Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phát triển tư duy lý luận về văn hóa qua 30 năm đổi mới
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 10:54
3285 Lượt xem

Phát triển tư duy lý luận về văn hóa qua 30 năm đổi mới

(LLCT) - Khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, trong các văn kiện Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, hầu như chưa có lý luận về văn hóa đúng nghĩa của nó. Văn hóa thường được gắn với văn học và nghệ thuật.

Tại Đại hội VII (6-1991), Đảng ta trình bày Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó đưa ra quan niệm về xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng với sáu đặc trưng cơ bản, một trong sáu đặc trưng đó là “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Để thực hiện được sáu đặc trưng đó, Đảng ta xác định bảy phương hướng cơ bản, một trong các phương hướng đó là “tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội”(1).

Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII thông qua Nghị quyết“về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thể hiện rõ những đổi mới trong nhận thức về văn hóa, trong đó nổi lên hàng đầu là việc xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định tính chất tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ, mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người.

Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… 

Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, qua đúc kết của các Đại hội IX, X, tại Đại hội XI, Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh đã có sự tổng kết và nâng cao lý luận về văn hóa. Trên cơ sở tiếp tục khẳng định nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, Cương lĩnh lần đầu tiên đề cập tới và nhấn mạnh “nền văn hóa thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển… Xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”(2).

Sau 20 năm đổi mới (1986-2006), trên cơ sở tư duy con người với tư cách là hạt nhân, vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, chúng ta khẳng định “con người là vốn quý nhất, phát triển con người với tư cách vừa là động lực vừa là mục tiêu của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới đất nước; gắn vấn đề nhân tố con người với tinh thần nhân văn nhằm tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, sống trong một xã hội công bằng và nhân ái với những quan hệ xã hội lành mạnh. Con người và sự phát triển con người được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội, mở rộng cơ hội, nâng cao điều kiện cho con người phát triển toàn diện”(3).

Cương lĩnh viết: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”(4).

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (7-1998 - 6-2014) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cũng là lúc chuẩn bị tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới và tiến tới Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (6-2014) ra Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”và trình bày Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Trước đó, tháng 12-2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 6 thông qua.

Hiến pháp 2013 khẳng định quyền con người về văn hóaở Điều: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(5). Liên quan trực tiếp đến văn hóa, Điều 41 ghi: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”(6).

Chúng ta đều biết, nói đến văn hóa là nói đến quyền con người và quyền của các dân tộc. Đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng định nghĩa nào cũng phải bàn đến con người. Văn hóa là “tự nhiên thứ hai”; là toàn bộ sáng tạo và phát minh của con người; là tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt của con người; là quyền cơ bản của con người. Năm 1982, trong Tuyên bố về những chính sách văn hóa, UNESCO thống nhất định nghĩa về văn hóa trong đó nhấn mạnh “văn hóa bao gồm những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩ mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”.

Trong thế kỷ XX, khi xác định tiêu chí danh nhân văn hóa, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng ai đạt được một trong các tiêu chí sau đây đều được ghi nhận: a) Ai tích cực đấu tranh cho quyền sống của con người, bênh vực con người, giải phóng con người, là người tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân văn; b) Ai là người tích cực góp phần giải phóng các thuộc địa, giải phóng các dân tộc bị áp bức, làm đảo lộn thế giới thuộc địa, vẽ lại bản đồ chính trị thế giới”(7). Hồ Chí Minh là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng thuộc địa, người tiên phong trong cuộc đấu tranh giành lại quyền được sống cho con người, trở thành nhà văn hóa kiệt xuất, để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định, sự nghiệp văn hóa lớn lao nhất của Hồ Chí Minh là đã “huy động sức mạnh của truyền thống 4000 năm văn hiến của dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa của thời đại, lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại cho nhân dân ta quyền làm người, quyền được sống một cuộc sống xứng đáng với con người… Sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh đem đến cho kho tàng văn hóa thế giới những giá trị lớn, thể hiện khát vọng của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc, mỗi dân tộc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và phát triển sự hiểu biết với các dân tộc khác”(8).

Sau 30 năm đổi mới, chúng ta  gắn văn hóa với con người, phát triển văn hóa và xây dựng con người.Theo cách hiểu thông thường, nói đến văn hóa là nói đến con người, và như vậy chỉ cần nói “chăm lo phát triển văn hóa” là có cả nội hàm chăm lo phát triển con người. Tuy nhiên, cách trình bày tại Dự thảo văn kiện Đại hội XII là để nhấn mạnh vai trò, vị trí, sứ mệnh, quyền và trách nhiệm của con người. Gắn con người với văn hóa là nhằm làm rõ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Một điểm nhấn trong sự phát triển tư duy lý luận về văn hóa sau 30 năm đổi mới là nhận thức về mục tiêu phát triển văn hóa và xây dựng con người. Ở các kỳ đại hội trước, Đảng ta nêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện”, lần này nhấn mạnh “phát triển toàn diện”, bổ sung thêm “hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Với cách diễn đạt như hiện nay thì rõ ràng nói đến văn hóa và con người Việt Nam là thể hiện rõ tinh thần hội nhập trong một thế giới toàn cầu hóa. Thế giới ngày nay đã và đang hướng đến việc thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, xóa bỏ những rào cản giữa các nền văn hóa khác nhau. Chân, thiện, mỹ, nhân văn, dân chủ và khoa học là những giá trị mang tính phổ quát toàn nhân loại. Trao đổi và đối thoại giữa các nền văn hóa chính là công cụ hữu hiệu nhất để xây dựng hòa bình, một giá trị đẹp đẽ của nền văn hóa nhân loại.

Một điểm mới rất quan trọng lần đầu tiên xuất hiện trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng  là cụm từ “thấm nhuần tinh thần dân tộc”. Đây là mục tiêu hàng đầu vì chúng ta đang bàn đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trước đây nói “xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc” là mới chỉ dừng lại ở những đặc điểm chính, tính chất đặc biệt vốn có của văn hóa. Còn khi nói “xây dựng nền văn hóa Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc” là đã được nâng lên ở một trình độ mới, một chất mới, không chỉ có “bản sắc dân tộc” mà còn nhiều khía cạnh khác nữa như ý nghĩ, tình cảm, tâm lý, luân lý dân tộc, những hoạt động thuộc về đời sống nội tâm của con người, của dân tộc. Một người thấm nhuần tinh thần dân tộc là hiểu kỹ tinh thần dân tộc, chịu tác dụng và ảnh hưởng sâu sắc của tinh thần dân tộc.

Nói “thấm nhuần tinh thần dân tộc” còn có thể hiểu là sự thấm nhuần một thái độ, ý nghĩ định hướng cho hoạt động quyết định hành động của con người, chẳng hạn, tinh thần dân tộc Việt Nam là “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”; “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”; “Dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng giành kỳ được độc lập, tự do”; “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và quan trọng nhất khi nói “thấm nhuần tinh thần dân tộc” là tất cả phải bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc; dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết. Và rõ ràng điều này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực văn hóa mà nó phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… tức là phải đặt lên hàng đầu lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc.

Mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam “thấm nhuần tinh thần dân tộc” nghĩa là trong đó bao hàm cả tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Thấm nhuần tinh thần dân tộc là thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc và đất nước.

Con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc với ý nghĩa đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết là chứa đựng cả nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tài năng, sáng tạo, tâm hồn, ý thức tuân thủ pháp luật. Một tinh thần dân tộc chân chính tất yếu sẽ dẫn tới một tinh thần quốc tế chân chính, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, gắn chặt mục tiêu của dân tộc với mục tiêu của thời đại.

Một tinh thần dân tộc chân chính hiểu như vậy là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.10.

(2), (4) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.19, 20.    

(3) ĐCSVN: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006),Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.78-79.

(5), (6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.14, 23.

(7) Tạp chí Heral Tribune, ngày 8-10-1993. Xem thêm Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 164, ngày 10-01-2010, tr.5.

(8) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - tinh hoa khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.255-256.

 

PGS, TS Bùi Đình Phong

ThS Lê Thị Thanh Hoa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền