Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật trên báo điện tử
Thứ tư, 12 Tháng 4 2017 15:37
2001 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật trên báo điện tử

(LLCT) - Xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật hiện đại, thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội gắn với tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống xã hội, để xây dựng được thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luậtlà công việc cơ bản, trọng yếu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là trách nhiệm, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có báo chí.

(Giao lưu trực tuyên trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ đề “đóng góp ý kiến vào dự  thảo Luật đất đai sửa đổi”, Nguồn: dangcongsan.vn)

1. Báo điện tử với nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật

Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống chính trị - xã hội mà một trong những tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ là tuyên truyền đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.Do đó, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 9-12-2003 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó yêu cầu: “Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về pháp luật với hình thức phong phú, sinh động; tăng thời lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số”.

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, năm 2012, Quốc hội ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật quy định rõ hình thức đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử và phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Luật Báo chí năm 2016, quy định rõ tuyên truyền pháp luật là một trong những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí là: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Là một loại hình báo chí, báo điện tử có những thế mạnh vượt trội về khả năng thông tin tức thời, đa phương tiện - cùng một lúc truyền tải chữ viết, hình ảnh, âm thanh; tính tương tác cao; khả năng lưu trữ lớn và siêu liên kết, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng. Do vậy, báo điện tử có vị trí quan trọng trong tuyên truyền pháp luật: là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp cho đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tìm hiểu, tiếp thu, nắm bắt, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật. Đồng thời, góp phần phản ánh sinh động thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt việc tốt trong chấp hành pháp luật; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong nhân dân. Báo điện tử thực sựlà cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phản ánh những đề xuất, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước; nêu ý kiến về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.

Nội dung tuyên truyền pháp luật trên báo điện tử là những văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành và những văn bản pháp quy do các cấp chính quyền địa phương ban hành mà các chủ thể tuyên truyền cần truyền đạt, trang bị cho nhân dân. Từ đó, giúp họ có được những kiến thức, hiểu biết nhất định về pháp luật; trên cơ sở đó, hình thành và phát triển ý thức pháp luật, củng cố niềm tin đối với pháp luật và hình thành lối sống theo pháp luật. Đó là những bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, các loại văn bản QPPL khác, đang có giá trị và hiệu lực thực thi, như: Hiến pháp; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Lao động; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Pháp luật phòng, chống tham nhũng; Pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước...

Một trong những nội dung tuyên truyền quan trọng là thực tiễn đời sống pháp luật trên cả nước, địa bàn từng tỉnh, trong từng khu vực: kết quả triển khai tuyên truyền pháp luật; kết quả thực hiện pháp luật; những gương sáng điển hình, tấm gương “người tốt, việc tốt” trong thực hiện pháp luật; tình hình tội phạm trên địa bàn; các âm mưu, thủ đoạn, phương thức phạm tội mới xuất hiện; kết quả hoạt động xét xử, bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng trong vùng... Việc phổ biến, tuyên truyền những nội dung thông tin về thực tiễn đời sống pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng: một mặt, động viên, khuyến khích, cổ vũ nhân dânhọc tập, làm theo những tấm gương sáng trong thực hiện pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng; mặt khác, giáo dục nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn phạm tội, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nội dung tuyên truyền pháp luật và đối tượng tuyên truyền có mối liên hệ mật thiết với nhau, do đó, phải căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu tiếp nhận kiến thức pháp luật của từng nhóm đối tượng để lựa chọn các nội dung tuyên truyền phù hợp. Với cán bộ, đảng viên (CBĐV), những người làm việc trong cơ quan nhà nước, là đảng viên có trình độ chính trị, học vấn, việc sử dụng báo điện tử để cập nhật kiến thức pháp luật và tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, với các nội dung: Pháp luật phòng, chống tham nhũng; Pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Thực trạng tuyên truyền pháp luật trên báo điện tử

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến đầu năm 2017, cả nước có 859 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình với 180 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; gần 18 nghìn nhà báo đã được cấp thẻ.Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục,tuyên truyền về pháp luật;tổ chức các lực lượng (nhóm, tổ, ban phóng viên) chuyên viết về đề tài pháp luật… Báo chí đã trở thành hệ thống thông tin đa phương tiện, làm tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến,giáo dục pháp luật thông qua hệ thống báo chí ngày càng được cải tiến và có hiệu quả…

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền pháp luật của báo chí vẫn còn một số yếu kém, hạn chế. Nhiều cơ quan báo điện tử còn chưa quan tâm đến việc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, đảng viên. Khảo sát trên: vnexpress.net; dantri.com.vn; baophapluat.vn; tienphong.vn; dangcongsan.vn cho thấy, các lĩnh vực pháp luật liên quan mật thiết tới cán bộ, đảng viên đó là: pháp luật phòng, chống tham nhũng; pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa được tuyên truyền tương xứng, chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn (0,38% số tin, bài tuyên truyền về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội). Trong đó, việc tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực: tổ chức - cán bộ, quản lý đất đai, xây dựng chưa đạt yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, chưa phản ánh đầy đủ thực tế tình trạng tham nhũng trong các lĩnh vực này. Việc tuyên truyền pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đậm nét, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của loại hình báo điện tử. Phần lớn các báo điện tử chưa chủ động, chưa có nhiều tin, bài tuyên truyền về pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong việc tuyên truyền pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước đề cập rất hạn chế về thiệt hại, hậu quả của hành vi vi phạm gây ra, số tiền Nhà nước phải bồi thường chưa minh bạch, tên người gây án oan sai còn ít được nhắc tới. Mặt khác, sự tương tác giữa cơ quan báo chí với độc giả chưa cao; hình thức trao đổi mới chỉ dừng lại ở việc truyền thông tin mà chưa nâng tầm thông tin ở mức cao hơn như: giáo dục, cảnh báo về những hành vi vi phạm pháp luật để tuyên truyền cho người khác (người thân trong gia đình; bạn bè đồng nghiệp; người cùng khu dân cư). Kết quả khảo sát cho thấy, 19,3% CBĐV khi được hỏi là “kể lại câu chuyện vừa đọc”; 13,9% là “Cung cấp thông tin, tư vấn cho người khác”...

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật

Một là, cần có chế tài cụ thể quy định quy chế cung cấp thông tin cho báo chí để đăng tải kịp thời, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm góp phần phê phán những hành vi sai trái; cảnh tỉnh, răn đe những hành vi ý định, hoặc cố tình gây thiệt hại, oan sai cho người vô tội.

Hai là, nâng cao chất lượng tin bài, cả nội dung và hình thức. Hiệu quả tuyên truyền pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng nội dung thông tin, sức hấp dẫn của việc truyền tải thông tin, hình thức thể hiện thông tin... là yếu tố quan trọng hơn cả. Do đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng thông tin, hàm lượng thông tin, việc lựa chọn cách thức, thể loại truyền tải thông tin phù hợp, hình thức thể hiện phong phú, sinh động, hiện đại, thân thiện sẽ làm cho ấn phẩm báo chí điện tử phát huy cao nhất thế mạnh của mình trong việc tuyên truyền pháp luật cho CBĐV, đáp ứng được nhu cầu thông tin của CBĐV và góp phần định hướng dư luận xã hội.

Ba là, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tự giác học tập, nâng cao ý thức trách nhiệm tuyên truyền và chấp hành pháp luật như Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân”. Cán bộ, đảng viên và cả tổ chức cần gương mẫu chấp hành pháp luật để trở thành những tấm gương sáng trong gia đình và cộng đồng.

Bốn là, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chủ quản cần quán triệt việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, nhằm chấn chỉnh tình trạng thông tin giật gân, câu khách, thông tin sai sự thật. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nguy cơ từ việc đưa thông tin pháp luật trên báo chí sai sự thật, thiếu khách quan đã làm tổn hại tinh thần, vật chất cho tổ chức, cá nhân; gây hoang mang dư luận; gây hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật; vô tình quảng bá, vẽ đường cho sai phạm...

Năm là, các cơ quan báo chí, trong quá trình tuyên truyền pháp luật cần tăng thêm các tin, bài tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật, góp phần nhân rộng những điều tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu. Đồng thời, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, sắp xếp quy hoạch rõ ràng, khoa học các cơ quan báo chí chuyên trách tuyên truyền về pháp luật, để việc tuyên truyền được chuyên sâu, là “địa chỉ đỏ” để công chúng, trong đó có CBĐV tìm đến đọc/xem/nghe, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết pháp luật, để tuân thủ pháp luật ngày càng tốt hơn.

Sáu là, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, phối hợp với các cơ quan Tư pháp Trung ương (Tòa án nhân dân Tối cao; Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp) cần xây dựng và tổ chức các giải báo chí tuyên truyền về đề tài pháp luật, nhằm củng cố, động viên lực lượng báo chí chuyên trách tuyên truyền về pháp luật. Qua đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật trên các loại hình báo chí, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ hành vi tuân thủ pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ CBĐV, thiết thực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

__________________

Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Văn Dững: Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lao động, Hà Nội, 2012

(2) ĐCSVN:Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, http://dangcongsan.vn

(3) ĐCSVN: Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 31-7-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí”, http://dangcongsan.vn

(4) Luật Báo chí năm 2016.

Nguyễn Văn Thắng

                                                                      Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền