Trang chủ    Thực tiễn    Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với việc phòng, chống tham nhũng
Thứ ba, 23 Tháng 3 2021 13:57
1581 Lượt xem

Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với việc phòng, chống tham nhũng

(LLCT) - Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngăn chặn, phát hiện tham nhũng từ cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng và thiết yếu. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là công cụ pháp lý góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, do đó là một trong những giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng hiện nay.

Ảnh: minh họa

Từ khóa: dân chủ; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn; phòng chống tham nhũng.

1. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với việc ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng

Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007) là sự thể chế hóa các quyền của người dân (quyền dân chủ trực tiếp và quyền dân chủ gián tiếp) theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thực hiện”. Thực hiện Pháp lệnh, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, đối với ngăn ngừa tham nhũng

Với các quy định về quyền được biết của nhân dân, đã công khai, minh bạch nhiều nội dung trong hoạt động của chính quyền

Tham nhũng là hậu quả của sự thiếu hụt các yếu tố: trách nhiệm giải trình, sự liêm chính và tính minh bạch. Do đó, tính công khai, minh bạch càng cao thì tham nhũng càng khó xảy ra do dễ bị nhận diện, kiểm soát. Tổ chức minh bạch quốc tế đưa ra công thức: Công cụ chiến đấu chống tham nhũng = minh bạch khiếu nại của dân chúng + minh bạch ngân sách, tài chính + minh bạch mua sắm. Ở nước ta, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định cụ thể, chi tiết về 11 nội dung cần công khai, minh bạch, từ đó góp phần quan trọng vào ngăn ngừa tham nhũng.

Pháp lệnh quy định, những vấn đề liên quan đến thu chi tài chính như: dự toán, quyết toán ngân sách cấp xã hằng năm; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, các khoản tài trợ, đầu tư cho chương trình, dự án cấp xã, các khoản huy động nhân dân đóng góp; đối tượng và mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu đều phải được công khai... Vì vậy, cán bộ không thể tùy tiện yêu cầu nhân dân đóng góp và phải cung cấp thông tin minh bạch về việc sử dụng các khoản tài chính công. Pháp lệnh còn yêu cầu chính quyền cấp xã phải công khai quyền hạn, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; công khai các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính giải quyết công việc của nhân dân, từ đó hạn chế tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi hỏi những khoản phí vô lý trong quá trình làm việc. Pháp lệnh cũng quy định phải công khai các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cùng thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh quy hoạch khu dân cư, tránh tình trạng cán bộ, công chức cấp xã lợi dụng ưu thế về thông tin để trục lợi cá nhân.

Với quyền được tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân, giúp tiếng nói của nhân dân được lắng nghe và tôn trọng

Pháp lệnh quy định rõ những nội dung nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến trước khi chính quyền xã quyết định, hạn chế tình trạng tùy tiện ban hành những quyết định không thiết thực với quyền lợi của nhân dân. Cán bộ cấp xã phải lấy ý kiến nhân dân trong các vấn đề như: dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã, phương án phát triển ngành nghề cấp xã; dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và các phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất cấp xã; dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn xã; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, tái định cư, phương án quy hoạch khu dân cư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Đây là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng do người có thẩm quyền có thể bị chi phối bởi lợi ích cá nhân trong quá trình ra quyết định. Thí dụ, xây dựng quy hoạch đất, kế hoạch triển khai các chương trình, dự án gần nhà hoặc những nơi có quyền sử dụng đất nhằm đẩy giá đất lên cao hay cán bộ cấp xã thỏa thuận ngầm với nhà đầu tư đưa ra phương án đền bù giải phóng mặt bằng thấp và nhận phân chia lợi ích từ nhà đầu tư. Hay cán bộ xã sử dụng sai quỹ đất địa phương, cho người nhà sử dụng, thuê mướn với giá rẻ, thậm chí bán đất sai quy định. Do đó, khi nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến sẽ buộc cấp có thẩm quyền chú ý đến tiếng nói của người dân, bảo đảm ra quyết định công bằng, khách quan, tránh trục lợi cá nhân.

Pháp lệnh làm thay đổi ý thức, lề lối làm việc của cán bộ, công chức cấp xã theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân

Pháp lệnh quy định rõ những việc cán bộ, công chức phải làm và không được làm; quy định cán bộ, công chức cấp xã phải tôn trọng và thực hiện đầy đủ quyền của nhân dân, xây dựng phong cách, thái độ làm việc gần dân, phục vụ nhân dân, tránh quan liêu, cửa quyền, hách dịch. Đặc biệt, nhân dân có quyền giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ và tố cáo những hành vi sai phạm... Điều này tạo ra áp lực để cán bộ, công chức thực hiện đúng thẩm quyền của mình. Đồng thời, Pháp lệnh quy định, cán bộ chủ chốt cấp xã như Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phải lấy phiếu tín nhiệm và đọc bản kiểm điểm trước nhân dân để nhân dân góp ý. Việc nhân dân trực tiếp góp ý về những điều cán bộ làm chưa tốt buộc cán bộ phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, góp phần ngăn ngừa hành vi tham nhũng.

Thứ hai, đối với phát hiện, xử lý tham nhũng

Pháp lệnh không chỉ có ý nghĩa trong phòng ngừa tham nhũng mà còn có những quy định về phát hiện, xử lý hiệu quả các hành vi tham nhũng. Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền giám sát hoặc thực hiện thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, từ đó phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Ban Thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, trong đó có nội dung giám sát việc sử dụng kinh phí, giám sát tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, giám sát xử lý các vụ việc tham nhũng... Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có nhiệm vụ giám sát quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn, nhất là những công trình có sự đóng góp của nhân dân. Như vậy, thông qua kiểm tra, giám sát, những hành vi tham nhũng như cán bộ thực hiện không đúng nhiệm vụ, chức năng, sử dụng sai kinh phí thu lợi bất chính, bớt xén vật liệu, làm sai thiết kế trong thi công các công trình xây dựng... sẽ bị phát hiện. Nhân dân và Ban Thanh tra nhân dân còn có quyền giám sát việc giải quyết đơn thư tố cáo của nhân dân (trong đó có tố cáo những hành vi tham nhũng của cán bộ), giám sát việc xử lý tham nhũng và buộc cấp có thẩm quyền phải công khai kết quả xử lý, qua đó ngăn chặn những hành vi bao che, nương nhẹ trong xử lý tham nhũng của cán bộ, công chức, bảo đảm việc xử lý đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.

2. Một số hạn chế trong thực thi Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Việc triển khai Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị năm 1998 và đặc biệt là từ khi thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã thực sự làm chuyển biến lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức cấp xã, góp phần làm trong sạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền cấp xã, trực tiếp góp phần phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn tồn tại một số bất cập làm hạn chế công tác phát huy dân chủ ở cơ sở trong phòng chống tham nhũng.

Một số cán bộ, công chức cơ sở không muốn công khai thông tin đặc biệt là những thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, các khoản thu chi ngân sách, các khoản quỹ do nhân dân đóng góp vì muốn trục lợi cá nhân, che giấu các hành vi chi sai quy định, chi không hợp lý. Quyền được biết của người dân ở những nội dung này còn bị hạn chế. Theo kết quả PAPI năm 2017, tỷ lệ người dân cho rằng thu chi ngân sách của xã, phường được công bố công khai mặc dù tăng nhưng còn thấp, từ 32% năm 2016 lên 36% năm 2017. Tỷ lệ người trả lời được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thậm chí còn giảm từ 23,6% năm 2016 xuống còn 15,2% năm 2017(1). Đây là một nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng ở cơ sở vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Nhiều cán bộ xã thiếu công khai, minh bạch trong thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh ở địa phương dẫn tới hiện tượng cán bộ và gia đình nhận được các khoản hỗ trợ trong khi nhiều người dân xứng đáng hơn lại không được hưởng. Thí dụ, trong đợt thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã xảy ra một số vi phạm tại xã Thiệu Thành, Thiệu Hóa, Thanh Hóa khi người nhà của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã mặc dù điều kiện kinh tế không khó khăn song lại được liệt kê vào danh sách hộ cận nghèo để hưởng trợ cấp(2).

Việc thực hiện quyền tham gia đóng góp ý kiến của người dân cũng còn hạn chế làm cho tình trạng tùy tiện, trục lợi trong các quyết định của cán bộ trên địa bàn xã cũng chưa được ngăn chặn hiệu quả. Một phần vì người dân có tâm lý thụ động, nhận thức còn hạn chế nên ít tham gia đóng góp ý kiến, một phần vì ở nhiều nơi cán bộ lấy ý kiến một cách hình thức, bằng cách đưa phương án để người dân lựa chọn thay vì người dân được chủ động đề xuất phương án. Ở một số địa phương, cán bộ tổ chức lấy ý kiến của dân nhưng không tiếp thu, đặc biệt là những nội dung dễ xảy ra tham nhũng. Theo nhiều người dân, nội dung mà chính quyền ít tham khảo ý kiến của nhân dân nhất là phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là lĩnh vực người dân quan tâm nhất và cũng là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, tỷ lệ người cho biết họ có dịp góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương theo số liệu của PAPI năm 2017 chỉ là 4%. Cũng theo đó, tỷ lệ người đóng góp ý kiến cho quá trình thiết kế tu sửa, xây dựng mới công trình công cộng ở địa phương năm 2016 là 36% năm 2017 là 33%(3).

Trong quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa, ở nhiều vùng nông thôn diễn ra quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành khu dân cư, các dự án sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, đường xá, các công trình công cộng... Theo quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, cán bộ xã phải xin ý kiến của nhân dân trong phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù, các khu tái định cư. Tuy nhiên, ở nhiều xã, phường, thị trấn, cán bộ xã đã lợi dụng chủ trương này để cưỡng chế và thu hồi đất canh tác nông nghiệp tràn lan với giá rẻ mạt. Giá đền bù, giải phóng mặt bằng không tham khảo ý kiến của nhân dân, không nhận được sự đồng tình của nhân dân, gây khiếu kiện kéo dài. Nguyên nhân của hiện tượng này là do cán bộ xã cho phép các doanh nghiệp, chủ đầu tư thu hồi đất nông nghiệp của người dân với giá thấp, thực hiện các dự án sau đó bán đất ở với giá cao, thu lợi nhuận.

Việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân nhằm phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ còn hạn chế. Do các cấp chính quyền không hỗ trợ tích cực cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và năng lực giám sát của nhân dân và thành viên các ban này còn hạn chế (giám sát tài chính, xây dựng đòi kiến thức chuyên môn sâu) nên hiệu quả kiểm tra, giám sát không cao. Hơn nữa, do tâm lý ngại va chạm, ngại đấu tranh, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân chỉ tập trung vào giám sát những công việc dễ thấy như chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quản lý thu chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp, còn việc giám sát cán bộ, công chức, giám sát ủy ban nhân dân và các cơ quan công quyền trên địa bàn thì chưa đạt yêu cầu. Thậm chí, một số thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn có tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân, nhận thù lao bồi dưỡng riêng từ chủ đầu tư. Vì vậy, việc phát hiện những hành vi tham nhũng của cán bộ còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát về việc người dân tham gia giám sát ở 6 nội dung là: giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; thi công, nghiệm thu, quyết toán các công trình phúc lợi công cộng; quản lý và sử dụng đất đai; thu chi các loại quỹ công ở xã; thanh tra các vụ tiêu cực, tham nhũng liên quan đến cán bộ xã, thôn, ấp; thực hiện chế độ chính sách ưu đãi, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, thì nội dung có số người tham gia giám sát ít nhất là thanh tra các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, liên quan đến cán bộ xã, thôn, ấp chiếm 10,3%. Hai nội dung có số người tham gia giám sát cao nhất là 23% là đối với thực hiện chế độ chính sách ưu đãi, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và thi công, nghiệm thu, quyết toán các công trình phúc lợi công cộng(4). Vì vậy, để phát huy vai trò của pháp lệnh trong phòng chống tham nhũng cần bảo đảm cho pháp lệnh được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn.

3. Giải pháp phát huy Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với việc phòng chống tham nhũng

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, có chế tài xử lý đối với cán bộ không thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh

Cần hoàn thiện Pháp lệnh theo hướng mở rộng quyền dân chủ của người dân, qua đó phát huy vai trò của Pháp lệnh trong phòng, chống tham nhũng. Thí dụ, bổ sung các quy định về việc minh bạch thông tin, tăng quyền dân chủ cho nhân dân như chuyển một số quyền nhân dân tham gia ý kiến thành quyền nhân dân biểu quyết, quyết định; mở rộng quyền giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng không chỉ đối với những công trình do nhân dân đóng góp mà cả các công trình khác trên địa bàn xã.

Cần có các quy định bảo đảm Pháp lệnh được thực thi nghiêm túc, qua đó góp phần vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cần quy định cụ thể hơn về khen thưởng, kỷ luật, các biện pháp chế tài áp dụng trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Quy định cụ thể các loại hành vi vi phạm trong thi hành Pháp lệnh như tính chất, mức độ, hậu quả của các hành vi vi phạm. Quy định cụ thể hình thức xử lý kỷ luật đối với từng loại hành vi vi phạm cụ thể, bảo đảm tính giáo dục đối với người vi phạm và tính ngăn ngừa, răn đe đối với người khác. Trường hợp vi phạm hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này sẽ buộc cán bộ, công chức phải thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh, từ đó hạn chế được các hành vi tham nhũng. Pháp lệnh cần quy định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền, chức năng của các cấp cao hơn như cấp tỉnh, cấp huyện trong việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc chính quyền cấp xã triển khai thực hiện Pháp lệnh về dân chủ cơ sở, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nhằm xử lý kịp thời những sai phạm xảy ra. Tăng cường các hình thức kiểm tra, giám sát trong thực hiện dân chủ ở cấp xã, đặc biệt là các tổ chức độc lập với chính quyền cơ sở bảo đảm cho Pháp lệnh được thực hiện nghiêm túc, ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Cần coi việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh là một nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và tiến hành đánh giá thường xuyên, gắn với các khâu của công tác cán bộ ở cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực hiện Pháp lệnh.

Bộ Nội vụ đã đệ trình Chính phủ xây dựng dự thảo về Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nếu dự luật này được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện dân chủ cơ sở.

Thứ hai, nâng cao vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng

Hiện nay, các quy định về quyền kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, khó thực hiện, năng lực của thành viên các ban này còn hạn chế. Vì vậy, để tăng khả năng phát hiện tham nhũng cần tăng quyền và năng lực giám sát của các ban này.

Pháp lệnh cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn, cách thức hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thí dụ quy định rõ quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị. Gắn vai trò và trách nhiệm của Ban Giám sát công trình bằng cách quy định đại diện Ban phải ký xác nhận vào biên bản nghiệm thu công trình. Đây là hình thức thể hiện ý kiến của Ban Giám sát về chất lượng công trình, mức độ hài lòng của người dân trong quá trình giám sát. Điều này giúp hạn chế những hành vi tham nhũng, tư lợi trong xây dựng công trình của một số cán bộ cơ sở.

Ban Thanh tra nhân dân ở xã phường là thiết chế giám sát của nhân dân, có tính chất đại diện cho cộng đồng dân cư; các thành viên được lựa chọn từ cộng đồng, do cộng đồng bầu ra và chỉ bị bãi nhiệm bởi hội nghị của cộng đồng nhân dân. Do vậy, cần hoàn thiện quy trình bầu Ban Thanh tra nhân dân theo hướng giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền vào quá trình lựa chọn ứng viên và tiến hành bầu cử. Thiết chế thanh tra nhân dân nên được quy định tập trung trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Đầu tư giám sát của cộng đồng, Pháp lệnh cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám sát, cung cấp tài liệu, thông tin đầy đủ cho các ban này. Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân hiện nay tương đối ngắn (2 năm) khiến cơ cấu tổ chức thiếu ổn định, cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch, phương hướng bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên trong Ban. Vì vậy, có thể xem xét kéo dài nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân lên 5 năm.

Thứ ba, nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của người dân cơ sở trong thực hiện Pháp lệnh

Người dân được trao quyền nhưng nếu họ không tích cực và không đủ năng lực thực hiện thì sẽ không bảo đảm việc thực hiện quyền trên thực tế. Do đó, để thực hiện hiệu quả Pháp lệnh, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của người dân ở cơ sở. Trước hết, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh để nhân dân hiểu rõ quyền của mình và tầm quan trọng của việc tham gia thực hiện quyền. Cần có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp với những người dân tích cực thực hiện quyền; tuyên truyền để người dân khắc phục tâm lý ngại va chạm, sợ chính quyền... từ đó nâng cao tính tích cực tham gia thực hiện quyền làm chủ của người dân. Ngoài ra, để nâng cao năng lực làm chủ thì trước hết cần phải quan tâm tới việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, trình độ học vấn và hiểu biết pháp luật của người dân.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020

(1), (2) CECODES, VFF-CRT, RTA& UNDP: Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), 2017: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, Hà Nội, 2018, tr.39, 39.

(3) Báo Nhân Dân Điện tử, ngày 21-5-2020

 

(4) Trương Thị Hiền: Pháp luật và Hương ước trong quản lý xã hội nông thôn: đánh giá từ phía người dân, Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, số 6, 2015.

TS Trần Sỹ Dương

Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Hà Thị Thùy Dương

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền