Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Hồ Chí Minh về đảng viên là người lãnh đạo và người đầy tớ của nhân dân
Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 16:17
9181 Lượt xem

Quan điểm của Hồ Chí Minh về đảng viên là người lãnh đạo và người đầy tớ của nhân dân

(LLCT) - Lịch sử nhân loại đã chứng minh: Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. C.Mác - Ph.Ănghen từng yêu cầu: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc”(1). Trước Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin nhiều lần khẳng định Đảng Bônsêvích Nga luôn sẵn sàng đứng ra nắm toàn bộ chính quyền. Khi cách mạng thành công, Lênin tuyên bố: “Đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất”(2). So với C.Mác -Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, với 24 năm đứng đầu nhà nước cách mạng, Hồ Chí Minh có thực tiễn phong phú để phát triển hệ thống lý luận về đảng cầm quyền với những vấn đề lớn như mục đích, lý tưởng của Đảng, nhiệm vụ, phương pháp cầm quyền, thách thức, nguy cơ của một đảng cầm quyền; mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và nhân dân… Đặc biệt, Người nhấn mạnh: Đảng cầm quyền thì đảng viên của Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân (3).Quan điểm này đã thể hiện rõ sự sáng tạo và chiều sâu nhân văn trong tư tưởng của Người. 

Khái niệm “đảng cầm quyền” ra đời sau cách mạng tư sản và được dùng để chỉ một đảng chính trị, đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành đất nước nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp mình.

Hồ Chí Minh nhiều lần dùng cụm từ “Đảng nắm chính quyền”(4)để chỉ hiện tượng Đảng lãnh đạo xã hội sau khi đã giành được chính quyền nhà nước. Đến Di chúc, thuật ngữ Đảng cầm quyền được Người sử dụng lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Người cũng chưa từng đưa ra một định nghĩa chính thức về “Đảng cầm quyền” nhưng từ di sản của Người, chúng ta có thể hiểu: Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giành được chính quyền trong cách mạng giải phóng dân tộc và nay đang nắm giữ chính quyền nhà nước để lãnh đạo nhân dân hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Điều đặc biệt của Đảng và Nhà nước do Hồ Chí Minh lãnh đạo làở chỗ: Tự thân Đảng và Nhà nước không có quyền lực.Quyền mà Đảng cầm, Đảng nắm vàNhà nước có thực chất là quyền của dân, được dân ủy thác và giao phó. Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(5[1])và vì vậy, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ(6).  

Khi Đảng cách mạng trở thành Đảng cầm quyền thì đảng viên của Đảng được giao quyền. Đó là điều kiện thuận lợi để họ đem khả năng của mình cống hiến cho cách mạng nhưng nếu ý thức và năng lực không tương xứng với quyền lực đang có trong tay thì họ dễ rơi vào căn bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, đặc quyền, đặc lợi, thoái hóa, biến chất... Trướccác nguy cơ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Đảng cầm quyền thì đảng viên của Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Ở đây xuất hiện 3 vấn đề cần xem xét: đảng viên trong vai tròngười lãnh đạo, đảng viên trong vai tròngười đầy tớ và mối quan hệ giữa vai trò người lãnh đạo và người đầy tớ.

Bàn về vai trò lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh đề cập đến các vấn đề sau đây: 

Trước hết, Người khẳng định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyệt đối không thể chia sẻ cho bất kỳ lực lượng nào khác. Người nói rõ: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến, kiến quốc mới thành công”(7). Đối tượng lãnh đạo của Đảng lúc này là chính quyền nhà nước và toàn thể xã hội nhằm đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. 

Phạm vilãnh đạo của Đảng là toàn diện, bao gồm mọi lĩnh vực trong đời sống đất nước. Đảng phải chăm lo cho dân từ việc to đến việc nhỏ. Hồ Chí Minh thường so sánh: “Trước đây Đảng ta tổ chức đánh Tây, đánh Nhật rất gian nan cực khổ. Nhưng so với trước, công việc bây giờ khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn. Bây giờ, Đảng ta phải làm nhiều việc: Xây dựng nhà máy, xây dựng hợp tác xã, làm sao cho người nông dân, người công nhân ăn no, mặc ấm; làm sao cho nước càng ngày càng mạnh, dân càng ngày càng giàu”(8). Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, dân còn nghèo nên nỗi lo toan của Đảng càng bộn bề: “Tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng phải lo. Ngay đến cả tương, cà, mắm muối cho dân, Đảng đều phải lo”(9).

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, điều kiện đầu tiên để có được thực quyền là Đảng phải có đủ năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo. Làm lãnh đạo là vạch đường, chỉ lối và tổ chức thực hiện nên phải có trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức.Nói ngắn gọn như Hồ Chí Minh là cán bộ của Đảng phải đủ đức, đủ tài. Muốn có đức thì cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, kiên quyết chống bệnh chủ nghĩa cá nhân; muốn đủ tài thì phải ra sức học tập.Người nhấn mạnh: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung(10)được nữa.

Đảng phải có mối quan hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân thừa nhận. Tuy nhiên, quyền lãnh đạo của Đảng với dân không thể do bạo lực, uy quyền mang lại  mà “chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(11).

Điều hết sức mới mẻ với một đảng cầm quyền chính là phương pháp lãnh đạo. Kế thừa quan điểm của Lênin, Hồ Chí Minh đề ra một số phương thức lãnh đạo:

-Đảng là quyền lực chính trị nên Đảng lãnh đạo nhà nước cũng như toàn xã hội bằng cách đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn.

-Đảng phải lãnh đạo bằng phương pháp thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng.

-Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra.

-Đảng lãnh đạo thông qua vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Dù phương pháp gì đi chăng nữa thì tất cả đều “phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng(12).

Cuối cùng, Người cho rằng, Đảng là người lãnh đạo thì Đảng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhân dân vì sự lãnh đạo của mình. “Nếu dân đói, Đảng với chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng với Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(13).

Bằng trí tuệ thiên tài, một loạt vấn đề mới mẻ liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền đã được Hồ Chí Minh luận giải.

Trở thành Đảng cầm quyền, đảng viên của Đảng không chỉ là người lãnh đạo mà còn phải là người “đầy tớ” của dân, công bộc của dân. Công bộc cũng là đầy tớ, đầy tớ của mọi người, của nhân dân. 

Theo Hồ Chí Minh, vai trò đầy tớ của cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ bản chất của chế độ. Chế độ ta là chế độ dân chủ. “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ chứ không phải làm quan cách mạng”(14). Dân là người chủ đích thực của chế độ, dân chỉ trao cho Đảng, cho Nhà nước quyền thực thi quyền lực để lãnh đạo, quản lý xã hội theo ý tưởng và lợi ích của dân, còn quyền sở hữu quyền lực thì vẫn nằm trong tay dân. Vì thế, đảng viên của Đảng phải là đầy tớ cho người đã giao quyền cho mình và có quyền phế truất mình. 

Từ “đầy tớ” trong văn cảnh này không có nghĩa là “tôi tớ, tôi đòi” mà là tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đã phụng sự nhân dân phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh”(15). Người còn sử dụng cụm từ “đầy tớthật trung thành” để nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực sự tận tụy suốt đời phấn đấu cho lợi ích của nhân dân, phải biết “khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, gương mẫu trước nhân dân.

Để cán bộ, đảng viên có chuẩn mực phấn đấu, Hồ Chí Minh nêu ra một loạt các tiêu chí về người đầy tớ trung thành của nhân dân. Họ “phải thấu suốt chính sách của Đảng và Chính phủ. Phải đi đường lối quần chúng. Phải thật sự gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân. Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của quần chúng. Phải thiết thực quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải cần, kiệm, liêm, chính. Phải gương mẫu. Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ. Phải chống quan liêu, mệnh lệnh, hình thức, chống tham ô, lãng phí. Phải làm đúng những điều đó mới xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân”(16). Người đầy tớ luôn phải đi đầu trong công việc nhưng thành quả đạt được thì người chủ - nhân dân phải được thụ hưởng trước. Đặc biệt, người đầy tớ tuyệt đối không được biến quyền lực dân trao thành quyền lực cá nhân. Tóm lại, “công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm”(17)là những phẩm chất căn cốt của một người đầy tớ của nhân dân.

Hồ Chí Minh cũng lưu ý cán bộ: Gần dân, làm đầy tớ cho dân không có nghĩa là “dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”(18), không có nghĩa là theo đuôi quần chúng.Ngược lại, cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò cầm lái của mình.

Người đã đúc kết ý niệm một lòng, một dạ phục vụ nhân dân của Đảng như sau: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng có hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu làm ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(19). Trong một chế độ mà ngay cả vị Chủ tịch nước luôn coi mình là đầy tớ của dân, là “một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận” và khiêm tốn cho rằng mình “tài hèn, đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”(20thì chế độ ấy đích thực là của dân, do dân làm chủ.

Luận điểm cán bộ, đảng viên phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân không chỉ thể hiện tư duy chính trị độc đáo mà còn thể hiện chiều sâu của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Khi khẳng định: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên của Đảng phải… xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân” thì Hồ Chí Minh đã yêu cầu người cán bộ cùng một lúc phải đóng haivai trò, thực hiện hai chức năng và mỗi vai trò, chức năng lại đòi hỏi ở người cán bộ những phẩm chất khác nhau. Để làm tốt cả 2 chức năng thì rõ ràng người cán bộ phải đủ đức - đủ tài.

Yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải thực hiện hai vai trò và Người đặt vai trò lãnh đạo lên trước và hai vai trò, hai chức năng thực chất là một vì làm lãnh đạo chính là làm đầy tớ của nhân dân. Người viết: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp  nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”(21). Có làm tốt chức năng của “người lãnh đạo” mới có cơ sở làm tốt chức năng của “người đầy tớ”, chỉ khi nào làm tốt chức năng “người đầy tớ” thì mới có thể làm tốt chức năng “người lãnh đạo”. Điều này thật chí lý bởi thực tế cho thấy: Khi Đảng lãnh đạo cách mạng thành công là Đảng đã mang lại lợi ích cho dân, đã phục vụ dân; ngược lại, khi Đảng là người đầy tớ tận tâm, tận lực với dân thì sẽ được dân tin yêu, đi theo, ủng hộ nên quyền lãnh đạo của Đảng với nhân dân sẽ được bảo đảm.

Khi căn dặn đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân thì trong quan điểm của Người, việc thực hiện vai trò lãnh đạo và vai trò đầy tớ đều vinh quang như nhau. Người cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu không chỉ để thành người lãnh đạo tốt mà còn phải phấn đấu để thành người đầy tớ tốt. Phụng sự nhân dân là phụng sự chân lý lớn nhất nên dù người cán bộ thực hiện vai trò gì, chức năng gì nhưng cứ một lòng vì dân thì đó đều là công việc cao quý chứ không phải chỉ làm người lãnh đạo mới là cao quý. Quan điểm này của Người hoàn toàn nhất quán với định đề về chân lý và cái đẹp mà Người từng đưa ra: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân... Phục vụ nhân dân -tức là phục tùng chân lý”(22và “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(23).

Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho lý luận về đảng cầm quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cho đến nay, nhiều vấn đề lý luận về Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế vẫn chưa đủ rõ. Các văn kiện Đảng trong thời gian gần đây vì thế đều đề ra nhiệm vụ: “Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”(24); “tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền”(25). Để thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng đó, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng những quan điểm mang tính chân lý của Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền, lấy đó làm nền tảng để phát triển là một trong những giải pháp thiết thực và cấp bách.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

(1), (17), (20) C.Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.623 -624, 21, 191.

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006,  tr. 137.

(3), (4) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.612, 102.

(5) Sđd, t.8, tr.263.

(6) (12), (18) Sđd, t.5, tr.75, 330, 337.

(7), (19) Sđd , t.7, tr.392, 50.

(8), (9), (10), (21) Sđd , t.13, tr. 272, 272, 69, 83-84.

(11)Sđd, t.3, tr.168.

(13) Sđd, t.9, tr.518.

(14), (22), (23) Sđd, t.10, tr.572, 378, 453.

(15) Sđd, t.6, tr.432.

(16) Sđd, t.12, tr.438.

(24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.306.

(25) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.255.

 

TS Trần Thị Minh Tuyết

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền