Trang chủ    Diễn đàn    Tính dân tộc và hiện đại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 09:47
4418 Lượt xem

Tính dân tộc và hiện đại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

1. Các mô hình chính thể ở Việt Nam trước năm 1945

Với chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, Việt Nam đã thoát khỏi hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, hoàn thành thống nhất lãnh thổ, chính thể quân chủ chính thức được thành lập ở Việt Nam. Đó là thời kỳ tồn tại và phát triển, rồi tiêu vong của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Chính thể quân chủ chuyên chế tồn tại ở Việt Nam cho đến khi thực dân Pháp xâm lược và thiết lập ra một mô hình tổ chức quyền lực mới.

Nhà nước phong kiến Việt Nam với quyền lực cao nhất và tuyệt đối thuộc về vua. Quyền lực đó được đồng nhất với một loại sức mạnh thần bí, siêu nhiên. Vua được xem như “Thiên tử”, là con trời. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều truyện dân gian, người ta thường tạo ra một nội dung kỳ bí xung quanh sự ra đời của một vị vua, đặc biệt là những vị vua khai sinh ra một triều đại mới. Nhà vua cai trị, quyết định vấn đề gì được mọi người gọi là “thay Trời hành đạo”. Việc xử lý công việc của nhà vua nhiều khi theo kiểu tùy tiện, cảm tính, thậm chí rất vô lý.

Người đứng đầu nhà nước, vua không do bầu cử mà theo chế độ cha truyền, con nối. Nhà vua vừa là người ban hành pháp luật, vừa là vị pháp quan tối cao trong một nhà nước.

Người dân không có quyền tham dự vào công việc triều chính. Tất nhiên, cũng vẫn có trường hợp người dân thi cử đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan. Trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, bên cạnh việc bổ nhiệm quan lại theo chế độ tập ấm, vẫn có chế độ thi tuyển. Thể lệ thi tuyển không phân biệt giàu nghèo, ai cũng có quyền ứng thí. Nếu trúng tuyển trong các kỳ thi đỗ tú tài, cử nhân, tiến sỹ... đều được nhà vua trọng dụng. Ngay cả khi những người dân thường đỗ đạt, làm quan thì vẫn phải tuân theo mệnh lệnh của nhà vua một cách tuyệt đối.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược và sau đó Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Dưới ách cai trị của thực dân Pháp, mô hình tổ chức quyền lực mới được thiết lập. Năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập gồm ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đứng đầu Liên bang là chức danh toàn quyền Đông Dương. Chức danh này do Tổng thống Pháp bổ nhiệm. “Toàn quyền Đông Dương nắm toàn bộ các quyền lập pháp, lập quy, hành pháp, tư pháp ở Đông Dương”(1).

Thực dân Pháp thực hiện chính sách “địa phương phân quyền” ở Đông Dương. Liên bang Đông Dương bị chia làm 5 xứ theo các thể chế chính trị khác nhau: Nam Kỳ Việt Nam là xứ thuộc địa do viên Thống đốc đứng đầu, Bắc Kỳ Việt Nam là xứ bảo hộ do viên Thống sứ đứng đầu, Trung Kỳ (Việt Nam) và Lào, Campuchia là xứ bảo hộ nhưng mỗi xứ do viên Khâm sứ đứng đầu.

Mô hình tổ chức quyền lực cai trị thuộc địa của Pháp ở Việt Nam không dựa trên một hiến pháp dân chủ mà theo lề lối tùy tiện, độc đoán. Trong những tác phẩm tố cáo tội ác của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Như ở các tỉnh, một tỉnh Bắc Kỳ cũng có một vị công sứ Pháp... Ông ta là Chủ tịch tỉnh, đốc lý, chánh án, mõ tòa, chủ thầu. Ông kiêm tất cả mọi quyền hành: tư pháp, thuế vụ, sinh mệnh và tài sản của người bản xứ, việc bầu cử những người cầm quyền bản xứ, quyền lợi của công chức, vv..” “...Ông ta biết bắt giữ, tống giam và kết án một cách độc đoán những người An Nam để thu thuế họ...”(2).

Trước đó các nhà nho yêu nước cấp tiến cũng đã lên án cách thức cai trị của thực dân Pháp và cách thức tổ chức quyền lực của chính quyền thuộc địa ở Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung.

Khát khao về một nền độc lập của dân tộc cùng mô hình nhà nước trong tương lai được tổ chức theo những nguyên tắc rõ ràng, không mang tính tàn bạo, phi nhân tính trở thành mong muốn của nhiều người Việt Nam yêu nước nói chung và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nói riêng.

2. Các mô hình chính thể tiêu biểu trên thế giới, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên thế giới tồn tại một số mô hình chính thể như: chính thể cộng hòa được xây dựng ở nhiều nước tư bản, chính thể kiểu Xô viết được xây dựng ở nước Liên Xô.

Mô hình chính thể cộng hòa ở các nước tư bản

Chính thể cộng hòa là mô hình tổ chức quyền lực nhà nước phổ biến của xã hội TBCN. Trong đó, sức mạnh chính trị của nhà nước phụ thuộc vào sự đồng ý của người dân. Các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu của nhà nước đều do người dân bầu ra. Nhân dân ít nhiều có quyền lợi và được tham gia vào công việc quản lý nhà nước. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được Hiến pháp quy định và bảo đảm. Chính vì vậy, chính thể cộng hòa còn được gọi là chế độ chính trị dân chủ, tức là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Có hai loại chính thể cộng hòa là: chính thể cộng hòa đại nghị (Pháp) và chính thể cộng hòa tổng thống (Mỹ). Cách phân chia này được xác định trên cơ sở mối quan hệ giữa hai nhánh quyền lực hành pháp và lập pháp.

Đối với chính thể cộng hòa đại nghị, Quốc hội - cơ quan do nhân dân trực tiếp (hoặc gián tiếp) bầu ra có nhiều quyền lực, thông qua chức năng lập pháp và có quyền giám sát mọi hoạt động của cơ quan nhà nước. Chính phủ là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước, do quốc hội lập ra và phải chịu trách nhiệm trước quốc hội. Hai nhánh lập pháp và hành pháp có sự liên kết với nhau.

Đối với chính thể cộng hòa tổng thống, hành pháp và lập pháp không chịu trách nhiệm lẫn nhau, mặc dù cả hai nhánh đều do dân bầu. Nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu nhà nước vừa là người đứng đầu hành pháp. Quyền lực của tổng thống rất lớn và cũng do bầu ra.

Chính thể cộng hòa chính là hình thức nhà nước được hiến định, trong đó tổ chức cơ bản và các bộ phận của nó được luật pháp xác định. Quyền tự do cá nhân của con người được đề cao tại những nước theo chính thể cộng hòa. Quyền con người đã được ghi trong Tuyên ngôn Độc lậpcủa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyềnvà dân quyềncủa cách mạng Pháp năm 1791.

Sự tuyên bố về quyền con người trong cách mạng tư sản và trong xã hội TBCN không chỉ dừng ở phạm vi các tuyên ngôn, mà còn được quy định trong Hiến pháp.

Hồ Chí Minh ngay từ khi còn học ở trường Quốc học Huế, Người đã bị hấp dẫn bởi những từ ngữ rất đẹp trong Tuyên ngôn của Pháp: “tự do, bình đẳng, bác ái”. Sở dĩ khi tìm đường cứu nước, Người hướng sang phương Tây, cụ thể là nước Pháp vì Người muốn xem tự do, bình đẳng, bác ái của họ như thế nào, để sau đó quay trở về giúp đồng bào trong nước.

Có thể thấy, chính thể cộng hòa tiến bộ hơn rất nhiều so với chính thể quân chủ chuyên chế. Quyền lực không tập trung tuyệt đối trong tay một cá nhân (vua hay nữ hoàng), người dân có quyền tham gia vào công việc chính trị. Hình thức tổ chức nhà nước tư sản hoàn toàn đoạn tuyệt với nhà nước phong kiến chuyên chế.

Thành tựu của mô hình chính thể cộng hòa là:

Về mặt nhà nước: thực hiện xóa bỏ chế độ một cá nhân chuyên chế, vua hoặc nữ hoàng nắm trong tay cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo thuyết phân chia và kiềm chế quyền lực.

Về mặt pháp luật: đề cao vị trí, vai trò của pháp luật trong hoạt động của nhà nước và xã hội, xác lập nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Về quản lý xã hội: xác lập chế độ quản lý xã hội bằng hiến pháp và các đạo luật được ban hành.

Về đời sống của cá nhân: đề cao quyền tự do của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc; quan hệ giữa nhà nước và công dân dựa trên cơ sở pháp luật.

Qua hành trình bôn ba nhiều quốc gia châu lục, Nguyễn Ái Quốc tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân tại những nước tư bản vốn nổi tiếng với những tư tưởng, ngôn từ đẹp. Người nhận ra rằng từ các văn bản pháp lý đến thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa. Cả Pháp và Mỹ đều tiến hành tổ chức nhà nước theo chế độ cộng hòa. Dù người đứng đầu nhà nước hay bộ máy nhà nước theo hiến pháp quy định phải được bầu bằng lá phiếu của người dân, nhưng quyền được đi bầu cử, ứng cử không áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người trong xã hội. Nói cách khác quan điểm của họ về “dân, nhân dân” không dành cho tất cả.

Hiến pháp năm 1791 của Pháp, quy định chế độ bầu cử chia công dân thành hai loại tích cực và tiêu cực theo giá trị tài sản mà họ có. “Những người không có tài sản, quần chúng lao động bị coi là công dân tiêu cực. Quyền bầu cử chỉ dành cho các công dân tích cực là những người từ 25 tuổi trở lên, không làm thuê cho ai, có tên trong danh sách vệ quốc quân và phải nộp một khoản thuế trực thu ít nhất là ba ngày lương”(3).

Hàng triệu người lao động tại Pháp lúc đó không có quyền bầu cử. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội năm 1791 ở Pháp, chỉ có khoảng 4 triệu 28 vạn người là công dân tích cực trên tổng số 26 triệu dân được tham gia”(5).

Ngay ở Mỹ, Tuyên ngôn Độc lậpđược công bố năm 1776 đã khẳng định tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nhưng thời kỳ đầu, từ “mọi người” không bao gồm nữ và người da đen. Tức là chỉ dành cho nam giới, da trắng. Gần 200 năm sau, nữ giới mới được hưởng ngang quyền với nam giới, và một người đàn ông da đen lúc đó chỉ được thừa nhận bằng 3/5 người da trắng.

Chính vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến kết luận: cách mạng tư sản là “cuộc cách mạng không đến nơi”. Quyền tự do dân chủ chỉ dành cho những người hữu sản, không dành cho đa số người dân trong xã hội. Đó là nền cộng hòa tư sản, là nơi quyền lực không thuộc về nhân dân, mà nằm trong tay một số ít người - giai cấp tư sản.

Mô hình chính thể cộng hòa Xô viết

Sau khi lật đổ chế độ phong kiến Sa hoàng, ở Nga, một Chính phủ công - nông - binh ra đời. Lênin gọi đây là Cộng hòa Xô viết. Có thể nói, đây là hình thức chính thể của nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Mác và Ănghen trước đó chưa đưa ra một mô hình nhà nước vô sản cụ thể. Các ông có đề cập đến việc nhà nước vô sản sẽ được xây dựng trong những điều kiện cụ thể.

Các Xô viết được xây dựng theo nguyên tắc đại diện, có ưu tiên một cách công khai cho giai cấp công nhân, nông dân và binh sĩ. Các tầng lớp tư sản, địa chủ bị tước các quyền chính trị, không được tham gia vào các công việc nhà nước như bầu cử, ứng cử vào các cơ quan đại diện quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước khác phải được thành lập dựa trên cơ sở của các Xô viết, phải báo cáo và trực thuộc các Xô viết. Khác với chế độ cộng hòa tư sản dựa trên nguyên tắc phân quyền, các Xô viết áp dụng nguyên tắc tập trung quyền lực. Quyền lực tập trung vào tay số đông nhân dân, thông qua các Xô viết của công - nông - binh do công nhân, nông dân và binh sỹ bầu ra. Hoạt động của toàn bộ các cơ quan nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của các cơ quan của Đảng Cộng sản tương ứng. Toàn bộ bộ máy Nhà nước Cộng hòa Xô viết đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi, các Xô viết công - nông - binh ra đời đã khẳng định sức mạnh và vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Đồng thời, cũng chứng minh nhân dân có thể và có khả năng tham gia rộng rãi vào việc quản lý nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước của mình. Nhân dân là chủ thể của cách mạng, của quyền lực chính trị.

Điểm khác nhau giữa mô hình chính thể cộng hòa ở các nước tư bản với chính thể cộng hòa Xô viết là ở nguyên tắc tam quyền phân lập hay tập trung quyền lực. Một điểm khác biệt căn bản nữa nằm ở chỗ quan niệm về chủ thể quyền lực và bảo đảm cho các chủ thể thực hiện quyền lực của hai mô hình.

Mô hình chính thể cộng hòa ở Pháp hay Mỹ quan niệm quyền lực chính trị là của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế ở thời điểm ban đầu, nhân dân ở đây vẫn là những người có tài sản (ở Pháp) hay những người được coi là bộ phận ưu tú trong xã hội như nam giới, người da trắng (ở Mỹ). Chủ thể quyền lực không là một cá nhân như trong chính thể quân chủ chuyên chế, mà là tập thể. Nhưng tập thể này vẫn chỉ bao gồm tầng lớp tư sản, thuộc giai cấp thống trị, bóc lột. Đa số nhân dân lao động không có quyền tham gia vào hoạt động bầu cử hay ứng cử.

Chính thể cộng hòa Xô viết khẳng định chủ thể quyền lực là ba bộ phận công nhân, nông dân, binh lính. Đây là bộ phận quần chúng lao động chiếm số đông trong xã hội Nga Xô viết. Quan niệm về chủ thể quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân lao động số đông là điểm tiến bộ của chính thể cộng hòa Xô viết. Quan trọng hơn, bộ máy nhà nước đã được thiết lập và hoạt động trên nguyên tắc bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về bộ phận số đông này, chứ không hình thức, hoa mỹ như những ngôn từ trong bản Tuyên ngôn của nước Pháp, nước Mỹ, hay trong chính thể cộng hòa ở Pháp và Mỹ.

Xuất phát từ lòng yêu nước và lòng thương dân sâu sắc, Hồ Chí Minh trong quá trình tìm con đường đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân đã bị hấp dẫn bởi mô hình chính thể cộng hòa Xô viết, bị thuyết phục bởi chủ nghĩa Mác - Lênin.

3. Chính thể dân chủ cộng hòa được xây dựng ở Việt Nam

Hồ Chí Minh qua quá trình bôn ba, trải nghiệm, với lòng yêu nước và thương dân sâu sắc, bằng nhãn quan chính trị sắc bén, Người đã phân tích  bản chất của các mô hình thể chế nhà nước lúc đó.

Người hiểu được sự chuyên quyền, độc đoán trong mô hình quân chủ chuyên chế, không chấp nhận sự tùy tiện, vô lý của mô hình tổ chức quyền lực theo chế độ thuộc địa nửa phong kiến mà Pháp tiến hành ở Việt Nam. Người phát hiện ra bản chất của chế độ tư bản, chủ thể quyền lực thực tế đằng sau những ngôn từ hoa mỹ của giai cấp tư sản.

Nguyễn Ái Quốc chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, chịu ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga về một mô hình nhà nước mới. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua vào tháng 2-1930 đề cập đến việc lập ra “Chính phủ công - nông - binh”. Chính phủ công - nông - binh là một hình thức nhà nước theo mô hình nhà nước Xô viết ở Nga.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cách mạng, Người phát hiện ra cuộc cách mạng ở Nga và cách mạng Việt Nam có sự khác nhau nhất định. Cách mạng Tháng Mười Nga mang tính chất của một cuộc nội chiến, mang nặng tính giai cấp. Trong khi cách mạng Việt Nam, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bên cạnh tính giai cấp thì tính chất dân tộc là nổi trội, bao trùm. Mâu thuẫn chủ yếu và sâu sắc trong xã hội Việt Nam lúc đó chính là mâu thuẫn dân tộc giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân Việt Nam đấu tranh trước tiên để chống lại thực dân xâm lược, giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước. Sự khác nhau này chi phối đến nhiều vấn đề trong cuộc cách mạng và chi phối đến sự khác nhau trong việc quan niệm đối tượng nào là chủ thể quyền lực.

Năm 1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) tại Pác Bó, Cao Bằng. Trên cơ sở phân tích mâu thuẫn gay gắt giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và phát xít Nhật, Hội nghị đề ra nội dung chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Tính chất của cách mạng Việt Nam là dân tộc giải phóng. Nhiệm vụ cao nhất là đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật giành lại độc lập cho dân tộc. Nhiệm vụ này dành chung cho tất cả người Việt Nam yêu nước. Đương nhiên, sau khi giành độc lập, chính quyền cũng phải là của toàn dân. Chính tính nhân dân của chính quyền sẽ đáp ứng được yêu cầu chính trị lúc đó là tập hợp sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc.

Hội nghị nêu rõ sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần Tân dân chủ, chính quyền của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của giai cấp nào mà là của chung của toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, bọn thù.

Ngày 16,17-8-1945 tại Hội nghị Tân Trào, khái niệm “Nhà nước nhân dân” được sử dụng và từ ngày 2-9-1945 khái niệm “Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta.

“Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp  nào mà của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”(5).

Hồ Chí Minh tiếp thu tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin về một nhà nước kiểu mới mang bản chất số đông giai cấp bị bóc lột, đứng lên bảo vệ lợi ích của công nhân, nhân dân lao động. Đồng thời, Người có sự sáng tạo khi mở rộng số đông quần chúng nhân dân trong chính phủ Xô viết. Chủ thể quyền lực trong nhà nước mới trở nên đông đảo hơn rất nhiều. Nó không nặng nề, mang màu sắc giai cấp như trong Chính phủ công - nông - binh của nước Nga Xô viết. Chủ thể quyền lực lúc này là tất cả người dân Việt Nam yêu nước, có mong muốn mang lại độc lập cho dân tộc, mong muốn đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho đông đảo đồng bào trong nước. Giai cấp vô sản, những con người lao động trực tiếp, tạo ra của cải vật chất lớn nhất cho xã hội, là những con người xứng đáng làm chủ đất nước, được bảo đảm quyền lợi. Nhưng những giai cấp, tầng lớp, bộ phận khác, họ cũng hoàn toàn có quyền tham gia vào công việc xây dựng, bảo vệ đất nước. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức được điểm khác biệt của hoàn cảnh lịch sử Việt Nam so với nước Nga Xô viết. Yếu tố dân tộc, nhiệm vụ dân tộc là căn cứ chính để xác định chủ thể quyền lực của chính thể Nhà nước ở Việt Nam.

Sự chuyển biến từ hình thức Chính phủ công - nông - binh sang hình thức Chính phủ nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một bước chuyển mang tính cách mạng, xuất phát từ thực tiễn đặc thù của Việt Nam. Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng luôn theo một nguyên tắc đó là vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Hồ Chí Minh kế thừa tính “rộng rãi”, “người lao động” trong xây dựng Nhà nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, Người mở rộng tính rộng rãi này làm nó trở nên bao quát hơn, phù hợp với Việt Nam hơn. Nhà nước kiểu mới được xây dựng ở Việt Nam sẽ là nhà nước mang “tính nhân dân”, “tính dân tộc”, bao gồm không chỉ bộ phận giai cấp vô sản mà còn cả những người dân Việt Nam yêu nước, phấn đấu vì mục tiêu chung của dân tộc.

Sau khi tuyên bố thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước dân chủ nhân dân đã chính thức được xây dựng, hoàn thiện ở Việt Nam trong bối cảnh diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, được tiến hành thuận lợi. Chính phủ nhân dân được thành lập. Hiến pháp dân chủ được soạn thảo, thông qua. Quyền làm chủ của người dân được thực hiện và được pháp luật bảo vệ. Quyền lợi của nhân dân được bảo đảm.

Có thể nói, mô hình chính thể dân chủ cộng hòa được xây dựng ở Việt Nam là kết quả của sự tìm tòi, suy ngẫm và sáng tạo của Hồ Chí Minh. Người đã kế thừa những thành tựu của mô hình chính thể nhà nước trên thế giới, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) Đinh Xuân Lâm, Dương Lan Hải (chủ biên): Nghiên cứu Việt Nam, một số vấn đề lịch sử kinh tế - xã hội - văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1998, tr.70.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.48.

(3), (4) Văn phòng Quốc hội: Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới, Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội, 2001, tr.218.

(5)ĐCSVN: Văn kiện Đảng, Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.114.

 

ThS Nguyễn Thị Lan Phương

Trường Đại học Thương Mại

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền