Trang chủ    Thực tiễn    Kinh nghiệm từ thực tiễn bầu cấp ủy xã, phường ở thành phố Hải Phòng
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 14:45
2385 Lượt xem

Kinh nghiệm từ thực tiễn bầu cấp ủy xã, phường ở thành phố Hải Phòng

(LLCT) - Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, công tác bầu cử tại đại hội đảng bộ cấp xã, phường ở thành phố Hải Phòng, nhiệm kỳ 2010 - 2015, có nhiều đổi mới theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ. Việc thực hiện những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong công tác bầu cử, làm cho việc bầu cử diễn ra dân chủ, khoa học và đạt kết quả cao hơn; xác định, lựa chọn đội ngũ cán bộ được chính xác hơn; bảo đảm cho những đảng viên thật sự có đức, có tài được tham gia vào cơ quan và chức vụ lãnh đạo.

Triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU, ngày 17-9-2009 về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XIV, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XI của Đảng; Thông tri số 14-TT/TU, ngày 12-10-2009 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV; Kế hoạch 63-KH/TU, ngày 19-10-2009 về Thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư và đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ...

Công tác chuẩn bị cho bầu cấp ủy có sự đổi mới, 100% các đảng bộ đảm bảo danh sách bầu đủ số dư theo quy định; đơn vị có số dư cao nhất trong danh sách bầu cấp ủy là Đảng bộ xã Văn Phong (huyện Cát Hải), đạt 30,8%.

Về cơ cấu cấp ủy: số cấp ủy mới chiếm 34,88%, đạt trên 1/3 so với quy định; cấp ủy viên nữ đạt 20,91%; cấp ủy viên trẻ (dưới 35 tuổi) tăng so với nhiệm kỳ trước. Ở một số đảng bộ đạt tỷ lệ cao, như các đảng bộ xã thuộc quận Hải An, số ủy viên mới chiếm tới 56,5% tổng số ủy viên, vượt 23,2% so với yêu cầu; ở các đảng bộ phường Nam Sơn, Trần Thành Ngọ (quận Kiến An) tỷ lệ cấp ủy viên nữ chiếm 46%. Nhiều đảng bộ đã chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những cán bộ trẻ có đức, có tài và được sự tín nhiệm cao. Đảng bộ phường Nam Sơn, đồng chí Bí thư đoàn thanh niên dưới 30 tuổi được cơ cấu vào chức danh Phó Bí thư Đảng ủy và đạt số phiếu bầu cao. Đảng bộ phường Trần Thành Ngọ, Văn Đẩu, Quán Trữ... cũng có nhiều cán bộ trẻ dưới 30 tuổi được cơ cấu vào chức danh quan trọng trong cấp ủy.

Về thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư:  Theo sự chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, các đảng bộ cấp trên cơ sở đã chọn được 35/544 đảng bộ cơ sở, trong đó có 14/223 (chiếm 6,3%) đảng bộ xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương này. Do chuẩn bị chu đáo, đại hội bầu một lần đã đủ số cấp ủy, đảm bảo đúng quy định. Các bí thư cấp ủy mới có số phiếu bầu cao, trung bình trên 80%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bầu cấp ủy tại đại hội đảng bộ cấp xã, phường ở thành phố Hải Phòng vẫn còn một số hạn chế bất cập:

Về cơ cấu cấp ủy mới:Theo quy định của Trung ương và Thành ủy Hải Phòng, bảo đảm tỷ lệ cấp uỷ viên là nữ không dưới 15%, trong đó cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp uỷ; tỷ lệ cấp uỷ viên trẻ tuổi (dưới 30 tuổi đối với cấp xã, phường, thị trấn) không dưới 15% tổng số cấp ủy viên(1). Tuy nhiên, cấp ủy ở nhiều đảng bộ chưa đảm bảo tỷ lệ cơ cấu. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ trẻ (30 tuổi trở xuống) tham gia cấp ủy ở các đảng bộ xã, phường, thị trấn đều không đạt yêu cầu, bình quân là 4,3%, đơn vị cao nhất đạt 13,3%. Tình trạng đó dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá trong đội ngũ cán bộ.

Bầu không đúng dự kiến:Trên toàn thành phố có 26/223 (chiếm 11,7%) đảng bộ xã, phường, thị trấn bầu không đúng dự kiến, trong đó có 4 bí thư, 3 chủ tịch ủy ban nhân dân, 3 phó bí thư; có 5 đơn vị bầu thiếu cấp ủy, đơn vị bầu thiếu nhiều nhất là 5 cấp ủy, 2 đảng bộ bầu thiếu 3 cấp ủy.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cấp uỷ và người đứng đầu ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc các nghị quyết của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch, dự nguồn cán bộ ở nhiều đảng bộ tiến hành vội vàng, “chắp vá”, đôi khi còn tình trạng "khép kín"... dẫn đến tính khả thi không cao. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch chưa được tiến hành thường xuyên, chưa thực sự "động" và "mở"; chất lượng dự nguồn ở nhiều nơi còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý, chưa khích lệ và tạo điều kiện cho nguồn cán bộ nữ và trẻ tuổi tham gia. Trong khi đó, đội ngũ đảng viên trẻ, có trình độ về công tác tại địa phương còn ít. Một số cán bộ trẻ đang công tác tại địa phương lại chưa đủ tiêu chuẩn, uy tín trước tập thể chưa cao, hoặc chưa thiết tha, gắn bó với nhiệm vụ. Nhiều nơi chưa thật sự gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ; thiếu cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút tuyển chọn, đào tạo và sử dụng người có đức, có tài; chưa sàng lọc, bảo vệ và chăm lo tốt  đội ngũ cán bộ. Chưa kịp thời phát hiện sai phạm của cán bộ, hoặc phát hiện nhưng xử lý không nghiêm, vẫn đưa vào cơ cấu nhân sự nên khi bầu không trúng...

Từ thực tiễn trên đây, để khắc phục tình trạng "đến Đại hội phải đốt đuốc đi tìm cán bộ"(2), tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nhân sự Đại hội sắp tới, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

1. Về công tác đánh giá cán bộ.Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, cực kỳ quan trọng trong công tác cán bộ; là nội dung có tính nguyên tắc, là tiền đề và cơ sở cho việc xem xét, quyết định lựa chọn, sử dụng cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc, sẽ nhân thêm sức mạnh tổ chức; cán bộ mới phát huy được phẩm chất, năng lực của mình, đóng góp, cống hiến được nhiều hơn cho tổ chức. Ngược lại, đánh giá không đúng sẽ bố trí sai cán bộ, không phát huy được năng lực của cán bộ, ảnh hưởng đến chất lượng của tổ chức. Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ việc đánh giá cán bộ vẫn "là khâu yếu, chậm được khắc phục"(3). Do đó, để có cơ sở làm tốt công tác chuẩn bị cán bộ cho đại hội, các tổ chức đảng phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy chế đánh giá cán bộ. Trong đó, về nguyên tắc bảo đảm: "đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực của cán bộ"(4).

Việc đánh giá bản lĩnh chính trị và lòng trung thành của cán bộ, không chỉ căn cứ vào nhận thức hay lời nói mà phải căn cứ vào việc làm của họ.

Về đạo đức, lối sống, là người có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong tổ chức, gắn bó với nhân nhân dân; không lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng; tận tụy, trung thực, có lòng nhân ái, khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm; có phong cách làm việc sâu sát thực tế, lắng nghe ý kiến của nhân dân, có tinh thần tự phê bình và phê bình, có tín nhiệm trong cơ quan và khu dân cư.

Trình độ và năng lực của cán bộ được thể hiện ở chỗ: có tư duy nhạy bén, sáng tạo, có phương pháp làm việc dân chủ, khoa học, năng động và có bản lĩnh quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nhiệm vụ của cấp trên; khi có thiếu sót, khuyết điểm thì dũng cảm thừa nhận và quyết tâm sửa chữa.

Tuy nhiên, đức - tài của cán bộ là do học tập, lao động, công tác và rèn luyện trong thực tế mà có. Vì vậy, phải xem xét cả quá trình công tác, sinh hoạt mới có thể đánh giá đúng thực chất và năng lực cán bộ. Không chỉ xem xét công việc trong thời điểm cụ thể mà phải xem xét công việc của họ từ trước tới nay.

2. Về công tác quy hoạch cán bộ.Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Các đảng bộ cần triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ. Theo đó:

- Phải xuất phát từ việc phục vụ nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế từng đảng bộ; phải thông qua hoạt động thực tiễn, phong trào thi đua của quần chúng nhân dân và tranh thủ ý kiến của các đồng chí cán bộ lâu năm để phát hiện những nhân tố mới, có triển vọng đưa vào quy hoạch.

- Phải kết hợp hài hoà giữa ba độ tuổi; từng bước tạo nguồn, đảm bảo đủ số lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo quy định; phát triển nguồn tài năng trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

- Công tác quy hoạch cần phải tiến hành thường xuyên; phải bảo đảm bảo tính “mở”“động”; đồng thời quy hoạch cần được rà soát thường xuyên, bổ sung, điều chỉnh hằng năm; phải theo sát sự thay đổi của thực tiễn và sự phát triển của cán bộ; đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đáp ứng được yêu cầu, bổ sung những nhân tố mới có triển vọng. Công tác quy hoạch phải đảm bảo hai chiều, lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp trên thúc đẩy quy hoạch cấp dưới.

3. Về công tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ. Cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ trước hết là các trường chính trị và các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược tạo nguồn cho lựa chọn cán bộ trong các kỳ đại hội đảng cấp cơ sở. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch theo phương châm: lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành; phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập suy nghĩ, sáng tạo của người học, nhất là kỹ năng thực hành, xử lý tình huống... Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng cơ bản, thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Đặc biệt, tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ trẻ. Bên cạnh đó, bản thân cán bộ trẻ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; nâng cao bản lĩnh, phẩm chất đạo đức cách mạng để hoàn thiện nhân cách.         

4. Về chế độ đãi ngộ.Có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh thích hợp để tạo động lực thu hút, cống hiến, phấn đấu vươn lên của cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Xây dựng và thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ có trình độ, hiệu suất công tác cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị và bồi dưỡng trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Thu hút, tuyển chọn sinh viên có trình độ, phẩm chất tốt về công tác trong hệ thống chính trị các cấp.

5. Về công tác kiểm tra, giám sát; khen thưởng, kỷ luật.Để có nguồn cán bộ đủ về cơ cấu, tốt về chất lượng, phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cán bộ về chất lượng, hiệu quả công việc, về tư tưởng, lập trường, mối quan hệ xã hội của bản thân và gia đình cán bộ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch cán bộ; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng những địa phương làm tốt công tác quy hoạch cán bộ.

Quy rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân người đứng đầu trong việc  chuẩn bị không tốt nguồn cán bộ trước các kỳ đại hội; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm. Để làm tốt công tác kiểm tra, cần phải tiến hành thường xuyên và người đi kiểm tra phải là những người có uy tín cao, công tâm.

Có cơ chế để đảng viên và nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ. Kịp thời kiểm tra, kết luận và xử lý dứt điểm các vụ việc có liên quan đến cán bộ, nhất là những cán bộ nằm trong danh sách nhân sự đại hội.         

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây sẽ khắc phục được tình trạng hẫng hụt cán bộ trước mỗi kỳ đại hội, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013

(1) Ban tổ chức Thành ủy Hải Phòng (2009): Hướng dẫn số 11: Công tác nhân sự cấp uỷ tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV, tr.2.

(2) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012. tr.33.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.167.

(4) ĐCSVN : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.295.

ThS Nguyễn Tác Lũy

Trường Cao đẳng kỹ thuật khách sạn, Bộ Công thương

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền