Sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng đương đầu với thù trong giặc ngoài, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Những cuộc đụng đầu lịch sử ấy và công cuộc cải tạo, xây dựng CNXH đòi hỏi phải có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để giành thắng lợi. Ngày nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh càng cần thiết phải củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn tiếp tục là hình thức tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng và là thành viên của hệ thống chính trị nước ta.     

Đặc trưng cơ bản của hệ thống chính trị nước ta hiện nay mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Mọi mục tiêu, cương lĩnh, nguyên tắc hoạt động của Mặt trận đều thể hiện đậm nét những đặc trưng này. Là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở thành tổ chức quần chúng rộng lớn nhất, là sự thể hiện rõ nét nhất tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tính chất chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện ở nội dung nhiệm vụ của Mặt trận. Tại Điều 2 (Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới”.          

Là một thành viên của hệ thống chính trị do Đảng thành lập và trực tiếp lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác, đặc biệt là Nhà nước. Trong mối quan hệ với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò chi phối, tác động rất lớn đến quá trình thực hiện quyền lực nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những thiết chế phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thái độ của các tầng lớp nhân dân tới Đảng và Nhà nước. Mặt trận tổ chức hiệp thương, giới thiệu đề cử công dân tham gia ứng cử để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân). Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể nhân dân thực hiện quyền phản biện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và đảng viên.    

Trong những năm đổi mới vừa qua, bên cạnh những hoạt động thể hiện chức năng vốn có của mình, Mặt trận Tổ quốc ở các cấp đã có nhiều hoạt động mang tính xã hội, hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội. Mặt trận đã chủ trì các phong trào lớn, được sự đồng lòng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và thu được kết quả khả quan như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; phong trào “Ngày vì người nghèo”... Điều này dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng Mặt trận đã trở thành tổ chức mang tính xã hội và cần phải tăng cường các hoạt động mang tính xã hội. 

Tính chất xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước hết thể hiện ở tính quần chúng rộng rãi của Mặt trận. Hơn nữa, các phong trào xã hội còn là phương thức hữu hiệu để giáo dục, rèn luyện quần chúng và đội ngũ cán bộ làm công tác quần chúng của Đảng.          

2. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phù hợp tính chất chính trị và xã hội      

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của đổi mới hệ thống chính trị. Đổi mới hệ thống chính trị tức là đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, cũng như mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị chứ không thay đổi mục tiêu và con đường XHCN. Việc đổi mới này, trước hết  yêu cầu mỗi tổ chức thành viên hệ thống chính trị phải nhận thức đúng và thực hiện đúng tính chất, chức năng của mình.        

Trong thời kỳ chưa có chính quyền, Mặt trận và các tổ chức quần chúng của Đảng là các công cụ đắc lực của Đảng để vận động quần chúng, tập hợp, tổ chức quần chúng tiến hành các đấu tranh cách mạng nhằm giành chính quyền. Khi đó, tính chính trị được đề cao bởi vì độc lập dân tộc là mục tiêu cao nhất của toàn dân tộc, lợi ích các giai cấp, tầng lớp trong xã hội phải đặt dưới lợi ích quốc gia, dân tộc. Khi Đảng giành được chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị trong hệ thống dân chủ nhân dân, hệ thống chuyên chính vô sản trước đây, hệ thống chính trị hiện nay tiếp tục phát huy vai trò của mình trong vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng, tăng cường và củng cố Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có điều kiện để đồng thời thực hiện cả chức năng chính trị và chức năng xã hội. Do vậy, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, gồm một số nội dung trọng yếu sau: 

Một là, Mặt trận tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục các thành viên về trách nhiệm xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh; về ý thức, năng lực làm chủ, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc; giáo dục kiến thức về pháp luật; nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.     

Hai là, làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước làm cho Đảng ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhân dân. “Mặt trận Tổ quốc không đứng ngoài cuộc mà cùng Đảng đồng tâm hiệp lực trong đội ngũ cách mạng kiên cường, khắc phục khó khăn, phấn đấu ổn định tình hình kinh tế - xã hội bằng những hành động cụ thể, nói đi đôi với làm”(1).

Ba là, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện đối với Đảng và Nhà nước, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước; đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân được thực thi trong đời sống xã hội. 

Bốn là, năng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động xã hội. Phát huy tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước phát triển bền vững. Từ đó tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, chính sách về công tác vận động quần chúng; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng, gia đình, dòng họ trong công tác vận động quần chúng.      

Năm là, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; phát huy tính năng động sáng tạo của Mặt trậnTổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong công tác vận động quần chúng, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, cơ sở. Mặt trận cần làm tốt hơn vai trò chủ trì việc phối hợp, thống nhất hành động của các tổ chức thành viên, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội.          

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2013

(1)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.86.  

(2) Trường Chinh: Về công tác Mặt trận hiện nay, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1972, tr 10.

TS Vũ Thị Loan

Đại học Hải Phòng

 

            

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền