Trang chủ    Quốc tế    Liệu Mỹ có theo đuổi chiến lược “Đại Trung Đông mới”?
Thứ ba, 12 Tháng 6 2018 15:54
3006 Lượt xem

Liệu Mỹ có theo đuổi chiến lược “Đại Trung Đông mới”?

(LLCT) - Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trumpchưa một lần đề cập đến cụm từ “Chiến lược Đại Trung Đông mới” nhưng những động thái của ông Trump tại khu vực kể từ khi cầm quyền ngày 20-1-2017 cho thấy, ông chủ Nhà Trắng đã lặng lẽ thực hiện chiến lược của các tổng thống tiền nhiệm, bởi tư duy “chia nhỏ để dễ trị” và “Trung Đông đừng bao giờ ngừng chiến sẽ tốt hơn” vẫn hiện hữu, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

1. Hỗ trợ cho các nhóm đối lập Syria…

Ngày 12-12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt ngân sách Quốc phòng Mỹ năm 2018. Theo đó, 500 triệu USD sẽ được Mỹ chi vào việc trang bị và đào tạo cho khoảng 30.000 tay súng thuộc các nhóm đối lập ở Syria. Mặc dù trước đó, vào tháng 11, Mỹ đã đưa ra lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, sẽ ngừng vũ trang cho các nhóm dân quân người Kurd tại Syria sau khi IS thảm bại. Đó là lời giải thích của Brett McGurk, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề liên minh toàn cầu tiêu diệt IS, nhưng thực tế lại khác.

Talal Sillo, cựu sỹ quan cao cấp, người phát ngôn của lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn đào ngũ và trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ bằng chứng về việc Mỹ đang vũ trang cho các nhóm người Kurd. Theo danh sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, không có chi tiết cụ thể về những nhóm đối lập nào ở Syria sẽ được nhận các thiết bị vũ trang. Tuy nhiên, được biết tại Bắc Syria, có nhóm SDF bao gồm: YPG và Liên minh người Ả rập tại Syria, một nhóm các chiến binh người Ả rập đã sáp nhập vào SDF; các nhóm Maghawir al-Thawra và Shohada al-Quartayn hoạt động tại phía Nam Syria, họ cũng được huấn luyện bởi các chuyên gia người Mỹ và Anh trong vùng biên giới al-Tanf giữa Syria và Iraq.

Bên cạnh SDF và các nhóm được huấn luyện tại al-Tanf, Mỹ còn đang trong quá trình tạo ra một đội quân Syria mới để chống lại lực lượng của chính phủ Syria Assad. Việc huấn luyện này được thực hiện tại trại tị nạn Hasakah nắm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 70km, cách biên giới Iraq khoảng 50km. Vì thế, ngày 25-12-2017, khoảng 40 nhóm đối lập đã từ chối tham gia hội nghị nhân dân Syria tại Sochi (Nga) vào tháng 1-2018, khiến cho tiến trình hòa bình Trung Đông lại thêm những biến số phức tạp do sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ.

2. Cung cấp máy bay không người lái…

Bộ Quốc phòng Nga 14-1-2018 cho biết, vào đêm 5, rạng sáng 6/1, 13 máy bay không người lái (UAV) của nhóm khủng bố đã tấn công vào các căn cứ ở Hmeimim và Tartus (Syria). Theo mô tả “Khi trời sập tối, các phương tiện phòng không Nga đã phát hiện ở cự ly khá xa 13 mục tiêu bay nhỏ không rõ lai lịch đang tiếp cận các mục tiêu quân sự của Nga”. Trong đó, 10 UAV bay đến gần căn cứ không quân Hmeimim và 3 chiếc khác bay đến trạm bảo đảm vật chất kỹ thuật của Hải quân Nga ở Tartus. Cuộc tấn công không gây ra thương vong hay tổn hại vật chất tại các mục tiêu quân sự của Nga, các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Được biết, tất cả các UAV đã bị đánh chặn và tiêu diệt. Quân đội Nga đã cướp được quyền điều khiển đối với 6 UAV khủng bố. Trong số đó, 3 chiếc đã bị buộc hạ cánh xuống khu vực thuộc quyền kiểm soát bên ngoài căn cứ, 3 chiếc kia đã phát nổ sau khi va chạm với mặt đất. 7 chiếc còn lại đã bị hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 bắn hạ. Cuộc tấn công được lên kế hoạch thực hiện từ hướng Latakia, ở phía Tây Bắc khu vực. Ngày 10-1, Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ tin nói rằng, đã có 31 UAV chứ không phải 13 chiếc đã tấn công các mục tiêu của Nga ở Syria hôm 6-1-2018.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga nhận định: “Các giải pháp kỹ thuật mà bọn khủng bố sử dụng khi tấn công các mục tiêu Nga ở Syria chỉ có thể có được từ một trong những nước có khả năng công nghệ cao về bảo đảm dẫn đường vệ tinh và điều khiển từ xa việc thả các thiết bị nổ tự tạo được lắp ráp một cách chuyên nghiệp ở các tọa độ đã định”. Các UAV đã được trang bị các cảm biến khí áp và các bộ dẫn động servo điều khiển cánh lái độ cao. Ngoài ra, các thiết bị nổ gắn kèm các UAV có sử dụng các ngòi nổ do nước ngoài sản xuất.

Trong cuộc họp báo ngày 11-1-2018 ở Moscow, đại diện Bộ Quốc phòng Nga đã cho các phóng viên xem các UAV đã dùng để tấn công căn cứ Hmeimim và cho rằng: “Việc phát triển các cỗ máy chết người như thế này đòi hỏi những kiến thức chuyên ngành tốt, những kỹ năng thực hành và kinh nghiệm sử dụng UAV”. Và nhấn mạnh: “Chỉ riêng để lập trình cho các bộ điều khiển UAV dạng máy bay và thả bom trong hệ thống GPS cũng cần có trình độ kỹ thuật khá cao của một trong các nước phát triển. Ngoài ra, không phải ai cũng đủ sức có được các tọa độ chính xác trên cơ sở dữ liệu trinh sát vũ trụ”.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cựu Tư lệnh Không quân - vũ trụ Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev ngày 9-1 đã nói rằng, người cung cấp các UAV tấn công các căn cứ Nga ở Syria chỉ có thể là Mỹ. Ông nói: “Kẻ đứng sau phiến quân, tôi nghĩ tất cả đều biết. Người cung cấp các UAV đã bắn phá các căn cứ của chúng tôi chỉ có thể là một quốc gia mạnh về công nghệ. Ở đó, họ có cả định vị vệ tinh, cả các cảm biến khí áp, cả điều khiển từ xa thả các thiết bị nổ được lắp ráp một cách chuyên nghiệp ở các tọa độ đã định”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các UAV tấn công căn cứ Nga ở Syria chỉ cải trang thành UAV thô sơ, thủ công chứ trên thực tế chúng có các thiết bị công nghệ cao. “Vụ khiêu khích này nhằm phá vỡ các thỏa thuận đạt được trước đó. Còn mục tiêu thứ hai dĩ nhiên là quan hệ của chúng ta với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đây là nỗ lực phá vỡ mối quan hệ này”. Giới chuyên gia cho rằng, đây là động thái nhằm phá vỡ nổ lực vãn hồi hòa bình ở Trung Đông của cộng đồng quốc tế, với vai trò tích cực của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

3. Thành lập “Lực lượng an ninh biên giới”…

Ngày 14-1, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã quyết định thành lập “Lực lượng an ninh biên giới” ở Syria với nòng cốt là các tay súng người Kurd. Liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS cho biết, trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria đang dần đi đến hồi kết, Liên quân và các đồng minh trong Lực lượng Bảo vệ Syria (SDF) gồm các nhóm vũ trang đối lập bắt đầu chuyển sang tập trung vào an ninh biên giới.

Mục tiêu cuối cùng là thành lập “lực lượng an ninh biên giới”gồm 30.000 thành viên, với một nửa trong số này là các tay súng SDF đã được huấn luyện nhằm hướng tới việc đảm bảo an ninh tại các khu vực mới được giải phóng. Người phát ngôn Liên quân Ryan Dillon xác nhận, hiện có 230 người đang được huấn luyện trong lực lượng an ninh này và đây là “lớp huấn luyện mở màn”. 

Theo dự kiến lực lượng vũ trang mới này sẽ được triển khai dọc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và giáp với vùng lãnh thổ binh sĩ chính phủ Syria đang kiểm soát. Từ trước đến nay, giới chức Syria vẫn luôn coi Mỹ là lực lượng chiếm đóng và Lực lượng Bảo vệ Syria (SDF) là những “kẻ phản bội”. Tuy nhiên, ngay lập tức, đồng minh lâu năm của Mỹ tại khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ lại lên tiếng phản đối trước và cho rằng động thái của liên quân đang “hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố”.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết, thay vì việc Liên quân chấm dứt sự hỗ trợ đối với đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), thì họ lại đang hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố và điều này là “không thể chấp nhận được”. Hiện hai lực lượng này là những lực lượng chủ chốt trong SDF được Mỹ hậu thuẫn lâu nay tại Syria.

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên xấu đi nhanh chóng, đặc biệt từ sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2016. Việc ủng hộ lâu nay của Mỹ cho lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria cả về huấn luyện lẫn cung cấp vũ trang cũng luôn khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể hài lòng với Mỹ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đã kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm nếu không muốn phá hủy quan hệ giữa hai nước. Ankara coi đây là hành động “không thể chấp nhận được” bởi lâu nay họ vẫn coi lực lượng này là khủng bố. Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vốn chẳng mấy tốt đẹp thời gian qua có thể rơi xuống mức “chạm đáy”.

4. Bắn tên lửa vào Syria…

Trong hai năm liên tiếp, Mỹ đã hai lần bắn tên lửa vào Syria. Lần đầu tiên ngày 6-4-2017, quân đội Mỹ đã bất ngờ tấn công Syria bằng một loạt 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk, nói là để trả đũa cuộc tấn công vũ khí hóa học nghi là của chính phủ Syria làm thương vong nhiều dân thườngở thành phố Khan Shaykhun, tỉnh Idlib ngày 4-4-2017. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn nhân sự kiện này để chứng minh vị thế của Mỹ tại khu vực địa - chiến lược này.

Lần thứ hai Mỹ cùng với hai đồng minh Anh, Pháp lại bắn hơn 100 quả tên lửa vào các căn cứ quân sự của Syria. Phát biểu tối 13-4-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã tấn công vào Syria cũng viện cái cớ Syria có các cơ sở vũ khí hóa học.

Điều đáng nói là cả hai cuộc không kích đều không có bất cứ một kết luận điều tra của tổ chức quốc tế nào và hoàn toàn không được sự ủy quyền của Liên Hợp quốc. Khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi nghi vấn rằng, có thể ông Trump sẽ kiên định chiến lược khu vực mà các chính quyền tiền nhiệm đã dày công xây dựng và có thể chính sửa đôi chút.

5. Tuyên bố rút khỏi JCPOA…

Trong bài phát biểu chiều 8-5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổng thống Donald đã ủng hộ những lập luận gần đây của Israel về Iran khi đưa ra quyết định trên. Ông cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai “mức cao nhất” của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran. Ông Trump nhấn mạnh: “Tôi sẽ ký một bản ghi nhớ của Tổng thống để bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran. Chúng tôi sẽ bắt đầu áp đặt mức cao nhất của các biện pháp trừng phạt”. Ông Trump còn đe dọa Iran sẽ gặp phải “những vấn đề lớn hơn” nếu tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân. Ông khẳng định đây sẽ không phải là những đe dọa “sáo rỗng”.

6. Chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem

Đây là một trong số những chính sách ngoại giao “khác lạ” và gây tranh cãi nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 14-5-2018, Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem sẽ chính thức khai trương bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới. Diễn biến này được cho là sẽ khiến tình hình ở Trung Đông vốn đã phức tạp nay lại càng trở nên khó nắm bắt hơn bao giờ hết.

Ngày 6-12-2017, Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng: “Đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, ông hy vọng động thái này có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình mới. Quyết định này của ông Trump khiến nhiều người dân Trung Đông và chính các đồng minh của Mỹ tức giận. “Nó đã đặt dấu chấm hết cho vai trò của Mỹ như một nhà hòa giải trung thực”. (Nabil Shaath, cố vấn cấp cao của ông Abbas, đồng thời là cựu lãnh đạo đàm phán với Israel nói như vậy).

Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 11-5 vừa qua cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi tin rằng quyết định này tạo cơ hội và nền tảng để tiến tới một quá trình hòa bình dựa trên cơ sở thực tế hơn là tưởng tượng. Chúng tôi khá lạc quan rằng quyết định này cuối cùng sẽ tạo ra sự ổn định”. Đây chính là lời lẽ biện hộ cho một chủ trương “thầm kín” của Nhà Trắng hướng tới việc “kiên định” chính sách Trung Đông của các Tổng thống  tiền nhiệm.

7.Phản ứng của dư luận quốc tế…

Tuy có sự phản ứng khác nhau về những động thái của chính quyền Donald Trump ở Trung Đông, phần lớn đều cho là không có đóng góp nhiều cho việc vãn hồi hòa bình trong khu vực - điểm “nóng” nhất của thế giới đã quá kéo dài. Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Ðông Nickolay Mladenov đã tuyên bố bày tỏ “phẫn nộ và đau buồn” trước việc hàng chục người Palestine bị quân đội Israel sát hại và kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Iran cũng phê phán chính sách Trung Đông của Mỹ rằng: “Không nghi ngờ gì, Mỹ và đồng minh của họ, những lực lượng đã hành động quân sự chống lại Syria mà không có bằng chứng, sẽ phải nhận lấy các hậu quả ở tầm khu vực và liên khu vực vì cuộc phiêu lưu này”.

Bruce Riedel, cựu sĩ quan CIA hiện đang chỉ đạo dự án tình báo tại Viện Brookings, nói rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang ở Syria hiện nay, việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” và đây là “động thái rất nguy hiểm”.

Nhiều quốc gia đồng minh và các nước khác cũng chỉ trích chính sách của Washington và cho rằng Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May còn cho biết: “Chúng tôi không đồng tình với quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án bạo lực tại Gaza, nơi binh sĩ Israel đã giết chết 52 người dân Palestine trong các vụ đụng độ tại biên giới. Ông Macron cho biết ông đã “cảnh báo nhiều lần về hậu quả” từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trong một tuyên bố, văn phòng của ông Macron cho biết ông “sẽ nói chuyện với tất cả các bên liên quan ở khu vực trong thời gian tới”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phản đối những động thái của Mỹ ở Trung Đông. Ông Lavrov nói: “Chúng tôi tin chắc rằng đơn phương đảo chiều quyết định của cộng đồng quốc tế theo cách này là hành động bất xứng”. Nhiều nhà lãnh đạo Ả rập cũng đã lên án hành động của Mỹ và Israel, trong đó Thủ tướng Li Băng Saad Hariri gọi quyết định trên là hành động “khiêu khích”, còn Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thì mô tả đây là điều “đáng xấu hổ”.

“Saudi Arabia- đồng minh của Mỹ cũng đã lên án mạnh mẽ lực lượng chiếm đóng của Israel”. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nói: Saudi Arabia lên án vụ nổ súng của binh lính Israel đối với người Palestine ở Gaza nhưng không đề cập đến việc mở cửa đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết trong chuyến viếng thăm London rằng chính sách của Mỹ là “rất, rất đáng tiếc” và hành động này chứng tỏ Mỹ không thích hợp làm nhà hòa giải cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ còn triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổ chức lớn nhất thế giới của các quốc gia có đa số người theo đạo Hồi để phản đối chính sách của Mỹ.

Phái đoàn Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trong một thông cáo đưa ra hôm 13-5 đã lên án động thái của Mỹ và Israel, cho rằng hành động này chỉ làm gia tăng xung đột tôn giáo thay vì mang lại hòa bình thực sự cho khu vực.

Giới chuyên gia nhận định, thật khó để đưa Palestine quay trở lại bàn đàm phán với Israel sau những gì xảy ra hôm 14-5 vừa qua, đặc biệt là khi dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ dường như đã bỏ quên hoài bão làm trung gian cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Bà Diana Buttu, một nhà phân tích chính trị khu vực và là cựu cố vấn cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nói rằng Mỹ có thể đang phạm sai lầm. Bà Buttu nói: “Quyết định của Tổng thống Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem làm cho tình hình tồi tệ hơn vì nó sẽ khuyến khích quyền lực cực đoan ở Israel. Ông Trump đang gửi đi một thông điệp rằng bạn có thể có được lãnh thổ bằng vũ lực. Đó thực sự là một thông điệp rất nguy hiểm trong khu vực này”.

Như vậy, với những động thái đối ngoại quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hơn một năm cầm quyền tại Nhà trắng cho thấy, chính sách Trung Đông của nước Mỹ ngày nay vẫn gần giống với chính sách của các đời tổng thống tiền nhiệm. Theo đó, chiến lược “Đại Trung Đông mới” vẫn được tích cực triển khai với mục tiêu lợi ích “Nước Mỹ trên hết”.

 

Nguyễn Nhâm

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền