Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp trong các tín ngưỡng truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 13:20
5482 Lượt xem

Phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp trong các tín ngưỡng truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay

(LLCT) - Hệ thống tín ngưỡng ở vùng đồng bằng sông Hồng rất đa dạng, phong phú, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, như: đạo lý hiếu nghĩa, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tôn sư trọng đạo, sáng tạo, đoàn kết, ý thức cộng đồng,... Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong tín ngưỡng đó cần: nghiên cứu, hệ thống hóa các giá trị văn hóa, đạo đức trong các tín ngưỡng; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng; nâng cao vai trò của những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng; gắn bảo tồn, phát huy với các chương trình kinh tế - xã hội.

Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc nước ta, gồm 11 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Vùng ĐBSH là cái nôi của nền văn minh sông Hồng với nhiều nét văn hóa đặc sắc, lưu giữ biết bao dấu ấn lịch sử và truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.Đúng như học giả Đào Duy Anh nhận xét: “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không có một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta giành lại quyền sống với tạo vật”(1).

Hệ thống tín ngưỡng ở vùng ĐBSH rất đa dạng, phong phú, từ tín ngưỡng liên quan đến đời sống cá nhân, đời sống gia đình đến tín ngưỡng liên quan đến đời sống của cộng đồng xã hội; từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng những người có công với làng đến tín ngưỡng thờ cúng những người có công với nước; từ tín ngưỡng thờ thần đến tín ngưỡng thờ mẫu, vv.. Trong quá trình phát triển, các loại hình tín ngưỡng đã tiếp biến các giá trị văn hóa, đạo đức, phong tục, tập quán của cộng đồng, nhờ vậy một mặt làm cho tín ngưỡng có sức sống lâu bền trong lòng người dân, mặt khác trở thành nơi lưu giữ nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Một trong những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật của dân tộc được lưu giữ lâu bền trong tín ngưỡng truyền thống vùng ĐBSH và ngày nay vẫn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống là đạo lý hiếu nghĩa“uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Theo đạo lý truyền thống của dân tộc, bất cứ người nào cũng phải phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi còn sống và thờ cúng khi ông bà, cha mẹ đã khuất. Việc thờ cúng đó thể hiện sự hiếu thuận của con cháu, đồng thời là phương thức giữ gìn truyền thống, là cách thức trao truyền văn hóa, giáo dục đạo làm người cho các thế hệ sau. Cũng như ở các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, người dân vùng ĐBSH rất coi trọng thờ cúng tổ tiên, xem đó là đạo làm người. Theo số liệu thống kê ở địa bàn 5 tỉnh, thành phố, trong đó có thủ đô Hà Nội thì 100% các gia đình ở cả thành phố và nông thôn đều có ban thờ tổ tiên(2). Xuất phát từ quan niệm dù đã thác nhưng linh hồn ông bà, tổ tiên vẫn luôn ở bên cạnh con cháu, nên việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm. Ngoài việc cúng lễ trong các dịp quan trọng và các ngày lễ tết, người dân vùng ĐBSH còn kính cáo với tổ tiên mọi chuyền vui buồn trong cuộc sống. Ngoài việc thờ cúng ông bà, cha mẹ đã mất ở mỗi gia đình, người dân còn thờ cúng thủy tổ dòng họ ở từ đường hoặc ở nhà trưởng họ. Trong những dịp giỗ tổ hay cúng tế lễ, tết, điều không thể thiếu đó là việc trưởng họ (hoặc người đại diện) ôn lại sự nghiệp, công trạng của các vị tổ để giáo dục con cháu nhớ, hiểu biết về tổ tiên và biết ơn nguồn cội.

ĐBSHlà vùng có thiết chế làng xã rất chặt chẽ, mỗi làng có nét rất riêng trong sinh hoạt văn hóa, tâm linh, nhưng đồng thời dễ nhận thấy những yếu tố hòa nhập và những nét rất chung của làng xã Việt, với cây đa, giếng nước, sân đình và gắn liền là các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội dân gian đặc sắc. Khắp các làng quê vùng ĐBSH đều duy trì việc thờ cúng thần làng và Thành hoàng làng “là các vị thần bảo vệ, che chở cho cộng đồng”(3). Bởi vậy, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ngoài việc thể hiện nhu cầu tâm linh còn mang giá trị đạo đức uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người có công tạo dựng làng xã.

Các tín ngưỡng truyền thống vùng ĐBSH chứa đựng các biểu tượng về tinh thần yêu nước, tự hào, tự cường dân tộc.Vùng ĐBSH là nơi có nhiều đền thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với nước. Có những vị anh hùng dân tộc vừa được tôn làm Thành hoàng làng, như: Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng,... vừa được lập đền thờ để cả cộng đồng thờ cúng. Chỉ tính riêng các nơi thờ Trần Hưng Đạo, đã có tới hàng trăm di tích: Nam Định và Hà Nam có trên 200 di tích; Thái Bình có 40 di tích, Hải Dương và Hưng Yên có gần 80 di tích; Hà Nội có trên 50 di tích...(4). Hiện nay nhiều đền thờ anh hùng dân tộcđã trở biểu tượng tâm linh không chỉ của cư dân trong vùng mà của nhân dân cả nước. Hàng năm, các đền thờ này thu hút hàng triệu lượt người đến dâng lễ thờ cúng tỏ lòng thành kính và cầu cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, cuốc sống no đủ, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Việc thờ cúng các tổ sư, tổ nghề, danh nhân văn hóatrong tín ngưỡng truyền thốngthể hiện và tôn vinh tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cha ông. Cùng với sản xuất nông nghiệp lúa nước, cư dân ĐBSH đã phát triển rất nhiều nghề thủ công khác nhau, hình thành nên các làng chuyên về một nghề nào đó. Và để cảm tạ những người đã có công sáng tạo, truyền bá nghề, người dân lập các đền, miếu thờ cúng hoặc phối thờ trong đình, đền, chùa... Có nhiều vị tổ sư nghề là những con người xuất thân trong một làng quê, trải qua vất vả đã sáng tạo ra một nghề mới, hoặc nắm vững bí quyết phát triển nghề, rồi truyền lại cho con cháu, người trong họ, trong làng,... làm cho nghề đó được phát triển. Có nhiều vị tổ sư nghề là các bậc đại quan, trong thời kỳ trị nhậm ở địa phương đã có công phát triển nghề, cũng có vị là bậc học giả, tiêu biểu như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông được tôn vinh là tổ sư nghề  Y học Việt Nam.

ĐBSH là vùng đất văn hiến, người dân rất quý trọng các bậc hiền tài, trí giả. Từ xưa đến nay, những người học hành đỗ đạt, những người có công truyền bá kiến thức, mở mang dân trí đều rất được kính trọng. Nhiều bậc danh nhân văn hóa khi mất đã được cộng đồng thờ cúng ở đình làng hoặc lập đền thờ với sự tôn kính và niềm tự hào của người dân. Nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với tên tuổi của các danh nhân văn hóa, tiêu biểu như Đền thờ Chu Văn An - bậc “Vạn Thế Sư Biểu” ở Hải Dương, đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, vv.. luôn là biểu tượng của truyền thống văn hiến, tôn sư trọng đạo, vì vậy, giá trị văn hóa, đạo đức trong tín ngưỡng thờ danh nhân văn hóa có sức lan tỏa lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng và cả nước.

Tín ngưỡng truyền thống vùng ĐBSH chứa đựng và góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, xây dựng ý thức cộng đồng của người dân. Con người Việt Nam nói chung, người dân vùng ĐBSHnói riêng có lối sống gắn bó với cộng đồng, coi trọng sự gắn kết giữa cá nhân, giađình, làng xóm. Trong gia đình và dòng họ, ýthức có chung nguồn cội, tình cảm tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ, lòng tôn kính và các hành vi thờ cúng tổ tiên góp phần giúp cho anh em trong gia đình, họ tộc gắn bó, đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tương tự, việc cùng thờ cúng các vị thành hoàng làng và các các vị thần, thánh, mẫu... góp phần giáo dục cho các thành viên về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, qua đó có ý thức gắn kết với cộng đồng. Điều đặc biệt là trong tín ngưỡng truyền thống, bản thân đối tượng thờ cúng bao giờ cũng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết.Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đó là biểu tượng về  một nguồn cội chung:trong gia đình là tổ tiên, trong cả nước là Quốc Tổ Hùng Vương. Trong tín ngưỡng thờ thần làng và thành hoàng làng, đó là biểu tượng về sự cố kết cộng đồng; trong tín ngưỡng thờ tổ sư, tổ nghề, đó là biểu tượng về sự đồng cam, cộng khổ; trong tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc, đó là biểu tượng về tinh thần đoàn kết, anh dũng hy sinh vì cộng đồng, dân tộc,vv.. Các loại hình tín ngưỡng có thể khác nhau về đối tượng thờ cúng, về các hình thức thờ phụng và lễ bái, nhưng đều là chỗ dựa tinh thần của người dân, một mặt đáp ứng nhu cầu tâm linh nhưng mặt khác là phương thức quy tụ cộng đồng, kết nối giữa cá nhân - gia đình - dòng họ - làng xã và xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng dân tộc.

Các tín ngưỡng truyền thống vùng ĐBSH hàm chứa ý nghĩa mong muốn chung sống hài hòa với tự nhiên. Từ thưở xa xưa, trong quá trình từ miền núi xuống chinh phục ĐBSH, người Việt đã sáng tạo ra nhiều hình thức tín ngưỡng gắn liền với đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Với quan niệm vạn vật hữu linh, những hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất được người dân xem là các lực lượng siêu nhiên cần phải thờ cúng để cầu mong mưa thuận gió hòa, hạn chế thiên tai. Vì vậy, trong các hình thức tín ngưỡng truyền thống, tín ngưỡng thờ nhiên thần chiếm số lượng rất lớn, trong đó việc thờ thủy thần phân bố rộng khắp khu vực ĐBSH. Khát vọng cầu nước và trị thủy đã được người dân vùng ĐBSHgửi gắm các biểu tượng thờ cúng thần sông, thần nước cùng các lễ hội cầu mưa. Đặc biệt, sự tiếp biến giữa tín ngưỡng thờ thần bản địa với Phật giáo đã làm xuất hiện tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, loại hình tín ngưỡng  mang ý nghĩa trân trọng yếu tố nước, đồng thời thể hiện sự cầu mong tránh được những thiên tai bão lụt, hạn hán. Bên cạnh việc thờ cúng thần tự nhiên, người dân vùng ĐBSH còn duy trì các nghi thức tôn thờ lực lượng siêu nhiên quyết định sự sinh sôi nảy nở, hay còn gọi là tín ngưỡng phồn thực. Mặc dù tín ngưỡng này ở vùng ĐBSH  không còn đậm nét như ở một số vùng dân tộc thiểu số, nhưng triết lý âm dương hài hòa, coi trọng sự sinh trưởng vẫn còn được lưu giữ trong nhiều lễ hội.

Tín ngưỡng truyền thống còn được thể hiện rõ trong kiến trúc đình làng, chùa làng, đền, miếu, am, phủ, nằm trong quần thể hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan của làng, tạo nên không gian vừa thiêng liêng vừa gần gũi và giao hòa với thiên nhiên. Các lễ hội tín ngưỡng với các lễ rước tượng, tắm tượng cùng các trò chơi dân gian diễn ra trong khung cảnh làng quê thanh bình khiến mọi thành viên tham gia đều cảm giác được sống trong không gian tâm linh gắn quyện với cảnh sắc quê hương, đất nước, từ đó góp phần hình thành lối sống hòa hợp với thiên nhiên.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, tín ngưỡngtruyền thống vùng ĐBSH lưu giữ nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ngày nay những giá trị đó vẫn phù hợp với công cuộc xây dựng đất nước nói chung, xây dựng nền đạo đức mới nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, tín ngưỡng truyền thống vùng ĐBSH cũng tồn tạimột số tập tục lạc hậu không phù hợp với định hướng xây dựng nền đạo đức mới: Chẳng hạn như: tục cướp ấn, cướp lộc thánh ở một số lễ hội tín ngưỡng hay tục chém lợn ở sân đình trong Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Một sốhình thức tín ngưỡng được phục hồi theo hướng phô trương hình thức, thậm chí lai căngnhư: tổ chức giỗ chạp linh đình;xây dựng mồ mả lớn để chứng tỏ “có hiếu”; xây dựng từ đường thật bề thế để chứng tỏ hơn họ khác... Bên cạnh đó, cùng với phục hồi các loại hình tín ngưỡng, các hiện tượng mê tín, hủ tục cũng gia tăng. Ở nhiều cơ sở tín ngưỡng, việc bốc quẻ, xem quẻ, xem tướng, tử vi, bói toán diễn ra một cách công khai, cả ở nơi thờ tự, trong khuôn viên và ở lối vào. Việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi để lại hậu quả rất lớn, làm tổn hại tới tài sản, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng của người dân.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp trong tín ngưỡng truyền thống ở vùng ĐBSH, cần quan tâm giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Một là, điều tra, nghiên cứu, hệ thống hóa các giá trị văn hóa, đạo đức trong các tín ngưỡng truyến thống vùng ĐBSH. Trước hết cần có sự điều tra, nghiên cứu, hệ thống hóa lại một cách đầy đủ các giá trị đạo đức truyền thống được bảo lưu trong các loại hình tín ngưỡng khác nhau hiện diện ở khu vực ĐBSH. Trên cơ sở đó, có sự đánh giá khách quan, khẳng định rõ những giá trị tốt đẹp còn phù hợp với xã hội hiện nay cần bảo tồn, phát huy; những giá trị đã lỗi thời, lạc hậu cần thay đổi; những yếu tố biến tướng do bị lợi dụng vì mục đích trục lợi và những yếu tố có tính chất mê tín, dị đoan “ký sinh” trong các hoạt động tín ngưỡng cần loại bỏ.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng về những giá trị đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng truyền thống và ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy các giá trị đó trong đời sống xã hội. Có một thực tế là nhiều người tham gia sinh hoạt tín ngưỡng theo thói quen, thậm chí chỉ mang mục đích vụ lợi, cầu xin thần thánh ban cho tiền tài, chức tước, địa vị...mà ít quan tâm đến ý nghĩa văn hóa, giá trị đạo đức, tính nhân văn trong các sinh hoạt tín ngưỡng. Không ít cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cũng chưa am hiểu sâu sắc về tín ngưỡng truyền thống; chưa phân biệt rõ đâu là giá trị văn hóa đích thực, đâu là những yếu tố mê tín, hủ tục hay bị biến tướng, bị lợi dụng, sẽ rất khó phát huy được giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp trầm tích trong tín ngưỡng truyền thống. Bởi vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh việc tuyền truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng về những giá trị tốt đẹp, tích cực của tín ngưỡng cũng như loại trừ những yếu tố lạc hậu, không phù hợp với hiện nay. Đặc biệt, chú ý tuyên truyền để người dân phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa tín ngưỡng và các hiện tượng “đạo lạ” xuất hiện ở nhiều địa phương vùng ĐBSH trong thời gian gần đây. Đồng thời, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn giá trị tích cực của tín ngưỡng cũng như tham gia đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng vào mục đích xấu. Trong tuyên truyền, cùng với việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân, cần chú ý phát huy tối đa vai trò của hệ thống thông tin đại chúng để định hướng giá trị và dư luận trong bảo vệ, phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp cũng như phê phán các hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật.

Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng.Thực tế cho thấy, lĩnh vực quản lý nhà nước về tín ngưỡng đang có nhiều vướng mắc, bất cập do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; còn có sự chồng chéo giữa cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan quản lý về tôn giáo. Bởi vậy, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý tín ngưỡng, tôn giáo và cơ quan quản lý văn hóa, phân định rõ trách nhiệm, tránh sự chống chéo cũng như “bỏ trống” nhiệm vụ, bảo đảm để các hoạt động tín ngưỡng tuân thủ pháp luật, phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại.

Bốn là, nâng cao vai trò của những người trực tiếp tổ chức thực hành tín ngưỡng truyền thống. Các tín ngưỡng truyền thống không có tổ chức giáo hội chặt chẽ như tôn giáo, nhưng bao giờ cũng có những người trực tiếp tổ chức và hướng dẫn sinh hoạt tín ngưỡng cho cộng đồng. Đó thường là những người tình nguyện hoặc được các cộng đồng cử ra đảm trách nhiệm vụ thay mặt cộng đồng quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức thực hiện các nghi lễ, lễ hội tín ngưỡng. Họ có vai trò quan trọng trong việc duy trì và định hướng cho hoạt động tín ngưỡng. Bởi vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm  đến đội ngũ này, vận động họ thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tín ngưỡng.

Năm là, gắn kết việc bảo tồn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp trong tín ngưỡng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn hóa tại cơ sở. Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần xác định việc bảo tồn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp trong tín ngưỡng là một trong những nội dung của các chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như trong kế hoạch phát triển ngành du lịch. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, với những nơi có cơ sở tín ngưỡng, cần đưa việc sinh hoạt tín ngưỡng có văn hóa thành một tiêu chí xác định gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa. Đồng thời, đưa vấn đề sinh hoạt tín ngưỡng có văn hóa vào nội dung các quy ước cộng đồng hay quy chế tổ chức lễ hội tín ngưỡng để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng truyền thống, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và tốt đẹp hơn r

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1) Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 2002, tr.7.

(2), (3), (4) Xem Ngô Đức Thịnh (chủ biên): Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.84, 113, 224.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương,Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002

2. Toan Ánh: Phong tục Việt Nam (Thờ cúng tổ tiên),Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

3. Cộng đồng làng xã Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001

4. ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

5. Nguyễn Đăng Duy: Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001.

6. Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 1998.

7. Ngô Đức Thịnh (chủ biên): Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

8. Lương Thị Thoa (chủ biên): Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam (Sách tham khảo),Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

 

PGS, TS Lê Văn Lợi

Vụ Quản lý khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền