Trang chủ    Thực tiễn    Di dịch cư tự do trên địa bàn tỉnh Lai Châu - Thực trạng và giải pháp
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:17
3173 Lượt xem

Di dịch cư tự do trên địa bàn tỉnh Lai Châu - Thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Từ những thập niên 60, 70thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước đề rachủ trương đưa nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng điphát triển vùng kinh tế mới, coi di dân là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tây Bắc, đồng thời, để xây dựng các nhà máy thủy điện, Nhà nước thực hiện các chương trình di dân, bảo đảm mặt bằng cho các công trình. Bên cạnh dòng di cư có kế hoạch do Nhà nước tổ chức,từ những năm 1990, tại các tỉnh vùng Tây Bắccòncó các dòng di cư tự do.

Ngày 1-1-2004, tỉnh Lai Châu được thành lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội khóa XI, trên cơ sở chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) và sáp nhập huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai. Tỉnh Lai Châu có diện tích 9.068,8km2, đứng thứ 10 cả nước; có 7 huyện, 1 thành phố, 108 xã, phường, thị trấn, dân số trên 400 nghìn người với 20 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 87%; tỉnh có đường biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dài 265,095km.

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt các Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg; hỗ trợ định canh - định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày
5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã thực hiện dự án sắp xếp, ổn định dân cư 2 xã Tà Tổng và Mù Cả, huyện Mường Tè, tổng diện tích sắp xếp, ổn định dân cư là 14.690,42 ha, 448 hộ với 2.979 khẩu. Trong đó, xã Tà Tổng 351 hộ, 2.450 khẩu; xã Mù Cả 97 hộ, 529 khẩu(1).

Tuy nhiên, do sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn, nênvấn đề di cư tự do trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu diễn biến tương đối phức tạp, khó kiểm soát, nhất là ở khu vực biên giới.

Từ năm 1998 đến hết năm 2003, có 2.068 hộ, với 11.516 khẩu di cư(2). Từ năm 2005 đến hết tháng 3-2014, có 915 hộ di cư tự với 4.905 khẩu. Trong đó, di cư đi: 729 hộ, 4.019 khẩu (đi tỉnh Điện Biên 549 hộ, 3.014 khẩu; đi các tỉnh Tây Nguyên 83 hộ, 399 khẩu; sang Trung Quốc 92 hộ, 582 khẩu; sang Thái Lan 5 hộ, 22 khẩu); di cư đến: 130 hộ, 646 khẩu, trong đó, di cư từ Trung Quốc đến: 1 hộ với 4 khẩu, từ tỉnh khác: 129 hộ, 642 khẩu, chủ yếu từ tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Giang, Sơn La di cư đến xã Tà Tổng và Mù Cả, huyện Mường Tè; di cư nội tỉnh: 56 hộ với 242 khẩu(3). Nơi dân đi chủ yếu từ các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Tam Đường, Nậm Nhùn. Nơi dân đến chủ yếu là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Nguyên (chủ yếu là tỉnh Đắk Nông).

Qua tìm hiểu cho thấy, nguyên nhân di dịch cư chủ yếu do thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, di cư theo anh em họ hàng. Ngoài ra, một số hộ di cư do các thế lực thù địch và các phần tử xấu kích động, dụ dỗ, lôi kéo.

Đa số dân di cư tự do là nhân dân lao động, cần cù, chịu khó trong sản xuất, do vậy, đối với địa phương đến, dân di cư có đóng góp vào phát triển kinh tế, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, hình thành các đơn vị dân cư mới ở những địa bàn còn ít dân; góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động.Tuy nhiên, đặc điểm của di cư tự do là “đi không báo, đến không trình”, và họ lựa chọn nơi đến cư trú một cách tùy tiện, bất thường, nên gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội của địa phương, phá vỡ kế hoạch, quy hoạch của địa phương. Dân dời đi dẫn đến một số nơi, nhất là khu vực biên giới “trống dân”, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ an ninh biên giới. Tình trạng tranh chấp đất canh tác và đất ở giữa dân nhập cư và dân sở tại diễn ra khá phức tạp, gây nhiều khó khăn cho chính quyền trong xử lý tranh chấp đất đai. Các vùng có dân nhập cư tự do thường tàn phá rừng bừa bãi để làm nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt các loại thú quý hiếm, dẫn đến môi trường sinh thái bị phá vỡ, gây lũ lụt, hạn hán, sạt lở nghiêm trọng...Di dân tự do gây khó khăn cho quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đặc biệt là rất khó khăn trong  việc thực hiện các chính sách như y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội đối với đồng bào dân tộc. Vì vậy, đời sống của dân di cư gặp nhiều khó khăn;dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội như nghiện hút, buôn bán ma túy cao, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Việc di cư tự do của một bộ phận đồng bào có đạo làm phá vỡ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc tại chỗ, như: bỏ nhạc cụ dân tộc, bỏ bàn thờ tổ tiên, văn hóa dân gian, đồ trang sức dân tộc. Dân di cư tự do đến thuộc nhiều tôn giáo khác nhau: Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo... Trong đó, chủ yếu theo đạo Tin lành. Do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu còn khó khăn, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế  nên các thế lực thù địch thường lợi dụng để tuyên truyền, lôi kéo đồng bào theo đạo, tuyên truyền cho âm mưu lập “Vương quốc Mông”, kích động đồng bào di cư tự do, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Diễn biến di cư tự do đang có chiều hướng phức tạp, nhất là di cư tự do ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và khu vực biên giới. Tình trạng di cư trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn ra nhưng không thường xuyên, chủ yếu là nhỏ lẻ theo từng hộ, phân tán, rải rác. Tuy nhiên, cần đề phòng hoạt động của các đối tượng xấu kích động, lôi kéo đồng bào di cư đi Điện Biên, Tây Nguyên hoặc sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan... (đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông).

Để có thể chủ động nắm bắt, quản lý thành công các dòng di dân, quản lý hiệu quả địa bàn dân cư, cần đổi mới nhận thức về vấn đề di dân và quản lý dân cư với phương châm phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Cầnquán triệt quan điểm, di dân là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của quốc gia, nhưng đó là di dân theo quy hoạch, kế hoạch. Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp để cho mọi công dân được cư trú và sinh sống theo quy định của pháp luật. Các địa phương có trách nhiệm bố trí nguồn lực và các biện pháp bố trí ổn định dân cư tại chỗ. Mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước trong việc lựa chọn nơi cư trú theo quy hoạch, kế hoạch, không di cư tự do; tập trung hỗ trợ đầu tư để giải quyết hài hòa các yêu cầu kinh tế, xã hội để ổn định đời sống, sản xuất của đồng bào ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện cho đồng bào di cư có điều kiện tổ chức sản xuất, ổn định đời sống, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý.

Để hạn chế những tác động tiêu cực của di cư tự do, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, làm cho mọi người dân nhận thức được tác hại của việc di cư tự do.Đổi mới cách thức tuyên truyền, áp dụng hình thức trực quan sinh động phù hợp với trình độ dân trí, văn hóa của từng dân tộc để mọi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và cả những người di cư tự do đã trở về quê cũ, để vận động người dân có ý định di cư tự do khắc phục khó khăn trước mắt, tích cực phát triển sản xuất, an tâm sinh sống. Kết hợp chặt chẽ công tác vận động, giáo dục với các biện pháp hành chính, kinh tế để đưa những cộng đồng di cư tự do vào định cư ở các vùng dự án và các vùng kinh tế đã được quy hoạch.

Sắp xếp lại dân cư những khu vực đặc biệt khó khăn về giao thông, thiếu nước sinh hoạt, đất sản xuất, những nơi có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét. Thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất theo vùng, trong đó ưu tiên phát triển ruộng lúa nước để bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Xen ghép di dân theo kế hoạchvà di dân tự dovào các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch ổn định các cộng đồng di cư tự do trên các vùng đất mới.

Tổ chức quản lý chặt chẽ dân cư, nắm chắc biến động nhân khẩu, hộ khẩu, kịp thời phát hiện dân di cư tự do đến và dân đi, quản lý, phân loại và có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lợi dụng những khó khăn trước mắt của đồng bào để lôi kéo, kích động, môi giới dân di cư tự do. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện tốt các chính sách phát triển sản xuất tập trung ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế, để người dân tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của các Chương trình 135, 134, 30a… Cần tăng cường năng lực quản lý dân cư với phương châm tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư được ổn định cuộc sống và được thụ hưởng các dịch vụ xã hội, nhất là đối với người nghèo nhập cư. 

Đẩy mạnh phát triển sản xuấtnông - lâm nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, ổn định cuộc sống của người dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững. Tập trung mở rộng diện tích sản xuất, tận dụng tối đa những nơi có khả năng phát triển ruộng nước để tạo quỹ đất, đầu tư hệ thống thủy lợi để bảo đảm nước tưới, tăng diện tích ruộng có khả năng sản xuất 2 vụ. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng, nhân rộng các điển hình người sản xuất giỏi, người có uy tín có trách nhiệm với cộng đồng; tổ chức tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các mô hình sản xuất hiệu quả; tăng cường tập huấn khuyến nông - khuyến lâm; tiếp tục hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, các loại máy móc. Tiếp tục thực hiện chính sách khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng. Nghiên cứu những chính sách mới phù hợp để người dân có nguồn thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới,  xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, nắm vững quy chế khu vực biên phòng, đường biên, mốc giới, cảnh giác trước các âm mưu thủ đoạn của các loại tội phạm để cùng với Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường phối hợp giữa các xã vùng biên, giữa các lực lượng quân đội, công an của tỉnh Lai Châu và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; kịp thời trao đổi thông tin, xử lý các đối tượng vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới giữa 2 nước hòa bình và hữu nghị để nhân dân yên tâm sinh sống.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, những khó khăn của miền núi, vùng cao để lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc, việc thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng di cư tự docó vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ổn định chính trị, giữ vững an ninh - quốc phòng tỉnh Lai Châu.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

(1), (2) Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu: Báo cáo  tình hình dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Lai Châu, 4-2014.

PGS, TS Nguyễn Tất Giáp

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Thị Mai

Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền