Trang chủ    Quốc tế    Nhận diện chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump
Thứ năm, 25 Tháng 1 2018 09:44
9776 Lượt xem

Nhận diện chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump

(LLCT) - Đầu thế kỷ XX, Thủ tướng Anh Winston Churchill từng phát biểu: “Quốc gia không có bạn bè vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”(1). Gần 100 năm sau, với khẩu hiệu tranh cử “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và thường xuyên nhắc đến cụm từ “Nước Mỹ trước tiên”, “Lợi ích nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống Donald Trump gợi cho công chúng nhớ lại câu nói trên của Churchill một cách rõ ràng nhất.

Qua các phát ngôn và hành động của ông chủ Nhà Trắng cùng nhóm êkíp trong gần một năm qua, bước đầu có thể nhận diện những nét cơ bản về chính sách đối ngoại của Mỹ thời kỳ chính quyền Donald Trump:

Thứ nhất, “Sức mạnh cứng” trong chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump

Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Donald Trump tuyên bố: Từ nay về sau sẽ chỉ có nước Mỹ trước tiên, lợi ích nước Mỹ được đặt lên hàng đầu. Mọi quyết định về thương mại, thuế, xuất nhập cảnh và đối ngoại sẽ đều nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ và gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá từ những nước sản xuất sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công ty của chúng ta và hủy hoại công việc của chúng ta. Việc bảo hộ hàng nội địa sẽ dẫn đến thịnh vượng và sức mạnh(2).

Sau những phát ngôn thể hiện sức mạnh cứng trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại, việc lựa chọn nhân sự cho êkíp của mình cũng thể hiện khá rõ thiên hướng cứng rắn của Tổng thống Trump. Tính đến thời điểm hiện nay, trong số hơn 400 chức vụ cấp cao do Thượng viện thông qua, đã có khá nhiều người xuất thân từ ngành an ninh, quân đội, thương nhân: Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, một tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm với 44 năm phục vụ trong quân ngũ, từng chỉ huy các binh sĩ Mỹ chiến đấu ở miền Nam Afghanistan vào năm 2001 và tham gia cuộc chiến tranh Iraq năm 2003; Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được bổ nhiệm từ vị trí Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon Mobill, một công ty được coi như xương sống giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 100 năm qua; Cố vấn An ninh quốc gia H.R. Mc Master, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng; Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus... Đồng thời, quyền lực cũng được trao nhiều hơn cho các tướng lĩnh, quan chức cao cấp trong lĩnh vực đối ngoại. Điều này trái ngược với quan điểm của người tiền nhiệm Brack Obama, song tiến gần hơn với quan điểm đối ngoại truyền thống của Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, khi sức mạnh cứng ngự trị ở vị trí thượng tôn.

Song trùng với thời gian hoàn thiện êkíp giúp việc, để thực hiện biện pháp cứng rắn và hiện thực hóa phát ngôn của mình, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút khỏi TTP, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP21) ngay trong số những hành động hành pháp đầu tiên với tư cách là Tổng thống. Ông cũng cam kết đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định mà ông cho là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay, đồng thời đe dọa sẽ rút khỏi hiệp định này nếu Canađa và Mêxicô không đáp ứng các điều kiện của Mỹ. Về mặt kinh tế, Ông còn tuyên bố sẽ rút khỏi WTO, đánh thuế 35% và 45% đối với các mặt hàng nhập khẩu đến từ Mêxico và Trung Quốc, xóa bỏ những thủ tục rườm rà và mở rộng nguồn cung năng lượng,... Tất cả minh chứng cho điều mà chiến lược gia của Nhà Trắng Stephen Bannon gọi là “chủ nghĩa dân tộc kinh tế” theo thiên hướng đối ngoại mang tính bảo hộ và trọng thương từng tồn tại vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Tiếp đó, Tổng thống Donald Trump quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng, bởi theo ông: “Nếu cái mạng ta không giữ được thì các quyền tự do dân sự của ta sẽ trở thành vô nghĩa. Đó là lý do tại sao chức năng quan trọng nhất của chính phủ liên bang là quốc phòng”(3). Trong bản dự toán ngân sách đầu tiên của chính quyền mới (kế hoạch dự toán ngân sách tài chính năm 2018) đệ trình lên Quốc hội ngày 15-3-2017, chi phí quốc phòng của Mỹ đã tăng thêm 10%, khoảng 54 tỷ USD, trong khi chi tiêu cho các bộ ngành khác bị cắt giảm. Điều này cho thấy tư duy “hòa bình thông qua sức mạnh” của Tổng thống Donald Trump đã được thể hiện rõ nét, đồng nghĩa với điều đó là sức mạnh mềm của Mỹ sẽ bị suy giảm. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng yêu cầu các quốc gia đồng minh trong khối NATO phải thực hiện thỏa thuận chung năm 2014 là đóng góp 2% GDP vào chi tiêu chung của NATO để khắc phục tình trạng “hóng mát dưới gốc cây đại thụ” của các thành viên NATO. Ông cho rằng: “Nếu các quốc gia khác cùng chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng thay vì để mặc cho Hoa Kỳ phải trang trải chi phí còn lại, thì tất cả chúng ta sẽ an toàn hơn nhiều và quan hệ đối tác của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn”(4).

Không chỉ thể hiện sức mạnh cứng trên lời nói, ngày 7-4-2017, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh phóng 59 tên lửa vào căn cứ không quân Syria; điều động tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên vào giữa tháng 4, đầu tháng 5-2017 để “rằn mặt” Triều Tiên, phô trương sức mạnh quân sự, đồng thời thể hiện sự cứng rắn của Mỹ trong việc giải quyết những điểm nóng trên thế giới. Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Triều Tiên là một mối phiền toái lớn, Mỹ sẽ ứng phó bằng thái độ hết sức cứng rắn”(5). Ngoài ra, theo thống kê của CNN, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, tần xuất không kích của Mỹ ở Iraq và Syria đều tăng lên, ước tính 9 vụ/ngày tại Iraq và 16 vụ/ngày tại Syria(6).

Thứ hai, củng cố quan hệ với các nước đồng minh

Trong số đồng minh của Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và Arập - Xêút là những đồng minh thân cận nhất. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Donald Trump và cộng sự của mình có những phát ngôn và hành động cụ thể nhằm củng cố quan hệ với các nước đồng minh ngay khi trở thành Tổng thống.

Đối với NATO, trái ngược với những phát ngôn gây sốc trong quá trình tranh cử, Tổng thống Donald Trump cùng với cộng sự của mình đã phát đi những tín hiệu tích cực nhằm củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với các nước trong khối. Cả Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều bảo đảm rằng họ sẽ tiếp tục tôn trọng cam kết đã kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ với NATO. Nhìn chung, trong tương lai gần, NATO vẫn là đồng minh chiến lược, phương tiện chính để Mỹ giải quyết những vấn đề toàn cầu như: IS, khủng bố, Triều Tiên, Iran, di cư bất hợp pháp, đối trọng và kiềm chế Nga, Trung Quốc,...

Với khu vực Đông Á, ngay sau khi được bổ nhiệm, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Bộ trưởng Ngoại giao Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Tokyo và Seoul nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh vững mạnh Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ - Nhật Bản. Cả ba nhà lãnh đạo đều tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, tiếp tục bảo đảm việc thực hiện hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD); họ cũng bảo đảm với Nhật Bản và nhắc lại cam kết của Mỹ bảo vệ quần đảo Senkaku. Đồng thời, phía Mỹ không đề cao yếu tố tài chính đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, họ còn cho rằng “liên minh Mỹ - Nhật là mô hình cho việc chia sẻ phí tổn”. Đặc biệt, trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã nhắc lại cam kết phòng thủ của Mỹ đối với quần đảo Senkaku phù hợp với Hiệp ước hợp tác và an ninh chung Mỹ - Nhật.

Ở khu vực Trung Đông, không phải ngẫu nhiên Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Trung Đông là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Trong chuyến thăm Arabia Saudi với hiệp định lịch sử bao gồm một đơn hàng quốc phòng trị giá 110 tỷ USD từ phía Arabia Saudi cùng với bài phát biểu làm lay động thế giới Hồi giáo, ông Donald Trump đã thể hiện rõ mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và Arabia Saudi. Tiếp đó, sự hiện diện của Tổng thống Trump tại Israel và Palestine với mục tiêu mở ra một trang mới, một bước ngoặt lịch sử trên con đường tiến tới hòa giải và hòa bình Trung Đông, mà thực chất là hòa giải mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine đã tồn tại hàng chục năm qua, trong đó lợi thế hòa giải đang thuộc về Israel - đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Theo ông, người Israel phải “tỏ ra linh hoạt nhất định”, còn người Palestine phải “vứt bỏ một số hận thù của họ” để thông qua đàm phán chia thành hai quốc gia chung sống hòa bình.

Thứ ba, tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 17-3-2017, khi quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton tuyên bố: cụm từ “xoay trục về châu Á” là khái niệm mô tả chính sách của chính quyền Obama và chính quyền Trump có “công thức” của riêng mình, giới quan sát đã nhận định cụm từ “xoay trục sang châu Á” đã bị khai tử(7). Tuy nhiên, những động thái của ông chủ Nhà Trắng cùng với các cộng sự trong thời gian qua cho thấy Washington vẫn coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông đã phái những cộng sự cao nhất của mình đến Đông Á; đích thân đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng hàng loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao của chính quyền Trump với các nhà lãnh đạo của châu Á - Thái Bình Dương.

Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 40% tổng diện tích lãnh thổ của thế giới, 41% dân số (gần 3,6 tỷ người), 61% GDP, 47% tổng thương mại quốc tế và 48% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới, tập trung 65% nguồn nguyên liệu toàn cầu và có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới, nên vai trò của châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách của Mỹ chắc chắn sẽ không thay đổi, có chăng chỉ “đổi đơn chứ không đổi thuốc” với một cách diễn đạt mới mang tính cứng rắn hơn, như lời hai cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại là Peter Navarro và Alexander Gary, khi họ cho rằng: đường lối mà Trump thực hiện là “dùng sức mạnh bảo vệ quyền bá chủ”, nên sẽ từ bỏ tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương có tiếng mà không hiệu quả, chuyển sang thông qua mở rộng quân sự, đặc biệt là hải quân và trọng điểm triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc, đồng thời thể hiện sức mạnh và bảo vệ đồng minh(8). Trước đó, hai ông đã gọi các liên minh của Mỹ ở châu Á là “nền tảng của sự ổn định trong khu vực” và “chương trình hải quân của Trump sẽ trấn an các đồng minh của chúng ta rằng Mỹ vẫn cam kết dài hạn với vai trò truyền thống của mình như người bảo đảm trật tự tự do ở châu Á”(9).

Thứ tư, phác thảo chính sách “bế quan tỏa cảng” trong đối ngoại

Chứng kiến những hành động và tuyên bố của Tổng thống Trump trong thời gian qua, một số nhà nghiên cứu cho rằng, Chính quyền Trump đang quay lại “chủ nghĩa biệt lập”, thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” đối với khu vực và thế giới. Trong quá trình tranh cử, cũng như trong cam kết với cử tri Mỹ, không ít lần Donald Trump nhắc đến vấn đề cấm người nhập cư vào Mỹ, xây dựng hàng rào bảo vệ biên giới, đánh thuế cao hàng hóa nhập khẩu, rút khỏi các hiệp định thương mại,... Theo ông, hai trong số năm điều nhằm khôi phục an ninh và nền pháp trị theo hiến định là: khởi động việc trục xuất 2 triệu người nhập cư phi pháp và hủy thị thực đối với những quốc gia không nhận lại người của họ; tạm ngừng nhận người nhập cư từ những vùng có nguy cơ khủng bố cao, không đảm bảo an toàn cho việc xác minh lý lịch. Đồng thời, Tổng thống sẽ hối thúc Quốc hội thông qua: Luật Tinh giảm thuế trung lưu, Luật Chấm dứt sử dụng nguồn lực nước ngoài, Luật Chấm dứt nhập cư bất hợp pháp, khôi phục Luật An ninh quốc gia,...(10) Không chỉ đơn thuần là những lời phát biểu hoa mỹ để đổi lại sự ủng hộ của cử tri, Tổng thống Donald Trump đã hiện thực hóa chủ trương của mình bằng những sắc lệnh cụ thể. Trong số 30 sắc lệnh hành pháp trong 100 ngày làm việc đầu tiên, có tới 6 sắc lệnh liên quan đến việc xây dựng “hàng rào” bảo hộ nước Mỹ, tiêu biểu như: Sắc lệnh rút khỏi TTP, sắc lệnh an ninh biên giới, sắc lệnh cấm nhập cảnh, sắc lệnh “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ”,...(11)

Những sắc lệnh trên đều hướng đến mục tiêu dựng một hàng rào thuế quan bảo vệ các công ty, tập đoàn kinh tế Mỹ, bảo vệ việc làm cho công dân Mỹ; rút khỏi một số hiệp định thương mại tự do, hạn chế tình trạng nhập cư vào Mỹ, trục xuất khỏi Mỹ công dân nước ngoài nhập cư trái phép,...

Thứ năm, định hình chính sách “quan hệ nước lớn kiểu mới”

Với những phát ngôn của ông Donald Trump khi đề cập đến Trung Quốc trước cuộc bầu cử, nhiều người cho rằng quan hệ Trung - Mỹ sẽ trở nên ảm đạm sau khi Trump lên nắm quyền, khủng hoảng sẽ xảy ra trong tương lai gần, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào chiến lược phát triển đất nước của Trump, thái độ ứng đối của chính quyền Tập Cận Bình, có thể dự báo mối quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai gần sẽ diễn ra theo chiều hướng “quan hệ nước lớn kiểu mới” phiên bản Mỹ, trong đó Washington sẽ là người chủ động áp đặt trò chơi tránh tổng bằng không, coi trọng hợp tác để cùng thắng(12).

“Nước Mỹ là trên hết”, “Nước Mỹ trước tiên” là khẩu hiệu trong chiến lược phát triển quốc gia của tân tổng thống Mỹ. Vì vậy, “nhất cử nhất động”  khi hoạch định sách lược đối nội và đội ngoại, chính quyền Trump không thể tách rời mục tiêu này. Do đó, có thể còn tồn tại những phát ngôn “gây sốc”, song kịch bản Washington đối đầu với Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Donald Trump khó có thể xảy ra. Để khôi phục “sự vĩ đại của nước Mỹ” trong bối cảnh hiện nay, Mỹ sẽ không làm phương hại đến Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, hiện Trung Quốc là một trong những chủ nợ, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, trong đó hoạt động giao thương hàng hóa và dịch vụ hằng năm có tổng trị giá lên tới 663 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ khoảng 500 tỷ USD (2015), cao nhất so với kim ngạch xuất khẩu từ các quốc gia khác... Bên cạnh đó, đóng góp của Trung Quốc về tài chính cho các tổ chức quốc tế, như UN, WTO, IMF luôn thuộc những nước cao nhất. Đó là những điều mà Trump và êkíp của ông không thể bỏ qua.

Trước và sau khi Donald Trump đắc cử, Bắc Kinh và Washington đều tỏ rõ thái độ tiếp tục xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai quốc gia. Trong bức điện mừng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông viết: “Tôi rất coi trọng quan hệ Trung - Mỹ, kỳ vọng cùng nỗ lực với ngài để duy trì nguyên tắc không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực ở cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, lấy phương thức mang tính xây dựng để kiểm soát bất đồng, thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ tiến triển lớn hơn ở xuất phát điểm mới, đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước và nhân dân các quốc gia trên thế giới”(13). Đáp lại nhã ý của Chủ tịch Trung Quốc, Nhà Trắng cũng phát đi những tín hiệu cho thấy Mỹ cũng không mong muốn xóa đi mối quan hệ nước lớn đang được thiết lập giữa hai bên trong thời gian qua. Tổng thống Donald Trump không tiếc lời ca ngợi mối quan hệ Trung - Mỹ “đã giành được bước tiến lớn” và “sự tiến bộ đó là đích thực, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta rất xuất sắc”. Trước đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson từng nói: Trung Quốc và Mỹ không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng(14). Mặc dù cả hai đều chưa tỏ rõ quan điểm tiếp tục hay thay thế “quan hệ nước lớn kiểu mới” được thiết lập của người tiền nhiệm, song cả hai bên đều thể hiện vấn đề cốt lõi trong quan hệ giữa hai nước là “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và cùng thắng”.

Còn quá sớm để định hình “Học thuyết Trump” về đối ngoại, nhưng thông qua những phát ngôn và hành động của chính quyền Trump trong thời gian qua, có thể dự đoán chính sách đối ngoại của Chính quyền D. Trump trong thời gian tới sẽ diễn tiến theo chiều hướng: củng cố quan hệ đồng minh, gia tăng sức mạnh cứng, coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, định hình nội dung quan hệ nước lớn kiểu mới với Trung Quốc và các nước lớn,...

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) Joseph S. Nye Jr.: Quyền lực để lãnh đạo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr.63.

(2) http://vnexpress.net, truy cập ngày 20-5-2015.

(3) Donald J. Trump: Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016, tr.149.

(4) http://www.voatiengviet.com. Hiện tại, nước Mỹ đang đóng góp 72% chi phí của NATO, chỉ tính năm 2016 chi phí quân sự của Mỹ là 664 tỷ USD, chiếm 3,6% GDP của Mỹ. Trong khi các nước đồng minh châu Âu đóng góp 26%, khoảng 239 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các nước châu Âu thì chi phí quân sự của Mỹ không dành cho NATO mà chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của Mỹ. Họ cho rằng, trong số 664 tỷ USD chi tiêu quân sự, số tiền chi cho châu Âu chỉ chiếm 4,2 đến 4,5%, trong khi Mỹ lại có thể sử dụng cơ sở hạ tầng của châu Âu như: căn cứ quân sự, trung tâm thông tin, bệnh viện,....

(5) TTXVN: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 24-4-2017.

(6) http://baoquocte.vn.

(7) http://nghiencuubiendong.vn.

(8) TTXVN: “Nước Mỹ dưới thời Donald Trump”,Tài liệu tham khảo, chuyên đề tháng 2-2017, tr.50.

(9) TTXVN: “Các vấn đề quốc tế”,Tài liệu tham khảo, tháng 4-2017, tr.32.

(11) https://www.whitehouse.gov.

(12) Mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” được thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc đề xướng xây dựng trong hoạch định chính sách đối ngoại, được đề cập lần đầu tiên bởi Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ năm 2012 khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông nêu lên mong muốn Trung Quốc và Mỹ cùng nhau xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới và được phía Mỹ đáp lại trong cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống B.Obama, cũng như chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry. Theo đó, quan hệ nước lớn kiểu mới sẽ bắt đầu từ quan hệ Trung - Mỹ, đồng thời tránh vết xe đổ lịch sử các nước lớn và trò chơi có tổng bằng không. Với thái độ là ngăn chặn tiêu cực và hoạt động tích cực, coi trọng hợp tác cùng thắng là hạt nhân. Xem thêm Lê Văn Mỹ: “Quan hệ nước lớn kiểu mới Trung - Mỹ”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 6 (178), 2016, tr.19-28.

(13) TTXVN: “Doanald Trump và tương lai quan hệ Trung - Mỹ”,Tài liệu tham khảo, chuyên đề tháng 3-2017, tr.82.

(14) http://nghiencuuquocte.org

 

TS Đinh Thanh Tú

ThS Lê Thế Lâm

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền