Trang chủ    Thực tiễn    Phật giáo Nam Tông trong đời sống tinh thần của đồng bào Khơme tỉnh Kiên Giang
Thứ sáu, 29 Tháng 6 2018 15:18
3119 Lượt xem

Phật giáo Nam Tông trong đời sống tinh thần của đồng bào Khơme tỉnh Kiên Giang

  

(LLCT) - Kiên Giang là địa bàn cộng cư của nhiều dân tộc anh em đã tạo nên sự đa dạng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các cư dân. Đối với đồng bào Khơme, Phật giáo Nam tông đã bén rễ và ăn sâu vào đời sống tinh thần của đồng bào. Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khơme vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động, làm cho tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc diễn biến phức tạp.

Kiên Giang là tỉnh ven biển, nằm phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long,có diện tích tự nhiên 6.348,53 km2; dân số 1.738.833 người (411.047 hộ); đặc điểm tự nhiên tương đối đa dạng (có đồng bằng, rừng, núi, biển đảo);đường biên giới trên bộ chung vớiVương quốc Campuchia dài 56,8 km; bờ biển dài trên 200 km, vùng biển rộng khoảng 63.290 km2. Hiện tỉnh có27 dân tộccùng sinh sống, dân tộc Kinh có dân số đông nhất (chiếm 85,67%); đồng bào các dân tộc thiểu số với 249.131người, (chiếm 14,33%), trong đó,đồng bào dân tộc Khơme có50.936 hộ, với 217.244khẩu (chiếm 12,49%); dân tộcHoa có7.575 hộ, với 30.821người (chiếm 1,77%); các dân tộc thiểu số còn lạicó266hộ, với 1.086người (chiếm 0,06%)(1). Đồng bào dân tộc Khơme chủ yếu sống bằng nghề nông, đại bộ phận cư trú ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; điều kiện về kinh tế - xã hội còn thấp, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với cộng đồng. Những năm qua, tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc cơ bản được ổn định. Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, giải quyết kịp thời các nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào Khơme; chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, không để phát sinh phức tạp, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Trong những năm qua, tình hình tôn giáo ở Kiên Giang cơ bản ổn định, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được tạo điều kiện thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Toàn tỉnh có 492.131 tín đồ các tôn giáo (chiếm 29,24% dân số), trong đó có 2.181 chức sắc, nhà tu hành, 3.787 chức việc, 342 tổ chức tôn giáo cơ sở, 377 cơ sở thờ tự, 57 cơ cở từ thiện nhân đạo. Có trên 400 đình, miếu, am, cốc,… Tỉnh hiện có 75 chùa Phật giáo Nam tông (3 chùa và 1 tháp di tích văn hoá cấp quốc gia, 2 chùa di tích cấp tỉnh) với 926 vị chức sắc, nhà tu hành (399 tỳ kheo, 527 sadi), 1.654 chức việc trong Ban Quản trị chùa, trên 200 nghìn tín đồ (chiếm trên 12% dân số toàn tỉnh) và 40% tín đồ các tôn giáo.

Hoạt động tôn giáo của đồng bào dân tộc nói chung, dân tộc Khơme nói riêng trên địa bàn tỉnh khá ổn định, cơ bản tuân thủ pháp luật, đúng với truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng, đảm bảo an ninh trật tự(2). Các tín đồ Phật giáo Nam tông Khơme tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được các cấp, các ngành quan tâm làm tốt, các yêu cầu tôn giáo chính đáng được xem xét giải quyết đúng quy định pháp luật được tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ. Qua kiểm tra phát hiện nhiều vụ việc về tôn giáo, đề xuất xử lý chưa kịp thời như: việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự không xin phép, tụ tập đông người sinh hoạt tôn giáo mà không xin phép cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp chưa ổn định, một vài nơi chưa chủ động trong việc nắm bắt biễn biến tình hình tôn giáo, chưa phối hợp tốt trong việc triển khai tập huấn chuyên sâu Luật Tín ngưỡng, tôn giáo(3). Cùng với rất nhiều yếu tố chính trị - xã hội khác tác động khiến vấn đề dân tộc đối với đồng bào Khơme trong tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách móc nối, lôi kéo, kích động, gây rối, biểu tình, gây bạo loạn…  đã làm tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc diễn biến phức tạp(4). Cụ thể như sau:

Một là, do tính biệt truyền của Phật giáo Nam tông Khơme, việc nhập tu, xuất tu không ổn định, rất ít trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước nên việc quản lý tăng tịch gặp khó khăn. Tín đồ Phật giáo Nam tông Khơme ít tham gia vào hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh mà chỉ tập trung sinh hoạt ở Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, từ đó gây khó khăn cho hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, cũng như hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền. Một bộ phận đồng bào Khơme bỏ tôn giáo truyền thống để theo các tôn giáo khác, tại tỉnh kiên Giang có 556 người Khơme theo Tin Lành, Công giáo(6).

Hai là,công tác quản lý tăng sinh du học thiếu chặt chẽ. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của tăng sinh chưa sâu sát. Bất cập này là do Trường trung cấp Pali (Chùa Khleng Sóc Trăng) và Học viện Phật giáo Nam tông Khơme (thành phố Cần Thơ) chưa được phép đào tạo ở bậc cao hơn nên nhiều tăng sinh phải ra nước ngoài du học. Nhiều tăng sinh sau khi du học, không trở về nước mà ở các chùa Campuchia. Năm 2017 toàn tỉnh Kiên Giang có 39 sư sãi ra nước ngoài tu học, trong đó có 2 tăng sinh tham gia tổ chức Khơme Campuchia Krôm(6).

Ba là,một bộ phận không nhỏ đồng bào Khơme chưa nhận thức đúng về lịch sử dân tộc, coi Campuchia là nguồn gốc, là Tổ quốc của họ, không chấp hành pháp luật của Việt Nam. Tình trạngqua lại Campuchia trái pháp luật vẫn diễn ra, nhất là người Khơme sống ở khu vực biên giới, họ cho rằng việc qua lại biên giới thăm người thân, làm ăn, buôn bán, thậm chí sinh hoạt tôn giáo của sư sãi và đồng bào Phật tử... là tự nhiên, không liên quan đến   pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước tại khu vực biên giới còn chưa chặt chẽ.

Bốn là, một bộ phận trí thức, sư sãi và đồng bào Khơme còn mơ hồ trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Các tổ chức phản động “Khơme Campuchia Krôm” lợi dụng các diễn đàn quốc tế, tổ chức UNPO của Liên Hợp quốc để tranh thủ sự ủng hộ, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền đối với người Khơme. Một số phần tử thuộc đảng đối lập ở Campuchia có những hành động trực tiếp phá hoại cột mốc biên giới; tuyên truyền kích động tư tưởng, “ly khai, tự trị”; lợi dụng những sơ hở trong thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước để kích động biểu tình, bạo loạn,.. khiến tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc diễn biến phức tạp.

Xuất phát từ thực trạng trên, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của Phật giáo Nam tôngtrong đồng bào Khơme tỉnhKiên Giang

Thứ nhất, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào để giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, không để các thế lực phản động lợi dụng tình hình tôn giáo, dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Bên cạnh đó cần giữ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia; khẩn trương hoàn thành việc phân định cắm mốc biên giới giữa hai nước. Đồng thời, phát huy tốt hơn nữa vai trò của lực lượng bộ đội biên phòng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khơme, động viên đồng bào tham gia bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam.

Thứ hai, giáo dục lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ Tổ quốc cho đồng bào Khơme và các chư tăng, phật tử theo Phật giáo Nam tông Khơme thông qua việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào Khơme thực hiện nhu cầu tôn giáo của cộng đồng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác dân tộc đối với vùng đồng bào Khơme, sử dụng những người có uy tín trong đồng bào để vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống mới.

Thứ ba, thực hiện hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào Khơme, chư tăng, phật tử theo Phật giáo Nam tông Khơme, đặc biệt là những vấn đề pháp luật liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Campuchia trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khơme qua lại biên giới hợp pháp.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống đào tạo chư tăng trong nước đối với tín đồ Phật giáo Nam tông Khơme nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của chư tăng; hoàn thiện chương trình đào tạo của Học viện Phật giáo Nam tông để có đủ khả năng trong việc đào tạo chư tăng. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường hỗ trợ các chùa trong trang bị kinh sách tiếng Khơme theo đúng quy định. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang cần có sự tham gia nhiều hơn trong tổ chức và hoạt động phật sự của Phật giáo Nam tông Khơme.

___________________

(1) Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang:Báo cáo tình hình, kết quảthực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, ngày 18-9-2014.

(2) Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang: Báo cáo kết quả công tác nắm tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và hướng dẫn thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Kiên Giang.

 (3) Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang:  Báo cáo tình hình và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2017 và chương trình công tác tôn giáo năm 2018, Kiên Giang.

(4) Công an tỉnh Kiên Giang: Báo cáo tổng kết công tác đấu tranh chống phản động và chống khủng bố năm 2017, Kiên Giang, tr.1.

(5) Trần Hữu Hợp: Tôn giáo ở Nam bộ và những xu hướng phát triển trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 11-12, 2016, tr.131.

(6) Công an tỉnh Kiên Giang: Báo cáo tổng kết công tác đấu tranh chống phản động và chống khủng bố năm 2017, Kiên Giang, tr.2.

 

Phạm Ngọc Hòa

Học viện Chính trị khu vực IV

 

 

 

 


 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền