Trang chủ    Quốc tế    Bối cảnh mới và một số ưu tiên trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện nay
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 11:56
2276 Lượt xem

Bối cảnh mới và một số ưu tiên trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện nay

(LLCT) - Thế giới nhiều biến đổi khó lường. Con đường phát triển bền vững của mỗi dân tộc không bằng phẳng, quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ cũng vậy. Nhưng quan hệ đó sẽ đạt nhiều thành công nếu cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ vươn lên mạnh mẽ, nắm bắt thời cơ phát triển.

1. Những biến động phức tạp của thế giới

Sự biến động của tình hình thế giới những năm gần đây, có 5 đặc điểm:

Một là, biến động nhanh hơn, diễn tiến theo cấp số nhân

Sự lan rộng của chiến tranh ở một số nơi trên thế giới, nhất là ở Xyri, và sự rối loạn (ở mức nào đó) quy tắc quan hệ quốc tế đã làm cho sự khủng hoảng nhân đạo bộc lộ nhanh hơn, mà biểu hiện rõ nhất là những dòng người di tản từ Xyri và các nước châu Phi, Trung Đông khác tràn sang châu Âu. Điều này tác động đến cơ cấu và sự vận hành của EU, làm cho khối liên minh này tưởng sẽ ngày càng bền chặt và mở rộng hơn thì nay bộc lộ sự rạn nứt nghiêm trọng, mà rõ nhất là BREXIT, với hơn 50% cử tri Anh đồng ý ra khỏi EU. Hiệp định Shengen mà nhiều nước EU ký bị những làn sóng người di tản làm cho liêu xiêu.

Chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà nổi rõ nhất là IS đã tiến hành khủng bố đẫm máu ngay tại trong lòng châu Âu, với nhiều thủ đoạn khó lường. Tiếng nói của cả giới lãnh đạo và người dân sau mỗi lần bị khủng bố là không run sợ, càng tỏ rõ đoàn kết hơn, nhưng từ bề sâu của vấn đề thì đã có những dấu hiệu của sự rối loạn, lúng túng, chia rẽ. Cuộc đảo chính và phản đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ giữa tháng 7 năm 2016 có thể coi là một biểu hiện cho điều đó.

Hai là, khó lường hơn

Thế giới chưa lường được tác hại của việc giải quyết không thấu đáo những vấn đề toàn cầu, nhất là vấn đề chiến tranh và biến đổi khí hậu. Để chống lại IS, thế giới đang hợp sức lại. Chiến tranh “lạnh” có nguy cơ trở lại. Đã không có sự thống nhất của EU trong việc giải quyết vấn đề người tỵ nạn. Người ta cũng không thể dự báo thật chính xác những hành động cực đoan của những thế lực có trong tay vũ khí hạt nhân. Cả vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống chưa được thế giới hợp lực giải quyết một cách rốt ráo và có hiệu quả.

Ba là, biến động đan xen, tác động mạnh mẽ tới nhau

Trong dòng xoáy toàn cầu hóa, những biến động đan xen là một tất yếu. Nhưng, mức độ và sự biến đổi, cũng như sức ảnh hưởng của các biến động rộng hơn, nhanh hơn và sâu hơn, rõ nhất là ở lĩnh vực kinh tế. Tình hình đó, làm cho các nước, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, khi giải quyết vấn đề của nước mình  không thể không tính đến sự tác động của thế giới, và ngược lại.

Nền kinh tế thế giới gặp khó khăn lớn. Khủng hoảng tài chính tiền tệ từ những nền kinh tế lớn lan tỏa ra, gây những cú sốc lớn cho nhiều nước, và thật dai dẳng. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính là nơi phát ra cơn khủng hoảng, lại là nước phục hồi chậm chạp. Các nước G7 và EU gặp khó khăn trong sự phát triển khi liên kết kinh tế có vấn đề, điển hình là khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Brexit tuy cũng có thể có những mặt tích cực về lâu dài cho nước Anh nhưng trước mắt đã giáng cho nền kinh tế nước này một đòn khá mạnh. Các nền kinh tế mới nổi thì đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng. Điển hình là Nga gặp khó khăn lớn sau sự kiện nhập Crimea vào lãnh thổ; Trung Quốc, Braxin... gặp nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Chỉ Ấn Độ là còn sáng hơn trong bức tranh phát triển kinh tế.

Một thế giới trong bức tranh toàn cầu hóa có những cơn lốc cuốn hút và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia. Nó như là cái bình thông nhau buộc chính sách phát triển của mỗi quốc gia phải luôn tính đến cái chung nhất của nhân loại.

Bốn là, tiêu cực nhiều hơn tích cực

Bức tranh tích cực cũng có. Đó là mặt tốt của đa cực làm cho sự phát triển của các quốc gia diễn ra một cách phong phú, đa dạng hơn, và như vậy tạo ra nhiều giá trị mới hơn - những giá trị cần thiết cho sự phát triển năng động.

Từ sự khó khăn đã làm tác động vào tư duy phát triển bền vững của nhiều quốc gia, các nước khi hoạch định chính sách phát triển phải tính toán một cách toàn diện hơn, căn cơ hơn, tránh rủi ro. Đặc biệt là trong một số vấn đề toàn cầu.

Bản thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc COP21 ở Paris tháng 12-2015. Đây là một thỏa thuận lịch sử vì lần đầu tiên tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đi đến một thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng thải khí các bon. Bản thỏa thuận đó một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ XXI dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Như vậy, sau 20 năm kể từ Hội nghị COP20 ở Lima (Peru), trải qua nhiều cuộc hội thảo, đã kết thúc thành công với những nội dung căn bản trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đe dọa tồn vong của cả loài người. Vấn đề còn lại là ở việc thực hiện thỏa thuận đó.

Song, nhìn một cách tổng quát thì những biểu hiện tiêu cực nhiều hơn, rõ hơn. Thế giới bộc lộ rất nhanh và rõ những yếu kém của quá trình phát triển, chứ không bộc lộ một cách ngấm ngầm và chậm chạp. Điều này dẫn đến nhiều quốc gia cần có những đối sách vừa mang tính căn cơ, chiến lược, vừa phải có những giải pháp tình thế, cấp bách.

Năm là, bức tranh châu Á vẫn còn nhiều mảng tối     

Đông Bắc Á, Nam Á, đặc biệt là Đông Nam Á xảy ra nhiều biến động hết sức phức tạp.

Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là một thực thể đang trỗi dậy với năng lượng mới, do đó biểu thị khát vọng mạnh mẽ không gian sinh tồn, lại được “truyền thống” bành trướng cổ súy, cho nên gây ra cho khu vực và thế giới những hệ lụy xấu. Biển đảo trở thành những điểm nóng trong cái năng lực bành trướng đó.

Sự tranh chấp biển đảo trên thế giới không phải nay mới diễn ra, mà đã diễn ra từ lâu và ở nhiều nơi. Nhưng, mức độ, tính chất tranh chấp ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc diễn ra phức tạp hơn. Còn ở Biển Đông, những vấn đề lịch sử và pháp lý vẫn còn đó. Ít nhất có 5 nước đang tranh chấp ở đây (Trung Quốc, Việt Nam, Philíppin, Brunây, Malaixia, chưa tính tới Đài Loan). Phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế được lập ra theo Phụ lục VII (PCA) trong đó có nội dung rất quan trọng là bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn (đường “lưỡi bò”) của Trung Quốc là một bước tiến về mặt pháp lý quốc tế để làm sáng lên việc giải quyết theo phương pháp hòa bình, song với thái độ của Trung Quốc thì việc giải quyết theo phương pháp đó còn khá mờ mịt, chưa thấy lối ra.

Biển Đông lại là nơi tập trung dày đặc con đường hàng hải và đường hàng không quốc tế, do vậy các nước lớn, trong đó có Mỹ, Ấn Độ không thể không tính đến quyền lợi ở đây.

ASEAN, với cơ cấu và quy tắc hoạt động như hiện nay vẫn là một liên kết lỏng lẻo, nặng về một diễn đàn hơn là mong muốn là nó phải là một cộng đồng dựa trên 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Có thể điểm lại một vài sự kiện đáng chú ý về vấn đề này.

Ngày 20-7-2012, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, nêu rõ thực hiện đầy đủ DOC (năm 2002), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (năm 2011) và cố gắng sớm đạt được COC; đồng thời, tạo tiền đề để giải quyết triệt để và lâu dài đối với tranh chấp phức tạp, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông nói riêng, khu vực và thế giới nói chung.

Trước đó, ngày 4-11-2002, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tổ chức ở thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc rất có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Nhưng, Trung Quốc lại có những hành động không tôn trọng DOC. ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận cần sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), coi đây là nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh, ổn định cho khu vực, nhưng việc ra được COC rất chậm.

Cơ chế, quy tắc tổ chức và hoạt động của ASEAN bộc lộ rõ hơn nhiều bất cập. Với sự bế tắc của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 49 cuối tháng 7-2016 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) trong việc soạn thảo Tuyên bố chung, ngày 24-7-2016, một số nhà ngoại giao ASEAN đã mong muốn từ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN và thay thế bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

Trong Hội nghị này, 9 thành viên quốc gia nhất trí đưa nội dung kêu gọi các nước tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết tranh chấp Biển Đông (PCA), chống quân sự hóa Biển Đông vào dự thảo Tuyên bố chung. Tuy nhiên, ngày 23-7-2016, cuộc họp đã rơi vào tình trạng bế tắc sau khi Campuchia bác bỏ bất kỳ ý kiến nào liên quan đến phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philíppin và Trung Quốc (PCA), cũng như việc “quân sự hóa Biển Đông” vốn đã xuất hiện trong các tuyên bố chung của ASEAN trước đó vào tuyên bố chung lần này.

Ngày 25-7-2016, Hội nghị ra tuyên bố, trong đó chỉ viết chung là bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn tiến gần đây cũng như hiện nay tại Biển Đông và ghi nhận những quan ngại của một số bộ trưởng về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Tuyên bố đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không qua khu vực trên Biển Đông. Tuyên bố tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Tuyến bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, trong khi nhấn mạnh việc thúc giục các bên làm việc hiệu quả và sớm thông qua COC, bao gồm cả việc tăng cường các cuộc gặp thường xuyên của các quan chức ASEAN và Trung Quốc và cuộc gặp của Nhóm làm việc chung về việc thực hiện DOC. Thực tế trên phản ánh sự lỏng lẻo trong ASEAN hiện nay.

2. Một số ưu tiên trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ rất cần đến nhau, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Về phía Việt Nam, đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Phát triển tốc độ cao hơn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”,khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp.

Bức tranh nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 còn nhiều mảng tối, GDP đạt thấp hơn kỳ vọng. WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 6%, giảm 0,2% so với dự báo của chính WB hồi đầu năm. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (năm 2015 là 6,32%), và thấp hơn mục tiêu cả năm của Việt Nam là 6,7%.

Nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng; thiên tai (điển hình là hạn hán và ngập mặn ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long,..), ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh. Những sai lầm trong lĩnh vực đầu tư,...

Ấn Độ cũng đang gặp một số khó khăn trong thực lực và trong cách thức hợp tác với các nước. Cả Việt Nam và Ấn Độ đang bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn từ biến động nhiều chiều, phức tạp, dữ dội, khó lường của tình hình thế giới và của khu vực.

Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ muốn được đẩy mạnh có hiệu quả cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, Việt Nam và Ấn Độ cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trên vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Ở đây, vấn đề chung nhất là bảo đảm an ninh, an toàn cho tự do hàng hải, hàng không quốc tế ở vùng này. Ấn Độ là một nước lớn, đang mong muốn trở thành thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ Ấn Độ sẽ trở thành thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc khi tổ chức này được mở rộng). Rõ ràng là Ấn Độ cũng như nhiều nước khác có lợi ích rất thiết thực trong không gian trời và biển quốc tế ở đây. Do vậy, sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, với yêu sách ngang ngược đường “lưỡi bò” 9 đoạn là không thể chấp nhận được, không những đối với Việt Nam mà còn đối với cả Ấn Độ.

Trong quan hệ Trung - Ấn, Ấn Độ không chỉ có vấn đề về biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra một tiền lệ xấu có thể Trung Quốc sẽ hành xử tương tự, nhất là có thể lập ADIZ ở Ấn Độ Dương. Cơ sở để giải quyết mọi tranh chấp về vấn đề ở Biển Đông là luật pháp quốc tế.

Sự lên tiếng của Ấn Độ về vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với vai trò của một nước lớn, có quyền lợi chính đáng ở đây, chưa thật sự bảo đảm vững chắc cho chính sách “Hướng Đông” mà Ấn Độ đã tuyên bố. Chính vì thế, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động như hiện nay rất cần sự tăng lên về chất trong việc thể hiện thái độ này trên trường quốc tế.

Hai là, Việt Nam - Ấn Độ cần có sự hợp tác có hiệu quả hơn về mọi mặt

Với cơ chế hoạt động của ASEAN, thì hình thức hợp tác ASEAN + x…chưa thực sự có hiệu quả thiết thực. Vấn đề thiết thực nhất vẫn là ở chỗ hợp tác song phương. ASEAN chưa phải, và sẽ không phải như là EU, mặc dù đang cố gắng từ “Hiệp hội” chuyển thành “Cộng đồng”. Một ASEAN mà nội khối còn rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Đó chính là một điểm nhạy cảm để một nước ngoại khối (hiện nay là Trung Quốc) lợi dụng để chia rẽ, trục lợi.

Nhìn lại hợp tác song phương Việt Nam - Ấn Độ, có thể thấy đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam trong mấy năm gần đây tăng nhanh; riêng trong năm 2015 tăng 179% so với năm 2014, đạt 540 triệu USD. Nhưng, Ấn Độ mới chỉ nâng được thêm 2 bậc lên thứ 28 trong danh sách 110 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thương mại hai chiều đạt hơn 8 tỷ USD trong năm tài khóa 2013-2014 và 9,3 tỷ USD trong năm tài khóa 2014-2015(1). Trong lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ là nước cung cấp trang thiết bị quân sự, vũ khí và đào tạo quân nhân cho Việt Nam. Như vậy, Ấn Độ ngày càng có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Đó là những con số lạc quan khi nhìn ở hiện tại. Nhưng, đó là những con số rất thấp so với tầm hợp tác chiến lược và tiềm năng hợp tác của hai nước.

Các nhà đầu tư Ấn Độ đang đứng trước cơ hội lớn do Việt Nam đã trở thành một phần của Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định tự do thương mại quan trọng, đặc biệt là TPP. Với các hiệp định tự do thương mại, các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước sẽ được hưởng mức thuế bằng không. Mỗi nước đều có vấn đề riêng, những khó khăn riêng mà trong quá trình thực hiện những thỏa thuận đã ký kết phải giải quyết. Song, lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy một bài học chung: tìm lấy cái chung trong sự khác biệt, chân thành, tích cực, cầu thị, có những bước đi thích hợp để tạo ra hiệu quả tốt đẹp có lợi cho các bên.

Ba là, rất cần thiết lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ

Một biểu hiện đẹp của sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ là sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ(Centre for Indian Studies-CIS) đặt tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) mà Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang khai trương Trung tâm này năm 2014. Phát biểu tại buổi Lễ khai trương, Tổng thống Ấn Độ nói: “Tôi chắc chắn rằng Trung tâm này sẽ phát triển để trở thành cơ quan đầu mối trao đổi học thuật giữa hai nước và sẽ làm phong phú hơn mối quan hệ song phương”(2).

Trong một thời gian chưa lâu, CIS đã làm được rất nhiều việc, tổ chức được nhiều cuộc hội thảo khoa học, nghiên cứu, ra được nhiều ấn phẩm có giá trị,v.v.. góp phần rất tích cực tăng cường hợp tác hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà khoa học, chính khách và nhân dân hai nước.

Nhưng, đó mới chỉ là một phía, rất cần một trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở phía Ấn Độ. Việc có một trung tâm nghiên cứu như thế ở Ấn Độ chắc chắn sẽ tích cực góp thêm yếu tố làm sâu sắc thêm, hiệu quả thêm sự hợp tác giữa hai quốc gia nói chung và tăng cường đối ngoại nhân dân nói riêng. Trong bối cảnh của tình hình mới hiện nay, điều này lại càng cần thiết.

Thế giới sẽ còn nhiều biến đổi khó lường. Con đường phát triển bền vững của mỗi dân tộc không bằng phẳng, quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ cũng vậy, nhưng sẽ đạt nhiều thành công nếu cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ vươn lên mạnh mẽ, nắm bắt thời cơ phát triển.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

(1) Theo số liệu của TTXVN.

(2) Theo http://cis.org.vn

 

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền