Trang chủ    Quốc tế    EU sẽ cải cách theo hướng nào?
Thứ sáu, 22 Tháng 6 2018 09:50
1584 Lượt xem

EU sẽ cải cách theo hướng nào?

(LLCT) - Sau gần một năm kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra lời kêu gọi cải cách Liên minh châu Âu (EU) 2017, thì đến ngày 3-6-2018, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức cam kết ủng hộ đầu tư và hỗ trợ các quốc gia đang nợ nần trong Khu vực đồng tiền chung (Eurozone), khiến cho tiến trình cải cách EU có thể được đẩy mạnh và hiệu quả, trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang tới gần.

 

1. Từ đề xuất của Pháp

Ngay sau khi lên cầm quyền (2017), phát biểu tại Đại học Sorbonne (Pháp), Tổng thống Macron nhận định, EU đang “quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả”. Vì thế, cần phải đẩy nhanh việc thực hiện các cải cách theo hướng “hợp nhất, nhanh và sâu rộng hơn”.

Ông Macron còn khẳng định: “Duy trì một châu Âu thống nhất và đoàn kết là cách duy nhất để các nước khu vực tham gia giải quyết hiệu quả những thách thức lớn của thời hiện đại trên trường quốc tế”. Tổng thống Macron đã đề 4 nội dung cải cách:

- Về kinh tế. Eurozone cần có ngân sách riêng và một bộ trưởng tài chính để cung cấp và quản lý tài chính cho các hoạt động đầu tư chung, đảm bảo ổn định trước những chấn động kinh tế. Ông Macron cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với EU hiện nay là giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức cao (20%).

- Về chính sách thuế. Ông Macron kêu gọi xây dựng một cơ chế thuế mới đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook và Apple, vốn bị cho là đang trả quá ít thuế doanh nghiệp tại EU. Châu Âu cần có một mức thuế doanh nghiệp chung vào năm 2020 và những thành viên từ chối áp dụng cơ chế này sẽ bị cắt hỗ trợ từ Brussels.

- Về chính sách nhập cư. Ông Macron cho rằng, cần khôi phục chính sách chung về nhập cư và chính sách với những người tìm kiếm cơ hội nhập cư nhưng đã bị từ chối. Ông đề xuất cần xây dựng một cơ quan chuyên trách của châu Âu phụ trách vấn đề người di cư.

- Về quân sự, quốc phòng. Các nước châu Âu cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ đường biên giới chung của khối một cách hiệu quả và giảm số người nhập cư là nhằm chặn đứng tư tưởng cực đoan bài ngoại. Châu Âu cần thành lập một lực lượng phản ứng nhanh vào năm 2020. Lực lượng này có thể hoạt động như “một đối tác của quân đội các quốc gia”.

2. Cam kết ủng hộ của Đức

Trả lời báo giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, với vai trò là nền kinh tế lớn nhất Eurozone, Đức sẽ ủng hộ việc thành lập một quỹ đầu tư nhằm giảm sự thiếu cân bằng về kinh tế giữa các nước giàu và các nước nghèo trong khối, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo.

Bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự hội nhập kinh tế nhanh hơn giữa các nước thành viên”. Theo bà, quỹ sẽ được giải ngân dần dần và sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả, với ngân sách ít nhất là hàng chục tỷ euro.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire khi phát biểu tại một hội nghị các doanh nghiệp ở Berlin (Đức), đã hoan nghênh việc Thủ tướng Đức Merkel ủng hộ ý tưởng của Pháp về việc xây dựng ngân sách đầu tư Eurozone. Tuy nhiên, ông Maire khẳng định, Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất EU chỉ có một con đường để đạt được mục tiêu chung.

Giới chức châu Âu cũng cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết công bố một đề xuất cải cách chung Eurozone tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến vào ngày 27 đến 28-6 tới.

Được biết, vào cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức công bố tầm nhìn về cải tổ Eurozone, trong đó bao gồm việc thành lập một phiên bản “Quỹ Tiền tệ quốc tế của châu Âu”. Mục tiêu của kế hoạch cải tổ này là nhằm thúc đẩy sự đoàn kết EU trong một thị trường đơn nhất với một đơn vị tiền tệ chung.

Ngay sau khi kế hoạch được công bố, các nước Hà Lan, Estonia, Litva, Latvia, Phần Lan, Ireland và Đan Mạch, Thụy Điển (hai nước không thuộc Eurozone) ủng hộ các biện pháp cải cách để hoàn thiện Liên minh ngân hàng, thiết lập một quỹ tiền tệ chung châu Âu và tuân thủ các quy định về ngân sách.

Về việc chuyển ESM thành EMF. Giải thích cho việc ủng hộ đề xuất này của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkelcho biết, Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), vốn chịu trách nhiệm giám sát các khoản cứu trợ tài chính cho các nước thành viên gặp vấn đề lớn về nợ công như Hy Lạp, không đủ khả năng bảo vệ Eurozone khỏi các cuộc khủng hoảng.

Theo bà Merkel, ngoài Liên minh về ngân hàng và thị thường vốn, Eurozone cần nâng cấp ESM thành EMF, vì ESM chỉ có khả năng hỗ trợ các quốc gia thành viên khó khăn về nợ công với một loại tín dụng ngắn hạn khoảng 5 năm. Trong trường hợp cả khu vực gặp nguy hiểm thì EMF mới có khả năng cung cấp tín dụng dài hạn 30 năm, đây chính là điều kiện để thực hiện các cải cách cơ cấu.

Được biết, ngay từ cuối tháng 12-2013, Hội nghị thượng đỉnh EU đã chủ trương tiến tới việc thành lập Liên minh ngân hàng “nhằm tách ngân hàng ra khỏi nhà nước” để tránh khủng hoảng tài chính trong tương lai. Thực tế cho thấy, với cơ chế chung, khi ECB nắm quyền phát hành đồng euro và ấn định tỷ giá, nhưng việc quản lý vĩ mô và điều hành tài chính, ngân hàng vẫn thuộc quyền các quốc gia riêng biệt, khiến ECB không thể can thiệp trực tiếp, còn mỗi thành viên cũng rất khó tự xoay sở, khi khủng khoảng nợ công xảy ra, gây hệ lụy cho cả khu vực.

Với hai trụ cột là “Cơ chế giải quyết chung” (SRM) và “Cơ chế giải quyết duy nhất” đã được hình thành. Tuy nhiên, EU vẫn phải thận trọng với những kịch bản xấu như tái cấu trúc hay phá sản. Vì thế, “Cơ chế ổn định châu Âu” (EMS) vẫn tồn đọng cho đến nay và Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng này phải giải quyết.

Vì thế, tuyên bố của bà Merkel mới đây là hưởng ứng lời kêu gọi từ 1 năm trước của ông Macron khi ông mới nhậm chức Tổng thống Pháp với tham vọng tái cấu trúc EU và đưa khối này trở nên “trách nhiệm” hơn đối với người dân. Câu trả lời của bà Merkel trong bối cảnh quan ngại về tương lai của EU đang gia tăng trước tình hình chính trị bất ổn ở Italy, Tây Ban Nha và mâu thuẫn với đồng minh Mỹ.

Theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp chắc chắn sẽ có cuộc thảo luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6 này nhằm phối hợp lập trường của mỗi bên về cải cách EU. Đây có thể coi là cơ hội cuối cùng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5-2019, để các dự án cải cách có tính khả thi nhằm xua tan nỗi hoài nghi về tính hiện thực của các cam kết nội khối đối với các cử tri.

3. Những vấn đề bất đồng cần giải quyết

Cho đến nay, Pháp và Đức vẫn còn bất đồng về những quy định ngân hàng của Eurozone. Trong khi ông Macron chủ trương kêu gọi củng cố sức mạnh đoàn kết ở châu Âu, thì bà Merkel lại kiên trì chính sách người nộp thuế ở các nước giàu hơn không nên trả tiền cho những thất bại của chính phủ những nước nghèo hơn.

Một số nước EU chưa đồng thuận với những biện pháp cải cách được cho là quá “tham vọng” do Tổng thống Pháp khởi xướng, trong đó chủ yếu là phản đối các đề xuất của Pháp về một ngân sách chung và một vị trí Bộ trưởng Tài chính chung của Eurozone.

Cùng với đó, gần 20 nước thành viên Eurozone vẫn đang bất đồng về những dự án cải tổ. Theo đó, các quốc gia phía Bắc như Hà Lan và Đức không mặn mà trong việc san sẻ thịnh vượng với những nước phía Nam như Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng gần đây giữa hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ.

Tại cuộc họp ngày 9-6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire đã thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng và đã đạt được tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn một số việc phải làm trước khi có thể đưa ra một lộ trình thống nhất.

Các chuyên gia nhận định, Pháp và Đức đang trong cuộc đua để thu hẹp khoảng cách giữa quan điểm về những cải cách lớn đối với EU của Tổng thống Pháp Macron và cách tiếp cận có phần thận trọng hơn của Thủ tướng Đức Merkel, trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh của Eurozone vào cuối tháng 6 này.

Về hệ thống bảo hiểm. Tại cuộc gặp người đồng cấp Pháp, Bộ trưởng Tài chính Đức Scholz đã đề xuất xây dựng một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp toàn châu Âu để bảo đảm“sức đề kháng” khu vực Eurozone trước các “cú sốc” kinh tế trong tương lai. Ông Scholz cũng muốn bổ sung việc tính thuế giao dịch tài chính.

Một trong những thách thức mà EU phải đối diện nhiều năm qua là làm cách nào để bảo vệ khu vực Eurozone khỏi lâm vào khủng hoảng. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, những biện pháp trên sẽ giúp bảo đảm nền kinh tế của các nước thành viên ổn định và mạnh mẽ hơn, cũng như củng cố khả năng xử lý khủng hoảng của EU.

Nhập cư là vấn đề nổi cộm mà EU không dễ giải quyết. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh việc giải quyết những tranh chấp về vấn đề di cư bất hợp pháp được xem là phép thử mang tính quyết định đối với tương lai của EU. Ý kiến của bà Merkel đưa ra trong bối cảnh Pháp và Italy đang mâu thuẫn về việc tiếp nhận người di cư.

Vấn đề người nhập cư đã chia rẽ EU giữa những nước phía Nam bờ Địa Trung Hải - cửa ngõ của dòng người nhập cư với các quốc gia Đông Âu từ chối tiếp nhận một phần người di cư. Trong khi, những nước giàu hơn như Đức lại đang gây áp lực để đạt một thỏa thuận, theo đó không quốc gia thành viên nào có thể từ chối nghĩa vụ tiếp nhận người nhập cư.

Hiện các bên đang đàm phán về một đề xuất mới cho phép các nước không bị buộc phải chấp nhận một số lượng “hợp lý” người xin tị nạn tại châu Âu. Thay vào đó, họ có thể tiếp nhận những trường hợp được lựa chọn cẩn thận từ bên kia đại dương hoặc trả 30.000 euro cho mỗi trường hợp người xin tị nạn mà họ từ chối lại được quốc gia khác trong EU tiếp nhận. Tuy nhiên, ngày 7-5 vừa qua, một nhà ngoại giao cấp cao EU cho biết “Các cuộc đàm phán dù nhạy cảm và khó khăn” song vẫn có thể mang lại kết quả.

Hiện Pháp và Đức đang chiếm khoảng 50% sản lượng kinh tế khu vực, được đánh giá là nhân tố chủ chốt trong nỗ lực cải cách EU. Vì thế, mặc dù tồn tại những quan điểm khác biệt, nhưng giới hai nước đều bày tỏ niềm tin sẽ đạt được một lập trường chung trước Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.

Các lãnh đạo EU hiện đang lo ngại trước việc lực lượng hoài nghi châu Âu (dân túy) lên nắm quyền tại Italy và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải từ chức do liên quan vụ bê bối tham nhũng. Trong khi đó, quan hệ giữa các nước châu Âu với đồng minh Mỹ đang trở nên ngày càng khó khăn hơn, nhất là nguy cơ chiến tranh thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran với Nhóm P5+1, đặc biệt là việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm của EU.

Như vậy, với vai trò chủ động tích cực của Tổng thống Pháp Macron, một lộ trình cho tương lai của EU đã được vạch ra từ năm 2017 và nay lại được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cùng với “tầm nhìn về cải tổ Eurozone” của EC, khiến cho tiến trình cải cách EU có thể chuyển từ định hướng sang định hình và sự kỳ vọng Liên minh này có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài kể từ năm 2008 là có cơ sở.

Nguyễn Nhâm

Nguyên Cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền