Trang chủ    Thực tiễn    Kết quả và kinh nghiệm bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Bình
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 11:41
1637 Lượt xem

Kết quả và kinh nghiệm bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Bình

Trong 5 năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Bình trên cơ sở phát huy các lợi thế, khắc phục khó khăn, hạn chế, đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới và đã đạt kết quả quan trọng. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 1.665 tiêu chí đạt chuẩn, tăng 1.169 tiêu chí so với trước khi triển khai; 30 xã đạt 19 tiêu chí, 15 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 40 xã đạt 10-14 tiêu chí. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững, góp phần vào thành tựu chung của đất nước trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

1. Kết quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình giai đoạn 2010-2015

Một là, công tác tổ chức triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động, quy định trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác và phân công nhiệm vụ cho các thành viên văn phòng điều phối. Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện chương trình ở các địa phương định kỳ 6 tháng, 1 năm; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, nhất là đối với công tác lập quy hoạch, kế hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 11-2015 có 136/136 xã, huyện, thành phố xây dựng quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới, 100% được phê duyệt; 116/136 đã tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất.

UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 2109/KH-UBND ngày 7-11-2011 về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; triển khai, phổ biến mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư trong giai đoạn mới gắn với việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình tăng thời lượng và duy trì phát sóng các chuyên mục xây dựng nông thôn mới. Báo Quảng Bình đưa tin, đăng tải các bài viết, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. 100% địa phương phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều hình thức khác nhau như: in tờ gấp, đĩa CD tuyên truyền; cung cấp 617 bản trích lục 19 tiêu chí giữa các xã, thôn; xây dựng 117 bảng  pano; tuyên truyền tại trung tâm xã điểm; qua hệ thống loa phóng thanh... Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động tạo được sự chuyển biến trong nhận thức đối với các cấp, các ngành. Đặc biệt, đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, người dân đã đóng góp thực hiện chương trình với giá trị quy đổi bằng 586 tỷ đồng (gồm: hiến đất, tài sản, ngày công, công trình quy đổi thành 331,6 tỷ, tiền mặt 254,3 tỷ).

Hai là, công tác đào tạo, tập huấn cán bộ được chú trọng

Trong 5 năm, công tác đào tạo, tập huấn đã được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ thực thi chương trình ở cấp xã, thôn bản về xây dựng nông thôn mới. Cấp tỉnh tổ chức được 461 lớp với 18.374 học viên, 17 đoàn tham quan tại các tỉnh. Cấp huyện tổ chức 449 lớp tập huấn với hơn 17.490 lượt cán bộ các phòng ban chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo xã và các trưởng thôn, bản.

Ba là, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhậpcho người dân

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp được quan tâm. Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất được chú trọng. Nhờ đó, hỗ trợ cho 84 đề án sản xuất, 153 mô hình sản xuất có hiệu quả, tổ chức hơn 500 lớp đào tạo nghề với 16.822 lượt học viên. Đồng thời, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các hợp tác xã ngành nghề, thành lập hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi. Đến tháng 11-2015, toàn tỉnh Quảng Bình có 132 hợp tác xã nông nghiệp (trong đó có 32 hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012), 169 tổ hợp tác, 154 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên bờ và 648 trang trại, góp phần tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Tính đến cuối năm 2015, thu nhập của người dân nông thôn gấp 2,1 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm, đến cuối năm 2015 số hộ nghèo giảm còn dưới 5%; 77 xã đạt tiêu chí thu nhập (đạt 56,6 %, tăng 72 xã so với trước khi triển khai), 87 xã đạt tiêu chí việc làm thường xuyên (đạt 64%), 99 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất (đạt 66,9 %) tăng 46 xã so với trước khi triển khai.

Bốn là, kết cấu hạ tầng thiết yếu được mở rộng

Xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đối với Quảng Bình do địa hình tự nhiên của một số huyện vùng núi bị chia cắt. Với tinh thần quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay, tỉnh đã tiến hành tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới các hạng mục công trình giao thông nông thôn với nguồn vốn đầu tư đạt 656,81 tỷ đồng. Trong đó, có 25,9 km đường liên xã, 76,605 km đường liên thôn, 24,3 km đường ngõ. Hiện có 38 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 27,9%) tăng 38 xã so với trước khi triển khai. Việc cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất cũng được chú trọng. Đến nay, 67 xã đạt tiêu chí về thủy lợi đạt 27,9% tăng 37 xã so với trước khi triển khai. Nước sạch, vệ sinh môi trường và các công trình công cộng khác cũng được quan tâm. Toàn tỉnh hiện nay đã nâng cấp được 32 công trình nước sạch, hơn 59.417 hộ dân được sử dụng nước sạch. Nâng cấp 10 khu xử lý nước thải. Tính đến tháng 11-2015 có 61 xã đạt tiêu chí môi trường (đạt 27,9%) tăng 37 xã so với trước khi triển khai.

Năm là, giáo dục, y tế được tăng cường

Hiện nay, 100% xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 107 xã đạt tiêu chí về giáo dục (đạt 78,7%) tăng 89 xã. Lĩnh vực y tế được tỉnh quan tâm đầu tư, đã có 60 công trình y tế được xây mới, nâng cấp; 65% người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế; 12% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; 113 xã đạt tiêu chí y tế (đạt 83,1%).

Sáu là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội

Với chủ trương lấy trọng tâm là xây dựng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm thực hiện, 111/141 xã đạt tiêu chí tổ chức chính trị xã hội vững mạnh (tăng 55 xã, đạt 83,8%); 123 xã đạt tiêu chí an ninh trật tự xã hội (tăng 28 xã, đạt 90,4%).

2. Một số kinh nghiệm

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới

Để đạt được kết quả tốt, các cơ sở cần quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuân thủ các nguyên tắc thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, tuyên truyền để cả hệ thống chính trị góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng công tác tập huấn đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới tùy thuộc vào nhiều nhân tố, song nhân tố cơ bản có ý nghĩa quyết định, chi phối là con người và việc tổ chức, phát huy tối đa nhân tố con người trong sản xuất và đời sống xã hội. Vì vậy, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, để đạt kết quả cao, hoàn thành mục tiêu đề ra phải chăm lo phát huy tối đa đến con người, lấy con người làm trung tâm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào thực tế của địa phương

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai trên quy mô toàn quốc. Do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả, mỗi địa phương cần nghiên cứu và cụ thể hóa vào thực tế của địa phương mình. Có như vậy, chủ trương mới đi vào thực tiễn.

Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới

Công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu, tập trung hướng dẫn chỉ đạo, giúp đỡ điều chỉnh quy hoạch và đề án, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện đối với các chỉ tiêu khó thực hiện, nhất là ở một số xã miền núi và các xã ven biển. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ trong triển khai tổ chức thực hiện giữa các sở, ban, ngành.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nói chung và thực tế triển khai ở Quảng Bình nói riêng là phong trào rộng lớn. Đây là con đường đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam phát triển; thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay về xây dựng đời sống mới ở nông thôn.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

 

TS Lê Minh Tuynh

Trường Chính trị Quảng Bình

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền