Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng triết học Mác về giải phóng con người
Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 16:09
2874 Lượt xem

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng triết học Mác về giải phóng con người

(LLCT) - Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời cho đến nay trải qua biết bao những thăng trầm và biến động, nhưng cái làm nên sức sống, giá trị lâu bền của học thuyết chính là chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra các quy luật khách quan chi phối sự vận động, biến đổi và thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội; làm rõ các hình thức áp bức bóc lột con người trong xã hội từ khi có giai cấp và nhà nước, mà điển hình là sự “tha hóa” của con người dưới chế độ TBCN. Các ông đã xây dựng học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội và khẳng định, chỉ đến chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản, con người mới được giải phóng triệt để và được phát triển toàn diện.

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ tính khoa học, cách mạng trong học thuyết giải phóng của các ông. Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo triết học Mác về giải phóng con người vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm lý luận mácxít trong bối cảnh mới.

Có thể thấy những sáng tạo đó như sau:

Một là, lấy giải phóng dân tộc là cơ sở để giải phóng xã hội, giải phóng con người

Khi bàn về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác - Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản nhằm lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, ở giai đoạn đầu của nó là mang tính chất dân tộc, vì “phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số”(1[1]). Vì vậy, “cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức dân tộc”(2). Đảng của giai cấp công nhân bên cạnh việc giáo dục chủ nghĩa quốc tế chân chính cho quần chúng nhân dân, thì họ không được quên rằng, cuộc đấu tranh giải phóng của họ còn là cuộc đấu tranh giai cấp. Do đó, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, tuy hoàn toàn không theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”(3).             

Trong luận giải của C.Mác - Ph.Ăngghen, nguyên nhân của tình trạng con người bị tha hóa, bị nô lệ là chế độ tư hữu tư sản. Nó là căn nguyên dẫn đến thiểu số người thống trị đa số nhân dân lao động; dân tộc lớn áp bức và nô dịch dân tộc nhỏ. Do đó, phương thức để giải phóng con người trong triết học Mác là xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản và xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất trên phạm vi toàn xã hội, coi đó là cơ sở nền tảng để giải phóng xã hội. Trong thời đại của Mác, CNTB vẫn ở giai đoạn tự do cạnh tranh; việc mở rộng thị trường bằng chiến tranh xâm lược thuộc địa chưa trở thành phổ biến; mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và vô sản nổi lên gay gắt. Theo C.Mác - Ph.Ăngghen, giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất mới hiện đại, cho lực lượng sản xuất tiên tiến; là giai cấp có lợi ích thống nhất với lợi ích của đông đảo nhân dân lao động và chỉ có giai cấp vô sản với sứ mệnh của mình mới xóa bỏ được tình trạng áp bức giai cấp; từ đó có điều kiện xóa bỏ áp bức dân tộc. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hai ông đã nêu lên một khẩu hiệu bất hủ: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!Con đường cách mạng mà C.Mác -  Ph.Ăngghen vạch ra là: Giải phóng giai cấp để đi đến giải phóng nhân loại.

Đến thời đại của Lênin, CNTB chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và trở thành hệ thống trên thế giới. Bên cạnh mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, xuất hiện thêm mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhân dân các nước thuộc địa. Cách mạng giải phóng dân tộc trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Lênin kế thừa, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong bối cảnh mới, xây dựng lý luận về cách mạng thuộc địa. Lênin cho rằng, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc không thể giành thắng lợi nếu không biết liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Đồng thời, Lênin thành lập Quốc tế III, tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều đảng cộng sản trên thế giới. Người nhấn mạnh đến sự giúp đỡ của giai cấp công nhân chính quốc với phong trào giải phóng dân tộc và các đảng cộng sản ở các dân tộc thuộc địa cũng phải nắm ngọn cờ dân tộc để lãnh đạo quần chúng làm cách mạng. Lênin đã vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác, tiến hành cách mạng vô sản Nga thành công, đi từ giải phóng giai cấp đến giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại, với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”

Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân loại bước sang một thời đại mới, thời đại quá độ lên CNXH. Trên cơ sở những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và dựa trên những đặc điểm cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường đi cho cách mạng Việt Nam: Đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Chủ nghĩa Mác ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tuy nhiên, điều kiện lịch sử thay đổi đòi hỏi lý luận của chủ nghĩa Mác cần có những bổ sung để phù hợp. Chính các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác cũng luôn coi học thuyết của mình là một học thuyết mở và các thế hệ đi sau có trách nhiệm bổ sung và phát triển. Say này Lênin cũng đã khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(4). Hồ Chí Minh đã nhận thấy sự khác nhau về quá trình hình thành dân tộc ở phương Đông và phương Tây cũng như những nét đặc thù về tự nhiên, con người và văn hóa của các dân tộc phương Đông. Từ đó, Người khẳng định: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(5). Triết học Mác nói về giải phóng con người trong hoàn cảnh của châu Âu thế kỷ XIX, nơi đã phát triển CNTB, phạm trù công dân và cá nhân đã hình thành. Triết lý Hồ Chí Minh về giải phóng con người xuất phát ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, xã hội tồn tại hai ách áp bức; nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo, nghèo khổ và đa số mù chữ. Triết lý Hồ Chí Minh đặt đối tượng giải phóng trên hai bình diện, bình diện cộng đồng là toàn thể dân tộc Việt Nam; bình diện cá nhân là từng người trong xã hội thuộc về những giai cấp, tầng lớp, nghề nghiệp… nhất định, mà trước hết là giải phóng nông dân trên lập trường của giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến những điều kiện tồn tại của con người, đó là cơm ăn, áo mặc, là học hành. Đó chính là sự kế thừa tư tưởng của C.Mác đề cao giải phóng để phát triển cá nhân, để con người được phát triển tự do và là chủ thể sáng tạo, tích cực của lịch sử.

Hai là, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng và mở rộng dân chủ, nâng cao các giá trị làm người

Ở phương Tây vào những năm 40 thế kỷ XIX, dân chủ với tư cách là một chế độ nhà nước hình thành dưới CNTB, phạm trù con người cá nhân và công dân đã được xác lập và phát triển. Nhưng ở Việt Nam là một nước thuộc địa phong kiến, trình độ dân trí thấp kém, chưa có truyền thống dân chủ, do đó, Hồ Chí Minh chủ trương thực hành dân chủ rộng rãi để nhân dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, biết đấu tranh giành lấy tự do, hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng. Một thể chế chính trị tiến bộ trên cơ sở một nền kinh tế vững chắc là nội dung mà Người đặc biệt coi trọng và thực hiện triệt để trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đấu tranh và xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Do những yếu tố địa tự nhiên, địa chính trị, địa văn hóa không giống nhau giữa phương Đông và phương Tây nên mặc dù cùng là mục tiêu giải phóng con người mà mỗi thời đại, mỗi nhà tư tưởng lại có những kiến giải dựa trên những biến đổi và yêu cầu của thực tiễn dân tộc, thế giới. Nếu những tư tưởng triết học của C.Mác mới dừng lại ở một học thuyết lý luận khoa học và cách mạng, thì đến thời của Lênin đã được hiện thực hóa ở nước Nga - một nước tư bản ở trình độ trung bình. Những vấn đề trong thực hiện cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới ở Việt Nam với điểm xuất phát thấp kém về kinh tế, tàn tích của chế độ cũ và dân trí thấp là những trở lực đối với sự phát triển của xã hội và con người; đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với công cuộc xây dựng chế độ XHCN văn minh. Vì thế, chủ thuyết của Hồ Chí Minh về giải phóng con người nằm trong dòng chảy của hệ tư tưởng mácxít nhưng vẫn phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện một phong cách sáng tạo và tư duy không ngừng đổi mới của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nhấn mạnh lấy tri thức, trình độ của nhân dân làm nền tảng và thước đo của văn hóa; đem ánh sáng học vấn của quần chúng lao động nhằm nâng cao hiểu biết và năng lực làm chủ, lấy văn hóa làm động lực sáng tạo và phát triển. Văn hóa dân chủ là chuẩn mực trong lối sống, ứng xử hằng ngày giữa con người với con người, giữa công dân với nhà nước, giữa cá nhân và xã hội.                       

Ba là, trong triết lý Hồ Chí Minh, giải phóng con người là để phát triển con người, coi con người là một nhân cách, một chủ thể văn hóa

Theo Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc là để phát triển trên một nấc thang cao hơn - đó là tiến lên CNXH. Trong quan niệm của Người, bản chất của CNXH với tư cách là một chế độ xã hội phải thể hiện ở tất cả các phương diện cấu thành đời sống xã hội. Bản chất ấy là sự thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức. Hồ Chí Minh khẳng định, muốn có CNXH trước hết phải có con người XHCN. Con người XHCN theo Hồ Chí Minh, đó là những con người nồng nàn yêu nước, có lý tưởng XHCN, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, có năng lực trình độ, có tinh thần quốc tế trong sáng. Hồ Chí Minh quan niệm, con người với tư cách là chủ thể văn hóa, con người không chỉ được giải phóng về mặt xã hội, mà điều quan trọng hơn là được giải phóng và phát triển toàn bộ phẩm chất, tiềm năng tốt đẹp của mình. Có thể nói, Hồ Chí Minh đã kế thừa lý luận của triết học Mác về tính tất yếu của việc xây dựng chế độ XHCN, nhằm tạo ra sự phát triển cho mỗi cá nhân. Nhưng ở Hồ Chí Minh, trong điều kiện những nhân tố của CNXH đã hình thành và trong giai đoạn trưởng thành, thì xây dựng con người và phát triển con người không còn dừng lại ở những câu chữ mà đã bắt nhập với yêu cầu của thực tiễn dân tộc; coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng.

Bốn là, nếu triết học Mác nhìn nhận con người dưới góc độ bản thể thì Hồ Chí Minh nhìn nhận con người trong hệ giá trị của sự phát triển nhân cách. Người lấy độc lập - tự do - hạnh phúc làm hệ giá trị vĩnh cửu cho sự phát triển của xã hội

Độc lập dân tộc đã trở thành chân lý của lịch sử, là vận mệnh thiêng liêng của Tổ quốc, là mục tiêu hàng đầu của đấu tranh cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ, không có gì quý hơn độc lập tự do. Chỉ khi đất nước được độc lập, con người mới có thể vươn lên là người làm chủ vận mệnh và cuộc sống của mình. Trong triết lý giải phóng của mình, Hồ Chí Minh coi độc lập là tiền đề, tự do là then chốt và hạnh phúc là đích đến, trong đó, tự do - hạnh phúc là tiêu chí quan trọng nhất của một xã hội tiến bộ, văn minh. Người viết: “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”(6). Trong triết lý Hồ Chí Minh, con người là động lực cách mạng quan trọng nhất; những con người có tri thức, có lý tưởng, có đạo đức, có văn hóa là lực lượng quan trọng trong tiến trình xây dựng CNXH và giá trị con người là giá trị cao nhất của xã hội tương lai. Hồ Chí Minh chú trọng đến việc bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, chú trọng xây dựng một nền kinh tế phú cường, một chế độ chính trị tiến bộ, một nền đạo đức cách mạng và chiều sâu của văn hóa, tạo môi trường giàu nhân tính để con người được phát triển, tự do và hạnh phúc. Điều mong muốn cuối cùng trước lúc đi xa, Người để lại cho dân tộc Việt Nam là: “Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(7).

Khi bàn về đạo đức, các nhà sáng lập CNXH khoa học nghiên cứu dưới góc độ một hình thái ý thức xã hội và nêu ra những hạn chế của đạo đức tư sản - coi đó là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “tha hóa” về mặt nhân phẩm của con người. C.Mác - Ph.Ăngghen cũng khẳng định tính tất yếu phải thay thế thứ đạo đức nô dịch con người đó bằng một đạo đức mới, đó là đạo đức vô sản - đạo đức tương lai của nhân loại. Đó là “một đạo đức thực sự có tính người, đứng trên những đối lập giai cấp và đứng trên mọi hồi ức về những đối lập ấy, chỉ có thể có được ở một trình độ phát triển của xã hội, trong đó người ta không những đã thắng được những đối lập giai cấp mà còn quên được những đối lập ấy trong đời sống thực tiễn”(8). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đạo đức cách mạng được người quan tâm và nói đến nhiều nhất trong suốt cuộc đời mình; bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về đức hy sinh cao cả. Theo Hồ Chí Minh, người có đạo đức cách mạng là người biết hy sinh, tranh đấu cho quyền lợi, tự do, hạnh phúc của nhân dân, dân tộc, biết gắn hạnh phúc của cá nhân với hạnh phúc của người khác, của dân tộc, của nhân loại. Hồ Chí Minh cũng khẳng định vai trò to lớn của đạo đức - coi đó là một động lực to lớn cho sự phát triển xã hội.

Có thể nói, triết lý Hồ Chí Minh về đạo đức nằm trong dòng chảy của triết lý giải phóng con người, là triết lý hướng về phát triển con người. Hồ Chí Minh đề cao đạo đức nhưng không rơi vào chủ nghĩa duy tâm đạo đức. Hồ Chí Minh đề cao ý thức nhưng không rơi vào chủ nghĩa chủ quan duy ý chí. Hồ Chí Minh đề cao cộng đồng nhưng vẫn chú trọng vai trò của cá nhân và quý trọng tài năng ở mỗi người. Đó là chiều hướng tư duy hết sức mới mẻ, độc đáo trong triết lý Hồ Chí Minh khi tiếp thu và vận dụng triết học Mác về giải phóng con người vào Việt Nam.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

(1), (2), (3) C.Mác-Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.611, 623, 624.

(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2008, Hà Nội, tr.77.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.510.

(6) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.265.

(7) Hồ Chí Minh, Sđd, t.15, tr.614.

(8) C.Mác-Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.137.

 

TS  Lê Duy Thắng

Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng

ThS Trần Thị Kim Dung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền