Trang chủ    Thực tiễn    Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2016 và triển vọng năm 2017
Thứ hai, 16 Tháng 1 2017 11:16
3976 Lượt xem

Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2016 và triển vọng năm 2017

(LLCT) Năm 2016, bên cạnh những bất ổn và rủi ro gia tăng, nền kinh tế thế giới còn phải hứng chịu 3 cơn “tài chấn” làm thị trường rung lắc mạnh, đó là sự kiện “thủng sàn”(1) ở Trung Quốc, Brexit ở Anh và bầu cử Tổng thống ở Mỹ, khiến cho các tổ chức kinh tế có uy tín như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Giới phân tích cho rằng, kinh tế thế giới năm 2017 với nhiều biến số sẽ khiến cho việc dự báo phải thận trọng hơn.

1. Bất ổn tiếp tục gia tăng với nhiều biến số

Kinh tế toàn cầu năm 2016 đã phải đối mặt với nhiều rủi ro như: giá cả hàng hóa giảm, nhất là giá dầu chưa ổn định; nợ doanh nghiệp ở các nước đang phát triển tăng cao, bất ổn trên các thị trường tài chính gia tăng. Bên cạnh đó, nạn khủng bố lan rộng, cuộc khủng hoảng người di cư châu Âu để lại hậu quả nặng nề, hòa bình Siri vẫn chưa được vãn hồi, thiên tai và các bệnh dịch nguy hiểm hoành hành vẫn là những mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định, nhìn chung, triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục yếu đi trong năm qua do kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá hàng hóa giảm và chính sách thắt chặt tài chính của nhiều quốc gia.

Trong báo cáo ngày 4-10-2016 về “Triển vọng kinh tế thế giới”(2), IMF đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng toàn cầu điều chỉnh hồi tháng 7 cho năm 2016 và 2017 là 3,1% và 3,4%, đồng thời cảnh báo về sự thụt lùi của xu thế tự do thương mại và nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài, mặc dù các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có dấu hiệu tăng trưởng khả quan hơn, từ mức 4,1% lên 4,2%. Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 28-11, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lại dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 chỉ ở mức 2,9%, năm 2017 là 3,3% và năm 2018 là 3,6%.

IMF ước tính, tốc độ tăng trưởng của Mỹ hạ từ 2,2% xuống còn 1,6% năm 2016 và năm 2017 cũng chỉ đạt mức 1,8%, do kinh tế nước này đã để mất động lực phát triển, khi ngành dầu đá phiến bị OPEC đánh bại, đầu tư doanh nghiệp yếu và số dư hàng dự trữ quá kéo dài. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 28-10 của Bộ Thương mại Mỹ, trong quý III, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào xuất khẩu tăng 10% và chi tiêu dùng cũng đóng góp hơn 60% vào sức tăng trưởng của nền kinh tế. Mức tăng trên vượt dự đoán của cả IMF (1,6%) và của WB (2,7%).

Trung Quốc vẫn chỉ tăng trưởng ở mức 6,6% trong năm 2016 và giảm xuống còn 6,2% trong năm 2017 (theo ước tính của IMF). Tổ chức này quan ngại tốc độ gia tăng tín dụng của Trung Quốc ở mức nguy hiểm đáng báo động, lên đến mức cao chưa từng có 30,1% GDP (quý I-2016), và vượt xa ngưỡng 10% được cho là sẽ gây ra những rủi ro lớn cho nền kinh tế. Cùng chung nhận định, WB cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 7% xuống 6,7% cho năm 2016. Các nền kinh tế mới nổi khác như: Nga, Braxin, Nam Phi… cũng mới chỉ ổn định trở lại sau thời gian dài suy giảm. 

Năm 2016, Nhật Bản được coi là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của nước này lên 0,5% trong năm 2016 và 0,6% cho năm 2017, so với dự báo trước là 0,3% và 0,1%, nhờ vào các giải pháp mạnh của Chính phủ Nhật nhằm kích cầu kinh tế theo chủ thuyết Abenomics. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo Nhật Bản về nguy cơ giảm phát vẫn tồn tại do chỉ số giá tiêu dùng thấp, đồng Yên mạnh lên so với đồng USD và Euro sẽ tác động xấu đến xuất khẩu.

Đối với kinh tế Anh, IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2016 thêm 0,1 điểm % lên 1,8%, nhưng hạ dự báo cho năm tới 0,2 điểm % xuống 1,1%, do tác động của Brexit. Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 20-11, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond thừa nhận chính phủ nước này đang phải đối mặt với những thách thức rõ rệt liên quan đến Brexit, đồng thời nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị tài chính đầy đủ để đối phó với những thách thức kinh tế trong một vài năm tới khi nước Anh chính thức rời khỏi EU.

Đối với khu vực châu Á, GDP năm 2016 vẫn tăng nhẹ so với năm trước, do chính sách của các nước đã phát huy tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, nhiều nước tiếp tục duy trì lãi suất thấp và nới lỏng tài khóa. Dự báo trong năm 2017, khu vực này vẫn tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không đồng đều. Ấn Độ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với GDP được dự báo vẫn duy trì ở mức 7,6% năm 2017, do giá năng lượng thấp và các biện pháp cải cách kinh tế theo hướng khuyến khích đầu tư vào những ngành và lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường.

Khu vực Đông Nam Á ước tính tăng ở mức 4,5% trong năm 2016 và sẽ đạt 4,8% vào năm 2017, so với mức 4,4% của năm 2015. Có được mức tăng trưởng này là do các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung có môi trường phát triển ổn định, đầu tư quy mô vào cơ sở hạ tầng và điều chỉnh kết cấu ngành nghề, những nhân tố tích cực này đã tạo cơ hội hiếm có cho khu vực thu hút đầu tư, phát triển ngành chế tạo, vực dậy thương mại và kích cầu trong nước. Trong đó, Xinhgapo đang dốc sức phát triển kinh tế bằng động lực sáng tạo đổi mới; Malaixia phấn đấu phát triển thành trung tâm kinh tế trong khu vực; ngành dịch vụ ngoại biên ở Philíppin phát triển sôi động; Campuchia nỗ lực nâng cao hàm lượng công nghệ của ngành chế tạo; Thái Lan tập trung vào “10 ngành công nghiệp tương lai”, trong đó có y tế và công nghiệp điện tử; Inđônêxia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đã sửa đổi chính sách, khuyến khích đầu tư tư nhân; Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dẫn đầu khu vực với 6,1% năm 2016 và dự báo 6,2% năm 2017.

Tại châu Á, quá trình tái cân bằng kinh tế tại Trung Quốc có thể khó khăn hơn so với kỳ vọng, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực. Trong khi các nhà hoạch định chính sách tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, tiến trình cải cách tại các nước trong khu vực có vẻ không đồng đều, mặc dù cải cách đang là vấn đề cấp thiết để thúc đẩy tăng trưởng và ngăn ngừa rủi ro. IMF khuyến nghị, Trung Quốc cần tiếp tục các nỗ lực tái cân bằng kinh tế. Đối với Nhật Bản, cần ưu tiên giảm thiểu tác động của xu hướng già hóa dân số, giảm tác động kép trên thị trường lao động và khuyến khích tính năng động của các doanh nghiệp.

Đối với khu vực Mỹ Latinh, trong báo cáo ngày 4-10 vừa qua, IMF cũng ước tính, kinh tế cả khu vực chỉ đạt mức tăng trưởng 0,6% trong năm 2016, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo trước đó. Tuy nhiên, IMF lại nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2017 từ mức 1,5% lên mức 1,6% do những dấu hiệu tích cực từ chính sách kinh tế vĩ mô của một số nền kinh tế quan trọng trong khu vực. Braxin là nền kinh tế lớn nhất ở khu vực, vẫn chưa thoát khỏi suy thoái với mức sụt giảm GDP là 3,3% trong năm 2016 và chỉ tăng nhẹ 0,5% vào năm 2017, lạm phát của nước này vẫn vượt ngưỡng bảo hộ của Ngân hàng Trung ương.

Trong đó, Venezuêla vẫn là nền kinh tế gặp khó khăn nhất trong khu vực, theo nhận định của IMF, tăng trưởng GDP sụt giảm ở mức 10% trong năm 2016 và 4,5% trong năm 2017 do giá dầu thô có thể tiếp tục giảm trên thị trường quốc tế. Nền kinh tế Ecuađo cũng sẽ sụt giảm liên tiếp trong năm 2016 và 2017 với mức dự báo lần lượt là 2,3 và 2,7. Mêxicô cũng là nước chịu tác động của tình trạng suy giảm xuất khẩu trong nửa đầu năm 2016, do đó chỉ đạt mức tăng trưởng 2,1% năm 2016 và 2,3% trong năm 2017, đều thấp hơn 0,3 điểm % so với mức dự báo được đưa ra cách đây 6 tháng.

Đối với khu vực Trung Đông - Bắc Phi, IMF dự báo tăng trưởng 2,9% năm 2016, tăng nhẹ so với mức 2,3% năm 2015, nhưng thấp hơn so với dự báo 3,6% hồi đầu năm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Angiêri và Ai Cập dự kiến sẽ giảm tương ứng xuống còn 3,4% và 3,3% năm 2016 (so với 3,7% và 4,2% trong năm 2015). Tại Marốc, sự sụt giảm còn lớn hơn do sản lượng nông nghiệp giảm mạnh do thời tiết khô hạn bất thường ở Bắc Phi đã làm giảm đáng kể sản lượng thu hoạch. GDP của nước này chỉ đạt 2,3% năm 2016, dự báo tăng lên 4,5% năm 2017. Tăng trưởng GDP của khu vực Nam Sahara châu Phi ước đạt 4%, khu vực Trung Đông - Bắc Phi đạt 3,3%.

Báo cáo quý IV về triển vọng kinh tế năm 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Phi cũng nhận định: “kinh tế châu Phi năm nay có thể chạm đáy, nhưng sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2017, châu Phi vẫn sẽ là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai sau khu vực Đông Nam Á. Cũng theo tổ chức này,năm 2016, mức tăng GDP của châu Phi sụt giảm từ mức 3,6% của năm 2015 xuống còn 1,9%, nhưng năm 2017 có triển vọng tăng trở lại đến 3,2%, do giá các loại hàng hóa giao dịch có khối lượng lớn tăng dần”(3).

Phó Chủ tịch cấp cao và là nhà kinh tế trưởng tại WB Kaushik Basu cho rằng, bức tranh ảm đạm của các nền kinh tế mới nổi là lý do chính dẫn tới việc nền kinh tế toàn cầu đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng ở mức thấp hơn 3%. Theo ông, “Nền kinh tế toàn cầu sẽ cần phải làm quen với một giai đoạn mới mà các nền kinh tế đang phát triển lớn có mức tăng trưởng khiêm tốn, nguyên nhân là vì giá cả hàng hóa suy giảm, vốn trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư tiếp tục bị thu hẹp”.

2. Rủi ro kinh tế tiềm ẩn và tâm lý chờ đợi kéo dài

Cả IMF và WB đều lo ngại những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài, cuộc chiến tại Syria, tài chính bất ổn, chủ nghĩa bảo hộ và biến đổi khí hậu, đang nổi lên, nhất là những thiệt hại của Brexit ở châu Âu và việc ông Trump lên cầm quyền tại Mỹ là những tác nhân chính khiến kinh tế thế giới chưa vượt qua giai đoạn trì trệ.

Cuộc khủng hoảng giá dầu (từ mức 100 USD/thùng năm 2014 xuống gần 25 USD/thùng vào tháng 1-2016), sau đó có phục hồi vào quý II nhưng cũng không vững chắc; nhìn chung giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất vẫn thấp đã gây suy thoái kinh tế cho nhiều nước xuất khẩu các mặt hàng hóa này như: Nga, Venezuêla, Braxin…, đồng thời gián tiếp tác động đến các nền kinh tế mới nổi và làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Về sự kiện Brexit, tuy đã được dự báo, nhưng giới chuyên gia và dư luận vẫn bị bất ngờ về mức độ hậu quả của nó đến kinh tế toàn cầu như vừa qua. Ngay sau khi có kết quả chính thức về Brexit, thị trường thế giới đã trải qua cơn “tài chấn” mạnh, chỉ đứng sau năm 2008. Đồng USD và hàng loạt các đồng tiền khác trên thế giới, nhất là châu Á đều trượt giá, giá dầu cũng giảm mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu ngập tràn sắc đỏ… IMF cảnh báo kịch bản Brexit sẽ tiếp tục tác động tiêu cực mạnh mẽ không chỉ với nền kinh tế Anh mà còn với nhiều nền kinh tế châu Âu và kinh tế toàn cầu. Tổng Thư ký OECD Jose Angel Gurria nhận định: “Brexit sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả nước Anh, châu Âu và toàn thế giới, trong đó có Mỹ”.

Đáng lưu ý, xu thế toàn cầu hoá từ những năm đầu thế kỷ XXI có thể sẽ bị đình lại ở châu Âu và Mỹ, 2 trong 3 trung tâm kinh tế của thế giới, khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu bị chững lại, thậm chí thụt lùi. Kéo theo đó là sự huỷ hoại những nấc thang phát triển và tạo cơ sở cho các cuộc xung đột chính trị, sự suy yếu của các nền kinh tế đang phát triển; các quan hệ hợp tác quốc tế và những thỏa thuận về biến đổi khí hậu cũng sẽ chuyển biến theo hướng bất lợi.

Theo giới phân tích, từ ngày 20-1-2017, ông Trump sẽ sử dụng quyền lực Tổng thống, cùng với ưu thế đa số của Đảng Cộng hoà tại lưỡng viện để tạo ra những sự thay đổi sâu sắc và lâu dài trong nền kinh tế Mỹ. Trong ngắn hạn, sự tác động là rất lớn, bởi thị trường đang đặc biệt quan tâm và chờ đợi những thay đổi trong chính sách dưới thời tân Tổng thống Trump.

Chính sách của ông Trump có thể có tác động kích cầu trong trung hạn. Mặc dù các kế hoạch kinh tế của ông chưa được chi tiết hóa, nhưng có một số điểm khá rõ ràng, như: kế hoạch giảm thuế, có tác dụng kích cầu đầu tư. Tuy nhiên, giảm thuế cũng gây thâm hụt ngân sách chính phủ và sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế trong dài hạn. Bên cạnh đó, ông Trump còn có ý định tăng ngân sách cho quốc phòng và xây dựng cơ sở hạ tầng, kế hoạch bắt giữ và trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép cũng sẽ chiếm một phần ngân sách không nhỏ.

Cũng có những dự báo lạc quan hơn rằng, tân Tổng thống Mỹ Trump sẽ tạo nên một lực đẩy lớn cho thị trường tài chính toàn cầu, với thị trường chứng khoán và giá các kim loại tăng mạnh do nhà đầu tư lạc quan về các kế hoạch kích thích tài khóa của ông sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Trái phiếu Mỹ giảm giá mạnh, do các nhà đầu tư kỳ vọng ông Trump sẽ giảm thuế, nới lỏng chính sách quản lý doanh nghiệp và tăng mạnh chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Trump cũng coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt với việc dỡ bỏ đạo luật Dodd-Frank - vốn được coi là vòng kim cô đối với các ngân hàng, thay bằng chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Sự biến động của quá trình cấu trúc lại trật tự thế giới mới về kinh tế trong thế kỷ XXI là nguyên nhân chủ đạo khiến giới phân tích cho rằng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2016 và cả năm 2017 vẫn tiếp tục bất ổn, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn. An ninh kinh tế toàn cầu đang chịu tác động mạnh của dòng “xoáy ngược” (chống toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch) ở Mỹ và châu Âu – những trung tâm kinh tế thế giới, khiến cho bức tranh kinh tế - tài chính toàn cầu tiếp tục ảm đạm với nhiều biến số khó lường không chỉ trong năm 2017 mà còn cả trong năm 2018.

 

__________________

(1) http://vfpress.vn: Thị trường tài chính toàn cầu quý I 2016: Sóng thần bất ngờ, 4-4-2016

(2) http://thoibaotaichinhvietnam.vn: IMF: Tăng trưởng “ảm đạm” ở các nước giàu kéo lùi kinh tế toàn cầu, 6-10-2016

(3) http://vietnamese.china.com: Ngân hàng phát triển châu Phi: Kinh tế châu Phi sẽ thực hiện tăng trưởng trở lại 2017,  2-11-2016

 

Nguyễn Nhâm

ThS Đinh Văn An

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền