Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Triển vọng và những giải pháp tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm tới
Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 16:27
2179 Lượt xem

Triển vọng và những giải pháp tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm tới

(LLCT) - Trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới của quan hệ song phương, như hình ảnh rất ấn tượng mà Đại sứ Ted Osius mô tả là quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cất cánh, xin trích dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ với Tổng thống Obama trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ: “Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã trở thành những người bạn, đối tác, và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”. Cơ hội lớn đang mở ra cho quan hệ hai nước và nhất định chúng ta phải nắm lấy cơ hội đó, không để nó tuột mất.

Triển vọng và những giải pháp tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm tới

 

Cục diện thế giới 20 năm tới: toàn cầu hóa và hội nhập, đa cực hóa, dân chủ hóa, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn. Việt Nam - Hoa Kỳ có những điểm tương đồng lớn. Bên cạnh đó cũng có những điểm khác biệt. Trong 20 năm tới quan hệ hai nước có đặc điểm: là mối quan hệ ngày càng quan trọng ở khu vực; mặt hợp tác cùng có lợi sẽ tiếp tục là chủ đạo, góp phần định hình khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài, bền vững; quan hệ đối tác toàn diện sẽ tiếp tục phát triển thực chất. Một số giải pháp thúc đẩy quan hệ: hai nước cần duy trì đà phát triển, không ngừng mở rộng trên cơ sở những tương đồng; từng bước kiểm soát và thu hẹp khác biệt; hai bên cần xử lý tốt các tác động của nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến quan hệ.

 

1. Vai trò của Hoa Kỳ và Việt Nam trong bối cảnh của khu vực và thế giới

Về bối cảnh khu vực và thế giới. Với đà tiến triển tình hình thế giới và khu vực ngày càng nhanh và phức tạp, việc dự báo về cục diện thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 20 năm tới là một việc khó. Có thể tạm khái quát trong ba đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Một mặt, những tiến bộ mới của cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục làm sâu sắc hơn phân công lao động quốc tế. Mặt khác, xuất hiện nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu nghiêm trọng mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết, trong đó có biến đổi khí hậu, nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế... Tính phụ thuộc lẫn nhau và sự đan xen lợi ích giữa các quốc gia, do đó, ngày càng tăng.

Thứ hai, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, song nguy cơ chiến tranh, xung đột cục bộ cũng gia tăng. Quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục theo xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Cả hai mặt hợp tác và đấu tranh đều có xu hướng gia tăng, song các nước lớn tránh để xảy ra tình trạng đối đầu, chiến tranh.

Thứ ba, xu thế đa cực hóa, dân chủ hóa nền chính trị thế giới tiếp tục phát triển do ngày càng có nhiều cường quốc nổi lên, gia tăng ảnh hưởng và đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Vai trò và tiếng nói của các tổ chức quốc tế, khu vực và các nước vừa và nhỏ cũng ngày một lớn hơn.

Mang đặc điểm chung của tình hình thế giới, châu Á - Thái Bình Dương có 3 nét đặc trưng sau: (1) Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, là nơi hội tụ lợi ích chiến lược của tất cả các nước lớn. (2) Tương quan lực lượng giữa các nước lớn cũng biến động mạnh nhất, do sự lớn mạnh của các cường quốc khu vực, nhất là Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, Nga, Nhật, Ốtxtrâylia, Hàn Quốc... tạo ra sự thay đổi về tập hợp lực lượng. (3) Sự va chạm về lợi ích và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực cũng sẽ gia tăng. Tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ sẽ tiếp tục kéo dài, phức tạp và khó giải quyết.

Những biến động sâu sắc của bức tranh chính trị châu Á - Thái Bình Dương tạo ra những nguy cơ bất ổn, khó đoán định của tình hình khu vực.

Về vai trò của Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong 20 năm tới, việc Hoa Kỳ sẽ có vai trò như thế nào trên thế giới và đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là vấn đề được rất nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.

Với tiềm lực hùng hậu và chiến lược toàn cầu, Hoa Kỳ vẫn giữ được vị trí vượt trội về sức mạnh và vai trò chi phối. Các nước trong khu vực nhìn chung đều coi trọng và mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Do tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục triển khai ngày càng cụ thể và thực chất chiến lược Tái cân bằng, mặc dù có thể dưới tên gọi khác, song bản chất vẫn là coi trọng, dành ưu tiên cao, tăng cường cam kết và hợp tác sâu rộng với khu vực. Hoa Kỳ sẽ có những cơ hội rất lớn để duy trì vị trí, vai trò và lợi ích của mình ở khu vực; song cũng đứng trước thách thức rất lớn từ sự trỗi dậy của các cường quốc khác, nhất là Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến một sự song hành hai cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Xu thế tập hợp lực lượng theo hai trục chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc,  song khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh là không có sự chia phe hay phân cực; quan hệ giữa các nước có tính đan xen nhiều tầng nấc trong một tập hợp lực lượng đa dạng. Về tổng thể, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với Việt Nam, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh về thực lực, hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, trở thành một thành viên chủ chốt trong ASEAN và quốc gia tầm trung ở châu Á - Thái Bình Dương.

Với chính sách đối ngoại nhất quán đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, coi trọng quan hệ với các nước lớn, phát huy vai trò tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong các cấu trúc khu vực và xử lý các vấn đề quốc tế, Việt Nam ngày càng trở thành nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực vào việc định hình tương lai khu vực trong hai thập kỷ tới.

Việt Nam sẽ ngày càng trở thành một đối tác quan trọng, đáng tin cậy và một nhân tố thiết yếu mà các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ, đều coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ trong các tính toán chính sách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

2. Triển vọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Việt Nam và Hoa Kỳ có 3 điểm tương đồng lớn, gồm: (1) Duy trì khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng; tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực; bảo đảm tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không; phi quân sự hóa Biển Đông. (2) Cùng với các nước đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ, EU, Hàn Quốc, Ốtxtrâylia, Niu Dilân, Canađa..., đóng góp tích cực vào việc xây dựng và củng cố các cấu trúc khu vực về chính trị - an ninh, kinh tế..., với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Đồng thời, xây dựng một ASEAN vững mạnh, đoàn kết, có quan hệ tốt và đồng đều với các nước đối tác. (3) Duy trì xu thế đa cực hóa và dân chủ hóa quan hệ quốc tế ở khu vực; ngăn ngừa tình trạng khu vực bị chi phối hay khống chế bởi một “người chơi”.

Về những điểm khác biệt:

Hai nước vẫn còn tồn tại một số khác biệt về chế độ chính trị; sự chênh lệch về trình độ phát triển; những khác biệt về ưu tiên trong chính sách đối ngoại mỗi nước; quan điểm về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; những cọ xát về thương mại khi quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư được mở rộng, đi vào chiều sâu.

Những khác biệt là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là cần xử lý những khác biệt như thế nào để không làm trở ngại, trái lại góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, vốn đang ngày càng đem lại nhiều lợi ích thực chất và quan trọng cho cả hai bên.

Với những cơ sở đó, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm tới sẽ có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, đây là mối quan hệ ngày càng quan trọng trong tổng thể quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trước hết xuất phát từ những vấn đề chung mà hai nước cùng nỗ lực xử lý liên quan đến vận mệnh của khu vực và ảnh hưởng đến thế giới như duy trì hòa bình, an ninh, phát triển; tôn trọng luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; phi quân sự hóa Biển Đông... Trong bối cảnh tập hợp lực lượng khu vực biến động mạnh, quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ ổn định là đóng góp quan trọng và ngày càng trở thành một thành tố không thể thiếu trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác của toàn khu vực. Bên cạnh đó, việc hai nước đều tham gia tích cực vào các cấu trúc khu vực, từ an ninh - chính trị, đến kinh tế, quốc phòng như ARF, EAS, ADMM+, APEC, TPP... đồng thời đóng vai trò quan trọng - tuy ở mức độ khác nhau - trong việc định hướng cho sự phát triển của các thể chế này, theo hướng phục vụ các mục tiêu nói trên, càng làm nổi rõ tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, mặt hợp tác cùng có lợi sẽ tiếp tục là chủ đạo, góp phần định hình khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài, bền vững. Những thành tựu đạt được của quan hệ song phương trong các lĩnh vực là những cơ sở vững chắc cho xu thế này. Các khác biệt vẫn tồn tại, song cùng với việc hai nước tăng cường đối thoại thẳng thắn, thực chất và xây dựng, những bất đồng sẽ được thu hẹp tương đối so với mặt hợp tác, trong phạm vi kiểm soát được và không gây trở ngại cho việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương.

Thứ ba, quan hệ đối tác toàn diện sẽ tiếp tục phát triển thực chất hơn, đồng đều hơn trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và toàn cầu, tạm gọi là “thế kiềng 3 chân”.

Quan hệ song phương sẽ có những chuyển biến căn bản về chất. Hợp tác chính trị - ngoại giao sẽ tiếp tục đóng vai trò xúc tác và cầu nối, tạo môi trường chính trị thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực khác. Trong 9 lĩnh vực trụ cột của khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện thì hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ - môi trường, giáo dục - đào tạo cùng với khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ tiếp tục là những trọng tâm và cùng với hợp tác quốc phòng sẽ phát triển mạnh hơn.

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tại khu vực sẽ gia tăng mạnh mẽ, có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh khu vực có biến động mạnh, với yêu cầu lớn nhất là duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác; bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình mọi tranh chấp.

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu có những tiến triển đáng kể trong nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm như gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước...

3. Một số giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Một là, cần duy trì đà phát triển đi lên của quan hệ; không ngừng mở rộng nền tảng quan hệ trên cơ sở những điểm tương đồng, kiểm soát tốt và từng bước thu hẹp những khác biệt. Vấn đề xây dựng lòng tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một trong những biện pháp cơ bản để xây dựng lòng tin là cả hai nước cần thực hiện đúng thỏa thuận tôn trọng thể chế chính trị của nhau, tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi nước.

Hai là, hai bên cần xử lý tốt các tác động của nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến quan hệ. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ duy trì sự quan tâm đúng mức và hợp tác tích cực với khu vực; tránh tình trạng “ra đi” rồi “trở lại”, “trở lại” rồi lại “ra đi” như lo ngại của nhiều nước khu vực. Sự nhất quán và ổn định trong chính sách của Hoa Kỳ với khu vực có ý nghĩa lớn đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, tương lai của khu vực và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Cần tuyệt đối tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ, cụ thể là việc Việt Nam - Hoa Kỳ nhìn nhau qua lăng kính của người khác, hay việc các nước lớn thỏa hiệp phương hại lợi ích các nước khác, trong đó có Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam cần kiên trì chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ trương phát triển quan hệ đồng đều với các nước lớn.

Ba là, về song phương, Việt Nam luôn coi trọng, ưu tiên cao và mong muốn phát triển thực chất quan hệ với Hoa Kỳ; không câu nệ tên gọi hay “khẩu hiệu” mà chú trọng về “chất ” của quan hệ. Điều này đúng trong 20 năm tới và còn đúng trong 200 năm tới. Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện hơn để Việt Nam trở thành quốc gia “vững mạnh, thịnh vượng, độc lập” như Đại sứ Ted Osius đã kỳ vọng. Một nước Việt Nam mạnh, độc lập có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung và có lợi cho Hoa Kỳ.

Một số đề xuất để hiện thực hóa những mong muốn đó:

- Hoa Kỳ cần khắc phục tình trạng lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ không thăm Việt Nam trong cả nhiệm kỳ, dù đi khắp các nước Đông Nam Á và chỉ đến Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ. Trong khi lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm Hoa Kỳ thì phải chăng “hội chứng Việt Nam” vẫn tồn tại trong cân nhắc của lãnh đạo và nội bộ Hoa Kỳ khi xem xét việc Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Đây cũng chính là điểm mà Hoa Kỳ cần “tái cân bằng” một lần nữa!

- Trong lĩnh vực kinh tế, mức độ đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ vào Việt Nam còn rất thấp so với tiềm năng; trong 10 năm qua, FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam hầu như tăng không đáng kể. Việc chiếm lĩnh vị trí thứ nhất về đầu tư tại Việt Nam không chỉ giúp cho Việt Nam tiếp cận được công nghệ hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ mà còn giúp doanh nghiệp Hoa Kỳ có chỗ đứng vững chắc trong một địa bàn đầy tiềm năng song cũng cạnh tranh gay gắt ở khu vực. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng cần tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, tránh dùng các biện pháp kỹ thuật và pháp lý để cản trở sự phát triển của thương mại giữa hai nền kinh tế thị trường.

- Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để xây dựng lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hội nhập, hợp tác quốc tế và CNH, HĐH của Việt Nam.

- Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - môi trường, mức độ chuyển giao công nghệ của phía Hoa Kỳ cho Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến khả năng của Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi và tiêu chuẩn cao của thị trường Hoa Kỳ cũng như trong việc ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; đồng thời thực thi tốt hơn những cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh nguồn nước...

- Việt Nam đánh giá cao hợp tác của Hoa Kỳ với Việt Nam trong giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, nạn nhân chất độc da cam. Việt Nam kỳ vọng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gia tăng trợ giúp cho Việt Nam trong các vấn đề nhân đạo trong thời gian tới nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam, qua đó tăng cường lòng tin và thiện cảm của người dân Việt Nam với đất nước và con người Hoa Kỳ.

- Về hợp tác quốc phòng - an ninh, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, cùng các đối tác khác, nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tăng cường năng lực phòng thủ của Việt Nam.

Có thể nói, triển vọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 20 năm tới là tươi sáng. Tình hình quốc tế, khu vực có những thuận lợi và cả những thách thức, song thuận lợi là cơ bản. Việc chia sẻ những mục tiêu chung (duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác...) và những điểm tương đồng về lợi ích giữa hai bên, với nền tảng quan hệ vững chắc được xây dựng trong 20 năm qua và đà phát triển mạnh của hợp tác, quan hệ 20 năm tới sẽ có những bước tiến lớn với khuôn khổ ổn định và ngày càng đi vào chiều sâu thực chất. Trước sự biến động khôn lường của tình hình khu vực, chúng ta có cơ sở để tin rằng: quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 9-7-2015 “để con cháu chúng ta mãi mãi được sống trong tình hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc”.

Sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ hai phía, ở cả cấp độ hoạch định chính sách và triển khai cụ thể. Sự kiên trì, táo bạo, sáng tạo, thông hiểu và thông cảm lẫn nhau; thái độ chân thành, xây dựng, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, trở ngại, không làm phức tạp thêm tình hình... sẽ là những yếu tố quyết định tương lai của mối quan hệ này.

Những bài học thất bại và thành công luôn có ý nghĩa soi đường. Ở thời điểm 20 năm sau bình thường hóa, chúng ta đã học lại các bài học này qua nhiều diễn đàn; chúng ta vẫn cần tiếp tục học các bài học đó trong 20 năm tiếp theo, để chúng ta đừng bao giờ lặp lại những sai lầm trong quá khứ, những sai lầm đã buộc chúng ta phải trả giá đắt. Trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới của quan hệ song phương, như hình ảnh rất ấn tượng mà Đại sứ Ted Osius mô tả là quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cất cánh, xin trích dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ với Tổng thống Obama trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ: “Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã trở thành những người bạn, đối tác, và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”. Cơ hội lớn đang mở ra cho quan hệ hai nước và nhất định chúng ta phải nắm lấy cơ hội đó, không để nó tuột mất.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

Hà Kim Ngọc

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền