Trang chủ    Quốc tế    Dự đoán chính sách đối với vấn đề Biển Đông của Tổng thống Donald Trump và tác động đối với Việt Nam
Thứ hai, 16 Tháng 1 2017 11:37
2412 Lượt xem

Dự đoán chính sách đối với vấn đề Biển Đông của Tổng thống Donald Trump và tác động đối với Việt Nam

(LLCT) - Ngày 20-1-2017, Tổng thống đắc cử D.Trump mới chính thức bước vào Nhà trắng và chỉ tới đó những chính sách đối nội, đối ngoại của ông mới chính thức được triển khai. Việc ông D.Trump đắc cử Tổng thống đã làm dấy lên những câu hỏi về quan hệ của Mỹ với các nước lớn, đồng minh NATO, việc xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, chống biến đổi khí hậu… sẽ ra sao?, bởi ông từng có những tuyên bố gây sốc về chính sách đối ngoại gần như trái ngược với chính quyền tiền nhiệm. Trong đó, chính sách của Mỹ về Biển Đông trong thời gian sắp tới cũng có nhiều dự đoán.

1. Dự đoán chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump về vấn đề Biển Đông

Các nhà phân tích cho rằng, vẫn còn sớm để nói đến chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump đối với châu Á nói chung, với vấn đề Biển Đông nói riêng.

Vào tối 4-12 vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump lần đầu tiên đưa ra ý kiến về vấn đề Biển Đông. Ông D.Trump đã viết một bình luận trên trang cá nhân Twitter của mình đề cập đến Biển Đông cùng với vấn đề kinh tế trong chương trình nghị sự Mỹ - Trung: “Liệu Trung Quốc có hỏi chúng ta về việc phá giá nội tệ của họ (khiến các công ty của chúng ta khó cạnh tranh), đánh thuế nặng lên hàng hóa chúng ta tiến vào thị trường của họ (trong khi Mỹ không đánh thuế ngược lại), hay khi họ xây dựng khu phức hợp quân sự khổng lồ giữa Biển Đông hay không? Tôi không nghĩ vậy!”. Mặc dù việc đưa tin trên mạng xã hội sẽ khác rất nhiều so với với ban hành một chính sách trong thực tiễn, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, có một số điểm đáng lưu tâm như sau:

Thứ nhất, ông Trump nhắc đến “khu phức hợp quân sự khổng lồ giữa Biển Đông”. Điều dễ liên tưởng nhất đến hình ảnh này chính là các cơ sở quân sự, dân sự được Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hiện “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm (theo cách gọi của truyền thông Trung Quốc) có khoảng 1.000 người(1). Hoặc ông D.Trump có thể đang đề cập đến những “hòn đảo nhân tạo” của Trung Quốc ở khu vực này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ tháng 9-2015 đã từng tuyên bố “không quân sự hóa”(2) tại các đảo nói trên, nhưng thực tế Trung Quốc đang gia tăng xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm các đường băng chuyên dụng phục vụ cho máy bay cất, hạ cánh.

Thứ hai, bình luận của ông D.Trump còn ngụ ý rằng Trung Quốc cần phải có thảo luận với các bên tranh chấp khác cùng với Mỹ trước khi tiến hành việc xây dựng các cơ sở quân sự trái phép và gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông như vậy. Trong khi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế cũng như xâm lấn lợi ích, chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực. Mỹ trên thực tế không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông cũng như thực hiện một chính sách không đứng về bên nào trong những tranh chấp này, nhưng với câu bình luận nói trên, công chúng đã phần nào có được cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách của Mỹ đối với Biển Đông trong nhiệm kỳ của ông D.Trump.

Từ những động thái trên, giới phân tích đưa ra hai kịch bản về chính sách của chính quyền Tổng thống D.Trump đối với vấn đề Biển Đông:

Kịch bản thứ nhất: Mỹ đẩy mạnh hoạt động quân sự và Trung Quốc duy trì chiến lược kiểm soát khu vực Biển Đông dẫn tới tình hình căng thẳng ở khu vực sẽ leo thang.

Theo kịch bản này, "dưới thời ông Trump làm ông chủ Nhà Trắng, quân đội Mỹ có thể tăng cường hiện diện ở Biển Đông, có nhiều hoạt động bảo vệ tự do hàng hải hơn, nhiều tàu xuất hiện hơn, nhiều dấu ấn quân sự hơn"(3). Nhiều khả năng ông D.Trump sẽ sử dụng sức mạnh quân sự mạnh mẽ hơn khi đối phó với Trung Quốc. Có thể chính quyền của ông D.Trump sẽ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan và các nước trong vùng; không đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như chính quyền Obama từng có tham vọng. Ông cũng không muốn nước Mỹ làm "cảnh sát quốc tế" để bảo vệ hoà bình ở các khu vực khác. Nhiều khả năng ông sẽ yêu cầu các nước đồng minh có lợi ích phải tự mình cố gắng hơn và Mỹ sẽ vừa thể hiện sức mạnh với Trung Quốc vừa tìm cách yêu cầu kinh phí bảo trợ từ các nước này. Các cố vấn của ông Trump (Newt Gingrich, Rudy Giuliani, những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc) từng nhắc đến việc cần thiết xây dựng lực lượng hải quân ở châu Á, kiên quyết hơn trước các hành động gây hấn của Trung Quốc. Họ cũng từng nhắc đến việc nếu Bắc Kinh giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông, không chiếm thêm các đảo thì Mỹ "sẽ để yên"(4). Tuy nhiên, đây là điều Trung Quốc không chấp nhận. Trên thực địa, quy mô quân sự hóa, cải tạo đảo mà Trung Quốc làm lớn hơn các nước khác nhiều lần, tạo ra sự thay đổi về cân bằng tương quan trên Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Điều đó khiến cho nguy cơ xung đột vũ trang là khó tránh khỏi, cùng với đó là tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông bị đe dọa. Nguy cơ Biển Đông thành điểm nóng, thậm chí là xung đột quốc tế có thể xảy ra.

Kịch bản thứ hai: Chính quyền của ông D.Trump sẽ thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Theo kịch bản này, giới phân tích cho rằng: “Nếu Trung Quốc dỡ bỏ một số loại thuế, giảm hạn chế đầu tư của Mỹ vào nước này, đổi lại Mỹ sẽ giảm hiện diện quân sự ở Biển Đông, ông Trump có thể cân nhắc điều gì là ưu tiên của ông, có thể lợi ích thương mại và giúp lao động Mỹ có thêm việc làm. Do đó, ông Trump có thể "hy sinh" Biển Đông”(5). Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) nhận định:“Trump có một thế giới quan khá mạnh và chính sách của ông sẽ phản ánh thế giới quan đó. Ông trọng sức mạnh cứng hơn là sức mạnh mềm và khi ông không ép buộc được người khác thì ông sẽ mặc cả”(6).Nếu như ông D.Trump xây dựng chính sách theo hướng như những gì thể hiện trong bài diễn văn sau khi thắng cử, thì nước Mỹ sẽ có chính sách thiên về đàm phán với Trung Quốc về vấn đề ở Biển Đông. 

2. Ảnh hưởngđối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam

Trong thời gian qua, ông Trump đưa ra những ý kiến tương đối mâu thuẫn nhau. Một mặt ông tuyên bố sẽ giảm dần sự can dự vào khu vực, nhưng mặt khác thì điện đàm nói chuyện trực tiếp với bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan. Đây là điều khá đặc biệt (các tổng thống tiền nhiệm chưa từng làm) kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Tuy nhiên, khi chiều hướng chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump phát triển theo 2 kịch bản nêu trên, thì đều ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thứ nhất, với việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự, nhưng khó ngăn được Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông, màcó thể bị cuốn vào những xung đột cả trên biển lẫn trên không, tạo nên những căng thẳng mới. Tình hình đó sẽ làm cho chạy đua vũ trang trong khu vực nóng lên,buộc Việt Nam phải tăng cường năng lực quốc phòng và chấp pháp để tự vệ. Khi chính trị cường quyền ngày càng có ảnh hưởng, vai trò của luật pháp quốc tế và ASEAN trong vấn đề Biển Đông cũng sẽ chịu nhiều thách thức, đặt ra những khó khăn không nhỏ trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ phải tăng cường mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự để phòng thủ. Điều này ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách quốc gia trong khi Việt Nam đang cần nhiều vốn đầu tư để tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập và phát triển, nên việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Thứ hai, một khi ông D.Trump thỏa hiệp với Trung Quốc giảm sự hiện diện quân sự ở Biển Đông để đổi lấy những lợi ích thương mại cho nước Mỹ thì những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gia tăng ảnh hưởng đến cân bằng chiến lược tại Biển Đông. Lúc đó, Trung Quốc sẽ “lấn tới” trong đòi hỏi chủ quyền, lợi ích tại biển Đông, làm cho các tranh chấp chủ quyền tại đây khó giải quyết hơn và việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Vụ Trung Quốc thu giữ chiếc tàu lặn không người lái (UUV) của Mỹ tháng 12 vừa qua, là một lời nhắc nhở cho các nước lân cận trong khu vực Biển Đông, cũng như Hoa Kỳ và Nhật Bản rằng, cần xem lại lập trường của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Mặc dù Tổng thống đắc cử Trump lớn tiếng công kích Trung Quốc trên mạng Twitter ngay cả khi họ nhất trí trao trả chiếc UUV rằng: "Chúng ta sẽ nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn nhận lại thiết bị lặn không người lái mà họ đã đánh cắp. Hãy cứ để họ giữ nó"(7), thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại cho rằng cáo buộc của ông Trump là không chính xác. Đồng thời, bà Hoa tuyên bố: “… hai nước đang liên lạc suôn sẻ qua các kênh quân sự, và chúng tôi tin rằng vụ việc này sẽ được giải quyết thỏa đáng"(8). Điều đó còn có nghĩa là, Trung Quốc sẽ có cách hóa giải tất cả các vấn đề ở Biển Đông theo hướng “việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có” như đã làm với Mỹ.

Để có thể chủ động ứng phó trong mọi tình huống phức tạp xảy ra, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực ven biển, trên biển và các đảo cần tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực phòng thủ địa phương, phải mang tính hệ thống, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” của đảo và bờ, với thế “động” của lực lượng tác chiến cơ động trên biển tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc. Về trang bị kỹ thuật phục vụ cho mục đích kinh tế - xã hội cần phù hợp với hệ thống trang bị kỹ thuật quốc phòng - an ninh trong hệ thống các cụm lực lượng trên biển, thực hiện kiểm soát, giám sát, báo động, chi viện, hỗ trợ nhau trong đấu tranh phòng chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia. Các cơ sở hậu cần, kỹ thuật kinh tế - xã hội ven bờ, trên biển và trên các đảo phải sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, ưu tiên xây dựng các đảo tiền tiêu xa bờ có công sự kiên cố, trang bị hỏa lực mạnh, có khả năng tác chiến dài ngày. Quá trình thiết kế, xây dựng hạ tầng cơ sở trên biển, đảo phải mang tính lưỡng dụng cao, không chỉ bền vững trước tác động của môi trường biển mà còn phải bền vững khi chuyển sang phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh.

Ngoài ra, xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam. Các địa phương ven biển, huyện đảo phải có lực lượng dân quân tự vệ vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng thế mạnh kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng đó, hơn lúc nào hết phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn vùng biển nói riêng và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nói chung. Việc triển khai công tác theo hướng vừa phát huy nội lực, kết hợp ngoại lực, tận dụng mọi lợi thế tạo sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ thể hiện sự phát triển năng lực tư duy lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đầy biến động phức tạp, mà còn là ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trước bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay.

____________

(1) Hải Anh: “Lính Trung Quốc đóng dầy đặc ở đảo Phú Lâm”, http://news.zing.vn

(2) Tập Cận Bình lần đầu hứa không “quân sự hóa”trên Biển Đông, http://vneconomy.vn/

(3), (4), (5), (6) Việt Anh: “Kịch bản bước đi của D.Trump ở Biển Đông”, http://vnexpress.net/

(7), (8) Thùy Dung: “Mỹ lạnh giọng không cần, Trung Quốc vẫn trả tầu lặn”, http://baodatviet.vn/

 

 

                                                                                 PGS, TS Thái Văn Long

Viện Quan hệ quốc tế

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bùi Đức Khanh

Học viên cao học Quan hệ Quốc tế Khóa 23

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền