Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay
Thứ sáu, 12 Tháng 10 2018 16:34
1730 Lượt xem

Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay

(LLCT) - Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các tỉnh ở Tây Nguyên đã chú trọng phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống của nông dân ngày càng được nâng cao. Người dân được đặt là trung tâm của quá trình xây dựng và thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới.

1. Những kết quả đạt được

Tây nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tổng diện tích toàn vùng năm 2015 là 54.641 km², dân số 5,61 triệu người (chiếm 6,11% dân số cả nước); trong đó dân số ở thành thị 1,63 triệu người (chiếm 29,02%), ở nông thôn 3,98 triệu người (chiếm 70,98%). Toàn vùng có 600 xã, 6.154 thôn, buôn với 954.066 hộ (chiếm 5,97% số hộ nông thôn cả nước)(1).

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó nông dân được xác định là chủ thể của quá trình này. Tại Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”(2).

Quán triệt Nghị quyết của Đảng, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả tích cực, thể hiện ở những nội dung sau:

- Nông dântham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trước khi thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới, các tỉnh ở Tây Nguyên đã chú trọng sự đóng góp ý kiến của nông dân. Do đó, khi quy hoạch được công bố và phổ biến rộng rãi đến tận thôn, buôn, thông qua các buổi họp, tiếp xúc với nông dân đã nhận được sự đồng thuận cao, đồng thời cũng có những ý kiến đóng góp của nông dân về những nội dung chưa hợp lý trong quy hoạch, để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn, trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg và Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ở tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa) quy định:tỷ lệ thôn, bản, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng là 100%. Tuy nhiên, thực tiễn ở các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, buôn, làng nào cũng có nhà văn hóa là không cần thiết, điều đó sẽ làm chia cắt không gian văn hóa lâu nay vốn đã phát huy vai trò tích cực trong cố kết cộng đồng; các buôn, làng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhà rông làm nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận, sinh hoạt chung của dân làng.

Nông dân tham gia phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tốt phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã hiến đất, đóng góp tiền, ngày công trong xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, về cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh và sản xuất ở nông thôn. Tính từ năm 2011-2016, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động được hơn 90 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn từ Trung ương là 2.295 tỷ đồng; Gia Lai huy động được 11.436 tỷ đồng; Đắk Lắk 37.456 tỷ đồng; Lâm Đồng 33.581 tỷ đồng, vốn đóng góp của nông dân chiếm đến 27%. Chính sự tự nguyện, tự giác và cách làm sáng tạo của nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, như: lưới điện được phát triển rộng khắp khu vực nông thôn, 100% xã và 99,29% thôn, buôn có điện (cả nước 97,78%); tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn là 98,2%, trong đó cao nhất là tỉnh Gia Lai, đạt 99,3%, thấp nhất là tỉnh Đắk Lắk, đạt 96,5%. Giao thông nông thôn được nâng cấp, 100% số xã có đường xe ô tô có thể lưu thông từ xã lên UBND huyện; 97,34% số thôn có đường xe ô tô lưu thông từ thôn lên UBND xã. Tỷ lệ xã có nhà văn hóa, khu thể thao chiếm 57%. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thônphát triển nhanh, với 37,67% số xã có chợ. Cơ sở giáo dục nông thôn được mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, với 99,67 số xã có trường mẫu giáo, mầm non; 99,67 số xã có trường tiểu học; 96,67 số xã có trường trung học cơ sở; 17,83% số xã có trường trung học phổ thông. Tình trạng nhà ở được cải thiện, với số hộ có nhà ở kiên cố đạt 17,3%; bán kiên cố đạt 75,6%; nhà tạm chỉ còn 7,1%.

- Nông dân phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất ở nông thôn. Nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của từng địa phương với nhiều mô hình sản xuất kết hợp đa canh. Cùng với việc khai thác tiềm năng sẵn có về đất đai, nông dân các tỉnh đã chú trọng đầu tư thâm canh, tăng vụ. Vì vậy, diện tích gieo trồng toàn vùng tính đến năm 2015 đạt trên 1,96 triệu ha; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đã tăng từ 50,5 triệu đồng/ha năm 2010 lên 97,5 triệu đồng/ha năm 2015 (bình quân tăng 14,9%/năm).

Ngoài ra, nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động trong chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung theo mô hình trang trại, hợp tác xã, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế. Đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên có 952 hợp tác xã, trong đó chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã xây dựng 1.044 mô hình sản xuất có hiệu quả, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Toàn vùng hiện có 3.276 trang trại các loại, trong đó số trang trại trồng trọt chiếm 70,81%; chăn nuôi chiếm 27,69%; thủy sản và các loại khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ hơn 1%. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân hàng năm 10,02%, trong đó chăn nuôi đại gia súc chiếm 80,86%. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá thực tế đạt trên 20 nghìn tỷ đồng.

Nhờ đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nông dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của nông dân Tây Nguyên đạt 36.334 nghìn đồng; trong đó, cao nhất là tỉnh Lâm Đồng đạt 45.555 nghìn đồng, thấp nhất là tỉnh Kon Tum đạt 29.811 nghìn đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giai đoạn 2011 - 2015 theo quy định của Chính phủ giảm bình quân 2,3% (còn 11,30% hộ nghèo).

- Nông dân tham gia phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường ở nông thôn. Nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên cũng nhận thức ngày càng đầy đủ về vai trò của giáo dục, đào tạo, y tế đối với chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí, chuyển đổi mô hình sản xuất. Điều đó đã thúc đẩy giáo dục, đào tạo ở vùng nông thôn các tỉnh Tây Nguyên phát triển khá nhanh trong những năm qua. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt gần 80%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%; trung học cơ sở là 85%; trung học phổ thông và tương đương là 76%. Số học sinh phổ thông toàn vùng tính đến năm 2016 đạt 1.139.269 người. Trong đó, học sinh tiểu học là 588.518 người (chiếm 51,65%); trung học cơ sở 373.065 người (chiếm 32,74%); trung học phổ thông 177.686 người (chiếm 15,59%). Tỷ lệ lao động ở nông thôn đã qua đào tạo đạt 13,3%.

Hệ thống y tế cơ sở hầu như phủ khắp các xã trên địa bàn, với 99,67% số xã có trạm y tế (cả nước là 99,5%), trong đó có 67% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; 96,13% số thôn, buôn có cán bộ y tế.Số người dân tham gia bảo hiểm y tế  của vùng đạt 4,7 triệu người, đạt tỷ lệ 82,6%. 

Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp, hợp vệ sinh, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt tùy tiện của người nông dân. Đến nay, trong toàn vùng tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 85,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước máy chiếm 16,8%. Tỷ lệ xã có hệ thống thoát nước chung đạt 10,67%, đối với thôn là 5,04%. Tỷ lệ xã có tổ chức thu gom rác thải đạt 46%, đối với thôn là 30,49%. Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan chung, cũng như trong từng gia đình được nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên quan tâm và thực hiện tốt.

- Nông dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị và giữ vững trật tự xã hội, an ninh nông thôn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền cơ sở đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nông dân được phát huy tốt hơn, vị trí của buôn, làng được coi trọng hơn trước, nông dân trực tiếp bầu thôn trưởng ở các địa bàn dân cư tự quản, vai trò của già làng hoặc người có uy tín ở các vùng đồng bào DTTS được chú trọng khi tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích của nông dân. Nông dân tham gia tích cực vào xây dựng hệ thống chính trị, phản biện xã hội, giám sát hệ thống chính trị thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Bên cạnh đó, nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên còn là lực lượng chủ yếu, trực tiếp tham gia trong các cơ quan, đoàn thể của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trong toàn vùng là 15.558 người, trong đó 3.978 cán bộ, công chức là người DTTS (chiếm 25,56%). Số cán bộ, công chức có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 82%; chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên chiếm 74,5%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 44,8%. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và buôn làng trong toàn vùng có 63.546 người, trong đó ở cấp xã 13.601 người, ở buôn làng 49.945 người. Trong đó, có nhiều cán bộ trẻ xuất thân từ nông dân được đào tạo bài bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng Tây Nguyên.

Quản lý xã hội nông thôn ở Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức phức tạp. Các thế lực thù địch thường lợi dụng sự khác biệt văn hóa, phong tục, trình độ nhận thức còn hạn chế của đồng bào các DTTS để kích động, chia rẽ, gây bất ổn về an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới, điều này được nông dân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Vai trò tự quản của nông dân được phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội được bảo đảm.

Kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào kết quả chung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên. Theo đó, tính đến cuối năm 2016, toàn vùng Tây Nguyên có 1 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) và 2 thành phố đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Toàn vùng có 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 20,5% toàn vùng (cả nước là 26,45%); trong đó có 113 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận và 10 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí. Có 7.587/11.400 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66%, tăng 47,04% so với năm 2011; trong đó cao nhất là tỉnh Lâm Đồng, tăng 55,92%; thấp nhất là tỉnh Kon Tum, tăng 37,12%. So với năm 2011 cho thấy: (1) Nhóm 1: đủ 19 tiêu chí có 123 xã, chiếm 20,5% toàn vùng, tăng 123 xã; (2) Nhóm 2: từ 15-18 tiêu chí có 88 xã, chiếm 14,67%, tăng 84 xã; (3) Nhóm 3: từ 10-14 tiêu chí có 222 xã, chiếm 37%, tăng 194 xã; (4) Nhóm 4: từ 5-9 tiêu chí có 162 xã, chiếm 27%, giảm 4 xã; (5) Nhóm 5: dưới 5 tiêu chí có 5 xã, chiếm 0,83%, giảm 390 xã.

Có được những kết quả quan trọng như trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau: Một là, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cả hệ thống chính trị trong phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Hai là, nhận thức của đa số nông dân ngày càng đầy đủ hơn về ý nghĩa và lợi ích của xây dựng nông thôn mới. Ba là, thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, nên đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của nông dân. Bốn là, có sự đồng hành, hưởng ứng của toàn xã hội, tạo điều kiện để nông dân phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

2. Những hạn chế và khó khăn

Một bộ phận nông dân chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa, vai trò, giá trị của nông thôn mới, vẫn còn thờ ơ, không tham dự các buổi họp lấy ý kiến quy hoạch; xem quy hoạch xây dựng nông thôn mới là việc của chính quyền. Điều này làm cho nông dân tự đánh mất quyền làm chủ của mình. Ngoài ra, do trình độ hạn chế, một bộ phận nông dân không hiểu về những vấn đề mang tính chuyên môn trong quy hoạch, nên mức độ góp ý phần nhiều chỉ dừng lại ở sự đồng thuận về mặt chủ trương hơn là đi sâu vào nội dung quy hoạch.

Vì lợi ích cá nhân, vẫn còn một số nông dân không hưởng ứng chủ trương xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;không đồng tình với các đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, thậm chí khiếu kiện, gây rối trật tự công cộng, làm mất ổn định chính trị - xã hội.

Việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới của nông dân ở một số địa phương còn chậm. Các công việc, nhiệm vụ do dân tự làm như hoàn thiện thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; cải tạo nhà ở, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi và cải tạo nâng cấp đường làng ngõ xóm, giao thông, thủy lợi nội đồng,… nhìn chung tiến độ triển khai chậm. Ở một vài địa phương, nông dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể, còn bị động trong phát triển sản xuất. Tư duy của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chưa cao,các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hoạt động hiệu quả thấp. Kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, mang nặng tính tự cung, tự cấpnênkhó tiếp cận với các chính sách hiện hành.

Ngoài ra, có một bộ phận nông dân còn sản xuất theo tính tự phát, tùy tiện, vì lợi ích trước mắt, bất chấp sự định hướng, khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia. Do đó, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khá phổ biến, thậm chí có nơi sản xuất ra sản phẩm nhưng không có nơi tiêu thụ.

Khả năng giám sát của nông dân đối với các dự án xây dựng nông thôn mới chưa cao. Công tác giám sát của nông dân đối với triển khai các đề án xây dựng nông thôn mới mặc dù được thực hiện nhưng vẫn còn rất hạn chế, có nơi có lúc thực hiện nội dung này còn mang tính hình thức, nông dân mất kiểm soát hoặc không đủ khả năng, trình độ trong giám sát việc triển khai thực hiện các hạng mục xây dựng cơ sở vật chất, dẫn đến bị thất thoát, lãng phí, thậm chí một số cán bộ có trách nhiệm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân để bớt xén, làm sai lệch quy hoạch để làm lợi cho bản thân.

Khả năng huy động vốn từ nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động các nguồn lực từ nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra, vì nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên phần lớn là đồng bào các DTTS, kinh tế còn khó khăn.

Vai trò của nông dân trong phát huy những kết đạt được từ xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Một bộ phận nông dân chưa phát huy tốt vai trò trong sử dụng và nâng cao giá trị đạt được của nhiều tiêu chí nông thôn mới. Trong khi đó, một số xã số tiêu chí đạt được còn quá thấp (dưới 5 tiêu chí) và thiếu tính bền vững.

Những hạn chế trên đây là do các nguyên nhân: Một là, trình độ dân trí thấp, nhất là vùng đồng bào các DTTS, nên nhận thức của một bộ phận nông dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Hai là, kinh tế - xã hội ở vùng chậm phát triển, trong khi đó điều kiện địa hình ở các tỉnh Tây Nguyên phức tạp, do đó để huy động nguồn lực từ nông dân gặp nhiều khó khăn. Ba là, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, nguồn lực còn hạnhẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của cơ sởnên chưa phát huy được vai trò tích cực của nông dân. Bốn là, sự chỉ đạo điều hành của một số cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở chưa quyết liệt.Trong giai đoạn đầu triển khai, nhận thức của cán bộ và nôngdân về phương pháp, bước đi, cách làm và trách nhiệm của các cấp, các ngành chưa đúng, chưa đầy đủ nên đã gặp khó khăn.

3. Một số giải pháp

Để có thể phát huy vai trò thực sự của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng về xây dựng nông thôn mớicho nông dân.Thực tiễn ở các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, một số người dân, nhất là nông dân chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để chủ trương trở thành phong trào rộng khắp, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thông qua các mô hình điển hình để nông dân thấy được lợi ích thiết thực của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí cho nông dân. Phát triển giáo dục đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao trình độ dân trí ở các tỉnh Tây Nguyên, qua đó nông dân sẽ nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục đào tạo phát triển, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho nông dân, để chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cần chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, hỗ trợ nông dân về điều kiện sản xuất từ đầu vào đến đầu ra để khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hiệu quả việc lấy ý kiến và sự giám sát của nông dân trong quá trình triển khai các dự án xây dựng nông thôn mới. Cần lấy ý kiến nông dân trong triển khai các dự án, đảm bảo quyền làm chủ của nông dân. Các cơ quan chức năng cần bám sát cơ sở, gắn việc điều tra, lập quy hoạch với việc tìm hiểu thực trạng đời sống người dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người dân. Cùng với đó phải phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nông dântrong quá trình triển khai thực hiện chương trình, xử lý kịp thời những sai phạm, bảo đảm đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Thứ năm, nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương. Các địa phương trong vùng cần có sự trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là kinh nghiệm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác trong cả nước có những mô hình hay, hiệu quả phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các tỉnh Tây Nguyên.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Đây là nhân tố quyết định đến thành công của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ và hiệu quả của các dự án, xử lý nghiêm minh những vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong khi thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới.

_____________________

(1) Số liệu sử dụng trong bài viết được trích dẫn theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên: Tư liệu kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên 2001-2015, ngày 5-7-2017.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.161.

TS Phạm Văn Giang

Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền