Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Mỹ - Nga đang đi về đâu?
Thứ ba, 18 Tháng 4 2017 17:10
1633 Lượt xem

Quan hệ Mỹ - Nga đang đi về đâu?

(LLCT) Trong khi dư luận đang đồn đoán về quan hệ tốt đẹp giữa Washington và Moscow trong nhiệm kỳ ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, ít ra thì cũng là sự cải thiện quan hệ giữa hai nước, trên cơ sở lập trường chung chống IS. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra, với việc ông D.Trump ra lệnh tấn công vào Syria - một đồng minh của Nga ở Trung Đông, khiến cho tình hình trở nên rất tồi tệ trong quan hệ giữa hai cường quốc.

Ngoại trưởng Nga - Mỹ hội đàm tại Moscow. Ảnh: AP

Từ lời nói đến hành động

Trong thời kỳ tranh cử, ông D.Trump đã luôn bộc lộ sự yêu thích, ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủng hộ các phong trào dân túy ở châu Âu. Ông từng tuyên bố muốn “hâm nóng” quan hệ với Tổng thống V.Putin, ông cũng đã gây “sốc” khi tuyên bố Tổng thống Nga V. Putin là nhà lãnh đạo tốt hơn Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông D.Trump còn khẳng định ông V.Putin hiện đang “điều hành nước Nga rất tuyệt vời”. Hồi cuối năm ngoái, ông D.Trump còn nói mình rất vinh dự khi được nhà lãnh đạo Nga khen ngợi là “một nhân vật tài năng”.

Tuy nhiên, ngày 6/4, ông D.Trump đã bất ngờ ra lệnh tấn công Syria bằng một loạt 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk, trước đó Mỹ cho rằng Washington không đặt ưu tiên vào việc lật đổ ông Bashar al-Assad. Theo giới phân tích, động thái gấp gáp nêu trên của Nhà Trắng mang nhiều ý nghĩa, trong đó ông Trump muốn chứng minh ông là nhà lãnh đạo “cứng rắn” trên cơ sở lập trường “diều hâu” của Đảng Cộng hòa; ông cũng muốn chứng minh với dư luận rằng, ông không phải là người “thân Nga”.

Ngày 12/4, trong chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson – người được coi là có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga V.Putin, nhằm đối thoại về vấn đề Syria. Tổng thống Nga V.Putin đã tiếp và sau cuộc họp kín 2 tiếng đồng hồ giữa hai bên, Ngoại trưởng Tillerson đã rời Điện Kremlin và đưa ra một nhận định bi quan: “Tình trạng hiện tại của các quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp. Hiện mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước chúng ta rất thấp. Hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới không thể có một mối quan hệ như thế này”.

Theo giới quan sát, trước đó cuộc thảo luận cấp Ngoại trưởng Nga - Mỹ sau 5 tiếng đồng hồ căng thẳng cũng chỉ đạt được thỏa thuận khiêm tốn: không tái diễn những vụ tấn công của Mỹ tại Syria sắp tới, đồng thời hai bên cũng đồng ý mở điều tra về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hồi đầu tháng 4, và có thể khôi phục lại “thỏa thuận tránh va chạm trên không với Mỹ tại Syria”.

Cũng theo giới quan sát, chuyến thăm Nga lần đầu tiên của ông Tillerson được dự kiến là để “bình thường hóa” mối quan hệ giữa hai nước, điều mà tân Tổng thống D.Trump đã từng hứa hẹn khi vận động tranh cử.

Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn đài Mir 24 trước cuộc gặp, Tổng thống Nga V.Putin đã lấy làm tiếc về mối quan hệ Nga - Mỹ bị xuống cấp kể từ khi ông D.Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Theo ông V.Putin: “Có thể nói, mức độ tin tưởng ở cấp độ làm việc, đặc biệt ở cấp độ quân sự đã không trở nên tốt hơn mà có vẻ như đã xuống cấp”.

Tại Nhà trắng, trong cuộc họp báo ngày 13/4, ông D.Trump cũng xác nhận, Mỹ đang có nhiều bất đồng sâu sắc với Nga, kể cả về Syria cũng như các vấn đề khác.

Theo giới phân tích, đây có thể là sự điều chỉnh chính sách của ông D.Trump cho phù hợp với lập trường “cứng rắn” của Đảng Cộng hòa mà ông buộc phải tuân theo, khiến ông né tránh việc thực hiện các lời hứa của mình trong thời kỳ tranh cử.

Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp báo nói trên ông D.Trump vẫn chưa từ bỏ hy vọng sẽ có mối quan hệ tốt hơn. Ông nói: “Mọi sự rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn giữa Mỹ với Nga. Vào đúng thời điểm, mọi người sẽ nhìn ra vấn đề và sẽ có hòa bình lâu dài”.

Khó xảy ra đụng độ quân sự

Theo các chuyên gia, đòn tấn công bất ngờ của tên lửa Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria sau cáo buộc về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, sẽ có tác động nghiêm trọng lên quan hệ Mỹ - Nga. Tuy nhiên, mức độ tác động như thế nào thì vẫn chỉ là sự đồn đoán.

Alexei Fenenko, một chuyên gia tại Viện Các Vấn đề An ninh Quốc tế RAS nhận định: nếu Mỹ tiếp tục thực hiện một đòn tấn công nữa, Nga có thể quyết định bắn hạ một số tên lửa hành trình của Mỹ.

Ông Fenenko phân tích, Mỹ đã lên kế hoạch phô diễn sức mạnh quân sự nhằm vào quân đội Syria từ năm 2013. Đó là lý do cho cuộc tấn công vào Syria ngày 7/4 vừa qua đánh dấu cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ ở nước ngoài, và “sớm muộn gì logic đối đầu sẽ buộc Nga phải phản ứng bằng vũ lực”.

Một số chuyên gia khác lại liên tưởng đến các sự kiện xảy ra trong Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939), khi không quân Liên Xô đối đầu với lục quân của phát xít Đức và Italia mà không tuyên chiến, nên các chuyên gia này cảnh báo, không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” này, vì hai bên luôn sẵn sàng dùng quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Dmitri Suslov, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp, cho rằng cuộc tấn công của Mỹ ở Syria đã phát đi tín hiệu rằng, ông D.Trump “sẽ tiến hành một chính sách đơn phương cứng rắn thông qua việc sử dụng sức mạnh quân sự bất chấp luật pháp quốc tế” gần giống như chính sách của chính quyền Mỹ thời Bush “con”.

Chuyên gia Suslov cũng không loại trừ khả năng dẫn tới “sự lặp lại căng thẳng” trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây 55 năm, khi đó Moscow triển khai tên lửa tới Cuba và hai siêu cường Mỹ - Xô đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng hai bên đã tránh được chiến tranh do Moscow rút tên lửa khỏi Cuba, còn Washington rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng tin rằng Nga đang chuẩn bị phản ứng quân sự với Mỹ ở Syria. Alexander Konovalov, Chủ tịch Viện Đánh giá Chiến lược độc lập, cho rằng Moscow sẽ tự giới hạn bản thân vào những gì họ đã làm: rút khỏi bản ghi nhớ an toàn bay với quân đội Mỹ. Ông giải thích, Nga sẽ không mở rộng hiện diện quân sự ở Syria bởi lẽ “Mỹ không kích hoạt một cuộc chiến ở Syria mà mới chỉ thực hiện một chiến dịch đơn lẻ”.

Trong bất cứ trường hợp nào, Nga sẽ ra lời kêu gọi các thể chế quốc tế, đưa vấn đề Mỹ gây hấn với Syria ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, và sẽ trao đổi với Washington về việc điều tra vụ sử dụng khí độc ở Syria. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi: Mỹ sẽ phản ứng ra sao trước các nỗ lực này của Nga?

Chuyên gia Sotnikov nói: “Một mặt, Tillerson sẽ phải giải thích quyết định của ông D.Trump về việc không kích Syria; mặt khác, ông ấy sẽ phải duy trì quan hệ với Moscow”. Ông Sotnikov nhấn mạnh rằng, Mỹ cần Nga để giải quyết khủng hoảng Syria. Washington sẽ phải tìm tiếng nói chung với Moscow trong vấn đề Syria, vì lợi thế trên chiến trường hiện đang thuộc về chính quyền Syria được Nga hậu thuẫn.

Như vậy, quan hệ Mỹ - Nga hiện đang trong giai đoạn thử thách lớn, các khả năng đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, Mỹ - Nga là cặp quan hệ đặc biệt, nhất là sự tương quan về tiềm lực quân sự, quốc phòng; chiến lược “Chim ưng hai đầu” của Nga thì đã rõ, nhưng chiến lược “Đại Trung Đông mới” và “Đông tiến” của NATO với vai trò chủ đạo của Mỹ vẫn chưa được khẳng định dưới thời ông D.Trump. Vì thế, giới phân tích cho rằng, khó xảy ra đụng độ quân sự giữa hai bên trong bối cảnh hiện nay.

Nguyễn Nhâm

                                                                        Viện Chiến lược Bộ quốc phòng

ThS Đinh Văn An

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền