Trang chủ    Thực tiễn    Kết quả thực hiện một số công tác đối với đạo Tin lành ở nước ta
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 13:13
4964 Lượt xem

Kết quả thực hiện một số công tác đối với đạo Tin lành ở nước ta

(LLCT) - Ngày 4-2-2005,Chính phủ ban hành Chỉ thị số: 01/2005/CT-TTg Về một số công tác đối với đạo Tin lành  (gọi tắt là Chỉ thị 01). Chỉ thị 01 thể hiện sự tiếp tục đổi mới quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Việc thực hiện Chỉ thị 01 trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định tình hình đạo Tin lành, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc; đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, từ thực tiễn quá trình thực hiện cũng đặt ra cho Đảng, Nhà nước và các địa phương nhiều vấn đề cần phải giải quyết.  

1. Tình hình đạo Tin lành ở nước ta trước khi có Chỉ thị 01

Đạo Tin lành được truyền vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX, năm 1911 chính thức có mặt ở Việt Nam.

Thời kỳ 1911-1954, đạo Tin lành đã có những bước phát triển cơ bản về tổ chức, cơ sở thờ tự và tín đồ. Năm 1954, cả nước có 60 nghìn tín đồ đạo Tin lành.

Giai đoạn 1954-1975, đạo Tin lành có điều kiện thuận lợi để phát triển ở miền Nam và Tây Nguyên, năm 1975 cả nước có khoảng 200 nghìn tín đồ.

Cùng với quá trình thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đạo Tin lành đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Trước khi có Chỉ thị 01, tình hình đạo Tin lành ở nước ta khá phức tạp, nhất là ở vùng DTTS thuộc hai khu vực trên. Tây Nguyên là nơi có đông tín đồ đạo Tin lành người DTTS, với khoảng 300 nghìn người (năm 2004). Một bộ phận đáng kể tín đồ chưa được sinh hoạt đạo công khai và tập trung tại nhà thờ, nhà nguyện, tạo ra sự phức tạp về mặt tôn giáo và xã hội. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã gây ra hai cuộc bạo loạn chính trị năm 2001 và 2004 tại khu vực Tây Nguyên.

Ở vùng miền núi phía Bắc, trước thập niên 80 thế kỷ XX, chỉ có một bộ phận người Dao (khoảng 1.300 người) ở Bắc Sơn, Lạng Sơn theo đạo Tin lành. Tuy nhiên, từ giữa những năm 1980 đến nay, đạo Tin lành phát triển nhanh trong vùng DTTS, chủ yếu trong tộc người Mông và Dao. Trong khi vẫn còn một số nơi chưa nhận thức đúng đắn và hiểu biết bản chất của đạo Tin lành, chưa thừa nhận thực tế tồn tại của tôn giáo này, thậm chí sử dụng các biện pháp hành chính để hạn chế. Tình trạng đó dẫn đến mâu thuẫn giữa đồng bào theo đạo và chính quyền, có nơi mâu thuẫn diễn ra gay gắt, xảy ra tình trạng căng thẳng trong đồng bào(1).

Tình hình tôn giáo diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của nước ta. Mỹ và châu Âu phê phán Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, hạn chế hoạt động của đạo Tin lành, gây khó khăn cho chúng ta trong việc đàm phán gia nhập WTO và hội nhập thế giới. Trong bối cảnh như vậy(2), Chỉ thị 01được ban hành nhằm ổn định và bình thường hóa hoạt động của đạo Tin lành ở nước ta.

 2. Nội dung cơ bản của Chỉ thị 01

Chỉ thị 01 thể hiện chủ trương giữ ổn định tình hình và từng bước bình thường hóa hoạt động của đạo Tin lành ở nước ta. Nội dung cơ bản là:

- Đưa sinh hoạt tôn giáo của đạo Tin lành đi vào nền nếp bình thường, phù hợp với pháp luật; động viên mọi chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo. Kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo, hay đạo Tin lành để kích động, lôi kéo đồng bào gây chia rẽ dân tộc, chống phá đất nước.

- Hướng dẫn, giúp đỡ Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam)(3) thực hiện các hoạt động tôn giáo theo đúng Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội và tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Đối với đồng bào theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên, Nam Trường Sơn và các tỉnh miền Trung: Tiếp tục xem xét công nhận các chi hội(4)thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và tạo điều kiện thuận lợi để các chi hội này xây dựng nơi thờ tự, đào tạo và bố trí chức sắc hướng dẫn việc đạo cho các chi hội đã được công nhận theo quy định của pháp luật.

Đối với những nơi chưa đủ điều kiện để được công nhận lập chi hội, nếu đồng bào theo đạo có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy thì chính quyền xã, phường tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện các sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình hoặc chấp thuận cho đồng bào đăng ký sinh hoạt tôn giáo tại địa điểm thích hợp trong buôn, làng.

- Đối với khu vực miền núi phía Bắc:

Đối với bộ phận đồng bào theo đạo Tin lành và có nhu cầu tín ngưỡng thực sự, hướng dẫn cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, hoặc nơi nào có nhu cầu thì hướng dẫn cho đồng bào đăng ký sinh hoạt ở địa điểm thích hợp tại bản, làng. Khi hội đủ các điều kiện thì tạo thuận lợi cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật.

- Đối với các tổ chức, hệ phái Tin lành chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, để công nhận tư cách pháp nhân, nếu xét thấy thực sự có nhu cầu tín ngưỡng thì hướng dẫn thực hiện việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền xã, phường. Từng bước xem xét công nhận tư cách pháp nhân đối với các tổ chức, hệ phái Tin lành khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Uỷ ban nhân dân các cấp cần quan tâm giúp đỡ giải quyết nhu cầu về xây dựng cơ sở thờ tự, phong chức sắc, bồi dưỡng giáo lý của các hệ phái Tin lành đã được công nhận(5).

3. Kết quả thực hiện Chỉ thị 01

Chỉ thị 01 là một bước đột phá trong nhậnthứcvề đạo Tin lành. Thực tế đã khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo nói chung, với đạo Tin lành nói riêng là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu tôn giáo của tín đồ, chức sắc đạo Tin lành.

Qua 10 năm thực hiện, đến nay, hầu hết các tỉnh đã thừa nhận sự tồn tại của đạo Tin lành ở địa phương mình, thấy rõ đó là nhu cầu tôn giáo chính đáng của một bộ phận nhân dân và từng bước đưa vào quản lý theo pháp luật.

Việc thực hiện Chỉ thị 01 cũng góp phần quan trọng làm thay đổi nhìn nhận, đánh giá của các tổ chức, cá nhân nước ngoài về tình hình tôn giáo Việt Nam, từ chỗ quan ngại đến chia sẻ, đồng thuận và có những đánh giá tích cực, qua đó cải thiện quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Năm 2006, Chính phủ Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo(CPC), tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam gia nhập WTO.

Chỉ thị 01 làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành, đặc biệt là ở vùng DTTS Tây Nguyên và Tây Bắc theo hướng ổn định, giảm bớt những diễn biến phức tạp. Các tổ chức Tin lành sau khi được công nhận đã đi vào hoạt động nền nếp, tuân thủ pháp luật; các chức sắc, tín đồ phấn khởi, cởi mở, mối quan hệ với chính quyền địa phương cũng được cải thiện.

Chỉ thị làm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành, giúp nắm chắc hơn về số lượng tín đồ và diễn biến của đạo, từ đó có những chính sách, chủ trương công tác phù hợp, đúng đắn.

Nhu cầu tôn giáo được đáp ứng, đã giúp các tín đồ ổn định cuộc sống, tích cực sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội, tuân thủ pháp luật, cũng như có ý thức cảnh giác, chủ động phối hợp với chính quyền đấu tranh với những hành vi lợi dụng đạo Tin lành của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 01 còn một số hạn chế, bất cập:

Kết quả đạt được chưa đồng đều giữa các khu vực, cũng như giữa các tỉnh trong cùng một khu vực. Ở Tây Nguyên, việc thực hiện Chỉ thị 01 tương đối thuận lợi, với trên 80% số tín đồ được sinh hoạt tôn giáo công khai, hợp pháp trong các chi hội và các điểm nhóm(6). Trong khi đó, ở miền núi phía Bắc, sau 10 năm thực hiện (2005-2015) mới cấp đăng ký cho khoảng 37% số điểm nhóm(7) và đang ở giai đoạn đầu quá trình bình thường hóa hoạt động.

Trong khu vực có nhiều đồng bào theo đạo Tin lành, nhưng việc quản lý xã hội còn hạn chế, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng tình hình tạo nên “điểm nóng” xã hội.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là: Thứ nhất,nhận thức về đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Nhiều cán bộ chưa hiểu đầy đủ về đạo Tin lành, do đó chưa tích cực triển khai Chỉ thị 01. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo còn bất cập, thiếu cán bộ làm công tác tôn giáo cấp xã, phường, thị trấn (những nơi có đông người theo đạo). Thứ hai,công tác vận động quần chúng trong vùng dân tộc theo đạo Tin lành tuy có đổi mới nhưng chưa bền vững, cách làm chủ yếu theo vụ việc, định kỳ, thiếu tính chiến lược. Thứ ba,một số nội dung của Chỉ thị 01 chưa được hướng dẫn cụ thể, như điều kiện để được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo, hay nội dung quản lý điểm nhóm sau khi cấp đăng ký.

4. Những vấn đề đặt ra hiện nay

Về quản lý điểm nhóm đạo Tin lành sau khi cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo 

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 01, tính riêng ở Tây Nguyên và Tây Bắc đã có trên 360 chi hội Tin lành được công nhận và gần 2.000 điểm nhóm được cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Số lượng chi hội, điểm nhóm lớn trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở các tỉnh có hạn, nên việc quản lý, nắm bắt hoạt động của các điểm nhóm Tin lành gặp nhiều khó khăn.

Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo, cần công nhận tổ chức, in ấn, phát hành kinh sách, treo bảng hiệu tôn giáo... trong đó đặc biệt là vấn đề nhà nguyện - nơi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Trên thực tế, có gần 2.000 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt, nhưng hầu hết chưa có nơi sinh hoạt chính thức.

Đào tạo và phong phẩm chức sắc

Thực tế cho thấy, lực lượng mục sư, truyền đạo để hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ Tin lành còn thiếu, đặc biệt là ở vùng DTTS. Hiện cả nước có 80 tổ chức, hệ phái Tin lành, nhưng chỉ có 2 trường Thánh kinh Thần học đào tạo mục sư, truyền đạo; có 606 chi hội, hơn 4.700 điểm nhóm, nhưng chỉ có 1.500 mục sư, truyền đạo(8). Vấn đề chuẩn bị chức sắc càng khó khăn ở vùng DTTS, nơi việc học tập còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, vùng miền núi phía Bắc, có hơn 130 nghìn tín đồ, nhưng đến nay mới chỉ có một số ít chức sắc. Việc lựa chọn người để đưa đi đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu người có trình độ học vấn đáp ứng được yêu cầu(9).

Quản lý hoạt động của các tổ chức, nhóm Tin lành chưa được công nhận

Ngoài 10 tổ chức Tin lành đã được công nhận và cấp đăng ký, còn khoảng 70 tổ chức, nhóm Tin lành với khoảng 200 nghìn tín đồ chưa được công nhận, đặt ra nhiều vấn đề cho quản lý nhà nước về tôn giáo. Trước hết là đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân, sau đó là hướng dẫn họ sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật, hạn chế hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.

Sau hơn 10 năm triển khai và thực hiện, thực tế cho thấy Chỉ thị 01 là đúng đắn cả về mặt lý luận và thực tiễn, thể hiện quan điểm, nhận thức đổi mới của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo. Chỉ thị 01 đã bước đầu giải quyết được vấn đề đạo Tin lành ở nước ta, đưa tình hình từng bước đi vào ổn định, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của tín đồ và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Đạo Tin lành ở nước ta hiện nay đang trong quá trình phát triển, đã và sẽ làm nảy sinhnhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi giới nghiên cứu và quản lý tiếp tục quan tâm đề xuấtcho Đảng, Nhà nướcnhững chủ trương, chính sách sát hợp.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1) Trong thời kỳ này, ở vùng DTTS có tình trạng người dân theo đạo Tin lành xa lánh cán bộ chính quyền. Chúng tôi thấy rõ điều này khi đến nghiên cứu ở các tỉnh Tây Bắc, như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai năm 2004. Rất khó khăn để có thể tiếp xúc với người dân theo đạo. Sự dè chừng, thận trọng của người dân cũng thể hiện rõ trong các cuộc tiếp xúc.

 (2) Thời điểm Chính phủ ban hành Chỉ thị 01, nước ta đang gấp rút đàm phán để gia nhập WTO; tình hình đạo Tin lành diễn biến phức tạp ở vùng DTTS Tây Nguyên và Tây Bắc; trong quan hệ với Mỹ, nước ta đang nằm trong CPCs (Countries of Particular Concern, những nước cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc đàm phán với Mỹ để gia nhập WTO.

(3) Đây là hai tổ chức Tin lành đã được công nhận lớn nhất ở nước ta, ước tính số lượng tín đồ thuộc hai tổ chức này chiếm trên 70% tín đồ Tin lành của cả nước.

  (4) Chi hội là một cấp độ trong tổ chức của đạo Tin lành. Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc và miền Nam hiện nay có cơ cấu tổ chức 2 cấp là: Tổng hội (hay Tổng Liên hội) và chi hội.

(5) Ban Tôn giáo Chính phủ: Văn bản pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.57-60.

(6) Điểm nhóm Tin lành là một tập hợp những người theo đạo Tin lành tại một cơ sở xác định, với số lượng từ vài chục đến vài trăm tín đồ.

(7), (8) Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ.

(9) Yêu cầu đầu vào của các trường Thánh kinh là ứng sinh phải tốt nghiệp lớp 12.

 

TS Nguyễn Khắc Đức

Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền