Trang chủ    Thực tiễn    Công tác kiểm tra, giám sát góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII
Thứ ba, 17 Tháng 1 2017 11:53
3050 Lượt xem

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII

(LLCT) - Công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật của Đảng là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ gìn sự trong sạch về phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1).

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016 “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là Nghị quyết đặc biệt quan trọng để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và cũng là nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng. Nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề cập đã tập trung chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, xác định cụ thể nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; mà trọng tâm là việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Những kết quả đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI có sự đóng góp quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đối với cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nghị quyết vẫn còn tồn tại hạn chế, thiếu sót, đó là: “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện; việc thực hiện nghị quyết hiệu quả thấp, trách nhiệm không rõ ràng; một số chủ trương, chính sách còn bất cập, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh”(2).

Có thể nói rằng, việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho thấy quyết tâm rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng ta và thực sự trở thành luồng sinh khí mới thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong hàng triệu cán bộ, đảng viên, đáp lại lòng mong muốn của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa Nghị quyết quan trọng này phụ thuộc rất lớn vào thái độ, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu cấp ủy. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng đóng vai trò hết sức quan trọng và được xác định là giải pháp cơ bản để đảm bảo cho Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII được triển khai hiệu quả.

Theo đó, để góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong thời gian tới công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, kết hợp kiểm tra, giám sát định kỳ với đột xuất việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng

Căn cứ vào nội dung Nghị quyết Trung ương 4, nắm vững sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và tìnhhình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cho phù hợp. Từng cấp ủy phải chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung Nghị quyết bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Cấp ủy, cán bộ chủ trì, ủy ban kiểm tra các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, kết hợp kiểm tra, giám sát định kỳ với đột xuất; đồng thời công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng và thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành hoặc thực hiện không nghiêm túc các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định.

Hai là, tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu và ủy ban kiểm tra các cấp đối với việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên

Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu và ủy ban kiểm tra các cấp có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Theo đó, bí thư, cấp ủy các cấp phải đề cao trách nhiệm nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình, nhất là: “đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ cấp dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ…”(3). Cấp uỷ các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành các nội dung nghị quyết, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên để kiểm tra, xử lý; đồng thời chỉ đạo uỷ ban kiểm tra xem xét xử lý theo thẩm quyền. 

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm nội dung nghị quyết

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra với các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên sai phạm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, cần ban hành quy chế phối hợp và chỉ đạo các tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp và các ban, ngành có liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan. Cần chú trọng kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để nhắc nhở, cảnh tỉnh những trường hợp vi phạm, những hành vi, việc làm không chính đáng. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng, giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Nếu có trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì kiên quyết xử lý, tránh xuê xoa, nể nang dẫn đến buông lỏng kỷ luật; chủ động công khai kết quả xử lý, tạo dư luận đồng thuận trong toàn xã hội. Xây dựng quy định xử lý những tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có lời nói và việc làm biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nghiêm trọng.

Bốn là, nâng cao năng lực, trình độ của ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, phức tạp giữa cái đúng với cái sai, cái tiến bộ với lạc hậu, giữa cái tích cực với cái tiêu cực trong nội bộ Đảng. Do vậy, các cấp uỷ đảng cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, chất lượng cao, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Về lâu dài, cần tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát có đủ phẩm chất, năng lực, kỹ năng công tác theo hướng chuyên nghiệp hoá và tổ chức bộ máy đơn vị làm công tác giám sát ở uỷ ban kiểm tra từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên độc lập với công tác kiểm tra. Phải có quan điểm đúng đắn trong lựa chọn cán bộ làm công tác kiểm tra; chú trọng bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách. Quan tâm tạo điều kiện về phương tiện, vật chất cho ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.Động viên cán bộ kiểm tra tự giác, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức thực tiễn. Mặt khác, cần tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát để bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng; kiên quyết xử lý nghiêm những người lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, làm sai chức trách, nhiệm vụ.

Năm là,phát huy tính tự giác của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của quần chúng trong công tác kiểm tra, giám sát

Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần kiên trì động viên, giáo dục, thuyết phục, khơi dậy ý thức tự giác để đảng viên phát huy tính trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm của đảng viên, tổ chức đảng. Duy trì thực hiện tốt nền nếp chế độ sinh hoạt, phát huy dân chủ, bảo đảm cho mọi cán bộ, đảng viên được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các nội dung liên quan đến hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng. Chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong kiểm tra, giám sát. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của đảng viên, động viên cán bộ, đảng viên nói thẳng, nói thật, tạo ra không khí chân tình, cởi mở, không áp đặt ý kiến cá nhân. Thực hiện nghiêm Quyết định số 217-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cấp uỷ các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ để quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, nhất là trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Định kỳ tổ chức để đảng viên, cấp uỷ, tổ chức đảng tự phê bình trước quần chúng; đồng thời, lấy ý kiến nhận xét của quần chúng về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên.

_________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,Nxb.CTQG - ST, Hà Nội, 2011,  tr.636

(2), (3) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tr.41, 70.

 

                                                   Thạc sĩ Lê Việt Cường

                                                  Học viện Hậu cần - Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền