Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Những biện pháp xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 14:56
6138 Lượt xem

Những biện pháp xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"

(LLCT) - Trong tác phẩm Tuyên ngôncủa Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng nghen đã đề ra 10 biện pháp nhằm xóa bỏ CNTB và xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ rõ, các biện pháp này không phải là duy nhất, không nên tuyệt đối hóa mà phải căn cứ vào những điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước để sửa đổi cho phù hợp. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý, đặc biệt là các biện pháp cách mạng trong Tuyên ngônvào điều kiện thực tế của Việt Nam nên đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm lý luận bất hủ của chủ nghĩa xã hội khoa học, một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo của C.Mác và Ph.Ăngghen, một văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử và tràn đầy sức sống trong thực tiễn của chủ nghĩa Mác. 170 năm qua, cùng với thời gian, trải qua nhiều thách thức và biến cố, xã hội loài người đã có nhiều thay đổi và phát triển vượt bậc, nhưng những nguyên lý được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước đây, hôm nay và mai sau. 170 năm qua đã chứng minh những tư tưởng, quan điểm, nguyên lý, giải pháp, những nhận định, dự báo và những luận cứ khoa học trong Tuyên ngônngày càng được thực tiễn cuộc sống làm sáng tỏ và khẳng định chân giá trị bất diệt, vĩnh cửu cùng với sự phát triển đi lên của nhân loại.

Với nội dung khoa học sâu sắc, bản chất cách mạng triệt để, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có ý nghĩa, giá trị, có sức sống mãnh liệt và bền vững. Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là hai trụ cột trong Tuyên ngôn đã tạo thành nền tảng vững chắc của chủ nghĩa Mác và nhờ đó chủ nghĩa Mác đã luận giải một cách khoa học các quy luật phát triển khách quan của lịch sử nhân loại, lịch sử phát triển của xã hội loài người, đặc biệt luận giải về vị trí hàng đầu, vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với sự phát triển của xã hội nói chung, đối với sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng nói riêng; luận giải về quá trình phát sinh, phát triển và sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản, cũng như sự ra đời và sự phát triển một cách tất yếu khách quan của CNXH, cũng như luận giải về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử và phương pháp đấu tranh của giai cấp vô sản trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới; v.v.. Đây là lần đầu tiên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, các tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc và giải pháp cách mạng được trình bày một cách hoàn chỉnh, cô đọng, súc tích và có hệ thống trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và nhờ đó chủ nghĩa Mác đã vạch ra và luận chứng một cách có cơ sở lý luận, có luận cứ khoa học sâu sắc về những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Có thể nói, Tuyên ngôn đã trang bị cho giai cấp vô sản hành trang cách mạng từ tinh thần, tư tưởng, nguyên lý đến giải pháp và đã làm cho phong trào của giai cấp vô sản thu được nhiều thành quả trong suốt 170 năm qua. Đặc biệt, trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề ra 10 biện pháp nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản, có ý nghĩa và giá trị thực tiễn lâu dài cho mỗi quốc gia, dân tộc đi lên CNXH; giúp cho giai cấp công nhân, phong trào cách mạng vô sản lớn mạnh không ngừng, đạt được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Những biện pháp nêu trong Tuyên ngôn là vũ khí đấu tranh sắc bén của giai cấp công nhân, của phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới vận dụng vào thực tiễn của mỗi nước để giành chính quyền và xây dựng nhà nước công nông ở nhiều nước trên thế giới trong suốt 170 năm qua. 10 biện pháp được Tuyên ngônnêu ra là:

“1.Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước.

2.Áp dụng thuế lũy tiến cao.

3.Xóa bỏ quyền thừa kế.

4.Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn.

5.Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.

6.Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nha nước.

7.Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung.

8.Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp.

9.Kết hợp nông nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt thành thị và nông thôn.

10.Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất,...”(1).

Thực tế cho thấy, các cuộc cách mạng vô sản sau khi giành chính quyền đã áp dụng khá tốt các biện pháp do Tuyên ngôn đề ra. Hầu hết các nhà nước vô sản sau khi giành được chính quyền đều đã “tước đoạt sở hữu ruộng đất” và chia ruộng đất cho dân cày, tiếp theo là tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, tập trung ruộng đất vào của chung, thuộc sở hữu toàn dân. Những nguồn thu từ địa tô, thuế đất đều tập trung “vào quỹ chi tiêu của nhà nước”. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện phát triển của mỗi quốc gia khác nhau, nên biện pháp này mới chỉ mang lại thành công bước đầu, sau đó nhiều nước đã phải điều chỉnh mới có thể đưa cách mạng đến thắng lợi như mong đợi.

Biện pháp “xóa bỏ quyền thừa kế” là một biện pháp triệt để cách mạng để xóa bỏ tận gốc mọi tàn tích của giai cấp tư sản, mọi tàn tích của tình trạng người bóc lột người. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử khác nhau giữa các quốc gia nên những cuộc cách mạng vô sản thực hiện triệt để biện pháp này đã chưa cho phép đi đến thắng lợi cuối cùng. Bên cạnh hai biện pháp nêu trên, các biện pháp còn lại cũng nằm trong tình trạng đó, ví dụ như biện pháp “Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn” nếu thực hiện một cách nóng vội thì dẫn đến triệt tiêu hệ thống ngân hàng thương mại và dẫn đến nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu. Biện pháp “Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước” nếu vận dụng một cách máy móc và cực tả cũng rất dễ đưa đến nhà nước tập quyền, triệt tiêu sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của các thành phần kinh tế khác và nếu khi nguồn lực nhà nước chưa đủ mạnh, còn nhiều yếu kém thì sẽ dẫn đến tình trạng vận tải nghèo nàn và lạc hậu, năng suất lao động thấp. Từ đó, cũng kéo theo sự kém phát triển của cả nền kinh tế. Ngay như biện pháp “Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất” thể hiện tính ưu việt của CNXH và CNCS và là đích của chúng ta hướng tới. Nhưng cũng sẽ rất khó thực hiện ngay từ ngày đầu khi cuộc cách mạng vô sản nổ ra và thành công ở những nước kém phát triển, những nước nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu.

Có thể nói, nếu thực hiện một cách máy móc, giáo điều các biện pháp nêu trên thì các nhà nước vô sản khó có thể giành được thắng lợi một cách đầy đủ theo đúng nghĩa của nó, bởi lẽ điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ phát triển của các quốc gia này trước khi cuộc cách mạng vô sản nổ ra là khác nhau, điều kiện lịch sử của các nước, các dân tộc lại càng khác nhau.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã chỉ rõ những biện pháp này được áp dụng trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, đó là trong những điều kiện cách mạng vô sản thành công ở các nước có tầng lớp tư sản phát triển mạnh, những nước tư bản phát triển cao và giàu mạnh, còn đối với các nước kém phát triển, nghèo nàn và lạc hậu, giai cấp tư sản chưa phát triển thì C.Mác và Ph.Ăngghen chưa nêu biện pháp cụ thể cho các phong trào cách mạng vô sản cần phải làm gì và làm như thế nào, nên khi phong trào cách mạng vô sản thành công ở các quốc gia này, cần có các giải pháp linh hoạt và phù hợp hơn theo hướng cải tạo dần xã hội cũ để đi đến xã hội XHCN và CSCN. Khi đề ra 10 biện pháp để nhà nước vô sản cần phải thực hiện như nêu ở trên, có thể khẳng định C.Mác và Ph.Ăngghen đã không bao giờ coi các biện pháp này là duy nhất, tuyệt đối, đầy đủ, không thể thay thế, mà cho rằng, bản thân thực tiễn xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN và XHCS thì lực lượng vô sản, nhà nước vô sản phải căn cứ vào những điều kiện lịch sử nhất định, cụ thể để sửa đổi tương ứng, thích hợp theo từng biện pháp.

Điều này có thể khẳng định qua Lời tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872, sau 25 năm xuất bản lần đầu bản Tuyên ngôncủa Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngônnày vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối Chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có những bước tiến hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng, do có những kinh nghiệm thực tiễn...Tuy nhiên, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại. Có lẽ là trong một lần xuất bản, sẽ có một lời tựa để bổ sung vào khoảng trống từ năm 1847 đến nay”(2).

Hơn nữa, chủ nghĩa Mác đã luôn luôn khẳng định những người cộng sản muốn thành công khi vận dụng những tư tưởng, quan điểm, nguyên lý, biện pháp cách mạng trong Tuyên ngônvào thực tiễn của đất nước mình, cần phải không ngừng bổ sung và phát triển một cách sáng tạo phù hợp với những điều kiện lịch sử, những đặc thù của mỗi nước. Năm 1880, Ph.Ăngghen đã một lần nữa khẳng định: “Muốn làm cho chủ nghĩa xã hội thành một khoa học thì trước hết phải đặt chủ nghĩa xã hội trên một cơ sở hiện thực” và “ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”(3).

Thực tế 170 năm qua đã khẳng định, dựa trên tinh thần, tư tưởng và nguyên lý, biện pháp cách mạng của Tuyên ngôn, nhiều cuộc cách mạng vô sản đã được tiến hành, đã nổ ra ở nhiều quốc gia và nhờ đó nhiều nước XHCN được hình thành và đã có nhiều thành công rực rỡ. Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy những chính quyền vô sản sau khi giành được chính quyền nếu áp dụng một cách máy móc, giáo điều các nguyên lý, các biện pháp trong Tuyên ngônvà chủ nghĩa Mác - Lênin thì đã gặp phải nhiều sai lầm, yếu kém và cuối cùng sụp đổ. Một số đảng cộng sản đã kịp thời đổi mới tư duy, sáng tạo, phát triển lý luận về CNXH và vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp tư tưởng, nguyên lý trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước nên đã trụ vững và phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Bên cạnh đó, từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, các phong trào công nhân quốc tế, phong trào cách mạng vô sản đã nổ ra ở nhiều nước trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc đã lan rộng khắp năm châu, tất cả những điều đó là nhờ tư tưởng và tinh thần cách mạng bất diệt của Tuyên ngôn. Tuy nhiên, cũng chính do sự giáo điều, bảo thủ, lạc hậu đã đưa nhiều phong trào cách mạng vô sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc không đi đến được thắng lợi cuối cùng, cũng như nhiều phong trào này bị tha hóa và giảm sút tính chiến đấu nên không đưa đến kết quả như mong đợi, mà đứng trước nguy cơ thoái trào.

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ ngày thành lập đến nay đã không ngừng vận dụng một cách sáng tạo tinh thần, tư tưởng, quan điểm, nguyên lý và các biện pháp cách mạng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn của Viêt Nam nên đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với thực tiễn sinh động của Việt Nam, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đã giành được chính quyền khi đất nước đang trong tình trạng nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu, giai cấp vô sản chưa đủ mạnh... nền kinh tế chưa phải là nền kinh tế phát triển, do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng các biện pháp trong Tuyên ngôn một cách linh hoạt và sáng tạo. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một tất yếu khách quan, các quy luật thị trường được tôn trọng, cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp dần dần được xóa bỏ, các hoạt động ngân hàng được phát triển như hiện nay là một sự đúng đắn. Hơn nữa, quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự nhận thức đúng đắn khi công nhận phát triển bình đẳng của các thành phần kinh tế, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt sở hữu chính đáng của người dân, của các cá nhân được trân trọng và bảo vệ.

Thực tế, trong những năm qua, tư duy lý luận của Đảng ta đã được đổi mới mạnh mẽ, nhiều biện pháp đã được đổi mới phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước, bảo đảm cho Việt Nam không ngừng phát triển và giàu mạnh. Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc và biện pháp trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản lại một lần nữa soi rọi con đường đi lên của cách mạng Việt Nam. Với sự sáng tạo và đổi mới không ngừng từ tư duy đến hành động, chắc chắn đất nước ta sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng, tiến lên CNXH và CNCS một cách vững chắc.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1) C.Mác và PhĂngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.627-628.

(2) Sđd, t.18, tr.128.

(3) Sđd, t.19, tr.293, 305.

 

PGS, TS Lê Quốc Lý

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền