Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay
Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 16:22
9075 Lượt xem

Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay

(LLCT) - Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam xác định mục tiêu cụ thể: chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc... Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Về định hướng giá trị con người Việt Nam hiện nay, Nghị quyết nêu rõ phẩm chất: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

1. Quan điểm của Đảng về xây dựng con người Việt Nam XHCN

Theo C.Mác, xã hội tạo ra con người ở mức độ nào thì con người cũng tạo ra xã hội ở mức độ đó. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo rằng: xã hội tương lai sẽ là một liên hiệp, trong đó sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người. Họ là sản phẩm của lịch sử, đồng thời cũng là chủ thể góp phần sáng tạo lịch sử và chính trong quá trình xây dựng đất nước, những con người mới sẽ xuất hiện và trưởng thành.

Kế thừa những thành tựu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người và xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(1). Xem con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng, của sự phát triển xã hội là tư tưởng nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Theo Người, xây dựng con người là phải chú ý đến tất cả các mặt trong đời sống, từ vật chất đến tinh thần. Người dân phải được ăn no, mặc ấm, được học hành; được hưởng quyền tự do, hạnh phúc và được phát triển toàn diện. Những quan điểm đó luôn luôn được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng, phát triển con người trong thời kỳ đổi mới và thể hiện nhất quán trong các Văn kiện.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới với những đức tính: có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ, có lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”(2).

Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển 2011) khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng  thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, tình nghĩa; có tinh thần quốc tế chân chính”(3).

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam xác định mục tiêu cụ thể: chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc... Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Về định hướng giá trị con người Việt Nam hiện nay, Nghị quyết nêu rõ phẩm chất: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...”(4)

Như vậy, tư tưởng về xây dựng con người Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện ở một số nội dung sau: con người vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển. Vì vậy, xây dựng con người là một nội dung quan trọng của sự nghiệp cách mạng với mục tiêu: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, bồi đắp củng cố những giá trị mới; khắc phục những hạn chế của con người việt Nam truyền thống, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước; xây dựng con người Việt Nam là một quá trình gắn bó chặt chẽ với các quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường, thực hiện an sinh xã hội...

2. Thực trạng và một số vấn đề trong xây dựng con người Việt Nam

Sau 30 năm đổi mới, sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả. Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chưa cao, song Nhà nước vẫn quan tâm thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao đời sống con người. Đây là biểu hiện tính ưu việt, bản chất của chế độ XHCN và khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường.

Hệ thống an sinh xã hội nói chung, hệ thống bảo hiểm nói riêng ở Việt Nam chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng đối tượng, loại hình: bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế), bảo hiểm tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng nhanh: 4,8 triệu (2001), 9,4 triệu (2009), 10,3 triệu (2012). Bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 13,4% dân số (2000) lên 62% (2010). Đặc biệt, Nhà nước đã thực hiện chính sách cấp bảo hiểm y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em đến 6 tuổi, hỗ trợ một số đối tượng chính sách, người nghèo. Các chính sách trợ giúp xã hội (cả thường xuyên và đột xuất) được mở rộng về quy mô, đối tượng với mức trợ giúp ngày càng tăng: Năm 2001 là 113 tỷ đồng cho hơn 180 nghìn người, năm 2010 là 4.500 tỷ đồng cho hơn 1,6 triệu người. Hằng năm, Nhà nước còn trợ cấp đột xuất hàng nghìn tỷ đồng và hàng chụcnghìn tấn lương thực để trợ giúp khắc phục thiên tai. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội được củng cố, nâng cấp, mở rộng theo hướng xã hội hóa. Năm 2012, đã phát triển thêm 20 cơ sở, đưa tổng số cơ sở bảo trợ xã hội cả nước lên 432 tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên 42 nghìn đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Đến năm 2012, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 5,8% trong đó hơn 82% được chăm sóc với nhiều hình thức: trợ cấp xã hội; khám, chữa bệnh, chỉnh hình phục hồi chức năng; giáo dục,...(5)

Việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo những năm qua của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nghèo, nâng cấp, cải tạo, làm mới các tuyến giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục quan tâm tạo nguồn lực để dân cư đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng thu nhập. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm từ 58% năm 1992 xuống còn7,5% năm 2013 và phấn đấu đến năm 2015 còn dưới 5%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao chất lượng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

 Thành tựu xây dựng con người của nước ta còn được thể hiện qua chỉ số HDI tăng đều và ổn định, cả về giá trị tuyệt đối cũng như thứ hạng. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 129/187; năm 2011: 128/187; năm 2012: 127/186; năm 2013: 121/187 các quốc gia công bố HDI và nằm trong nhóm xếp loại trung bình. Việt Nam là một trong những nước đạt được tiến bộ phát triển con người nhanh(6). Nhờ đó, Việt Nam được xếp vào danh sách hơn 40 quốc gia đang phát triển đạt được nhiều tiến bộ về phát triển con người trong những thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên, việc xây dựng con người Việt Nam thời gian qua còn tồn tại một số bất cập.

Năng lực cạnh tranh và năng suất lao động còn hạn chế. Nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới(7). Năng suất lao động trung bình của Việt Nam chỉ bằng một nửa các nước ASEAN, thấp hơn Inđônêxia 10 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản 135 lần, khiến chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế liên tục giảm trong những năm vừa qua(8). Đây là một thách thức lớn khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng.

Nhiều giá trị nhân cách con người suy giảm và có xu hướng biến đổi phức tạp, biểu hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, như: lý tưởng, niềm tin, nhận thức, đạo đức, lối sống... Đặc biệt, trong giới trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Khảo sát về xu hướng biến đổi lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay cho thấy: 49,5% thanh niên nước ta hiện nay sống thực dụng, thực tế hơn, lựa chọn việc làm dựa trên thu nhập là ưu tiên số 1, chỉ 7,4% xác định đóng góp cho đất nước là ưu tiên số 1; 21% thanh niên cảm thấy thất vọng, bi quan về tương lai(9).

Tình trạng tội phạm trong lứa tuổi thanh niên diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo tổng kết của cơ quan chức năng, những năm 2000 trở về trước, lứa tuổi học sinh, sinh viên khi thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không nguy hiểm, thì những năm gần đây tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn, hành vi vi phạm đa dạng và phức tạp. Đặc biệt, có một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia vào các băng, ổ nhóm tội phạm có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ gây hậu quả nghiêm trọng. Tại Hà Nội, từ năm 2008 đến 2011 đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng(10). Tỷ lệ tội phạm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên cao, trong đó, nhiều vụ thực hiện hành vi tàn bạo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng ngày càng nghiêm trọng(11).

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến tham ô, tham nhũng, lãng phí với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nhận định về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”. Đó là thách thức cần được giải quyết trong thời gian tới. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ XII là: “Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”(12).

Từ thực trạng trên, để tiếp tục xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp theo phương hướng:

- Tạo lập môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, làm cơ sở cho việc xây dựng con người.

- Đổi mới, phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới nội dungchương trình, phương pháp giảng dạy, quản lý giáo dục kết hợp truyền thống với hiện đại, mở rộng hợp tác quốc tế, coi trọng vàphát huy vai trò của giáo dục gia đình; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, với giáo dục nhà trường trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay.

- Nâng cao năng lực quản lý, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, huy động các nguồn lực xã hội hướng tới đáp ứng các vấn đề cơ bản của người dân về y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở, nước sạch, thông tin việc làm…

Xây dựng con người Việt Nam, chủ nhân của xã hội mới, chủ thể thụ hưởng thành quả cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng là một quá trình lâu dài, là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn dân, trong đó có hệ thống chính trị, các nhà lãnh đạo, quản lý xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

(1), (4), (12) ĐCSVN: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tháng 2-2015, tr.20, 42.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.310.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.59.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.76-77.

(5) Phạm  Thị  Hải Chuyền: Chăm sóc người có công, gia đình người có công với nước, bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, Báo Nhân dân, 4-3-2013.

(6) UNDP: Việt Nam đạt được tiến bộ về phát triển con người rất nhanh”, Công bố Báo cáo phát triển con người năm 2013, ngày 3-7-2013

(7) Sơn Lâm: Nguồn nhân lực Việt Nam phát triển mất cân đối, www://laodong.com.vn

(8) Hồ Đức Tùng: Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Thái Lan 30 lần, http://www.dna.com.vn

(9) Phạm Hồng Tung: Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289-341

(10) http://vietnamplus.vn

(11) http://dangcongsan.vn

 

 

PGS,TS Nguyễn Thị Nga

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền