Trang chủ    Thực tiễn    Quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt –Trung và sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 11:39
5512 Lượt xem

Quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt –Trung và sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc

(LLCT) - Song song với quá trình giao thoa mang tính tự nhiên, thì quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung còn chịu tác động từ mối quan hệ đa chiều và phức tạp về mặt lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa các tộc người Tây Bắc với quốc gia dân tộc và chính sách của nhà nước ở hai bên đường biên giới.

1. Quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung, nền tảng văn hóa và di sản lịch sử

Một nhân tố có tác động sâu sắc đến quá trình phát triển của Tây Bắc nói chung và Việt Nam nói riêng từ quá khứ cho đến hiện nay, quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung, với một lịch sử lâu dài và phức tạp. Cơ sở cho mối quan hệ lâu dài này trước hết là bối cảnh địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt của vùng Tây Bắc Việt Nam. Khi xem xét các đặc trưng văn hóa dưới góc nhìn khu vực học hay lịch sử - dân tộc học, nhiều tác giả đã xác định phạm vi của vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, miền Tây Thanh Nghệ và có thể bao gồm cả Lào Cai, Yên Bái. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm Tây Bắc theo nghĩa rộng trên cơ sở góc nhìn địa chính trị. Theo đó, không gian vùng Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam và miền Tây Thanh - Nghệ(1[1]).Mặc dù vậy, nếu nhìn theo toàn bộ chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, thì trước khi các ranh giới quốc gia hiện đại hình thành như hiện nay, không gian Tây Bắc còn là một phần trong một khu vực văn hóa lớn hơn nữa, bao gồm khu vực phía Nam sông Dương Tử (Trung Quốc) và phần phía Bắc của Đông Nam Á.

Đây là một không gian văn hóa và tộc người, tồn tại trong một giai đoạn dài trước khi biên giới quốc gia được phân định. Nhìn từ cội nguồn, khu vực này trong lịch sử vốn là nơi cư trú của nhiều tộc người ở Tây Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc hiện nay. Do đó, có thể gọi đây là một không gian văn hóa Đông Nam Á và “phi Hán”, trước khi quá trình Nam tiến của người Hán diễn ra.

Không gian văn hóa rộng lớn này chính là cơ sở cho quá trình giao thoa mạnh mẽ mang tính tự nhiên và “xuyên biên giới” giữa các tộc người trong khu vực, trong quá khứ cũng như trong thời kỳ hiện đại. Từ rất sớm, vào khoảng thế kỷ VII, vùng Tây Bắc đã đón nhận các dòng thiên di của các cư dân từ Nam Trung Quốc vào Việt Nam (về sau cũng diễn ra quá trình di cư ngược lại) giống như trường hợp người Thái hay người Nùng. Bên cạnh giao lưu tộc người về mặt văn hóa và ngôn ngữ qua con đường di dân, thì trên một khu vực rộng lớn của vùng biên giới Việt - Trung từ rất sớm đã hình thành các dòng chảy thương mại xuyên biên giới. Ngay cả khi quốc gia dân tộc Việt Nam đã hình thành thì dòng chảy này vẫn tiếp diễn mạnh mẽ, thông qua các cửa khẩu và hệ thống chợ phiên phi quan phương, đầu tiên là trên con đường thủy dọc sông Hồng, từ Vân Nam tới Hà Nội nối liền với Biển Đông, và về sau này là thông qua con đường sắt Điền Việt dưới thời Pháp thuộc (1884 - 1945).

Song song với quá trình giao thoa mang tính tự nhiên, thì quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung còn chịu tác động từ mối quan hệ đa chiều và phức tạp về mặt lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa các tộc người Tây Bắc với quốc gia dân tộc và chính sách của nhà nước ở hai bên đường biên giới. Trong một trường kỳ lịch sử dài, khu vực Tây Bắc chịu sức ép từ quá trình Nam tiến của người Hán. Sức ép từ sự bóc lột và đè nén của phong kiến người Hán là nguyên nhân khiến nhiều nhóm cư dân thiểu số ở Nam Trung Quốc di cư xuống phía Nam và định cư lâu dài ở Tây Bắc, tiêu biểu như người H’Mông ở Việt Nam, ngoài ra còn có người Dao, Giáy, Bố Y và các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc các tộc người trên quyết định đến định cư ở Tây Bắc Việt Nam không chỉ bắt nguồn từ lực đẩy từ phía người Hán, mà còn bắt nguồn từ lực hút từ phía các nhà nước của người Kinh ở vùng xuôi của Việt Nam, mà đặc biệt là từ thế kỷ X, khi Việt Nam trở thành quốc gia độc lập và đường biên giới trên đất liền ở phía Bắc được xác định về đại thể từ Lai Châu cho đến Quảng Ninh ngày nay. Trong nỗ lực nhằm xây dựng quốc gia dân tộc và bảo toàn nền độc lập, các nhà nước phong kiến Việt Nam luôn nỗ lực để tranh thủ sự ủng hộ của các tộc người Tây Bắc thông qua chính sách chủ đạo là ràng buộc, thu phục các tù trưởng thiểu số và phủ dụ dân chúng. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, các tù trưởng thiểu số vùng Tây Bắc đã được trọng dụng trong việc cai trị ở các địa phương, được ban chức tước, trao quyền hành, và đặc biệt là được đề cao vai trò trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Chính sách “nhu viễn” này chính là chìa khóa giúp các nhà nước của Việt Nam thắt chặt mối quan hệ khăng khít giữa các tộc người thiểu số Tây Bắc với người Kinh đa số, thực sự đưa họ trở thành một phần của quốc gia dân tộc Việt Nam, với ý thức sâu sắc về trách nhiệm giữ gìn đường biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

2. Ba chuyển biến lớn trong quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung hiện nay

Trong hơn hai thập niên gần đây, gắn liền với những bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung đã có những chuyển biến sâu sắc.

Chuyển biến thứ nhấtdiễn ra trên cơ sở quá trình bình thường hóa quan hệ chính trị và ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đầu những năm 1990. Theo đó, cả hai nước đã áp dụng chính sách ngày càng thông thoáng đối với việc đi lại xuyên biên giới của cư dân Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các hoạt động trao đổi văn hóa và du lịch giữa nhân dân hai nước và đặc biệt là các cư dân hai bên biên giới. Nhờ đó, đồng bào các tộc người ở Tây Bắc có điều kiện để đi thăm người thân ở Trung Quốc, qua đó kết nối thường xuyên và thắt chặt mối dây tình cảm với đồng tộc ở Nam Trung Quốc. Quan hệ giao lưu và trao đổi văn hóa tộc người liên biên giới vùng Tây Bắc cũng đã có điều kiện phát triển rất sôi động, với nhiều hình thức đa dạng, từ kết nghĩa thôn bản, giao lưu qua các lễ hội, ngôn ngữ. Quá trình mở cửa biên giới cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hôn nhân xuyên biên giới ở Tây Bắc, chủ yếu là giữa nữ giới Việt Nam, (cả người Kinh và người thiểu số) với nam giới Trung Quốc.

Sự chuyển biến lớn thứ haidiễn ra trên phương diện kinh tế. Song song với quá trình bình thường hóa quan hệ chính trị và ngoại giao, chính quyền hai nước đã chủ trương khuyến khích người dân hai bên biên giới trao đổi hàng hóa và tham gia các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Nhờ đó, các hoạt động giao lưu buôn bán giữa người dân hai bên biên giới Việt - Trung đã phát triển rất sôi động. Tại các cửa khẩu lớn của Tây Bắc như Hữu Nghị (Lạng Sơn) hay Lào Cai, mỗi ngày tại một cửa khẩu có từ 2000 - 5000 lượt người từ Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc buôn bán, làm ăn và số tương tự di chuyển theo chiều ngược lại.

Chính quyền hai nước cũng thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển tại vùng biên giới phía Nam Trung Quốc và Tây Bắc Việt Nam. Về phía Trung Quốc, chính sách tiêu biểu là “hưng biên phú dân” với việc đầu tư trên quy mô lớn vào kết cấu hạ tầng ở Nam Trung Quốc, tạo ra một lượng lớn các cơ hội việc làm phù hợp với điều kiện của các tộc người trong khu vực, gồm cả Nam Trung Quốc và Tây Bắc Việt Nam. Xét về khía cạnh việc làm, thì chính sách “hưng biên phú dân”, phía Trung Quốc đã tạo ra lực hút với các cư dân vùng Tây Bắc - một sự đảo chiều nếu so với chính sách trong thời phong kiến. Hệ quả là, từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng 20 vạn người từ Tây Bắc, chủ yếu là người thiểu số, đi lao động thời vụ tại Nam Trung Quốc với công việc chủ yếu là lao động phổ thông, như vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại, khai thác mỏ, xây dựng. Bên cạnh lý do lực hút từ Trung Quốc, cũng có một phần nguyên nhân từ chủ trương cải tạo hạ tầng giao thông và xây dựng các cơ sở công nghiệp và thủy điện ở Việt Nam khiến đất sản xuất bị thu hẹp và đồng bào ở nhiều địa phương Tây Bắc phải di dời đi nơi khác, nhường chỗ cho các hồ thuỷ điện và công trường xây dựng. Do thiếu đất canh tác, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn và do đó càng thôi thúc họ đi tìm cơ hội việc làm ở bên kia biên giới.

Chuyển biến lớn thứ ba, quá trình Việt Nam từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế đã tác động sâu rộng tới quan hệ tộc người liên biên giới vùng Tây Bắc, đặc biệt là trên phương diện tôn giáo và tư tưởng. Kết hợp với những vấn đề nội sinh như di dân của người Kinh hay tình trạng thu hồi đất của các cộng đồng thiểu số cho các công trình phát triển ở Tây Bắc, sự tác động của toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ tộc người xuyên quốc gia ở một số tộc người và dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, liên quan đến các yêu sách về quyền của người bản địa, tự trị và thậm chí là chủ nghĩa ly khai. Một vấn đề phức tạp nữa là sự phát triển của đạo Tin lành vùng Tây Bắc. Theo các nhà nghiên cứu, việc cải đạo của người H’Mông theo đạo Tin lành ở Tây Bắc hiện nay có liên hệ mật thiết với vấn đề “quan hệ tộc người xuyên biên giới” mà cụ thể là những sự kiện xảy ra đồng thời ở các cộng đồng người Miêu ở Trung Quốc. Từ năm 1998 đến nay, ở Tây Bắc đã có hàng chục người Trung Quốc từ Vân Nam nhập cảnh trái phép để tuyên truyền đạo Tin lành trong các cộng đồng người H’Mông, Dao, La Hủ, Cao Lan ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang. Những người này đã tổ chức các cuộc tụ họp tuyên truyền đạo ở địa bàn biên giới và kéo hơn 20 người các dân tộc H’Mông, La Hủ sang Trung Quốc học giáo lý, nhận tài liệu truyền đạo để về Việt Nam hoạt động. Đa phần các nhóm từ Trung Quốc này cũng có liên hệ và được hỗ trợ bởi các tổ chức, hệ phái Tin lành và các cơ sở tuyên truyền Tin lành trong khu vực và trên thế giới như hệ thống tuyên truyền tiếng H’Mông của đài Manila (Philippin), Đài Nguồn sống FEBC và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

3. Phát triển bền vững vùng Tây Bắc - cơ hội và thách thức từ góc độ quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung

Những chuyển biến trong quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung trên đây rõ ràng có tác động mạnh mẽ đến mục tiêu đưa Tây Bắc tiến lên phát triển bền vững. Về khái niệm “phát triển bền vững”, có khá nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung đa số các quan điểm đều thống nhất cho rằng một mô hình phát triển được coi là “bền vững” cần đáp ứng 2 đặc điểm. Thứ nhất, quá trình phát triển không được vì những mục tiêu ngắn hạn trước mắt mà hy sinh những lợi ích lâu dài. Thứ hai và quan trọng hơn cả, đó là phát triển phải là một quá trình hài hòa, không tạo ra mâu thuẫn và những nguy cơ xung đột. Những chuyển biến trong quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung hiện nay đang đặt ra cả cơ hội và thách thức, và có tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của Tây Bắc trong tương lai.

Những tác động tích cực

Thứ nhất, các chính sách của chính quyền hai nước cởi mở biên giới, thông thoáng trong việc cấp phép đi lại; giao lưu văn hóa - du lịch và trao đổi buôn bán đã giúp khơi thông quá trình giao lưu tộc người liên biên giới vốn đã tồn tại hàng nghìn năm trên cơ sở không gian văn hóa rộng lớn của Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Quá trình giao lưu này xuất phát từ nhu cầu tự thân của các tộc người trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Việc khơi thông quá trình giao lưu tự nhiên này do đó có tác dụng xóa bỏ những mâu thuẫn có thể phát sinh khi nhu cầu trao đổi tự thân của các tộc người bị gián đoạn và cản trở do những khúc mắc trong quan hệ giữa hai nước. Thêm vào đó, quá trình giao lưu tự nhiên này đã có một truyền thống lâu dài và đã cho thấy sức sống mãnh liệt của nó ngay cả dưới tác động của biên giới quốc gia hiện đại.

Bên cạnh việc khơi thông và tiếp nối các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới trong lịch sử, thì các chính sách thông thoáng trong kinh tế, đi lại và phát triển kết cấu hạ tầng hai bên biên giới còn có tác dụng mở mang thêm các mối quan hệ mới. Như đã nói ở trên, vùng Tây Bắc hiện nay không chỉ là không gian cho mối quan hệ liên biên giới giữa các nhóm cư dân đồng tộc hay giữa các tộc người thiểu số với nhau, mà còn là không gian kết nối giữa các tộc người và nhân dân hai nước nói chung với nhau, đặc biệt là thông qua hoạt động du lịch và buôn bán. Ngoài dòng người qua lại các cửa khẩu để trao đổi hàng hóa và kinh doanh, thì theo các thống kê, số lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam tham gia các lễ hội, các hoạt động văn hóa ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng cũng tăng nhanh, thậm chí có thể lên tới hàng nghìn người mỗi ngày trong mùa du lịch. Kết quả quan trọng của quá trình giao lưu này là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới, nâng cao tình đoàn kết và tương trợ thông qua các mối quan hệ kinh tế, thắt chặt và làm giàu thêm mối dây tình cảm giữa các tộc người Tây Bắc với các cư dân bên kia biên giới vốn đã tồn tại lâu dài trong lịch sử. Điều này có tác động giảm thiểu các xung đột giữa nhân dân hai bên biên giới, do thiếu hiểu biết lẫn nhau hoặc do khác biệt về lợi ích, và qua đó, góp phần giúp cho quá trình phát triển của Tây Bắc trở nên ổn định và bền vững.

Những thách thức đang đặt ra

Bên cạnh những tác động tích cực, thì quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, có tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Thách thức thứ nhất liên quan đến vấn đề trật tự và an ninh quốc phòng. Chính sách thông thoáng đối với việc đi lại, thăm thân và hôn nhân xuyên biên giới, trong khi đem lại nhiều lợi ích cho cư dân hai nước, lại gây ra nhiều thách đố cho các cơ quan quản lý. Một trong những vấn đề nổi cộm là vấn đề hôn nhân xuyên biên giới giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Trung Quốc. Đa phần các cuộc hôn nhân này thường gắn với mục đích kinh tế, lấy mục tiêu cải thiện đời sống cho cá nhân cô dâu và gia đình làm chủ đạo. Hệ quả là đa phần các cuộc hôn nhân liên biên giới không dựa trên quan hệ tình cảm và không thông qua tìm hiểu trực tiếp giữa hai người mà chủ yếu là qua trung gian gia đình, bạn bè, và thậm chí là những người môi giới chuyên nghiệp. Do đó, nhiều cô gái Việt Nam sau khi kết hôn không thích nghi với cuộc sống nhà chồng, dẫn tới tỉ lệ đổ vỡ hôn nhân rất cao và hiện tượng cô dâu Việt bỏ trốn. Do đa phần các cuộc hôn nhân xuyên biên giới là “chui”, không có đăng ký kết hôn và không thông báo cho chính quyền sở tại, nên các cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi và hỗ trợ người dân khi cần thiết. Đây chính là nguyên nhân khiến việc hôn nhân xuyên biên giới bị lợi dụng cho hoạt động buôn người mà nạn nhân chủ yếu là các cô gái Việt Nam. Hiện tượng này, cùng với tình trạng cô dâu bỏ trốn, không chỉ gây tổn hại cả về mặt kinh tế và tinh thần cho cả hai bên gia đình, mà còn có nguy cơ làm thương tổn mối quan hệ đoàn kết giữa các tộc người hai bên biên giới và phức tạp thêm quan hệ giữa hai nước.

Một vấn đề khác tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự vùng Tây Bắc là vấn đề lao động Việt Nam sang Trung Quốc tìm việc làm. Phần lớn lao động đi “chui”, và không có sự cho phép của các cơ quan quản lý. Hệ quả là họ không được Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội bảo vệ và do đó thường bị các chủ sử dụng lao động xâm hại dưới nhiều hình thức như: ép làm việc nhiều hơn 12 giờ mỗi ngày, bị hạn chế đi lại, giữ lương hoặc giấy tờ tùy thân, bị quỵt tiền công và đánh đập. Có nhiều trường hợp bị tai nạn và tử vong trên đất Trung Quốc song không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía chủ thuê lao động Trung Quốc. Do không có giấy tờ hợp pháp, nhiều công dân Việt Nam đã bị các lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền rồi đuổi về. Đặc biệt, đã xuất hiện dấu hiệu kẻ xấu lợi dụng việc đi lao động để mua bán người và cưỡng ép họ vào làm việc tại các trang trại, hầm mỏ và đồn điền của Trung Quốc. Điều này không chỉ làm thương tổn quan hệ liên tộc người xuyên biên giới và quan hệ hữu nghị giữa hai nước, mà còn ảnh hưởng an ninh trật tự khu vực biên giới.

Thách thức thứ hai liên quan đến vấn đề kinh tế.Ngoài tình trạng lợi dụng chính sách khuyến khích giao lưu buôn bán của Việt Nam để buôn lậu, thì thách thức lớn nhất lại đến từ chính sách “hưng biên phú dân” của Trung Quốc và lực hút mà nó tạo ra với các lao động vùng Tây Bắc. Một mặt, việc nhiều đồng bào Tây Bắc sang tìm việc ở Trung Quốc sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách phát triển của Việt Nam và thậm chí gây thiếu hụt nguồn nhân lực về lâu dài. Quan trọng hơn, như đã nói, các cơ hội việc làm ở Trung Quốc tuy nhiều nhưng chủ yếu là các công việc ngắn hạn, thời vụ và bấp bênh. Với những người dân Tây Bắc, việc theo đuổi các cơ hội việc làm ngắn hạn này không chỉ tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe và tính mạng, mà còn khiến quên đi mục tiêu theo đuổi những sinh kế lâu dài và ổn định ở ngay chính quê hương mình.

Thách thức thứ ba và nghiêm trọng hơn cả là vấn đề thống nhất quốc gia và quan hệ giữa các tộc người Tây Bắc với quốc gia dân tộc.Trên bình diện này, nguy cơ lớn nhất đến từ vấn đề quan hệ dân tộc xuyên biên giới gắn với yếu tố ly khai, tự trị và đặc biệt là tôn giáo. Dưới tác động của các yếu tố này, quan hệ tộc người xuyên biên giới có thể dẫn tới tình trạng ý thức tộc người nổi trội hơn ý thức quốc gia, phai nhạt ý thức về Tổ quốc của đồng bào một số tộc người thiểu số và về lâu dài, có thể làm tổn hại đến tính thống nhất của quốc gia dân tộc Việt Nam.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

(1) Đây là cách hiểu chính thức về Tây Bắc được sử dụng trong Chương trình Khoa học và công nghệ cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (đề án Tây Bắc), mã số KHCN-TB/13-18 và thuộc phạm vi của Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Hữu Dật, Lâm Bá Nam: Chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam (X- XIX), Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2001.

2. Nguyễn Văn Căn: Chiến lược  “Hưng biên phú dân” của Trung Quốc, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2009.

3. Nguyễn Khắc Đức:  “Về một số đặc điểm của Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 8 (122), 2013, tr 53-58.

4. Nguyễn Trường Giang: Giao thoa văn hóa giữa các tộc người H’Mông, Dao huyện Sa Pa, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) qua các hoạt động sinh kế. Hội thảo khoa học quốc tế, Giao lưu văn hoác các dân tộc và phát triển du lịch bền vững lưu vực Sông Hồng, tháng 11-2012.

5. Trần Hồng Hạnh: “Thông tin, truyền thống và biến đổi văn hóa tộc người ở vùng biên giới”, Tạp chí Dân tộc học,số 5, 2012, tr.14-24.

6. Nguyễn Chí Huyên, Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo: Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc,
Hà Nội, 2000.

7. Nguyễn Văn Khánh, Lâm Bá Nam:Gia nhập WTO và việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. In trong Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới và vấn đề bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

8. Phan Huy Lê: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (t.2), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1959.

9. Lianling Su: Cross-border marriage migration of Vietnamese women to China, Master Thesis, Kansas State University, 2013.

10. Lâm Bá Nam: Vùng biên giới Việt - Trung: Giao thoa từ góc nhìn địa văn hóa và tộc người, Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững vùng lưu vực sông Hồng, Lào Cai, 2011.

 

PGS, TS Lâm Bá Nam

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

TS Đậu Tuấn Nam

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền