Trang chủ    Thực tiễn    Hệ thống chính trị cấp xã tổ chức, vận động xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình – Kết quả và giải pháp
Thứ ba, 18 Tháng 4 2017 09:44
5640 Lượt xem

Hệ thống chính trị cấp xã tổ chức, vận động xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình – Kết quả và giải pháp

(LLCT) - Hệ thống chính trị cấp xã có vai trò, nhiệm vụ tổ chức và vận động nhân dân hiện thực hóa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong những năm qua, hệ thống chính trị cấp xã ở Thái Bình đã phát huy tốt  vai trò của mình trong tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt những kết quả quan trọng, song cũng còn những bất cập cần sớm tháo gỡ, khắc phục.

1. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với gần 90% dân số và hơn 70% lao động ở nông thôn. Toàn tỉnh có 267 xã (trong tổng số 285 xã, phường, thị trấn). Đến cuối năm 2015, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng quan trọng: đãcó 135 xã (51,1%) đạt Chuẩn nông thôn mới; 129 xã đạt từ 13 - 18 tiêu chí; riêng về xây dựng quan hệ sản xuất mới, toàn tỉnh có 322 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 106 hợp tác xã dịch vụ điện, 2.889 trang trại. Đó là cơ sở tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, Thái Bình cơ bản trở thành tỉnh có nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại(1). Một trong những nhân tố quyết định để Thái Bình đặt được kết quả trên là Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã phát huy tốt vai trò của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị vào cuộc, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thành phong trào sâu rộng, mạnh mẽ và hiệu quả.

Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo, tổ chức lực lượng, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình. Thực hiện nội dung của Thông tư 26 liên Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) ngày 13-4-2011 về việc thành lập Ban chỉ đạo các cấp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tất cả các xã của tỉnh Thái Bình đều thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, Ban Quản lý Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Ở các thôn, thành lập Ban Phát triển thôn.

Ngay sau khi được thành lập, các ban đã tập trung trí tuệ, nguồn lực vào công tác quy hoạch, xây dựng đề án, quán triệt sâu rộng nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã; đồng thời tiến hành rà soát, cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đại phương. Chỉ đạo triển khai Chương trình nhanh chóng, đồng bộ ở 267 xã trong tỉnh.

 Các Đảng ủy, chính quyền cấp xã ở Thái Bình đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng Chương trình để toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ thực hiện xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước vì mục tiêu cuối cùng là một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, biến chủ trương thành nguyện vọng chính đáng của nhân dân nông thôn.

Nhiều hình thức tuyên truyền đã được sử dụng linh hoạt và sáng tạo, kết hợp cả hình thức tuyên truyền trực tiếp hoặc gián tiếp: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hội họp, qua hoạt động văn hóa văn nghệ, qua phát tờ rơi,… giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Từ thống nhất nhận thức tư tưởng đã đi đến thống nhất trong hành động thực tiễn; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, sôi nổi và hiệu quả đều khắp trong toàn tỉnh, lôi cuốn, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo trong nhân dân. Trong 4 năm, toàn tỉnh đã huy động gần 8 nghìn tỷ đồng, nhân dân các địa phương tự nguyện hiến gần 2 nghìn ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng ở quy mô rộng khắp; một số công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả cao(2).

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã thể hiện vai trò của mình qua việc tham gia chỉ đạo, giám sát thực hiện chương trình; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở xã thấy được tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc chung tay cùng xây dựng nông thôn mới. Mặt trận các xã đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền hướng dẫn việc thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng, kiện toàn Ban thanh tra nhân dân ở các xã, tập huấn cho nhân dân về kiến thức, kỹ năng cần thiết trong xây dựng nông thôn mới, thẹc hiện các tiêu chí chung.

Tháng 11-2015, trong dịp kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Để thực hiện Cuộc vận động này tại khu vực nông thôn đạt kết quả thiết thực, trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể hóa thành các nội dung để vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đối với các xã đã đạt Chuẩn nông thôn mới, Mặt trận đã vận động nhân dân tiếp tục phát huy kết quả, tích cực thúc đẩy các hoạt động nâng cao chất lượng Xã nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, Mặt trận Tổ quốc hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát huy tính sáng tạo, tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Cuộc vận động có 5 nội dung cơ bản:

- Toàn dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng;

- Toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái;

- Toàn dân đoàn kết, tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng  cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp;

- Toàn dân đoàn kết, chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội;

- Toàn dân đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

Thực hiện cuộc vận động, các tổ chức quần chúng ở cơ sở tích cực vận động nhân dân đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với tinh thần “Cả tỉnh chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Các đoàn thể phát huy thế mạnh của mình tham gia vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong xây dựng đời sống văn hóa mới, thực hành tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi, bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn đang ngày càng bị ô nhiễm,… góp phần thực hiện những tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế… trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình. Hội Cựu chiến binh phát huy kinh nghiệm, uy tín của mình vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa văn minh; Đoàn Thanh niên vận động các thanh thiếu niên tích cực học tập, lao động sản xuất, có lối sống lành mạnh, tích cực; Hội Phụ nữ phát động phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, sinh đẻ có kế hoạch… Qua đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đời sống văn hóa mới ngày càng được nâng lên, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện.

Thể hiện vai trò xung kích, nhiều cán bộ chủ chốt Đoàn Thanh niên xã đã đăng ký công trình, phần việc cụ thể tham gia xây dựng nông thôn mới.

Kết quả là, trong 3 năm (2012-2015), các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã vận động được 319 gia đình đoàn viên thanh niên hiến đất, hiến tài sản với trên 90.000m3 đất các loại; huy động lực lượng thanh niên tình nguyện đóng góp trên 3.000 ngày công tham gia giải phóng mặt bằng; cắm được trên 2.000 cột mốc lộ giới ở các trục đường thôn; xây dựng được 213 công trình thanh niên, phần việc thanh niên, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng(3).

Đoàn cơ sở tích cực vận động thanh niên tham gia học nghề, thi đua làm kinh tế, qua đó từng bước hình thành lớp thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm ở địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, các cán bộ chủ chốt Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…các xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền về vai trò chủ thể của nông dân, trách nhiệm của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ các Hội tích cực vận động cán bộ, hội viên tham gia hiến đất, hiến công mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn.

Tham gia tư vấn, giám sát xã hội quá trình xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc các xã đã hướng dẫn việc thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng; kiện toàn Ban thanh tra nhân dân ở các xã; tập huấn cán bộ Mặt trận về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhiều xã ở Thái Bình đã kịp thời phát hiện ra những sai phạm, thiếu sót trong quá trình huy động vốn, sử dụng vốn và quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới…  Một trong những kinh nghiệm mà tỉnh Thái Bình rút ra sau 3 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là: “Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Thái Bình đã phát huy được vai trò phản biện xã hội của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho những thành công bước đầu của tỉnh”(4).

Một kinh nghiệm nữa trong phát huy tối đa sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, mỗi tổ chức thành viên đều được giao những nhiệm vụ cụ thể, phụ trách từng lĩnh vực để thực hiện các tiêu chí đề ra như: “Hội Phụ nữ tập trung vận động thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, vấn đề môi trường; Đoàn Thanh niên vận động thực hiện phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, đời sống; việc làm; Cựu chiến binh vận động thực hiện trồng cây xanh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, Hội Nông dân vận động phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cơ cấu lao động của địa phương…”(5).

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc tham gia của hệ thống chính trị cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình còn một số tồn tại, đó là:

Công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Nhìn chung, đa số nhân dân đều đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, xây dựng quyết tâm thực hiện. Song, trong tuyên truyền còn nặng về chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mà chưa chú ý đến mục tiêu chung là xây dựng một xã hội nông thôn từng bước hiện đại, có kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, một xã hội có nếp sống văn hóa. Một số nơi chưa chú ý xây dựng tiêu chí xây dựng thôn, làng gia đình văn hóa, giảm hộ nghèo, phát triển nghề và làng nghề, chưa chú trọng việc giảm thiểu tệ nạn xã hội, những hành vi phản văn hóa trong lễ hội, lễ cưới, lễ tang và các hoạt động văn hóa khác... Việc tuyên truyền vận động nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội cùng chung sức xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Nhiều nơi còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, thiếu chủ động sáng tạo, nên tiến độ thực hiện còn chậm. Phong trào chưa đều, bên cạnh những xã đạt kết quả tốt, còn nhiều xã thực hiện các tiêu chí đạt còn thấp.

Công tác xây dựng quy hoạch (quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết) chất lượng chưa cao. Một vài nơi, cán bộ chủ chốt thiếu kinh nghiệm và chuyên môn về xây dựng, còn phó mặc cho đơn vị tư vấn thiết kế, nên chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu bền vững, chưa phù hợp với quy hoạch chung của huyện và vùng. Xây dựng quy hoạch còn gò bó cứng nhắc, chạy theo chỉ số của các tiêu chí nên một số hạng mục công trình xây dựng xong chất lượng và hiệu quả sử dụng thấp như: nhà văn hóa, trạm cấp nước, chợ nông thôn, trạm rác thải… gây lãng phí tổn kém.

Cá biệt có nơi việc thực hiện công khai dân chủ còn hạn chế, nên có hiện tượng còn thắc mắc về quỹ đóng góp đối ứng của nhân dân, đền bù giải phóng mặt bằng... Việc dồn điền đổi thửa một số xã còn chậm. Một số xã chưa chú ý đến tổ chức sản xuất của nhân dân, thiếu quan tâm việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Một số sản phẩm tiêu thụ chậm hoặc không có thị trường gây khó khăn cho người sản xuất.

2. Một số giải pháp

Để tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình trong thời gian tới, cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và của chính quyền cấp xã trong việc chỉ đạo, điều hành, giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực tiễn việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình những năm qua cho thấy sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương có vai trò quyết định. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trực tiếp là cấp xã.

Đối với những xã đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, cần tổng kết thực tiễn, đúc rút những bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Đối với những xã chưa đạt chuẩn, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, cần tránh tình trạng quan liêu, chạy theo thành tích, tránh việc cào bằng. Cần tích cực, chủ động huy động sức mạnh tổng hợp từ chính quyền và nhân dân để phát huy sức mạnh tổng thể. Ngoài ra, Đảng và chính quyền cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm; xử lý nghiêm những tình trạng bao che, trục lợi trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực tiễn cho thấy, trong thực hiện bất kỳ nhiệm vụ chính trị nào, nhất là việc thực hiện đường lối, chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, vận động luôn phải đi trước một bước. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định thực hiện thành công, các cấp, các ngành đều phải quan tâm thực hiện.

Đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị cấp xã cần ý thức rõ về vai trò của công tác tuyên truyền, và chức trách nhiệm vụ của mình phải tham gia vận động nhân dân hưởng ứng và tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như những vấn đề nhân dân chưa thông suốt trong việc thực hiện chủ trương này. Mục đích cuối cùng của công tác tuyên truyền là tạo sự đồng thuận trong nhân dân về nhận thức để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

 Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đội ngũ cán bộ cần căn cứ vào tình hình, đặc điểm của dân cư ở địa phương, tùy từng lứa tuổi, giới tính, trình độ của nhân dân để có các hình thức tuyên truyền cho phù hợp. Nội dung tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới cần cụ thể, chi tiết để nhân dân dễ nắm bắt. Các thành viên hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực liên kết nhau để tuyên truyền có hiệu quả.

Thứ ba, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã cả về trình độ, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc, gắn với các yêu cầu mục tiêu xây dựng nông thôn mới; mỗi cán bộ xã cần nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò của tổ chức mình trong xây dựng nông thôn mới cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống để nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, đặc biệt là Chính phủ đa nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, liêm chính, đội ngũ cán bộ xã cần rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; đi đầu trong phát triển kinh tế và có trách nhiệm với quê hương để quần chúng noi theo.

Các cấp cần đầu tư tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ, chú trọng các chủ trương, chính sách, giải pháp mới về xây dựng nông thôn mới; kỹ năng chuyển tải bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với đặc điểm của mỗi địa phương; cách lồng ghép nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới…

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đó đạt được phần lớn là do hệ thống chính trị cấp xã ở tỉnh Thái Bình đã phát huy được vai trò to lớn của mình trong việc chỉ đạo, điều hành, giám sát, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Do đó, để Thái Bình tiếp tục hoàn thành các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, sự kết hợp của các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quẩn chúng nhân dân; chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ xã có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm… Đó chính là những giải pháp cơ bản cần được quan tâm.

__________________

(1), (2), (3), (4), (5) Nguyễn Hồng Chương: “Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình”, Tạp chí Tuyên giáo, số 7/2016, tr.21, 22, 22, 23, 24.

ThS Đào Thu Huyền

Trường Đại học Công đoàn

                                            

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền