Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thực hành dân chủ trong quân đội theo tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh
Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 16:07
8824 Lượt xem

Thực hành dân chủ trong quân đội theo tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh

(LLCT) - Quânđội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, việc thực hành dân chủ theo tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, góp phần to lớn vào sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta.

1. Thực hành dân chủ trong quân đội là trách nhiệm và quyền lợi của mọi quân nhân, bảo đảm sự bình đẳng của mọi cán bộ, chiến sĩ

Dân chủ là một thể chế chính trị, gắn liền một kiểu nhà nước với sự bình đẳng về chính trị giữa các thành viên trong xã hội. Vì vậy, dân chủ trong quân đội ta cũng biểu hiện ở một thiết chế tương ứng, phù hợp với tổ chức xã hội đặc thù là tổ chức quân sự.

Dân chủ trong quân đội chính là sự giải phóng con người, sự đề cao con người lên trình độ làm chủ xã hội và làm chủ chính bản thân mình; được tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ, luôn thống nhất với kỷ luật quân đội. Ở đó, quyền làm chủ thuộc về cán bộ, chiến sĩ, mỗi quân nhân và luôn có sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ, không có sự khác biệt, đối lập nhau về lợi ích, địa vị chính trị, đặc quyền, đặc lợi. Bởi, quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa các quân nhân với nhau là quan hệ trên tình hữu ái giai cấp, quan hệ của những người cùng địa vị làm chủ trong quân đội. Quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ còn là quan hệ giữa mệnh lệnh và phục tùng; mọi mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, của người chỉ huy, chiến sĩ phải chấp hành vô điều kiện. Nhưng sự phục tùng đó không phải thụ động, mù quáng một chiều như quân đội của giai cấp thống trị, mà trên cơ sở giác ngộ cách mạng, tự giác, ý thức được tính tất yếu và nghĩa vụ của mỗi quân nhân đối với nhiệm vụ chung. Sự khác nhau về cấp bậc, chức vụ giữa cán bộ với chiến sĩ không phải đại diện đặc quyền, đặc lợi, địa vị chính trị khác nhau, mà do sự phân công, giao trách nhiệm của Đảng, của tổ chức vì lợi ích chung. Quan hệ giữa đồng chí và đồng đội còn là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở sự thống nhất cao về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về đạo đức, tình cảm, về những lợi ích căn bản của các quân nhân.

Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vừa là chủ và vừa làm chủ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của quân đội, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của mình trong chiến đấu, học tập, công tác và sản xuất, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Người quân nhân được thực hiện dân chủ với tư cách của một công dân, quân nhân, đảng viên hoặc thành viên của tổ chức quần chúng.Mọi cán bộ, chiến sĩ được tham gia góp ý kiến vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, vào nhiệm vụ chính trị của quân đội, vào sự lãnh đạo của Đảng ở đơn vị, được phê bình mọi cán bộ, đảng viên, được quyền phát biểu về mọi vấn đề trong đơn vị, được bảo đảm thông tin về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được thực hiện quyền công dân của mình tham gia vào sinh hoạt chính trị chung của xã hội; được tham gia bàn bạc đóng góp ý kiến vào đường lối của Đảng; tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, biện pháp bảo đảm cho huấn luyện đạt kết quả tốt; được góp ý, bàn bạc về cách đánh sao cho có hiệu quả nhất trong chiến đấu. Mọi quân nhân đều được hưởng đầy đủ các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đãi ngộ do Nhà nước, quân đội quy định; được hưởng một cách công bằng, hợp lý những sản phẩm do đơn vị làm ra; được bàn bạc góp ý kiến vào các chủ trương, biện pháp làm kinh tế, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “toàn thể chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan…, phải thực hành dân chủ(1).

2. Thực hành dân chủ trong quân đội phải làm tốt tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ...; không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Người đã giải thích sâu sắc vấn đề này: “Trên con đường phát triển cách mạng của mình, Đảng ta, quân đội ta cũng như mỗi đồng chí chúng ta luôn luôn có ưu điểm và không tránh khỏi có khuyết điểm. Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra mục đích phê bình và tự phê bình là để cho mình tiến bộ, quân đội và nhân dân tiến bộ, để tăng thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân đội với nhân dân. Từ đó, Người yêu cầu: “Người có ưu điểm thì phải cố gắng thêm, và người khác phải cố gắng bắt chước. Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ. Mọi người phải nhớ rằng: cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất có lợi cho Đảng và công cuộc kháng chiến”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng, mà trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm.

Chính vì thế, đối với quân đội ta “Có đề cao tự phê bình và triệt để tự phê bình mới tẩy rửa được tinh thần và tư tưởng cho thật sạch. Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc”(4).

Cùng với thực hiện tốt tự phê bình và phê bình còn phải kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí. Vì rằng, “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ. Bộ đội không ngại hy sinh xương máu để kháng chiến cứu nước. Đồng bào không ngại hy sinh mồ hôi nước mắt để kháng chiến cứu nước. Chiến sĩ gửi tính mệnh mình, đồng bào gửi công, gửi của mình trong tay Chính phủ và Đoàn thể, để kháng chiến kiến quốc. Đó cũng chính là một hình thức dân chủ tập trung”(5).

“Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(6).

Người chỉ rõ:Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chiến sĩ xuất công, nhân dân xuất của để đánh giặc, cứu nước. Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy. Chúng ta từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thực hiện thắng lợi trong phong trào này”(7).

3. Thực hành dân chủ trong quân đội phải bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, tình thương yêu đồng chí đồng đội

Tăng cường tình đồng chí đồng đội, đoàn kết thống nhất, hết lòng thương yêu giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu, là lời thề, là điều kỷ luật và là một vấn đề cốt lõi trong thực hành dân chủ của quân đội ta. Nếu không dựa trên tình đồng chí đồng đội, đoàn kết thống nhất, thương yêu nhau như ruột thịt giữa các quân nhân sẽ khó có được dân chủ thực sự.

Từ nhận thức sâu sắc vai trò đoàn kết trong quân đội, Người chỉ ra rằng: Quân đội ta đã đoàn kết, phải đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết nội bộ, toàn quân đoàn kết, các chiến sĩ miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết chặt chẽ, không chia Nam Bắc, cán bộ và chiến sĩ đoàn kết, quân và dân đoàn kết.

Tình đồng chí, đồng đội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của quân đội cách mạng, vừa là cơ sở tạo nên sức mạnh của quân đội, trong đó quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ là mối quan hệ đặc trưng bản chất, cán bộ là người lãnh đạo, chỉ huy giữ vai trò quyết định. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, còn chiến sĩ là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng trong thực hiện thắng lợi mọi công việc. Chính vì vậy, Người yêu cầu mọi cán bộ phải luôn luôn quán triệt, thấu hiểu rằng: “Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”(8).

Theo Hồ Chí Minh: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng, thì không làm được gì. Bởi vậy, cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”(9). “Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên… Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành”(10). Theo đó, “Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch”(11).

4. Thực hành dân chủ trong quân đội phải gắn liền với kỷ luật

Dân chủ và kỷ luật quân đội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là hai mặt trong tính chỉnh thể thống nhất và quy định bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta. Sự thống nhất hài hòa giữa dân chủ và kỷ luật trong quân đội ta có giá trị như một tư tưởng định hướng, nguyên tắc chỉ đạo trong nhận thức, giải quyết mối quan hệ này trong thực tiễn. Sự thống nhất đó càng cao thì sự tác động lẫn nhau của hai mặt càng lớn cả về quy mô, trình độ, vai trò của mỗi mặt cũng càng lớn đối với sự phát triển của nhau và đối với nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật trong quân đội ta luôn bảo đảm sự thống nhất hài hòa thì kết quả sự chuyển hóa mối quan hệ này không những tạo ra sự thay đổi bản chất của mỗi mặt, của mối quan hệ, mà còn củng cố bản chất của chúng, đưa sự thống nhất đó từ trình độ thấp lên trình độ cao. Đó là một hình thức biểu hiện đặc thù của mối quan hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng, đặc biệt là mối quan hệ giữa dân chủ và chuyên chính, dân chủ và pháp luật.

Đó cũng chính là nét đặc sắc về thực hành dân chủ trong quân đội ta, bảo đảm cho bộ đội thực hiện tốt quyền dân chủ của mình. Bởi “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý...Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý(12).

Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và chính trị. Vì vậy, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội; phải hết sức chú ý vấn đề dân chủ và kỷ luật; kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật; kỷ luật phải nghiêm minh.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng: “Quân lệnh như sơn” nghĩa là lệnh cấp trên đã ra thì vô luận thế nào cũng phải làm. Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”(13); “Trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hay không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh”(14). Người yêu cầu: “Từ tiểu tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung. Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội ủy viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lịnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì ủy viên hội có quyền phạt”(15).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

(1), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.495, 206, 494, 495, 495, 320, 207, 109, 108.

(2), (12) Sđd, t.8, tr.352, 216.

(3), (11) (14) Sđd, t.5, tr.232, 394, 232.

(15) Sđd, t.2, tr.306.

 

PGS, TS Nguyễn Văn Cần

Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự,

Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền