Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển các hình thức liên kết, khắc phục những hạn chế của kinh tế hộ nông dân trong bối cảnh hội nhập
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:40
2083 Lượt xem

Phát triển các hình thức liên kết, khắc phục những hạn chế của kinh tế hộ nông dân trong bối cảnh hội nhập

(LLCT) - Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn: bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Kinh tế hộ nông dân đã không ngừng phát triển, trở thành động lực quan trọng trong tăng trưởng nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Một bộ phận nông dân đã trở thành hộ sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do giới hạn về quy mô, điều kiện, khả năng sản xuất; những bất cập về cơ chế, chính sách nên một bộ phận lớn nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống.

1. Thực trạng kinh tế hộ nông dân và các mô hình liên kết ở nước ta hiện nay

Cho đến nay, khó khăn phổ biến của kinh tế hộ nông dân vẫn là quy mô nhỏ. Bình quân ruộng đất trên cả nước ở mức thấp (dưới 0,5ha/hộ), trong đó 35% số hộ có quy mô dưới 0,2ha. Tập quán sản xuất nhỏ vẫn còn khá phổ biến, sản xuất kinh doanh theo kiểu tự phát, biệt lập, hàng hóa chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, thu nhập từ nông nghiệp của đại bộ phận nông dân chưa đủ bảo đảm cuộc sống. Mặc dù có nông sản thặng dư và xuất khẩu được coi là thế mạnh của nước ta, nhưng hàng nông sản Việt Nam vẫn yếu thế so với các nước. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tuy đứng đầu hoặc trong nhóm đầu của thế giới về mặt số lượng, nhưng thua kém về chất lượng và giá trị, do đó chịu thua thiệt so với hàng hóa cùng loại của các nước khác trên thị trường.

Nông nghiệp Việt Nam về cơ bản vẫn thiếu sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp hoặc đã có sự liên kết nhưng chủ yếu ở mức thử nghiệm diện hẹp hoặc mang tính phong trào, nên luôn ở trong tình trạng cạnh tranh không cân sức khi các hiệp định thương mại đã hoặc sắp có hiệu lực. Do một bên là các nông trại quy mô lớn, liên kết chặt chẽ với các tập đoàn có uy tín, một bên là hộ nông dân nhỏ lẻ biệt lập, tự phát nên hàng hóa của hộ nông dân Việt Nam chưa có thương hiệu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trong điều kiện người nông dân chưa có khả năng thích ứng nhanh nhạy với sự biến động của thị trường thế giới như hiện nay, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các hộ nông dân trong tiếp cận thông tin, định hướng sản xuất sao cho phù hợp với xu hướng vận động của thị trường, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Hiện nay, mặc dù tỷ trọng nông hộ có quy mô nhỏ còn cao, song số lượng hộ có quy mô vừa và lớn ngày càng tăng lên, với sự hình thành của các nông trại, trang trại, đặc biệt là một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh có quy mô lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu như: vùng sản xuất lúa gạo, nuôi tôm, cá tra, trồng cây ăn trái ở ĐBSCL, vùng sản xuất cây công nghiệp: cà phê, điều, cao su, hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vùng sản xuất chè ở vùng núi phía Bắc và Lâm Đồng, vùng chăn nuôi bò sữa ở Sơn La, Nghệ An...Ở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung này đã hình thành các mô hình liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp.

Ở các tỉnh ĐBSCL, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là mô hình có hiệu quả, được thể hiện rõ trong sản xuất và tiêu thụ, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Thí dụ, với các hộ nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, sản lượng lúa năm 2013-2015 tăng 20-50%, thu nhập tăng thêm 7,5 triệu đồng/ha. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, do làm chủ được quy trình sản xuất, quản lý được chất lượng gạo nên có lợi thế hơn khi thương thảo hợp đồng với các đối tác nước ngoài về giá gạo xuất khẩu. Nhờ những ưu thế trên đây, CĐML đã và đang được nhân rộng ra ở các vùng miền trên cả nước, nhằm đưa kinh tế hộ đi lên sản xuất hàng hóa lớn. Việc thực hiện mô hình này giúp tập trung được ruộng đất, cơ giới hóa sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời tạo cơ sở hình thành các liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp theo hợp đồng: cung ứng giống (công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang), cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (Công ty phân bón Bình Điền), công ty thu mua lúa (Công ty cổ phần Gentraco)...

Mô hình chuỗi giá trị cũng là một hình thức liên kết với đặc trưng là mô hình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ (xuất khẩu). Mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn khi lợi ích tổng thể và các tác nhân trong chuỗi được nâng cao. Trong những năm qua, đã có một số mô hình liên kết thành công như: mô hình chuỗi giá trị gạo xuất khẩu ĐBSCL, mô hình tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến xuất khẩu cá tra thuộc Công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang, mô hình sản xuất và cung ứng mía nguyên liệu Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, mô hình nuôi trồng chế biến tiêu thụ thủy sản ở Nghệ An. Việc áp dụng các mô hình liên kết trên đây đã khắc phục được tình trạng nhỏ lẻ, biệt lập, tự phát trong sản xuất và khó khăn trong tiêu thụ; tạo sự gắn kết trách nhiệm; đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng; ổn định tiêu thụ; nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng cũng như thu nhập của hộ nông dân (20-30%).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: các mô hình liên kết còn ở diện hẹp, thiếu bền vững, chậm hoặc khó nhân rộng, nội lực của hộ nông dân còn yếu, thiếu cơ chế gắn kết trách nhiệm và lợi ích của các bên tham gia. Đối với mô hình CĐML, một số hộ nông dân tuy đã ký hợp đồng và nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp nhưng vẫn bán nông sản cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác với giá cao hơn khi thị trường biến động. Một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chưa tôn trọng hợp đồng mua bán sản phẩm, không thực hiện đúng cam kết giá mua. Trong thực hiện mô hình CĐML, doanh nghiệp trở thành nhà đầu tư hỗ trợ đầu vào, bao tiêu sản phẩm, cũng như quản trị chất lượng, do đó cần lượng vốn bổ sung đáng kể, nhưng hiện nay chưa có cơ chế khuyến khích hỗ trợ cho doanh nghiệp nên khó có thể nhân rộng.

Đối với mô hình chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu, hiện còn thiếu cơ chế gắn kết trách nhiệm và lợi ích giữa các tác nhân, vẫn tồn tại một số tác nhân trung gian, thiếu vai trò của tác nhân nòng cốt. Doanh nghiệp nhà nước được giao làm đầu mối xuất khẩu nhưng vẫn kinh doanh theo phương pháp truyền thống, làm theo chỉ tiêu, hạn ngạch, chưa làm được chức năng tìm kiếm mở rộng thị trường, điều tiết sản xuất phù hợp với xu hướng tiêu thụ nông sản chất lượng cao nên trong một thời kỳ dài, nông sản Việt Nam vẫn phải bán giá thấp ảnh hưởng đến lợi ích của cả chuỗi cũng như lợi ích của nông dân. Vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ liên kết còn mờ nhạt, thiếu cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

2. Giải pháp hoàn thiện các mô hình liên kết

Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ những rào cản về chính sách đất đai hiện nay, tạo điều kiện để hộ nông dân có quy mô đủ lớn tận dụng được lợi thế để bảo đảm hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập.

Đây là điều kiện cơ bản để ra đời hộ nông dân kiểu mới. Thí dụ về sự tác động của quy mô hộ nông dân đối với năng suất thu nhập và giá trị gia tăng của 3 loại hộ khi tham gia CĐML năm 2014 ở tỉnh An Giang. Về năng suất, hộ quy mô nhỏ đạt 5,9 tấn/1ha, hộ quy mô trung bình đạt 6,1tấn/1ha, hộ quy mô lớn đạt 6,3 tấn/1 ha. Về thu nhập, hộ quy mô nhỏ: 8,5 triệu/1ha, hộ trung bình: 11,0 triệu đồng/1ha, hộ quy mô lớn: 11,8 triệu đồng/1ha. Về tham gia chuỗi giá trị giá trị gia tăng, hộ quy mô nhỏ 21%, hộ trung bình 23%, hộ quy mô lớn 25%.

Như vậy, quy mô hộ có tác động lớn đến kinh tế hộ nông dân, do đó cần xử lý các quan hệ đất đai một cách phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động xã hội; khắc phục tình trạng người nông dân có đất nhưng thu nhập từ đất không đủ sống, một bộ phận nông dân phải rời quê hương, đi nơi khác kiếm sống, bỏ đất hoang hóa. Điều quan trọng là cần khẳng định giá trị quyền sử dụng đất như một loại tài sản, chuyển hóa quyền sử dụng đất thành vốn, giảm dần sự can thiệp hành chính, phân bổ lại việc sử dụng đất một cách hợp lý để người nông dân có đủ quỹ đất sản xuất, hình thành một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có khả năng lao động sáng tạo, biết hợp tác, liên kết, thay cho thế hệ nông dân “cha truyền con nối”, “lão nông tri điền”. Để làm được điều đó, cần có những chế định cụ thể: định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh gắn với thị trường, quy hoạch sử dụng đất, mở rộng quy mô hộ, quy định điều kiện và đối tượng chuyển nhượng, ban hành các mức thuế chuyển quyền sử dụng khi vượt quá giới hạn, tái phân phối lại khi cần thiết, ngăn chặn giao dịch ngầm và tình trạng đầu cơ, Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các mô hình liên kết

Đối với mô hình CĐML, doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư, tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo đảm thị trường tiêu thụ, nông dân nhận khoán, tập trung sản xuất theo hướng dẫn của doanh nghiệp, thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu. Kinh doanh nông nghiệp có một số đặc thù so với công nghiệp dịch vụ: chu kỳ sản xuất dài, dễ bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, tỷ suất lợi nhuận thấp, thị trường nông sản luôn biến động. Do đó, để phát triển bền vững và nhân rộng mô hình CĐML, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông qua nới lỏng thời hạn thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.

Đối với liên kết trong chuỗi giá trị, cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các tác nhân. Có hai vấn đề cần hoàn thiện: Một là, làm rõ trách nhiệm của các tác nhân khi tham gia chuỗi, thông qua xây dựng và thống nhất quan hệ hợp đồng, trong đó xác định cơ chế trách nhiệm và lợi ích một cách công bằng, công khai giữa các tác nhân tham gia, giảm tác nhân trung gian. Hai là, chọn tác nhân nòng cốt, thường là doanh nghiệp chế biến (xuất khẩu) làm một số chức năng quản trị của toàn chuỗi: khởi thảo, thống nhất hợp đồng, tìm kiếm thông tin thị trường, xác định các tiêu chuẩn về chất lượng của các nhà nhập khẩu, tìm kiếm, lựa chọn, mở rộng thị trường, đàm phán về giá, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Ba là, xây dưng cơ chế quản lý, kiểm soát đầu vào: giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi... Trong ngắn hạn, cần hoàn thiện các giải pháp, tìm kiếm, lựa chọn các công ty cung ứng, các hãng sản xuất có uy tín, khuyến khích đầu tư (nhất là liên doanh), quản lý phân phối (nhất là các đại lý). Trong dài hạn, cần có lộ trình và bước đi để sản xuất một số sản phẩm mà trong nước có thể đáp ứng được như: giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi để chủ động trong cung ứng và giảm chi phí đầu vào cho nông dân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

Tài liệu tham khảo

1. Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT: Hội nghị tổng kết thực hiện phong trào cánh đồng mẫu lớn 2011 - 2012, Nxb Nông nghiệp, 2013.

2. Nguyễn Cúc: Chính sách nhà nước đối với nông dân trong điều kiện thực hiện các cam kết của WTO.

3. Vũ Trong Khải: Cánh đồng mẫu lớn và tổ chức sản xuất theo hợp đồng, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 10/2012.

4. Đào Thế Anh: Nghiên cứu chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL, Tạp chíKhoa học và công nghệ số 7-2013.

5. Sở nông nghiệp và nông thôn tỉnh An Giang: Báo cáo tổng kết nông nghiệp nông thôn 2013 - 2014.

 

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền