Trang chủ    Thực tiễn    An ninh trên biển Đông – từ góc nhìn của các tỉnh duyên hải miền Trung
Thứ ba, 28 Tháng 7 2015 10:24
6404 Lượt xem

An ninh trên biển Đông – từ góc nhìn của các tỉnh duyên hải miền Trung

(LLCT) - Biển có ý nghĩa to lớn để chúng ta phát triển và mở rộng giao lưu quốc tế. Tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển của nước ta có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Tiềm năng kinh tế biển, đảo miền Trung là rất lớn, nhưng có được khai thác tốt hay không phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó việc bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển, đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

(Tàu cá, nguồn internet)

1. Tiềm năng kinh tế biển và những thách thức đối với các tỉnh duyên hải miền Trung

Biển và tài nguyên biển được đánh giá là nguồn tiềm năng quan trọng nhất của các tỉnh duyên hải miền Trung. Bờ biển miền Trung dài 1.172 km, ngoài khơi có hàng trăm đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo lớn là Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng) và Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa).

Trữ lượng hải sản trong thềm lục địa miền Trung ước khoảng nửa triệu tấn, trong đó cá nổi chiếm 67%. Trữ lượng hải sản này tuy không lớn nhưng đa dạng về chủng loại, nhiều loại quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Sự tiếp cận giữa núi và biển khiến cho thềm lục địa miền Trung thường dốc và hẹp, nhiều rạn đá và bãi san hô là môi trường phát triển các loài giáp xác như tôm, mực và các loài cá cảnh nước mặn. Theo số liệu điều tra của ngành hải sản miền Trung, có khoảng 4.550 tấn tôm biển, hơn 7 nghìn tấn mực có khả năng tái sinh cao nhờ điều kiện thuận lợi về môi trường và khí hậu. Ngoài ra, ven biển miền Trung còn có yến sào, một loại đặc sản quý hiếm, được phân bố rải rác trên các đảo đá gần bờ thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Do thời tiết khắc nghiệt, phương tiện và kỹ thuật khai thác còn thô sơ nên các tỉnh duyên hải miền Trung gần như chưa phát huy được hết các lợi thế trong nuôi trồng và khai thác hải sản.

Hầu hết các bãi biển đẹp nhất Việt Nam đều tập trung ở miền Trung. Bãi biển miền Trung có cảnh quan rất sinh động, trên núi dưới biển, xa các khu công nghiệp nên hầu như chưa bị ô nhiễm. Các con sông miền Trung ngắn, lượng phù sa ít nên vùng nước gần bờ của biển miền Trung trong xanh, cát mịn, không có bùn, là điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát. Từ Bắc vào Nam, miền Trung có hàng chục bãi tắm đẹp như bãi Đá Nhảy, Nữ Hoàng, Nhật Lệ (Quảng Bình), Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế), Xuân Thiều, Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng), Cửa Đại, Bàn Than (Quảng Nam), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Hoàng Hậu, Gành Ráng (Bình Định)...

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế biển. Ngày 6-5-1993, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TW về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, trong đó khẳng định: phát triển kinh tế biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Việt Nam đã chủ động xây dựng và từng bước hoàn thiện thế trận quốc phòng - an ninh trên biển, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược; thành lập “Ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và hải đảo”; triển khai Chương trình Biển Đông - hải đảo; ban hành 7 luật, 6 pháp lệnh, 2 bản tuyên bố, 19 nghị định và 6 quyết định liên quan đến quản lý và bảo vệ vùng biển, đảo Việt Nam... Hoạt động đối ngoại tạo khung pháp lý cho việc bảo đảm an ninh trên biển cũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đến nay, Việt Nam đã ký kết được một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng như: Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia năm 1982; Thỏa thuận khai thác chung vùng chồng lấn thềm lục địa Việt Nam - Malaysia năm 1992; Hiệp định về phân định ranh giới biển Việt Nam - Thái Lan tháng 8-1997; Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25-12-2000; Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam - Inđônêxia tháng 6-2003... Việt Nam cũng mở ra nhiều diễn đàn trao đổi, đặc biệt là về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các nước có tranh chấp; tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất khu vực về Biển Đông; triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước liên quan như: dự án nghiên cứu khoa học biển Việt Nam - Philíppin; tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam và Thái Lan; thỏa thuận về nguyên tắc việc tuần tra chung xung quanh đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc... Việc đàm phán và giải quyết phân định ranh giới về biển giữa Việt Nam với một số nước có biển trong khu vực cũng được chú trọng; các lực lượng an ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền trên biển; tình hình an ninh và các hoạt động trên biển ngày càng phát triển theo chiều hướng ổn định.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X, Đảng ta đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020với mục tiêu: Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Chiến lược xác định: “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa; phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”(1).

Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong lịch sử và mới nảy sinh, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển, đảo nói riêng và chủ quyền quốc gia nói chung. Việc Trung Quốc liên tục có các hành động ngăn cản hoạt động của các công ty, ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, điển hình là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đã làm cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng…

Do đó, việc tìm kiếm giải pháp để xây dựng và hoàn thiện thế trận an ninh- quốc phòng trên Biển Đông nói chung và các tỉnh ven biển khu vực duyên hải miền Trung nói riêng trở thành vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược.

2. Định hướng và giải pháp

Thứ nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của Tổ quốc.

Vấn đề giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia là một vấn đề có ý nghĩa sống còn của đất nước, không chỉ đòi hỏi sức mạnh dân tộc mà còn phải có sức mạnh của thời đại, hội tụ cả 3 yếu tố: kinh tế, quân sự và văn hóa. Cho nên, phát huy sức mạnh tổng hợp là một giải pháp mang tính lâu dài.

Việc hướng tới xây dựng mối quan hệ chiến lược với các nước có lợi ích liên quan trên biển nói chung và Biển Đông nói riêng, xây dựng cộng đồng ASEAN trở thành cộng đồng kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Việt Nam cần chủ động xúc tiến đưa ra lộ trình, tạo tiền đề cho việc hướng tới xây dựng cộng đồng, trong đó có việc cùng bảo đảm an ninh hàng hải, giải quyết tranh chấp, ổn định để cùng khai thác các tiềm năng kinh tế biển, tạo ra mặt trận “đấu tranh” với Trung Quốc - quốc gia đang triển khai thực hiện dã tâm “độc chiếm Biển Đông”, cố tình không tuân thủ Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề phức tạp, lâu dài, cần phải kết hợp nhiều biện pháp: ngoại giao, pháp lý, đấu tranh chính trị... Đến nay, Việt Nam đã đưa ra 2 tuyên bố chính thức về Biển Đông, nhấn mạnh chủ quyền hợp pháp đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bằng các bằng chứng lịch sử đầy đủ, thuyết phục, cho thấy tính thiện chí trong việc tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình, đối thoại. Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động tìm kiếm và kịp thời có các giải pháp pháp lý nhằm giải quyết các vấn đề.

Thứ hai, xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển.

Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp trong bảo đảm an ninh trên biển, đảo. Không có lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh thì chắc chắn không tạo ra được chỗ dựa tin cậy cho ngư dân, cho các thành phần kinh tế khai thác tiềm năng kinh tế biển.

Cần phải xây dựng các lực lượng cả về vật chất và tinh thần: trang bị vũ khí và phương tiện hiện đại, xây dựng bản lĩnh, tinh thần cảnh giác, ý chí quyết tâm bảo vệ vùng trời, vùng biển. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích nhân dân định cư trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, tạo thế trận an ninh nhân dân trên biển, đảo.

Cần có lực lượng chuyên trách được trang bị phương tiện và các thiết bị hiện đại, đủ sức bảo đảm thi hành pháp luật trên biển, tuần tra, giám sát việc thi hành pháp luật về biển. Hiện nay, ta có nhiều lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo (Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng,...) nhưng chất lượng thiết bị kỹ thuật chưa tương xứng, hiệu quả quản lý biển chưa cao... Tình trạng này cần sớm được khắc phục mới tăng cường được hiệu quả quản lý, bảo vệ biển, đảo.

Xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng trên biển, đảo. Tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên đất liền, ven biển phải gắn chặt với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, đảo. Trên biển, cần xác định vùng biển trọng điểm về quốc phòng - an ninh để kết hợp với các vùng kinh tế biển, như: vùng biển Trường Sa với duyên hải Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung... Ở những vùng trọng điểm, cần xác định rõ mục tiêu quốc phòng - an ninh (trước mắt và lâu dài), đối tượng đấu tranh, thành phần lực lượng nòng cốt, dự kiến các tình huống xảy ra.

Cần xây dựng đồng bộ các chính sách hỗ trợ ngư dân và các lực lượng hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản. Kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng ở vùng biển, đảo; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; ban hành chính sách, chế độ khắc phục rủi ro, thiên tai và chính sách di dân ra các huyện đảo tiền tiêu (Cồn Cỏ, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý...). Tùy theo vị thế chính trị - kinh tế, mức độ rủi ro, tiềm năng của mỗi nơi mà lựa chọn xây dựng các nhóm chính sách, chế độ hỗ trợ phù hợp. Trong đó, chú trọng giải quyết đồng bộ ba vấn đề: ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường để đạt được mục tiêu phát triển nghề cá theo hướng bền vững, gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng biển và hải đảo.

Thứ ba, kết hợp hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và quốc phòng trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng biển, đảo theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Giao thông đường bộ ven biển nhìn chung chưa phát triển, nhiều nơi đi lại bằng đường đất, đường mòn gây trở ngại, khó khăn cho việc giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ nối cảng với các vùng kinh tế, khu công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống cảng biển chủ yếu nằm trên sông, chưa thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.

Trên các đảo, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng bảo vệ an ninh - quốc phòng chưa ngang tầm. Do vậy, cần khẩn trương xây dựng hệ thống đảo thành tuyến đầu bảo vệ đất nước và tiến ra khai thác, hoạt động trên biển. Đầu tư thích đáng cho xây dựng hạ tầng trên đảo phục vụ kinh tế, quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt việc đưa dân từ đất liền ra đảo để phát triển sản xuất và xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ. Ở khu vực duyên hải miền Trung, các sân bay phải được hiện đại hóa phục vụ cho quốc phòng và phát triển kinh tế.

Biển có ý nghĩa to lớn để chúng ta phát triển và mở rộng giao lưu quốc tế. Tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển của nước ta có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Tiềm năng kinh tế biển, đảo miền Trung là rất lớn, nhưng có được khai thác tốt hay không phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó việc bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển, đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phải đặt sự phát triển kinh tế trong mối quan hệ biện chứng với quốc phòng, an ninh như Đảng ta xác định: Phải kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh theo phương châm phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh phải được thực hiện ngay trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và các dự án đầu tư phát triển để xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc.

________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư  Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.75.

 

PGS, TS Hồ Tấn Sáng

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền