Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chính sách kinh tế trong văn hóa thời kỳ đổi mới
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 16:20
4708 Lượt xem

Chính sách kinh tế trong văn hóa thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Chính sách kinh tế trong văn hóa được hoạch định khoa học và được thực hiện trên thực tế sẽ góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế trên lĩnh vực văn hóa, bao gồm sự tăng trưởng kinh tế, có khả năng cạnh tranh mạnh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời đáp ứng được nhu cầu văn hóa lành mạnh trong xã hội, tham gia tích cực vào quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

 

(Sông Hàn, Đà Nẵng, nguồn: internet)

1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa

Quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tác động và làm biến đổi các quan hệ kinh tế trong hoạt động văn hóa, chuyển các hoạt động văn hóa từ chỗ được nhà nước bao cấp hoàn toàn sang hoạt động theo cơ chế dịch vụ xã hội có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước (cả dịch vụ công và dịch vụ tư). Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu Đảng và Nhà nước phải xây dựng chính sách kinh tế trong văn hóa bảo đảm thực hiện xây dựng nền văn hóa định hướng XHCN. Tức là, chính sách kinh tế trong văn hóa vừa phải chú ý đến hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý đến hiệu quả văn hóa - xã hội. Chính sách kinh tế trong văn hóa là một tổng thể các nguyên tắc hoạt động, các cách làm thực tiễn và các phương pháp quản lý kinh tế hay ngân sách dùng làm cơ sở điều tiết các hoạt động văn hóa.

 Chính sách kinh tế trong văn hóa là một tổng thể các nguyên tắc hoạt động, các cách làm thực tiễn và các phương pháp quản lý kinh tế hay ngân sách dùng làm cơ sở điều tiết các hoạt động văn hóa.

Chính sách kinh tế trong văn hóa cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế

- Khai thác các tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa

- Đảm bảo yêu cầu về chính trị, tư tưởng cho hoạt động văn hóa

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chính sách kinh tế trong văn hóa được hoạch định khoa học và được thực hiện trên thực tế sẽ góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế trên lĩnh vực văn hóa, bao gồm sự tăng trưởng kinh tế, có khả năng cạnh tranh mạnh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời đáp ứng được nhu cầu văn hóa lành mạnh trong xã hội, tham gia tích cực vào quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong các văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới, như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, văn kiện Đại hội X và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, chính sách kinh tế trong văn hóa được đề cập với các nội dung sau:

Thứ nhất, kinh tế phát triển tạo cơ sở vật chất, nguồn vốn, kỹ thuật làm tiền đề cho phát triển văn hóa. Phát triển kinh tế phải hướng tới mục tiêu văn hóa, văn hóa là nền tảng, mục tiêu, động lực của phát triển kinh tế. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII chỉ rõ: “Xây dựng và phát triển kinh tế, phải nhằm mục tiêu văn hóa (...). Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương,... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”(1).

Thứ hai, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển các thiết chế văn hóa. Đại hội X của Đảng chủ trương xây dựng chính sách đầu tư cho văn hóa với phạm vi rộng hơn: “Huy động các nguồn lực và sức sáng tạo trong xã hội để đầu tư cho văn hóa xây dựng các công trình và thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa”(2). Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về văn học, nghệ thuật yêu cầu: “Có kế hoạch xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật; nâng cấp cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước”(3). Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI tiếp tục khẳng định “Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế”(4).

Thứ ba, đầu tư cho công tác đào tạo và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Nâng cao đời sống vật chất cho những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đề ra chủ trương: “Bổ sung và xây dựng mới các chế độ chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu”(5). Đầu tư nâng cao điều kiện vật chất, tạo điều kiện để phát huy sự sáng tạo, tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, phục vụ nhân dân. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI chỉ rõ: “Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình”(6).

Thứ tư, phát huy vai trò kinh tế của văn hóa, để nhân tố văn hóa thành ngành kinh tế trong nền kinh tế thị trường; gắn sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa với cơ chế thị trường, hình thành thị trường văn hóa và nền công nghiệp văn hóa.

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nhấn mạnh việc xây dựng thị trường văn hóa và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xác định xây dựng thị trường văn hóa và phát triển ngành công nghiệp văn hóa vừa là một mục tiêu, vừa là một nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn hiện nay: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.

Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”(7).

Hoàn thiện thị trường văn hóa và phát triển ngành công nghiệp văn hóa là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay của thế giới. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa đang ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế thế giới. Kinh nghiệm cho thấy, nếu biết khai thác hữu hiệu các nguồn lực văn hóa sẽ đóng góp rất lớn cho xã hội về mặt kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người.

Để đảm bảo việc thực thi chính sách kinh tế trong văn hóa, cần hình thành thị trường văn hoá phẩm và hoạt động dịch vụ văn hoá. Lần đầu tiên chúng ta chủ tr­ương các hoạt động văn hoá không chỉ mang tính chất sự nghiệp mà còn mang tính “kinh doanh”. Chúng ta đặt các hoạt động dịch vụ văn hoá, các sản phẩm văn hoá trong sự vận hành của cơ chế thị tr­ường: “Hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện của cơ chế kinh tế thị trư­ờng; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo và nâng mức đáp ứng nhu cầu h­ưởng thụ văn hoá của nhân dân”(8).

Những chủ trương, chính sách kinh tế trong văn hóa đã được thể chế hóa trong các luật như: Luật Doanh nghiệp; Luật Báo chí; Luật Xuất bản; Luật Di sản văn hoá; Luật Điện ảnh; Pháp lệnh Thư viện; Luật Quảng cáo; Luật Dân sự... Ngoài ra là hàng loạt các văn bản dưới luật quy định chung và quy định cụ thể đối với các loại hình hoạt động như: Lưu hành, kinh doanh phim nhựa, băng đĩa phim; băng đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hoá, nghệ thuật; tổ chức lễ hội...

2. Kết quả thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường, chính sách kinh tế trong văn hóa không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và đã có những tác động quan trọng thúc đẩy đời sống văn hóa nước ta không ngừng phát triển.

Thứ nhất, thị trường văn hóa phẩm hình thành và phát triển. Tư duy về văn hóa đã có sự đổi mới: từ chỗ xem văn hóa chỉ thuần túy là lĩnh vực tinh thần và phi lợi nhuận đến việc nhìn nhận văn hóa có thể là những hoạt động sinh lợi, góp phần phát triển kinh tế; từ chỗ hoài nghi về tính thương mại của hoạt động văn hóa đến chỗ công nhận một thị trường văn hóa tồn tại bên cạnh một thị trường hàng hóa thuần tuý.

Thị trường văn hóa phẩm có hai chức năng: chức năng kinh tế và chức năng giáo dục xã hội. Cũng như các loại sản phẩm hàng hóa khác, sản phẩm văn hóa là kết quả của một quá trình lao động, có giá trị kinh tế và giá trị trao đổi. Nhưng mỗi sản phẩm văn hóa còn chứa đựng những giá trị tinh thần, có chức năng giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn con người gắn với tính độc đáo, đặc thù của các chủ thể sáng tạo ra nó. Do đó, khi đề cập đến sản phẩm văn hóa, trước hết và trên hết là phải đề cập đến chức năng xã hội của nó, và sản phẩm văn hóa được coi là hàng hóa đặc biệt. Khi tham gia lưu thông, sản phẩm hàng hóa cũng tạo ra một thị trường đặc biệt.

Khi tham gia vào hoạt động kinh tế, góp phần tạo ra của cải cho xã hội, văn hóa cũng nhờ đó mà tự phát triển: tầm phổ biến được rộng rãi hơn, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, có thêm động lực để sáng tạo. Hàng hóa lưu thông trên thị trường bị chi phối mạnh mẽ bởi quy luật cung cầu. Sản phẩm văn hóa và thị trường văn hóa cũng không ngoại lệ. Nhu cầu đa dạng của công chúng đã tạo nên sự phong phú của thị trường văn hóa với nhiều loại khác nhau như thị trường điện ảnh, thị trường báo chí, xuất bản; thị trường băng đĩa, băng hình; thị trường nghệ thuật biểu diễn,... Việc xuất hiện và không ngừng mở rộng cả về số lượng, quy mô và chất lượng của các loại thị trường văn hóa phần nào đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Người dân có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm văn hóa phù hợp với sở thích và điều kiện bản thân.

Thứ hai, sự đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động văn hóa. Đây là kết quả của chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa.

Những năm trước đây, Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu văn hoá phẩm. Hiện nay, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã được phép xuất khẩu những sản phẩm văn hoá được cấp phép lưu hành ở trong nước. Chính sách này tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đưa văn hoá phẩm của Việt Nam ra thế giới. Chúng ta cũng có chính sách cởi mở để các tập thể, cá nhân có khả năng thực hiện liên doanh, liên kết tổ chức các sự kiện văn hoá ở trong nước và ngoài nước, Nhà nước thực hiện quản lý về nội dung chương trình. Nhờ đó, nhiều sự kiện văn hoá quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam.

Cùng với cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển văn hóa, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, như: trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa; tách doanh nghiệp ra khỏi cơ quan chủ quản, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp văn hóa; thực hiện mô hình liên doanh, liên kết...

Thứ ba, ban hành các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức của nhà nước tháo gỡ khó khăn như: chính sách bồi dưỡng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất đai, chế độ nhuận bút, hỗ trợ, đặt hàng các sản phẩm chất lượng cao, bảo hộ quyền tác giả, trợ giá cho việc phát hành các ấn phẩm văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, bảo trợ cho các đoàn nghệ thuật, các đơn vị, tổ chức văn hóa thông tin hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị...

Việc đầu tư vào các công trình văn hóa trọng điểm cũng là một chủ trương phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách kinh tế trong văn hóa. Đầu tư xây dựng mới nhà hát, trung tâm văn hóa tại những thành phố lớn và những đô thị mới, tập trung đông dân. Điều này rất quan trọng đối với phát triển nghệ thuật biểu diễn, không chỉ đảm bảo cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật mà còn tạo điều kiện cho việc quản lý, giao lưu văn hóa với các nước.

Với những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang có nguy cơ mai một, Nhà nước có chính sách tài trợ cho việc phục hồi, bảo lưu, như tài trợ kinh phí và trang thiết bị cho các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn - đào tạo tại cơ sở và truyền nghề... Thực hiện Quyết định 25/TTg (19-1-1993) của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, chính phủđầu tư 100% kinh phí cho việc xây dựng tiết mục, luyện tập thường xuyên và trang bị của các đơn vị nghệ thuật dân tộc, bao gồm: tuồng, chèo, dân ca, cải lương, múa rối và các đơn vị nghệ thuật nhạc vũ kịch, nhạc giao hưởng, xiếc của Trung ương và địa phương. Cùng với mức lương được hưởng theo quy định, các nghệ sĩ, diễn viên trong các đơn vị nghệ thuật của nhà nước còn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo Quyết định số 180 của Thủ tướng Chính phủ (9-8-2006) bao gồm: phụ cấp ưu đãi theo nghề, bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn.

4. Một số hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra hiện nay

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập:

Công tác xây dựng chính sách kinh tế trong văn hoá còn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình hình thành một thị trường văn hóa theo đúng nghĩa. Nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế trong văn hoá không được cơ quan quản lý văn hóa hướng dẫn kịp thời, làm giảm nguồn lực cho hoạt động văn hoá như: vấn đề kinh tế trong báo chí, trong hoạt động quảng cáo...Một số chính sách, chế tài liên quan đến công tác tài chính và tổ chức hoạt động kinh tế của các đơn vị thuộc ngành văn hóa - thông tin bất cập với thực tế, như chưa xây dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp, xác định mức thuế cho báo chí được đặt chung như doanh nghiệp kinh tế mà không tính đến tính chất của các nhóm báo chí là tuyên truyền hay giải trí.

Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dịch vụ văn hoá, nhất là lĩnh vực công nghiệp văn hoá, xây dựng các thiết chế văn hoá có hoạt động kinh tế (trong các trường học, khu công nghiệp, khu đô thị...) chưa đồng bộ và chế độ ưu đãi chưa rõ ràng nên không thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Chậm ban hành chính sách kinh tế trong lĩnh vực thông tin đối ngoại nhằm quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Chưa làm rõ cơ chế phối hợp văn hoá, du lịch và kinh tế trong phát triển văn hoá nhằm giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, dẫn tới nhiều vụ việc xâm phạm di sản văn hoá.

Tâm lý bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đang cản trở quá trình đổi mới hoạt động và thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá. Mặc dù Nhà nước sớm có chủ trương đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa, nhưng việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trên lĩnh vực văn hoá tiến hành chậm. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có đề án định hướng quy hoạch và sắp xếp các đoàn nghệ thuật ở Trung ương và địa phương nhưng nhiều địa phương triển khai cầm chừng, kết quả không cao.

Vấn đề bản quyền chưa được thực hiện một cách triệt để. Để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phẩm, cần phải bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến. Trên thế giới hiện nay, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia thì ở Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa mới ở giai đoạn hình thành, thị trường kinh doanh các sản phẩm văn hóa còn lộn xộn, phức tạp. Do vậy, điều cần thiết hiện nay là xây dựng, hoạch định hướng đi phù hợp để chính sách kinh tế trong văn hóa phát huy hiệu quả vai trò nền tảng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.

(2), (8) ĐCSVN:  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.214, 69.

(3), (5) Nguồn: http://dangcongsan.vn

(4), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.61, 55, 56.

 

TS Vũ Thị Phương Hậu

Viện Văn hóa và Phát triển,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền