Trang chủ    Quốc tế    Tác động của Brexit đến cục diện thế giới hiện nay
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 11:49
9027 Lượt xem

Tác động của Brexit đến cục diện thế giới hiện nay

(LLCT) - Ngày 23-6-2016, cử tri nước Anh đã tham gia cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Theo đó, 52% người Anh đồng ý rời khỏi EU. Đây là một quyết định gây sốc với châu Âu và thế giới. Việc người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU đã ngay lập tức gây nên cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Anh và có thể sẽ đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, tác động sâu sắc cục diện thế giới hiện nay.

1. Tác động của Brexit đối với nước Anh

- Kinh tế suy thoái, chính trị khủng hoảng

Về kinh tế, sự ra đi của Anh đã gây ra một cú sốc kinh tế ngay lập tức do sự không chắc chắn về tương lai của Anh và EU. Tăng trưởng kinh tế của Anh đã chậm lại trong quý I/2016 do cảm giác bất an liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý. Ngay sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố, đồng Bảng Anh đã mất giá 6%, xuống còn 1,33 USD - mức thấp nhất trong vòng 31 năm. Rời khỏi EU, GDP của nước Anh được dự báo sẽ giảm 6% từ nay đến năm 2020. Ông George Soros (tỷ phú Mỹ gốc Hungary) cảnh báo đồng Bảng sẽ tiếp tục mất giá từ 10% đến 20%. Nước Anh mất 40 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI khi các nhà đầu tư lớn từ châu Âu có thể sẽ dừng việc đầu tư vào các doanh nghiệp của Anh. Trong ngắn hạn, đầu tư vào nước Anh có thể giảm, nhưng đồng Bảng mất giá sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu đạt được các thỏa thuận với EU, nước Anh vẫn có thể tiếp nhận một lượng đầu tư lớn từ nước ngoài, do Anh là cửa ngõ để tiếp cận thị trường hơn 500 triệu dân của EU.

Vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của London có thể sẽ mất đi. Theo tờ Financial Times, khi Anh không còn thuộc EU, các ngân hàng có trụ sở tại Anh sẽ mất quyền tự do hoạt động trong EU. Hiện các ngân hàng hàng đầu của Mỹ, như JP Morgan Chase, Goldman Sachs, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley với hàng chục nghìn nhân viên tại Anh, sau sự kiện Brexit, đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sang Dublin, Paris hay Frankfurthay Milano.

Về chính trị, Bộ trưởng thứ nhất phụ trách xứ Wales, ông Carwyn Jones đã cảnh báo Brexit “sẽ tạo cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn cho toàn thể Anh Quốc(1). Sau Brexit,London sẽ phải đối phó với yêu cầu độc lập của Scotland. Phần lớn cử tri người Scotland ủng hộ EU và Đảng Nhân dân Scotland cầm quyền cho biết sẽ kêu gọi mộtcuộctrưng cầu dân ý nếu Anh rời khỏi EU. Khi các tiêu chuẩn của EU không còn hiệu lực, Quốc hội Anh sẽ phải sửa đổi hoặc bãi bỏ nhiều điều luật hiện nay. Trong trường hợp này, sự khác biệt giữa pháp luật của Anh và EU sẽ tăng lên gây ảnh hưởng cho xuất khẩu của Anh sang EU và khiến Anh trở thành điểm đến kém hấp dẫn của nhà đầu tư. Ngoài ra, sau khi rời khỏi EU, London sẽ phải giải quyết tình trạng của các công dân EU đang làm việc ở Anh cũng như Brussels cần phải xác định tình trạng của các công dân Anh đang sinh sống trong Khối. Hơn nữa, Chính phủ Anh sẽ cần xây dựng một chính sách nhập cư mới để thu hút các lao động có tay nghề cao và chống lại xu hướng suy giảm dân số của đất nước.

Về vấn đề nhập cư, việc nước Anh “dứt áo” ra đi khỏi EU sẽ làm suy giảm nguồn lao động nhập cư đến từ các nước châu Âu (khoảng 2,15 triệu người). Cùng với đó, gần 1,2 triệu người Anh sinh sống tại các nước EU có thể mất quyền tự do đi lại và tiếp cận các lợi ích xã hội chung trong EU.

Về mặt xã hội, sau Brexit, chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại, phân biệt chủng tộc có xu hướng phát triển mạnh. Trên mạng xã hội, các nhóm tân phátxít đòi “Thánh chiến Trắng” (White Jihad) và đòi trục xuất cả những công dân Anh gốc Á - Phi. Nhiều hàng quán của người Ba Lan bị bôi bẩn, vẽ khẩu hiệu bài xích. Căng thẳng và cảm giác bất an đang ở mức cao trong các cộng đồng người di dân sau cuộc trưng cầu dân ý, vì vấn đề di dân là một vấn đề then chốt thúc đẩy nhiều người bỏ phiếu tán thành đề nghị rời khỏi EU. Theo số liệu thống kê, chỉ có 25% số người trong độ tuổi 18 đến 24 bỏ phiếu cho việc rời khỏi EU, trong khi có tới 61% số người trên 65 tuổi muốn ra đi(2).

Vị thế quốc tế của Anh bị suy yếu nghiêm trọng và khó có thể lấy lại. Giới phân tích cho rằng, việc người dân Anh bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU sẽ làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Anh trong Liên Hợp quốc, G7 và NATO. Trước hết, Scotland có thể ly khai khỏi Anh trong vòng hai năm tới và có thể sẽ kế thừa vị thế của Anh, là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an. Nếu cuộc chia tay giữa Scotland và Vương quốc Anh xảy ra, G7 sẽ phải xem xét lại vai trò thành viên của Anh. Ngoài ra, mối quan hệ đặc biệt giữa London và Washington cũng như vai trò thành viên của Anh trong NATO có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Mối quan hệ này không bị ảnh hưởng ngay lập tức theo chiều hướng tiêu cực, nhưng sự chồng chéo trong các mối quan hệ sẽ khiến công việc đối ngoại của Anh gặp nhiều khó khăn. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns - cố vấn của bà Hillary Clinton viết trên twitter của mình: “Có lẽ Anh sẽ vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Nhưng không thể phủ nhận từ nay quan hệ của Mỹ với Đức sẽ là chìa khóa khi thảo luận về các vấn đề liên quan tới châu Âu”(3).

2. Tác động đến châu Âu và thế giới

Sự kiện Brexit sẽ chỉ là một trong nhiều diễn biến có liên quan đến khả năng sắp diễn ra một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và các hệ tư tưởng trên toàn thế giới.

Một là, Brexit làm suy giảm ảnh hưởng của EU trên toàn cầu. 

Về kinh tế, bất ổn chính trị gây ra từ việc Anh rời khỏi EU sẽ làm tổn thương các nền kinh tế ởchâu Âu. Nước Anh đóng một vai trò trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Giờ đây, việc quốc gia này rút khỏi EU sẽ làm suy yếu vị thế của một liên minh sở hữu thị trường chung lớn nhất thế giới. Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và cả 6 nước thành viên sáng lập EU gồm Pháp, Italia, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg đã hối thúc Anh đàm phán về việc rời EU “càng sớm càng tốt”, mọi sự chậm trễ đều có thể kéo theo những hậu quả lớn cho cả Anh, EU và thị trường toàn cầu.

Về chính trị, việc Anh rời khỏi EU sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong EU. Nước Anh ra đi sẽ làm cho EU thiếu đi một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và một cường quốc về quân sự, làm giảm năng lực đối phó với những thách thức mà châu lục này đang phải giải quyết, như cuộc khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và cuộc đối đầu với Nga hiện nay... Đức và Pháp mới đây đã kêu gọi EU làm sâu sắc hơn quan hệ quân sự và an ninh. Thực tế, từ khi khủng hoảng di cư bùng phát, Đức đã phải đứng ra đảm nhận gánh nặng dẫn dắt khu vực về chính trị và kinh tế, nhằm duy trì sự đoàn kết của EU. Nhưng nay, khi Anh rời EU, gánh nặng về vai trò quân sự dường như là quá sức với Đức và vấn đề phân bổ người nhập cư, khiến các quốc gia đau đầu. Còn nước Pháp chỉ chấp nhận một vai trò đi đầu về quốc phòng trong khuôn khổ của EU, điều vốn đã rất khó khăn trong bối cảnh các nước thành viên ngày càng muốn độc lập khỏi EU. Tổn thất với châu Âu sau Brexit đã khá rõ ràng và cán cân quyền lực châu Âu sẽ phải được định hình lại.

Có quan điểm cho rằng: Brexit sẽ làm Nga mạnh hơn, EU khó đối phó hơn. Nhận định này chủ yếu dựa vào giả thuyết là việc Anh rời EU sẽ làm mạnh hơn quyền lực của Đức trong EU, từ đó sẽ làm trầm trọng thêm bất hòa trong tổ chức này. Nhiều nhà phân tích cũng dự đoán rằng, sau Brexit, thái độ quyết liệt của EU trong trừng phạt Nga quanh vấn đề Ukraine sẽ giảm bớt. Brexit sẽ làm yếu đi quan hệ của EU với Mỹ, đẩy EU đến gần Nga như một đối tác thay thế để hạn chế các cú sốc kinh tế hậu Brexit. Tuy nhiên, nếu cân nhắc kỹ đến chính sách đối ngoại ở mỗi thành viên EU thì điều này khó có thể xảy ra. Nước Đức vốn có lịch sử hòa giải với Nga hơn nhiều nước châu Âu khác. Đức có quan hệ kinh doanh lâu dài với Nga. Nhiều chính trị gia cấp cao Đức như Ngoại trưởng Franz Walter Steinmeier ủng hộ bỏ trừng phạt Nga. Như vậy, Brexit khó có khả năng làm tăng sức mạnh địa chính trị của Nga tại châu Âu và cũng không có khả năng làm ấm hơn quan hệ giữa Nga với Anh hay với EU, ít nhất trong ngắn hạn.

Hai là, phá vỡ thế cân bằng quyền lực ở châu Âu, làm cho Anh mất an toàn hơn. Chính sách phòng thủ chung của EU sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì sau Brexit, quân đội tinh nhuệ của Anh như lực lượng đặc nhiệm SAS, Commandos hay Lữ đoàn nhảy dù sẽ không tham gia các chiến dịch chung của EU, nhất làtrong trường hợp châu Âu quyết định can thiệp quân sự để đánh bại lực lượng IS.

Theo giới phân tích, quan hệ liên minh Pháp - Đức vốn là hòn đá tảng của sự đoàn kết EU. Tuy nhiên, Anh đóng vai trò kết nối giữa hai nước, giúp ổn định mối quan hệ giữa đôi bên và rộng hơn là cả châu Âu. Về lâu dài, việc Anh rời khỏi EU dẫn đếnsự thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu. Không có AnhtrongEU sẽ tạo điều kiện cho các nước theo chủ nghĩa can thiệp,như Pháp, Italia và Tây Ban Nha giành lợi thế trong liên minh. Đứcluôn xem Anh là một đối trọng với Pháp trong EU và nếu không có lá phiếu của Anh trong Hội đồng châu Âu, Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu sẽ mất đi một hậu thuẫn quan trọng trong các cuộc đàm phán. Sự suy yếu của Đức thậm chí có thể khuyến khích Pháp cố gắng kiểm soát vai trò lãnh đạo EU dẫn đến căng thẳng tăng lên giữa hai trụ cột của liên minh. Sự chia rẽ giữa Đông và Tây Âu có thể tăng lên sau sự ra đi của Anh. Trung và Đông Âu xem Anh như người bảo vệ chính cho các lợi ích của các nước thành viên EU không thuộc Eurozone. Anhlà nước ủng hộ mạnh mẽnhất đối với các biện pháp trừng phạt Nga vốn gắn liền với chính sách của Ba Lan và các nước Baltic. Nếu Anh rời khỏi EU, cácnướcTrung và Đông Âu có thể bị cô lập hơn trongliên minh và sẽ trở nên hoài nghi hơn. Sự suy yếu trong nội bộ sẽ dẫn đến sự suy yếu ảnh hưởng của EU trên trường quốc tế.

Ba là, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bị suy yếu. Sau sự lựa chọn của nước Anh, châu Âu đang phải đối diện với thách thức vừa duy trì sự đoàn kết vừa duy trì ảnh hưởng trên thế giới. Nước Anh là một thành viên quan trọng của NATO, song nếu như nền kinh tế của họ bị suy yếu do quyết định rút khỏi EU, các nhà lãnh đạo có thể bị dân chúng gây áp lực đòi cắt giảm chi tiêu quân sự. Ông Donald Trump (được Đảng Cộng hòa đề cử ứng cử viên Tổng thống Mỹ) đã đặt câu hỏi liệu NATO có còn cần thiết như trước đây hay không? Ngày 28-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng cần đề phòng tình trạng hỗn loạn thái quá sau Brexit. Trước một số nghi vấn cho rằng NATO có thể bị giải thể, ông Obama cho rằng “đó không phải là những gì đang xảy ra”(4). Còn về vai trò thành viên trong NATO của Anh có lẽ sẽ chưa bị lung lay, nhưng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg  đã khẳng định hôm 23-6 vừa qua rằng một trong những vai trò an ninh chủ chốt của Anh là cầu nối giữa EU và liên minh thì “cây cầu đó đã bị gãy”.

Bốn là, tạo ra những thay đổi và thách thức đối với quá trình toàn cầu hóa

Nước Anh ra khỏi EU đặt ra thách thức rất lớn đối với tiến trình toàn cầu hóa. Từ Brexit, hiệu ứng domino có thể xảy ra trên hai phương diện. Thứ nhất, một loạt các nước sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về những chuyện rất trọng đại như của nước Anh. Thứ hai, các đảng cực hữu nhân sự kiện Brexit cũng đòi hỏi tiến hành những hoạt động tương tự. Brexit đã khuyến khích làn sóng hoài nghi châu Âu (Eurosceptics) do các đảng cực hữu tại các nước thành viên khác,như Pháp, Hà Lan và Slovakia. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp, hoan nghênh Brexit là “chiến thắng của sự tự do”. Ông Geert Wilders, thủ lĩnh Đảng Tự do Hà Lan, cho rằng nước này xứng đáng có cuộc bỏ phiếu “Nexit” (Hà Lan rời EU). Bước đi này hoàn toàn có thể xảy ra bởi ông Wilders đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò về khả năng trở thành Thủ tướng tiếp theo của Hà Lan. Các cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào năm sau ở Pháp và Đức cũng nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các phong trào chống EU. Còn tại Italia, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có đến 48% người nói sẽ bỏ phiếu rời khỏi EU nếu có cơ hội.

Điều quan trọng nữa là sự suy giảm lòng tin của các nước khi tham gia liên minh trước cách hành xử của Anh thông qua Brexit. Từ Hiệp ước Maastricht thành lập EU năm 1992 đến nay, nước Anh tham gia đầy đủ vào tất cả các quá trình ra quyết định của EU và cùng các nước EU đồng thuận trong quá trình thực hiện. Nói cách khác, nước Anh có trách nhiệm trong quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện đối với mọi vấn đề của Liên minh này. Do vậy, trách nhiệm của Anh trước thực trạng châu Âu còn phải cao hơn, đóng góp nhiều hơn để xứng đáng với vị thế trụ cột chứ không phải là chọn giải pháp“ra đi”.

Ở một góc độ khác, các đảng hoài nghi châu Âu sẽ xem việc Anh rời khỏi EU như một hỗ trợ cho các đề nghị tương tự của họ. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa tại EU sẽ tăng lên. Nếu Anh chứng minh được rằng nước này có thể chịu đựng tốt sau khi rời EU, các đảng theo xu hướng hoài nghi châu Âu nhiều khả năng sẽ giành được lợi thế tại các nước có nền kinh tế lớn như Pháp và Italia.

Chúng ta sống trong một thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa, sự liên kết, ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau ngày càng rõ nét. Chính vì vậy mà sự mong muốn rời khỏi EU của người dân Anh qua cuộc trưng cầu dân ý này đã đi ngược lại quá trình đó nên đã khiến nước này đang phải đối mặt với nhiều bất chắc, rủi ro và ít cảm giác an toàn, thịnh vượng vốn có trước đây. Sự kiện nước Anh rời EU sẽ còn tác động mạnh mẽ đối với thế giới trong nhiều năm nữa. Nước Anh sẽ phải đàm phán với các nước EU và những đối tác khác trên thế giới về mối quan hệ của mình. Đó sẽ là một quá trình dài và khó khăn mà không dễ đoán trước kết quả.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Nguyễn Giang: “Anh quốc rơi tự do sau Brexit” http://www.bbc.com/vietnamese/forum ngày
27-6-2016.

(2) BBC tiếng Việt: “Tám lý do chính Anh rời EU” http://www.bbc.com/ ngày 26-6-2016.

(3) Hằng Phạm: “Brexit và những “cây cầu” gãy” http://tgvn.com.vn/ ngày 25-6-2016.

(4) TTXVN “Tổng thống Mỹ lo ngại về tình trạng hỗn loạn quá độ” http://baotintuc.vn/ ngày 28-6-2016.

 

PGS, TS Thái Văn Long

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền