Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản “Tuyên ngôn độc lập”
Thứ tư, 18 Tháng 12 2013 11:11
6512 Lượt xem

Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản “Tuyên ngôn độc lập”

(LLCT) - Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt nhân dân Việt Nam trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Bản Tuyên ngôn Độc lập mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam và là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa,... Đồng thời, đây cũng là một tác phẩm chính luận mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc, góp phần tích cực xây dựng một nền tảng cho một trật tự pháp lý quốc tế mới. Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại, phản ánh sự kết tinh những phẩm giá cao quý nhất của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đồng thời, cũng thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Lãnh tụ thiên tài, nhà chiến lược quân sự Hồ Chí Minh.

Thực tế lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới cho thấy, không phải quốc gia nào sau khi giành được độc lập tự chủ cũng có được tuyên ngôn độc lập. Đặc biệt bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo mang đậm tính độc đáo, sáng tạo và đầy tính nhân văn. Ngay trong phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn lời bất hủ của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Người lại viện dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Người khẳng định: "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

Việc viện dẫn khéo léo những tinh hoa của hai cuộc cách mạng tiêu biểu ở Pháp và Mỹ để làm cơ sở cho lập luận của mình, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa sắc bén và tinh tế, khoa học, vừa cho thấy một cử chỉ ngoại giao rất thân thiện của chủ nhân một quốc gia độc lập, có chủ quyền, nhưng cũng vừa mang tính chủ động tiến công cách mạng, có nhiều hàm ý chỉ ra đối tượng kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới cần phải cảnh giác phòng ngừa.

Về đối ngoại: Với tư tưởng nhân nghĩa, khoan dung và chính sách thêm bạn, bớt thù, bản Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một cơ hội lịch sử cho quan hệ thân thiện giữa nước ta với các nước trên thế giới, trong đó có nước Mỹ và nước Pháp. Thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ lên đất nước ta hơn 80 năm, chúng đã "bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy"; "trong 5 năm, chúng đã "bán" nước ta hai lần cho Nhật", làm cho dân ta "một cổ hai tròng" gây nên thảm cảnh hơn hai triệu đồng bào bị chết đói. Do đó, một mặt chúng ta tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với chế độ thực dân Pháp; mặt khác, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt rất cao những giá trị nhân văn mà nhân dân Pháp đã đạt được trong cuộc đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Đó là ngọn cờ nhân quyền và khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Khi kẻ thù đã thất thế và rút chạy, nhân dân ta vẫn giữ một thái độ khoan dung và nhân đạo, đã cứu giúp nhiều người Pháp và tài sản của họ khỏi bàn tay tàn bạo, đê hèn của phátxít Nhật.

Điều làm cho nhiều người Mỹ thời đó và sau này lấy làm ngạc nhiên và thú vị khi được biết trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam lại được mở đầu bằng những câu bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Đó là bản Tuyên ngôn về sự ra đời của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau khi đã kết thúc nội chiến. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đưa cho vị đại diện của quân đội Mỹ lúc đó ở Hà Nội là Thiếu tá Pátti xem trước bản Tuyên ngôn Độc lập mà Người sẽ tuyên bố tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khiến Pátti phải thốt lên rằng: "không còn tin ở tai tôi nữa". Rõ ràng, ngay từ khi ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng quan hệ thân thiện giữa Việt Nam với các nước, trên tinh thần "gác lại quá khứ, nhìn tới tương lai". Thế nhưng, cơ hội lịch sử đó đã bị phía Mỹ và Pháp bỏ qua, đúng vào thời điểm Việt Nam cùng đứng về phe Đồng minh chống chủ nghĩa phátxít thắng lợi.

Về xác định đối tượng, đối tác: Xét trên nhiều phương diện, có thể nói Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, thể hiện truyền thống yêu nước, bản lĩnh chính trị, quyết tâm đấu tranh để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đây là giai đoạn vận mệnh của dân tộc ta cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới trực tiếp bị đe dọa rơi vào ách nô lệ bởi những mưu toan mới của các cường quốc thực dân, đế quốc. Chúng lấy danh nghĩa là những người trong phe Đồng minh chiến thắng phátxít để toan tính đặt các nước thuộc địa ở châu Á dưới chế độ "ủy trị quốc tế" trực thuộc Mỹ hay Pháp. Tổng thống Pháp De Gaulle lấy tư cách một nước thuộc phe Đồng minh với quyền của kẻ chiến thắng, đòi được tiếp tục giữ toàn vẹn đất đai hải ngoại đã từng thuộc Pháp trước chiến tranh. Người thấy rõ với bản chất thực dân không hề thay đổi, hơn nữa, với quyền lợi mà họ áp đặt ở Việt Nam trong gần một thế kỷ, thực dân Pháp không dễ gì cam chịu từ bỏ mà đang âm mưu tái xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng thời với bối cảnh của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự nổi lên của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm nhận rõ đối tượng kẻ thù tiềm tàng của cách mạng Việt Nam và của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với tư duy chính trị vô cùng nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra đế quốc Mỹ lúc này cũng đang lăm le tìm cách đặt chân vào Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Người đã long trọng khởi đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới bằng chính nội dung tinh tuý nhất trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, như một sự nhắc nhở đối với chính quyền Mỹ hãy tôn trọng những gì mình đã đề cao và theo đuổi.

Trên cơ sở pháp lý và chính nghĩa, Tuyên ngôn Độc lập trở thành văn kiện mẫu mực, tầm cỡ chiến lược phân hóa, cô lập kẻ thù để loại bỏ trực tiếp từng kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Đứng trước họa thực dân Pháp dã tâm trở lại đô hộ nước ta dưới bóng cờ quân Đồng minh, Tuyên ngôn Độc lập sau khi vạch trần tội ác tày trời của chúng đối với nhân dân Việt Nam, lột rõ bộ mặt "bảo hộ" giả nhân, giả nghĩa, đã lập luận vững chắc một thực tế lịch sử: từ mùa thu năm 1940, bọn thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng dâng đất nước ta cho phátxít Nhật. Cho nên sự thực cũng từ đó Việt Nam đã thành thuộc địa của Nhật và Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân giành lại nước Việt Nam từ tay phátxít Nhật. Do đó cơ sở pháp lý về sự tồn tại quyền lợi của Chính phủ Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn Đông Dương không còn nữa. Theo các hiệp nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn: nếu các nước Đồng minh đã công nhận quyền dân tộc tự quyết của các nước đã bị phátxít chiếm đóng thì "quyết không thể không công nhận quyền độc lập của nhân dân Việt Nam". Lập luận đanh thép như vậy đã đặt chủ nghĩa thực dân cũ và mới vào tư thế của những kẻ can thiệp và xâm lược, nếu chúng núp bóng quân Đồng minh vào Việt Nam hòng thống trị nhân dân ta.

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện nguyện vọng chính đáng, quyết tâm sắt đá và tính chủ động về chiến lược của nhân dân ta: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, tiếp theo Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một văn kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, đã đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc gắn liền với CNXH.

Đã hơn một nửa thế kỷ qua, kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đất nước ta đã có nhiều đổi thay lớn lao trên con đường đi lên CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn giữ vững đường lối độc lập dân tộc. Cương lĩnh của Đảng là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, từng bước quá độ lên CNXH, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta trong những thập kỷ tới. Trong đó, Đảng nêu ra định hướng về mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là rất cơ bản và toàn diện, bao gồm cả việc xác định phạm vi, đối tượng bảo vệxác định mức độ, tính chất bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững hoà bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng mới.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2012

 

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN THANH

Chính uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền