Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 15:33
3156 Lượt xem

"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

(LLCT) - Trong 170 năm qua, Tuyên ngôn, với những đặc điểm nổi bật của nó, cả về mặt lý luận và thực tiễn, luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ làm thay đổi diện mạo của toàn thế giới, mà còn làm thay đổi tiến trình lịch sử của Trung Quốc. Dưới sự chỉ dẫn của những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, vận dụng cụ thể chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử của đất nước, phát triển tư tưởng Mao Trạch Đông và hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, đồng thời lãnh đạo nhân dân Trung Quốc liên tiếp giành thắng lợi cách mạng, xây dựng CNXH. Ngày nay, Tuyên ngôn vẫn mang giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực quan trọng để Trung Quốc đi sâu quán triệt, thực hiện tinh thần Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiên trì tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, thực hiện hiện đại hóa XHCN và phục hưng dân tộc.

1. Ý nghĩa vĩ đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Tháng 2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (gọi tắt là Tuyên ngôn) - cuốn thánh kinh của giai cấp vô sản trên toàn thế giới do C.Mác và Ph.Ăngghen là đồng tác giả đã đánh dấu sự ra đời chính thức của chủ nghĩa Mác, sự xuất hiện của CNXH khoa học và sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi xã hội loài người từ xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN) lên xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tác phẩm là sự kết hợp triết học Mác, kinh tế chính trị và CNXH khoa học, giải thích rõ thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác và là “cuốn sách mang tính quốc tế và được phổ biến rộng rãi nhất trong tất cả các tài liệu của CNXH”. Tuyên ngôn khiến phong trào công nhân quốc tế trên thế giới xuất hiện khởi sắc mới, phong trào công nhân quốc tế ở châu Âu năm 1848 đạt đến đỉnh điểm; cuộc khởi nghĩa của giai cấp công nhân Pháp năm 1871 đã thành lập chính quyền giai cấp vô sản đầu tiên - Công xã Paris; Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành lập nên nhà nước XHCN đầu tiên. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, đã xuất hiện hàng loạt các nước XHCN, trong đó có Trung Quốc, tạo thành hệ thống các quốc gia XHCN. Lúc đó, hơn 1/4 diện tích đất và hơn 3/4 dân số thế giới đều sống ở các nước XHCN. Tuyên ngôn chỉ rõ: Sứ mệnh lịch sử vĩ đại của giai cấp vô sản là để chôn chế độ TBCN, xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Nó đã cho thấy quy luật khách quan về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản (CNTB) và chiến thắng tất yếu của chủ nghĩa cộng sản, nó đã thể hiện rõ sứ mệnh lịch sử vĩ đại của giai cấp vô sản đã lật đổ CNTB, xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản.

Tuyên ngôn là một tác phẩm mang ý nghĩa thời đại. Lênin đánh giá: “Cuốn sách này tuy không dài, nhưng giá trị của nó lại lớn hơn rất nhiều: tinh thần của nó đến ngày hôm nay vẫn gây cảm hứng mãnh liệt và nó đang thúc đẩy giai cấp vô sản tiến hành đấu tranh có tổ chức ở tất cả các quốc gia văn minh trên toàn thế giới”. Theo Mao Trạch Đông: “Tuyên ngôn, tôi đã đọc không dưới một trăm lần và mỗi khi đọc, tôi đều có những gợi mở mới”. Đặng Tiểu Bình khẳng định: “Con đường vào nghề của tôi là Tuyên ngôn. Tuyên ngôn như là một bản cương lĩnh đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản, nó đã thuật lại những tư tưởng chủ yếu của chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh, có hệ thống và chặt chẽ. Đó là kim chỉ nam cho hành động của đại đa số những nhân sỹ tiến bộ và những người theo chủ nghĩa cộng sản, là tác phẩm khoa học về tư tưởng duy vật biện chứng và về thế giới quan mới nhất, tiến bộ nhất mà giai cấp vô sản trên toàn thế giới đã theo đuổi để thực hiện lý tưởng chủ nghĩa cộng sản”.

Trong 170 năm qua, Tuyên ngôn, với những đặc điểm nổi bật của nó, cả về mặt lý luận và thực tiễn, luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ làm thay đổi diện mạo của toàn thế giới, mà còn làm thay đổi tiến trình lịch sử của Trung Quốc. Dưới sự chỉ dẫn của những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, vận dụng cụ thể chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử của đất nước, phát triển tư tưởng Mao Trạch Đông và hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, đồng thời lãnh đạo nhân dân Trung Quốc liên tiếp giành thắng lợi cách mạng, xây dựng CNXH. Ngày nay, Tuyên ngôn vẫn mang giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực quan trọng để Trung Quốc đi sâu quán triệt, thực hiện tinh thần Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiên trì tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, thực hiện hiện đại hóa XHCN và phục hưng dân tộc.

2. Lý luận về vượt qua “Khe núi Cafdin” và các nước XHCN hiện thực

Trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác nói chung, cũng như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng cách mạng XHCN sẽ xảy ra đầu tiên ở các nước tư bản phát triển. Sau này C.Mác đã đưa ra lý luận vượt qua “Khe núi Cafdin”, xét về mặt lý luận, sẽ là hợp lý hơn khi cho rằng cách mạng vô sản sẽ xảy ra ở các nước TBCN có lực lượng sản xuất phát triển nhất. Song, lịch sử đã không diễn ra theo dự đoán ban đầu của C.Mác - Ph.Ăngghen: ngược lại, cách mạng của giai cấp vô sản lại xảy ra đầu tiên ở các quốc gia kém phát triển hơn.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã diễn ra và giành thắng lợi vẻ vang. Liên Xô sau đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng đất nước. Cách mạng dân chủ kiểu mới Trung Quốc cũng bùng nổ và giành được thắng lợi. Hiện nay, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang đứng thứ hai trên thế giới. Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ XHCN được giữ vững và ổn định. Nếu so sánh giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển khác, các nước đang phát triển đi sau - nếu không đi theo con đường CNXH, thì sẽ không thể chống lại được sự công kích của tư bản toàn cầu. Nhìn từ tính tất yếu và tính thực thi của vấn đề, Trung Quốc tuyên bố đã mở ra một con đường hiện đại hóamới cho các nước đang phát triển, về mặt lý luận và thực tiễn đều chịu ảnh hưởng của lý luận về vượt qua “Khe núi Cafdin” của C.Mác.

Điều đáng chú ý là cả hai cuộc cách mạng Nga và cách mạng Trung Quốc đều không chỉ giành thắng lợi trong quá trình cách mạng, mà còn đạt được thành tựu to lớn trong xây dựng, hiện đại hóaXHCN. Lịch sử đã chứng minh, cách mạng vô sản xảy ra ở các nước lạc hậu đều giành được thắng lợi, xây dựng CNXH theo sự chỉ dẫn của các tác phẩm kinh điển của C.Mác như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đều đạt được những thành tựu to lớn. Nhưng, cùng với đó, sự phục hồi của chế độ TBCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã tạo ra rủi ro lớn trong xây dựng CNXH ở các nước lạc hậu. Biến cố ở Đông Âu và Liên Xô đã chứng minh rõ, ngay cả dưới tiền đề của những thành tựu to lớn đã đạt được, việc xây dựng CNXH vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thử thách. Đối mặt với sự cạnh tranh và áp lực đến từ các nước TBCN phát triển, các nước lạc hậu xây dựng CNXH có khả năng sẽ phải từ bỏ CNXH. Trong chế độ XHCN truyền thống, sự rủi ro này chủ yếu tập trung ở kiến trúc thượng tầng. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế phi công hữu và sự du nhập trào lưu tư tưởng phương Tây, tình hình Trung Quốc đang ngày càng trở nên phức tạp. Các mối quan hệ sản xuất XHCN bao trùm trước đây chuyển sang tồn tại dưới hai dạng: quan hệ sản xuất XHCN và quan hệ sản xuất TBCN; sự vận động của kinh tế - xã hội chịu sự chi phối của nền kinh tế XHCN, đồng thời các quy luật kinh tế TBCN cũng không ngừng tác động đến các hoạt động kinh tế. Các loại hình kinh tế phi công hữu cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân không những làm tăng thêm mâu thuẫn xã hội ở Trung Quốc mà còn tạo ra những thách thức cho nền tảng kinh tế và kiến trúc thượng tầng của CNXH.

Đối mặt với nguy cơ này, Trung Quốc cần phát huy vai trò quan trọng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đoàn kết toàn Đảng và quần chúng nhân dân, kiên trì “lòng tin” với chủ nghĩa cộng sản, củng cố lý tưởng, niềm tin của mình. Trên cơ sở đó, vận dụng những lý luận, khái niệm, phương pháp cơ bản trong các tác phẩm kinh điển như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản để phân tích các hiện tượng, mâu thuẫn, các vấn đề trong và ngoài nước, đồng thời đề xuất các giải pháp, mục tiêu. Đồng chí Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Sự thay đổi thời đại và sự phát triển của đất nước Trung Quốc đã vượt xa sự tưởng tượng của các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác đương thời cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”(1). Trong bối cảnh tình hình mới, vấn đề mới, khó khăn và thách thức mới đang nổi lên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, cần kiên trì giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, mạnh dạn tìm tòi trong thực tiễn, không ngừng tạo ra những đột phá về lý luận, tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc hóa, hiện đại hóavà phổ biến chủ nghĩa Mác, phát triển chủ nghĩa Mác trong thế kỷ XXI và chủ nghĩa Mác Trung Quốc đương đại.

3. Tuyên ngôn và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác một cách có ý thức và có mục đích từ cuộc cách mạng dân chủ tư sản thời kỳ đầu do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Trong khi học tập kinh nghiệm phương Tây để tìm ra con đường cứu dân cứu nước, họ đồng thời giới thiệu các học thuyết của chủ nghĩa Mác với một thái độ tích cực. Năm 1896, trong thời gian sinh sống ở Luân Đôn, Tôn Trung Sơn đã biết đến C.Mác và thúc giục học trò học tập Tuyên ngôn. Sau này các nhà cách mạng tư sản nổi tiếng như: Chu Chấp Tín, Tống Giáo Nhân, Dân Minh Sở bắt đầu dịch và tuyên truyền tác phẩm. Sự bùng nổ của Phong trào “Ngũ Tứ” cũng nhanh chóng thúc đẩy việc truyền bá Tuyên ngôn. Tháng 4-1919, Tạp chí “Weekly Review” do Trần Độc Tú chủ biên đã đăng bài giới thiệu Tuyên ngôn, đồng thời chú trọng dịch 10 cương lĩnh chính trị lớn. Tháng 4-1920, Trần Vọng Đạo đã dịch toàn bộ bản Tuyên ngôn sang tiếng Trung và có những đóng góp nổi bật cho sự lan rộng chủ nghĩa Mác tại Trung Quốc. Tuyên ngôn được truyền bá vào Trung Quốc thời kỳ đầu đã sớm ảnh hưởng và nuôi dưỡng một thế hệ cách mạng đương thời, khiến họ thay đổi từ những nhà dân chủ dân sinh cấp tiến trở thành các chiến sỹ cộng sản. Tháng 11-1936, khi ở Thiểm Tây, Mao Trạch Đông đã kể với phóng viên Mỹ Edgar Snow về quá trình ông đã trở thành nhà chủ nghĩa Mác kiên định như thế nào. Mao Trạch Đông nói: “Trong chuyến thăm lần thứ hai đến Bắc Kinh, tôi đọc rất nhiều cuốn sách về tình hình ở Nga. Tôi mong muốn lúc nào đó có thể tìm thấy một ít tài liệu về chủ nghĩa cộng sản bằng tiếng Trung. Có ba cuốn sách đặc biệt khắc sâu trong tâm trí của tôi, tạo cho tôi niềm tin vào chủ nghĩa Mác... đó là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - đây là cuốn sách đầu tiên xuất bản bằng tiếng Trung về chủ nghĩa Mác, Đấu tranh giai cấp của Kautsky, Lịch sử XHCN của Kozapu”. Cuối năm 1939, Mao Trạch Đông nói rằng Tuyên ngôn ông đã đọc không ít hơn một trăm lần, mấy chục năm sau này, ông vẫn đọc lại vài lần một năm. Khi nói về lịch sử bản thân và cách mạng, Chu Ân Lai cũng cho biết: Trong giai đoạn này (năm 1920), ông đã nhìn thấy Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ở trong nước, và ông bắt đầu đọc Đấu tranh giai cấp và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - những tác phẩm có ảnh hưởng lớn đối với ông.

Lý luận chủ nghĩa Mác được thể hiện trong Tuyên ngôn vừa là thế giới quan, vừa là phương pháp luận. Điều đó hết sức quan trọng đối với công cuộc đấu tranh cách mạng, quá trình cải cách, mở cửa và xây dựng, hiện đại hóa đất nước. Thế giới quan của C.Mác giúpmọi người nhận thức được quy luật phát triển của xã hội loài người, từ đó tự thích ứng để nắm bắt và vận dụng quy luật này. Quan trọng hơn, việc tin rằng chủ nghĩa Mác là một khoa học giúp tạo niềm tin vào quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng CNXH, vào định hướng phát triển của xã hội loài người và chủ nghĩa cộng sản trong chủ nghĩa Mác. Mặt khác, lý luận chủ nghĩa Mác như là một phương pháp luận; quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác trong Tuyên ngôn giúp chúng ta phân tích, hiểu rõ các giai đoạn lịch sử và các loại mâu thuẫn, giúp hoạch định chiến lược, chiến thuật và chính sách một cách đúng đắn, từ đó giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng và cải cách mở cửa. Cho dù là một thế giới quan hay là một phương pháp luận, lập trường, quan điểm và phương pháp cơ bản của chủ nghĩa Mác được thể hiện trong Tuyên ngôn là hết sức quan trọng. Nếu không có niềm tin vào chủ nghĩa Mác, thế giới quan và phương pháp luận của chúng ta đều có khả năng trở thành phi chủ nghĩa Mác hay chống lại chủ nghĩa Mác; trong những trường hợp này, chúng ta rất dễ đi lạc lối.

Trong thời kỳ cách mạng, những người cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với kẻ thù độc ác là chủ nghĩa đế quốc, CNTB quan liêu và giai cấp tư sản mại bản. Nếu không có nhận thức đúng đắn về quy luật phát triển của xã hội loài người, không có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa cộng sản của chủ nghĩa Mác, thì không thể nào chiến thắng được kẻ thù. Đồng thời, nếu không nắm vững phương pháp luận được thể hiện trong Tuyên ngôn, sẽ không thể phân tích đối phương một cách chính xác để hoạch định chính sách và chiến lược tương ứng. Trong trường hợp này, nếu không có sự chỉ dẫn của Tuyên ngôn và các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác, thì cách mạng khó giành được chiến thắng.

Sau khi cách mạng giành thắng lợi, giai cấp vô sản, với tư cách là đội quân tiên phong, đã lãnh đạo nhân dân cả nước hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng, làm thay đổi bối cảnh văn hóa- xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, trong quá trình này, Đảng Cộng sản và giai cấp vô sản đang đứng trước điều kiện lịch sử bất lợi: trong xã hội còn tồn tại các yếu tố của hình thái xã hội TBCN, các yếu tố văn hóa lạc hậu và đôi khi là nhân tố phản động. Những nhân tố này về lâu dài có thể làm biến đổi sâu rộng hệ thống chính trị, thay đổi nền chuyên chính dân chủ nhân dân. Tuyên ngôn đã chỉ rõ: chúng ta muốn xây dựng CNXH thì nhất định phải thực thi hai bước đột phá, đó là phá vỡ chế độ sở hữu truyền thống và loại bỏ các quan niệm tương ứng. Sau thắng lợi của cách mạng, việc chuyển đổi chế độ sở hữu trở nên dễ dàng hơn, nhưng để phá vỡ các quan niệm được xây dựng và củng cố trong chế độ sở hữu tư nhân là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Khi một số cá nhân, thậm chí các cán bộ, đảng viên hay quan chức cấp cao của Đảng mất đi niềm tin vào cách mạng, vào chủ nghĩa cộng sản, mất đi lý tưởng thì sẽ dẫn đến việc theo đuổi lợi ích cá nhân mù quáng. Mao Trạch Đông đã sớm nhận thức được những nguy cơ này và đã áp dụng hàng loạt các biện pháp khắc phục, giải quyết. Trên thực tế, mặc dù một số giải pháp của ông gặp phải sai lầm, cuối cùng thất bại; nhưng theo một nghĩa nào đó, nó đã đẩy sự hiểu biết của người dân về Tuyên ngôn lên một mức độ cao hơn.

Bước vào thời kỳ cải cách mở cửa, tình hình trở nên phức tạp hơn. Nhiều áp lực quốc tế vẫn còn tồn tại, cùng với đó là sự xuất hiện của phương thức sản xuất phi XHCN trong CNXH. Cải cách mở cửa đã phá vỡ chế độ sở hữu tư liệu sản xuất đơn nhất được xây dựng trước đây, dần hình thành nền kinh tế đa chế độ sở hữu, trong đó lấy chế độ công hữu làm chủ thể. Tính chất của hai loại xã hội này khác nhau ở chế độ sở hữu tư liệu sản xuất, đã tạo thành một cấu trúc xã hội nhị nguyên theo chế độ sở hữu tư liệu sản xuất, từ đó dẫn đến sự thay đổi lớn trong mối quan hệ chính trị - kinh tế - xã hội: Thứ nhất, quan hệ sản xuất XHCN bao trùm trước đây đã chuyển sang quan hệ sản xuất XHCN và quan hệ sản xuất TBCN song song cùng tồn tại. Tương ứng với nó, giai cấp tư sản đã bị tiêu diệt nay hồi sinh trở lại và còn nắm giữ sức mạnh kinh tế mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với thời kỳ “ba cải cách lớn” trước đây. Thứ hai, không còn tồn tại tình trạng quy luật kinh tế XHCN hoàn toàn chi phối sự vận động kinh tế - xã hội như trước; mà cùng với sự ra đời và phát triển của quan hệ sản xuất TBCN, đã xuất hiện quy luật kinh tế TBCN. Các quy luật này đóng vai trò ngày càng lớn, không chỉ chi phối các hoạt động kinh tế TBCN, mà còn can thiệp sâu vào quy luật kinh tế XHCN. Thứ ba, các mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội đã có những thay đổi lớn, ngoài các mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội XHCN, còn tồn tại mâu thuẫn chủ yếu của xã hội TBCN”(2). Do sự tồn tại, phát triển của quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất TBCN cũng tác động đến kiến trúc thượng tầng về chính trị và hình thái ý thức của Trung Quốc, xuất hiện các hiện tượng: thâu tóm quyền lực, tiền bạc, tham ô, tham nhũng. Cũng như việc các chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành ủy viên Hội nghị hiệp thương chính trị, họ không chỉ tham gia chính trị, mà còn hình thành các cuộc đấu tranh về hình thái ý thức trong các cơ quan đảng và chính phủ, tất cả đều xuất phát từ nền tảng kinh tế. Vấn đề lớn nhất chính là một loạt các tư tưởng sai lầm được hình thành từ các quan niệm và hình thái ý thức phi CNXH hoặc TBCN hoặc của giai cấp tư sản đã tạo ảnh hưởng xấu lan truyền rộng rãi trong xã hội, gây ra hàng loạt hậu quả trong quá trình xây dựng kinh tế và chính trị XHCN ở Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, Tuyên ngôn của chủ nghĩa Mác đã trở nên vô cùng quan trọng.

Khi nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện hàng loạt sự mất cân bằng và rối loạn về cấu trúc, một lượng lớn sản phẩm bị dư thừa, môi trường sinh thái bị phá hủy nghiêm trọng, xuất hiện hiện tượng đầu cơ, lừa đảo, tiêu thụ hàng giả hàng nhái và các hàng hóa độc hại, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu lên cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Những hiện tượng này hoàn toàn trái với bản chất của CNXH. Để hiểu một cách chính xác các phương thức sản xuất phi XHCN đang tồn tại trong CNXH cũng như những mâu thuẫn chủ yếu, các hiện tượng tiêu cực tồn tại trong xã hội và giải thích được tại sao lại xuất hiện hàng loạt những vấn đề này ở các nước XHCN như Trung Quốc, cần nhận thức rõ CNXH đặc sắc Trung Quốc là gì, hiểu được đặc điểm của CNXH đặc sắc Trung Quốc là gì? Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chỉ rõ: “Đặc điểm riêng của CNXH đặc sắc Trung Quốc chính là về con đường, hệ thống chính trị và chế độ của nó”, “Con đường của CNXH đặc sắc Trung Quốc là thực hiện đường lối, hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc là kim chỉ nam cho hành động, chế độ CNXH đặc sắc Trung Quốc là sự bảo đảm cơ bản, ba điểm này thống nhất lại thành thực tiễn vĩ đại của CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đây chính là đặc sắc nổi bật nhất của CNXH đặc sắc Trung Quốc”(3). Trên cơ sở tính song trùng của chế độ sở hữu tư liệu sản xuất ở Trung Quốc hiện nay, đã hình thành sự song trùng về quan hệ sản xuất, quy luật kinh tế và mâu thuẫn xã hội. Xã hội song song tồn tại hai loại chế độ sở hữu tư liệu sản xuất, đó là chế độ công hữu với chế độ sở hữu nhà nước XHCN là chủ thể và chế độ tư hữu với chế độ sở hữu TBCN là chủ thể. Theo đó, trên cơ sở sở chế độ sở hữu khác nhau, hình thành nên hai loại quan hệ sản xuất, đó là quan hệ sản xuất XHCN và quan hệ sản xuất TBCN; hai loại quan hệ này đều vận hành dưới sự chi phối của quy luật kinh tế riêng phù hợp với tính chất của chúng, làm nảy sinh các xung đột xã hội khác nhau. Hai mối quan hệ sản xuất mang tính chất khác nhau này cùng tồn tại trong một xã hội, ảnh hưởng lẫn nhau; quan hệ sản xuất nào có sức mạnh kinh tế lớn thì sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội, vai trò quy luật kinh tế của nó và mâu thuẫn xã hội cũng chịu ảnh hưởng lớn.

Nhờ kiên trì hàng loạt các nguyên tắc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các nhà lãnh đạo thế hệ thứ nhất như Mao Trạch Đông đã kết hợp một cách sáng tạo giữa nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với tình hình thực tế của Trung Quốc, thực hiện bước nhảy vọt đầu tiên Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, hình thành tư tưởng Mao Trạch Đông, giành được thắng lợi cách mạng. Dưới sự chỉ dẫn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mao Trạch Đông đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm từ Liên Xô, “cải cách” mô hình của Liên Xô, mặc dù phải trả giá rất lớn, nhưng từ năm 1949 đến giữa những năm 1976, Trung Quốc vẫn đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, cùng với sự phát triển của loại hình kinh tế phi công hữu và sự truyền bá các trào lưu tư tưởng sai trái phương Tây vào Trung Quốc, tình hình trong nước diễn biến vô cùng phức tạp, thậm chí xuất hiện những sóng gió. Nhưng, Trung Quốc luôn khẳng định vai trò quan trọng của phương pháp phân tích mâu thuẫn trong nhận thức đúng về các mối quan hệ sản xuất xã hội ở Trung Quốc và trong xây dựng, đổi mới nền kinh tế chính trị Trung Quốc đương đại. Tổng Bí thư Tập Cận Bình khẳng định: “Khả năng tư duy biện chứng, là để thừa nhận mâu thuẫn, phân tích và giải quyết mâu thuẫn, nắm bắt trọng điểm, xác định các ưu tiên, khả năng quan sát quy luật phát triển của sự vật”(4). Tóm lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn kiên trì các nguyên lý trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, nhờ đó đạt được những thành tựu to lớn mà cả thế giới biết đến.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1) Tập Cận Bình: “Ý nghĩa thực tiễn và giá trị lý luận to lớn của Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”, ngày 2-8-2016.

(2) Ngô Tuyên Cung: Xuất phát từ thực tiễn nhìn thẳng mâu thuẫn để phân tích quy luật căn nguyên của vấn đề”, Báo Đại học Sư phạm Phúc Kiến (Bản Khoa học xã hội triết học).

(3) Tập Cận Bình: “Bài phát biểu khi lần đầu tiên học tập Văn kiện Đại hội XVIII của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ngày 17-11-2012.

(4) Tập Cận Bình: “Bài phát biểu trong lễ khai giảng học kỳ mùa xuân tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, ngày 1-3-2010.

 

Chu An Đông

Tạ Văn Thăng

Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền