Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng hiện nay
Thứ năm, 28 Tháng 11 2013 14:18
5141 Lượt xem

Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng hiện nay

(LLCT) - Tự phê bình và phê bình sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách của cán bộ, đảng viên. Nhân cách của cán bộ, đảng viên được cấu thành từ hai yếu tố cơ bản: đạo đức cách mạng và năng lực công tác, hay theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “đức và tài”. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhân cách người cán bộ, đảng viên chịu sự tác động, ảnh hưởng và bị chi phối bởi nhiều mặt của đời sống xã hội. Do đó, nhằm bồi dưỡng, rèn luyện bản chất giai cấp công nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần “thiết thực phê bình và tự phê bình” để cán bộ, đảng viên giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần giữ vững và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng dân chủ phải đi đôi với kỷ luật, mà để giữ vững kỷ luật của Đảng, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.(*)Tự phê bình và phê bình đúng đắn là cách thức để đổi mới phong cách làm việc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân: “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.284) và “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” (Sđd, t.5, tr.232). Tự phê bình và phê bình sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách của cán bộ, đảng viên. Nhân cách của cán bộ, đảng viên được cấu thành từ hai yếu tố cơ bản: đạo đức cách mạng và năng lực công tác, hay theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “đức và tài”. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhân cách người cán bộ, đảng viên chịu sự tác động, ảnh hưởng và bị chi phối bởi nhiều mặt của đời sống xã hội. Do đó, nhằm bồi dưỡng, rèn luyện bản chất giai cấp công nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần “thiết thực phê bình và tự phê bình” để cán bộ, đảng viên giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến quần chúng nhân dân, đến danh dự và uy tín của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu... tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân” (Sđd, t.5, tr.254). Do vậy, cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải thiết thực kiểm điểm, tiến hành tự phê bình mình cũng như phê bình người khác một cách triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm; phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phê bình và tự phê bình để cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng trưởng thành hơn đủ sức hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, tự phê bình và phê bình còn tạo sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong nội bộ Đảng: “Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết. Đoàn kết, phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa” (Sđd, t.8, tr.387). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ một số biểu hiện chưa đúng trong tự phê bình và phê bình, đó là: “vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài đảng. Họ không biết rằng: có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi” (Sđd, t.9, tr.290).

Người kiên quyết đấu tranh với những nhận thức sai lầm của cán bộ, đảng viên khi xem tự phê bình và phê bình là dẫn đến việc vạch ra cái xấu, cái yếu kém và vì vậy sẽ làm mất thanh danh của Đảng, của cán bộ, để địch lợi dụng chia rẽ, phá hoại mối đoàn kết trong nội bộ Đảng cũng như giữa Đảng với nhân dân. Hoặc có tự phê bình và phê bình nhưng che giấu khuyết điểm, báo cáo sai sự thật, thủ tiêu đấu tranh, đóng góp cho nhau theo kiểu hình thức chiếu lệ, dĩ hòa vi quý; dùng phê bình để công kích, nói xấu, bôi nhọ hay hạ bệ lẫn nhau. Tất cả những hiện tượng trên là biểu hiện sự nhận thức chưa đúng bản chất của tự phê bình và phê bình với tư cách là một nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Như vậy, thực chất của tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vươn tới cái đẹp, cái hoàn thiện vì lợi ích chung. Từ lâu vấn đề tự phê bình và phê bình đã được Đảng ta đề cập trong Điều lệ và các văn kiện của Đảng. Quá trình lãnh đạo cách mạng, nhờ thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình mà ở những giai đoạn lịch sử nhất định Đảng ta đã kịp thời “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh” nhận rõ ưu, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình đem lại thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế rất cơ bản như: nhận thức về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng của một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa đúng đắn, thực hiện chưa thành nền nếp, hình thức, phương pháp chất lượng hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, có nơi lợi dụng tự phê bình và phê bình để đấu đá, trù dập, hạ bệ nhau dẫn đến mất đoàn kết nội bộ làm suy yếu sức mạnh của Đảng.

Để làm tốt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, thiết nghĩ chúng ta cần nhận thức và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy đảng.

Tự phê bình và phê bình chỉ có thể đem lại hiệu quả thiết thực khi cấp ủy đảng các cấp có nhận thức đúng và tổ chức thực hiện nghiêm túc ở cấp mình. Nhận thức không đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình thể hiện có sự buông lỏng, coi nhẹ hoặc hình thức trong sinh hoạt đảng. Để nhận thức đúng và bảo đảm thực hiện tự phê bình và phê bình có chất lượng thì cấp ủy đảng cần trang bị cho cán bộ, đảng viên của mình đầy đủ những kiến thức, thông tin cần thiết. Bởi vì, sự bất cập về trình độ kiến thức, thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch của cán bộ, đảng viên sẽ hạn chế rất nhiều đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cán bộ, đảng viên để mọi người vừa có đủ bản lĩnh, dũng khí, hiểu biết, vừa có cái tâm trong sáng, trung thực, dám bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, làm cho ý kiến phê bình của mình được chính xác, có hàm lượng trí tuệ và có tính thuyết phục cao. Khắc phục tình trạng bưng bít sự thật, không dám công khai hoặc thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hiệu quả của tự phê bình và phê bình.

Hai là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.

Để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình, các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên cần coi tự phê bình và phê bình là chế độ thường xuyên, gắn với các đợt sinh hoạt đảng. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm kịp thời cảnh tỉnh và ngăn chặn những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm. Mỗi cấp ủy đảng cần tổ chức tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chặt chẽ tránh những biểu hiện qua loa đại khái, mang tính chiếu lệ, hình thức. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình cần khắc phục những biểu hiện độc đoán, gia trưởng, hữu khuynh, né tránh khuyết điểm hoặc bao che. Để đạt hiệu quả của tự phê bình và phê bình cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm và tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình tiến hành.Thực chất đây là vấn đề tạo dựng môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ với các nguyên tắc khác như nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục trong sinh hoạt đảng.

Ba là, thực hiện tự phê bình và phê bình với thái độ và phương pháp đúng đắn, phù hợp.

Tự phê bình và phê bình là một vấn đề nhạy cảm, nếu chúng ta thực hiện không khéo, không đúng sẽ gây ra phản ứng tâm lý, phản tác dụng và làm hỏng cán bộ, đảng viên của Đảng. Hơn nữa, mỗi nội dung tiến hành đều ảnh hưởng đến uy tín, phẩm chất, đạo đức, nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Vì vậy, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng phải bảo đảm tính văn hóa, tính khoa học và tính nhân văn. Nghĩa là phải khách quan, trung thực, chân thành, thẳng thắn, có lý, có tình, không thêm bớt, che giấu khuyết điểm và phải xuất phát từ cái tâm trong sáng vì lợi ích chung của tập thể. Trong phê bình không nên dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm chọc lẫn nhau. Phê bình việc, chứ không phê bình người. Điều này khác xa động cơ của không ít người vẫn thường lợi dụng phê bình để trù dập cấp dưới, xu nịnh cấp trên hay trừng phạt lẫn nhau. Người được phê bình phải có thái độ cầu thị trong việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội và quần chúng, phải coi đó là một lần giúp mình tiến bộ, trưởng thành đồng thời bản thân phải nghiêm túc sửa chữa những sai lầm khuyết điểm, loại bỏ những ý nghĩ thành kiến, trù úm hoặc thù ghét người phê bình mình. Đối với người phê bình phải chỉ ra được cụ thể những ưu, nhược điểm của đồng chí, đồng đội mình để từ đó tìm cách giúp đỡ họ và phải chịu trách nhiệm về những lời nói của mình. Trong phê bình cần phát huy dân chủ, để cho mọi người được nói lên những suy nghĩ của mình. Dân chủ là tiền đề, động lực thúc đẩy tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên. Không có dân chủ, không thể có tự phê bình và phê bình đúng đắn.

Bốn là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu và trách nhiệm của các tổ chức quần chúng trong thực hành tự phê bình và phê bình.

Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu trong thực hành tự phê bình và phê bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng cần tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp uỷ, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên. Cấp trên phải gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo điểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau; cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới; cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Định kỳ phải tổ chức cho quần chúng tham gia đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Những ý kiến đúng phải được tiếp thu và kiên quyết sửa chữa, những ý kiến chưa đúng phải giải thích cho quần chúng hiểu. Bí thư và thủ trưởng đơn vị cần phải tiên phong, gương mẫu, dám tự phê bình, dám nhận khuyết điểm trước tập thể, trước cấp trên, cấp dưới và đồng cấp; thật sự tạo ra không khí cởi mở, khuyến khích động viên mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng mạnh dạn tự phê bình và phê bình.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong cơ quan, đơn vị tham gia phê bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Mọi hoạt động của tổ chức cơ sở đảng đều được quần chúng nắm bắt, giám sát. Thực tế đã chứng minh, chỉ khi nào thực hiện tốt việc quần chúng tham gia giám sát, phê bình thì tổ chức đảng ở nơi đó sẽ luôn trong sạch vững mạnh, năng lực lãnh đạo được nâng cao, kịp thời phát hiện sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực vào việc chống lại bệnh quan liêu, tham nhũng, chuyên quyền, độc đoán của cán bộ, củng cố được niềm tin của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên và cấp ủy đảng. Muốn vậy, cấp uỷ đảng cơ sở phải xây dựng quy chế chặt chẽ, xác định nội dung, hình thức thích hợp để quần chúng tham gia thực hiện phê bình có hiệu  quả. Đồng thời cấp ủy đảng cần có thái độ chân thành tiếp thu ý kiến phê bình của quần chúng và công khai, kịp thời thông báo kết quả xử lý, kế hoạch, biện pháp sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trước quần chúng. Sử dụng khéo léo các phương pháp động viên, khuyến khích quần chúng tham gia phê bình rộng rãi có chất lượng, đúng hướng. Nghiêm cấm và kiên quyết xử lý các trường hợp trù dập, ức hiếp người phê bình.

Năm là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Tự phê bình và phê bình cần kết hợp chặt chẽ vớicông tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Tự phê bình và phê bình là một khâu của công tác kiểm tra, giám sát; một chế độ và là một trong những phương pháp cơ bản khi tiến hành kiểm tra, giám sát. Tự phê bình và phê bình tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Ngược lại, không làm tốt tự phê bình và phê bình thì công tác kiểm tra, giám sát sẽ mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực. Thực tiễn ở nhiều tổ chức đảng cho thấy kết quả và chất lượng các cuộc kiểm tra, nhất là kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, phụ thuộc rất nhiều vào việc tự phê bình và phê bình của đảng viên. Nếu thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc sẽ giúp tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp có cơ sở, căn cứ để có những kết luận chính xác nhanh chóng, đúng người, đúng tội.

Các cấp uỷ đảng cần xác định rõ kế hoạch, biện pháp, thời gian cụ thể để kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Qua đó, kịp thời động viên, biểu dương những cán bộ, đảng viên có kết quả phấn đấu tốt; chấn chỉnh, giúp đỡ những cán bộ, đảng viên chưa tốt giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và định kỳ thông báo kết quả phấn đấu tiến bộ trước tập thể. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát với kỷ luật đảng. Đây là công cụ nhằm tăng sức mạnh của công tác kiểm tra, giám sát và làm cho việc thực hiện tự phê bình và phê bình hiệu quả hơn. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì cần phải căn cứ vào mức độ mà đưa ra hình thức kỷ luật bảo đảm chặt chẽ và nghiêm minh. Việc tiến hành xử lý kỷ luật phải được thực hiện đúng  quy trình, thủ tục nguyên tắc theo Điều lệ Đảng. Kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội, không bao che hoặc làm qua loa, đại khái ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Với quyết tâm và những hành động quyết liệt thực sự từ phía Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, Đảng ta sẽ có đủ bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh lãnh đạo đưa dân tộc ta vượt qua những thách thức, vững bước trên con đường đã chọn, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự mong đợi và niềm tin của cả dân tộc.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2012

Lê Thế Phong

Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng

 


 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền