Trang chủ    Thực tiễn    Phán quyết của tòa án công lý quốc tế đối với vụ tranh chấp đảo giữa Malaysia - Indonesia: một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ hai, 29 Tháng 10 2018 18:17
4496 Lượt xem

Phán quyết của tòa án công lý quốc tế đối với vụ tranh chấp đảo giữa Malaysia - Indonesia: một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(LLCT) - Trên cơ sở phân tích bối cảnh hình thành và quá trình giải quyết tranh chấp đảo Pulau Ligitan và đảo Pulau Sipadan giữa Malaysia - Indonesia, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong quá trình giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo hiện nay, đó là: kiềm chế và quản lý tranh chấp trong tầm có thể kiểm soát được; vận dụng linh hoạt nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; lựa chọn chứng cứ và sử dụng chứng cứ có ý nghĩa quyết định bảo đảm sự thành công trong các vụ kiện...

1. Tranh chấp đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Malaysia - Indonesia và phán quyết của tòa án

Đảo Ligitan là hòn đảo nằm trong biển Celebes, ngoài khơi bờ biển Đông Bắc của đảo Borneo và nằm cách nhau xấp xỉ 15,5 hải lý.

Ligitan là một hòn đảo rất nhỏ nằm ở cực nam của một bãi đá lớn hình ngôi sao trải dài về phía nam từ các Đảo Danawan và Si Amil, có tọa độ là 4009 vĩ độ Bắc và 118053 kinh độ Đông. Đảo này không thường xuyên có người ở.

Sipadan  là một đảo nhỏ có một khu vực rộng xấp xỉ 0,3km2. Tọa độ là 4006 vĩ độ Bắc và 118037 kinh độ Đông. Nó nằm cách Tanjung Tutop khoảng 15 hải lý, và cách bờ biển phía Đông của đảo Sebatik 42 hải lý. Đảo này không có người ở cho đến thập niên 1980, nó được phát triển thành một khu du lịch nghỉ mát phục vụ cho hoạt động lặn dưới biển(1).

Sau khi giành được độc lập, cả Indonesia và Malaysia đều cấp các giấy phép thăm dò dầu trong các vùng nước ngoài khơi phía Đông
Borneo trong thập niên 1960. Giấy phép đầu tiên được Indonesia cấp cho một công ty nước ngoài trong khu vực liên quan dưới dạng một thỏa thuận chia sẻ sản xuất ký kết vào ngày
6-10-1966 giữa công ty thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia tên PertamBangan Minjak
Nasional và Công ty TNHH Thăm dò Dầu mỏ Nhật Bản Japex. Năm 1968 tới lượt Malaysia đã cấp nhiều giấy phép thăm dò dầu cho Công ty Dầu Sabah Teiseki.

Tranh chấp hiện tại bắt đầu từ năm 1969 trong bối cảnh của các cuộc thảo luận liên quan tới việc hoạch định các vùng thềm lục địa của hai nước. Một thỏa thuận hoạch định thềm lục địa đã đạt được vào ngày 27-10-1969 và có hiệu lực vào ngày 7-11-1969. Tuy nhiên, thỏa thuận này không bao gồm khu vực nằm ở phía Đông Borneo.

Vào tháng 10-1991, hai bên đã lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu về tình hình các đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan. Tuy nhiên họ đã không đi đến được một kết quả chung nào ngoài một thỏa thuận chung vào tháng 6-1996 rằng tranh chấp nên được cầu viện tới ICJ(2).

Ngày 13-3-2001, Philippin đã nộp lên Ban Thư ký Tòa một đơn xin phép tham gia vào vụ việc, viện dẫn điều 62 của Quy chế Tòa án. Philippin không muốn trở thành bên thứ ba trong tranh chấp nhưng yêu cầu can dự của Philippin dựa trên những lo ngại rằng phán quyết của Tòa án về vụ kiện có thể gây ảnh hưởng đến yêu sách của họ đối với Bắc Borneo, còn được gọi là Sabah. Qua một phán quyết đưa ra ngày 23-10-2001, Tòa tuyên bố rằng đơn của Philippin không được chấp nhận.

Yêu sách chủ quyền của Indonesia đối với các Đảo Ligitan và Sipadan chủ yếu dựa vào Công ước 1891 ký giữa Anh và Hà Lan. Yêu sách này cũng dựa vào một chuỗi hoạt động được cho là chiếm cứ hữu hiệu, cả của Hà Lan và Indonesia.

Indonesia lập luận rằng họ là quốc gia kế thừa Vua Hồi giáo Bulungan, người nắm giữ danh nghĩa ban đầu đối với các đảo tranh chấp, Vương quốc Hồi giáo như được miêu tả trong các thỏa thuận tạo thành một phần thuộc địa của xứ Đông Nam Á thuộc Hà Lan(3).

Bên cạnh đó, Indonesia viện dẫn báo cáo của tàu Hà Lan khẳng định hai đảo thuộc quyền sở hữu của Hà Lan đồng thời viện dẫn các cuộc điều tra thủy văn xung quanh hai đảo, các cuộc viếng thăm của hải quân và ngư dân có truyền thống đánh bắt xung quanh đảo.

Malaysia lập luận rằng họ là quốc gia kế thừa của Vua Hồi giáo Sulu, người nắm giữ danh nghĩa ban đầu đối với các Đảo có tranh chấp, thêm nữa còn là chủ thể thực hiện chuỗi những hành động được cho là chuyển nhượng danh nghĩa đó cho Tây Ban Nha, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Anh nhân danh Nhà nước Bắc Borneo(4). Malaysia cho rằng thời thuộc địa, Anh đã thu thập, quản lý, kiểm soát trứng rùa trên đảo từ năm 1914, có pháp lệnh bảo tồn rùa, giải quyết tranh chấp liên quan đến thu thập trứng rùa; cấp phép cho tàu đánh cá xung quanh đảo, xây hải đăng và trợ giúp đường biển cho hai đảo mà Indonesia không phản đối. Sau thời thuộc địa, trong quá trình đàm phán với Indonesia về thềm lục địa, Malaysia đã luôn khẳng định chủ quyền trong khi Indonesia không quan tâm đòi chủ quyền hai đảo. Malaysia cũng khẳng định đã khai thác du lịch, giữ an ninh, môi trường cho Sipidan đến năm 1997, hai đảo là khu bảo tồn của Malaysia(5).

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã kết luận chủ quyền đối với các đảo Ligitan và Sipadan thuộc về Malaysia. Tòa xét thấy rằng các hoạt động mà Malaysia dựa vào, với tư cách là quốc gia kế thừa Anh, như thu thập, quản lý, kiểm soát trứng rùa, có pháp lệnh bảo tồn rùa, giải quyết tranh chấp liên quan đến thu thập trứng rùa...(6), tuy khiêm tốn về số lượng nhưng đa dạng về tính chất, bao gồm cả các hoạt động lập pháp, hành pháp  và gần như tư pháp. Chúng đã trải qua một thời gian đáng kể và thể hiện ý định thực thi các chức năng nhà nước đối với hai hòn đảo. Thực tế tại thời điểm các hoạt động này được tiến hành, cả Indonesia lẫn quốc gia tiền nhiệm của họ là Hà Lan, đều chưa từng thể hiện sự bất đồng hay phản đối. Cụ thể trong các năm 1962 và 1963 các nhà chức trách Indonesia thậm chí còn không nhắc nhở giới cầm quyền của Bắc Borneo, hay Malaysia sau khi họ giành được độc lập, rằng việc xây dựng những ngọn hải đăng tại các khoảng thời gian đó đã được tiến hành trên vùng lãnh thổ mà họ coi là của Indonesia.

2. Một số bài học kinh nghiệm giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam

Thứ nhất, kiềm chế và quản lý tranh chấp.

Một trong những bài học quan trọng rút ra được từ việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan, đó là các bên tranh chấp cần tìm cách kiềm chế và quản lý tranh chấp trong tầm có thể kiểm soát được. Hai quốc gia Indonesia và Malaysia đã thực hiện nhiều cuộc đàm phán, thương lượng để tìm ra phương án giải quyết tranh chấp. Khi đàm phán không mang lại hiệu quả, các bên tranh chấp đã tìm kiếm sự trợ giúp của Tòa án Công lý quốc tế.  Việc các nước đều coi trọng phương thức giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình,  không chỉ phù hợp với xu thế thời đại và nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế mà còn có vai trò quan trọng để kiềm chế và quản lý tranh chấp, không để tranh chấp bùng nổ thành xung đột bạo lực. Việt Nam cũng như các quốc gia hữu quan cần nỗ lực kiềm chế xung đột và tích cực tiến hành trao đổi song phương với các bên tranh chấp bằng các cuộc điện đàm cấp cao, trao đổi công hàm ngoại giao đồng thời bày tỏ quan điểm và chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua các kênh ngoại giao đa phương, đẩy mạnh việc hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thứ hai, vận dụng linh hoạt nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự chính là căn cứ pháp lý chủ đạo mà Tòa dựa vào để xác định chủ quyền đối với hai hòn đảo Ligitan và Sipadan thuộc về Malaysia.Tòa đã vận dụng một cách linh hoạt các yếu tố cấu thành của của nguyên tắc chiếm hữu thực sự nhằm chứng minh sự chiếm hữu thực sự của Malaysia. Cụ thể:

- Việc chiếm hữu hai đảo trên là hành động mang tính chất Nhà nước và có ý nghĩa pháp lý thực sự, được thực hiện bởi chính Nhà nước Malaysia và với tư cách là quốc gia kế thừa vương quốc Anh.

- Malaysia đã thực hiện hành vi chiếm hữu thực sự. Các hoạt động mà Malaysia dựa vào, bao gồm hai biện pháp quy định và quản lý hoạt động thu thập trứng rùa và thành lập khu dự trữ chim hoang dã, việc xây dựng và vận hành hai ngọn hải đăng trên Sipadan năm 1962 và Ligitan năm 1963, tuy khiêm tốn về số lượng nhưng đa dạng về tính chất và được thực hiện bằng các biện pháp hòa bình, một cách liên tục, trong một thời gian dài và không có tranh chấp. Bên cạnh đó, Malaysia đã thiết lập một cơ chế nhà nước cần thiết nhằm mục đích quản lý và bảo vệ hai hòn đảo đồng thời thực hiện các quyền tài phán ở trên đó. Tòa cũng nhấn mạnh trong thời điểm các năm 1962 và 1963, phía Indonesia không có động thái phản đối hay nhắc nhở giới cầm quyền của Bắc Borneo, hay Malaysia về việc Malaysia xây dựng những ngọn hải đăng vào khoảng thời gian đó trên vùng lãnh thổ mà Indonesia coi là của mình.

Có thể thấy, nguyên tắc chiếm hữu thực sự đã được áp dụng phổ biến tại các cơ quan tài phán quốc tế như: vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Hà Lan và Hoa Kỳ; vụ tranh chấp về các đảo Ecrehos và Minquiers giữa Anh và Pháp; vụ tranh chấp đảo Clipperton giữa Mexico và Pháp; vụ quy chế pháp lý của Đông Greenland giữa Đan Mạch và Na Uy(7). Là nguyên tắc nền tảng của pháp luật quốc tế hiện đại, nguyên tắc chiếm hữu thực sự có nội dung chính sau: Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền xác lập chủ quyền với lãnh thổ; lãnh thổ chiếm hữu phải ở trong tình trạng vô chủ; việc chiếm hữu lãnh thổ của nhà nước phải được thực hiện một cách liên tục, hòa bình và công khai; việc chiếm hữu lãnh thổ của quốc gia không vấp phải sự phản đối của các quốc gia khác. 

Việt Nam có thể dựa vào những nội dung cơ bản của nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong việc xây dựng lập luận bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Một là, Nhà nước việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo còn vô chủ. Điều này được thể hiện qua hệ thống các tài liệu chính sử; châu bản; các văn kiện pháp lý...của Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đều ghi chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa vào thời kỳ đầu của các Chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII(8). Hai là, sự chiếm hữu của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được dư luận quốc tế thừa nhận rộng rãi. Chẳng hạn, Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ), Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào(9). Tương tự, đã không có phản ứng đối với hai Tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm khẳng định hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 13-7-1971 tại Hội nghị ASPEC (Manila) và Tuyên bố khẳng định hai quần đảo là lãnh thổ của Việt Nam của Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ngày 30-3-1974 tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng kinh tế Liên Hợp quốc về châu Á và Viễn Đông (ECAPE) (Colombo, Sri Lanka)... Ba là, cho đến nay, Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này và kịp thời lên tiếng phản đối mọi hoạt động vi phạm của các quốc gia khác. Có thể viện dẫn nhiều tài liệu quan trọng đế chứng minh như: Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngày 12-5-1977; Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12-11-1982; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam khi Quốc hội phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 ngày 23-06-1994; việc công bố sách trắng về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo; ban hành Nghị định ngày 9-12-1982 tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội ngày 28-12-1982 sáp nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) và nhiều phản đối mọi vi phạm của phía Trung Quốc. Có thể viện dẫn nhiều phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với phía Trung Quốc như: phản đối về việc tiếp tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông ngày 1-6-2002; phản đối việc dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa ngày 28-12- 2006; phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa ngày 3-12-2007; phản đối của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam với đại diện Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay việc tập trận tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa ngày 2-10- 2004...

Thứ ba, lựa chọn chứng cứ và sử dụng chứng cứ.

Các loại hình chứng cứ chứng minh mà Malaysia đã vận dụng thành công trong việc chứng minh chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan rất đa dạng nhưng đều có những đặc điểm chung: (1) Được ban hành bởi cơ quan nhà nước, thể hiện qua các dấu hiệu đặc trưng như có chữ ký, con dấu của người đứng đầu nhà nước; được ban hành theo quy trình, thủ tục của nhà nước... Chẳng hạn Sắc lệnh Bảo tồn loài rùa năm 1917; giấy phép cấp ngày 28-4-1954 bởi Quận trưởng quận Tawau cho phép tiến hành hoạt động săn bắt rùa chiểu theo Mục 2 của Sắc lệnh...(10). (2) Các tài liệu bằng chứng được đệ trình lên Tòa đều là bản sao của tài liệu gốc. (3) Nội dung trong các tài liệu bằng chứng mà Malaysia đệ trình thể hiện sự quản lý toàn diện bao gồm các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Trong giải quyết tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp chủ quyền biển đảo nói riêng, việc xác định những chứng cứ nào cần được đưa ra trong quá trình tranh tụng là một hoạt động tư duy mang tính chiến thuật nhằm phục vụ một cách có hiệu quả các luận cứ, lập trường của mình, đồng thời bác bỏ một cách xác đáng những luận cứ, bằng chứng của bên tranh chấp kia. Chính vì vậy, việc xác định, phân loại và đệ trình chứng cứ có ý nghĩa quyết định đảm bảo sự thành công của vụ kiện(11).

Pháp luật quốc tế không có quy định cụ thể để xác định chứng cứ. Các cơ quan tài phán cho phép các bên đưa ra hầu như bất kỳ hình thức hoặc loại bằng chứng nào mà họ cho là phù hợp(12).

Việt Nam hiện có một số lượng lớn các bằng chứng dưới dạng văn bản, tài liệu lưu trữ, bản đồ và những chứng cứ gián tiếp khác khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng để lựa chọn và sử dụng chứng cứ thích hợp phục vụ xây dựng bộ hồ sơ pháp lý đệ trình trước cơ quan tài phán quốc tế cần phải có sự đầu tư kỹ lưỡng và bài bản. Từ việc nghiên cứu vụ việc Phân định chủ quyền đảo Ligitan và Sipadan, có thể thấy các văn bản pháp lý được nhà nước ban hành, kể cả những văn bản có từ lâu đời trong lịch sử, luôn được Tòa ưu tiên xem xét. Vì vậy trong quá trình xây dựng hồ sơ pháp lý chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần ưu tiên những tài liệu là các văn bản chính thức của nhà nước. Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục và hợp pháp. Để chứng minh được điều này, Việt Nam cần có sự sắp xếp, phân loại chứng cứ dựa theo thời kỳ lịch sử và mỗi thời kỳ có sự ưu tiên lựa chọn các loại hình chứng cứ khác nhau. Chẳng hạn: đối với thời kỳ phong kiến, cần ưu tiên các tài liệu là các sách chính sử, châu bản. Từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến nay, Việt Nam cần lựa chọn tài liệu là các điều ước quốc tế, các văn bản quản lý của nhà nước đối với Hoàng Sa và Trường Sa, các tuyên bố, công hàm ngoại giao thể hiện rõ quan điểm của nhà nước Việt Nam.

Một điểm cần lưu ý là trong các tranh chấp quốc tế về biên giới hay lãnh thổ, các bên thường dựa vào các bằng chứng bản đồ để chứng minh cho chủ quyền của mình. Tuy nhiên, trong thực tiễn pháp luật quốc tế, giá trị của bản đồ còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một cách truyền thống, các tòa án quốc tế thường đánh giá bản đồ e dè và hạn chế hơn các loại bằng chứng khác. Trong phần lớn các trường hợp, tòa án thường xem bản đồ là bằng chứng thứ yếu và mỗi tòa án có cách đánh giá khác nhau về giá trị pháp lý của bản đồ(13). Trong vụ Burkina Fasso và Mali, Tòa án Công lý Quốc tế đã cho rằng các bản đồ được coi như những bằng chứng có thể xem xét đến và cùng với những loại bằng chứng thực tiễn khác, có giá trị thiết lập hoặc tái khẳng định những sự kiện thực sự(14). Trong vụ Cameroon và Nigeria, Tòa đã cho rằng, các bản đồ đi kèm với những điều ước thể hiện đường biên giới đã được phân định sẽ được coi như những bằng chứng quyết định(15). Trong vụ Giải quyết tranh chấp biển đảo giữa Elsavador và Honduras, Tòa đã cho rằng các bản đồ và những tài liệu tương tự chỉ được sử dụng như là những “bằng chứng vững chắc” và chúng sẽ không được sử dụng với mục đích thiết lập nên các quyền về lãnh thổ(16). Trong phán quyết của Tòa án công lý quốc tế về chủ quyền đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan, Tòa đã lập luận rằng: “Các bản đồ chỉ đơn giản là tạo thành thông tin vốn có mức độ chính xác khác nhau từ vụ việc này tới vụ việc khác; chỉ dựa vào bản thân chúng, và hoàn toàn dựa vào sự tồn tại của chúng thì không thể tạo thành danh nghĩa lãnh thổ, tức là, một tài liệu được luật quốc tế ban cho giá trị pháp lý thực chất nhằm mục đích thiết lập các quyền lãnh thổ. Đương nhiên, trong một vài trường hợp các bản đồ có thể có được hiệu lực pháp lý như vậy, nhưng hiệu lực pháp lý ấy không hoàn toàn phát sinh chỉ do giá trị thực chất của chúng; đó là do những bản đồ như vậy thuộc các biểu hiện trên thực tế ý chí của quốc gia hay quốc gia liên quan. Ví dụ, đây là trường hợp, khi các bản đồ được kèm theo một văn bản chính thức mà chúng hợp thành một bộ phận thống nhất. Trừ trường hợp trong vụ việc được xác định rõ ràng này, thì các bản đồ chỉ là chứng cứ không quan trọng có mức độ tin cậy hoặc không tin cậy khác nhau mà có thể được sử dụng, cùng với các chứng cứ khác mang tính gián tiếp, để thiết lập hay khôi phục những dữ kiện thực tế”(17). Do vậy đối với loại tư liệu này, Việt Nam cần có sự thẩm định kỹ càng, cần chọn lọc những bản đồ có độ tin cậy cao về thông tin địa lý, có cơ sở thông tin tin cậy khi vẽ bản đồ đề làm bằng chứng để có giá trị chứng minh chắc chắn hơn. Và để tăng tính tin cậy, những bản đồ nên được ban hành kèm theo đó là những văn bản chính thức của nhà nước chẳng hạn như các tuyên bố, nghị định, thông tư...

Thứ tư, kinh nghiệm về sử dụng nguồn nhân lực

Nhằm chuẩn bị cho quá trình giải quyết tranh chấp tại ICJ, Indonesia và Malaysia đã sử dụng một đội ngũ đông đảo các chuyên gia pháp lý quốc tế đến từ nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới và các chuyên gia làm việc tại các cơ quan, ban, ngành của mỗi nước(18). Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

Để có thể tham gia giải quyết các tranh chấp về chủ quyền đảo, quần đảo tại các cơ quan tài phán quốc tế , Việt Nam cần có chính sách sử dụng đội ngũ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực luật quốc tế, đặc biệt là luật biển quốc tế. Những chuyên gia này không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn có kinh nghiệm tranh tụng tại các cơ quan tài phán quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cần huy động sự phối hợp của các chuyên gia ở trong nước bởi họ mới là những người hiểu rõ vụ việc nhất.

Cuộc đấu tranh về mặt pháp lý cho vấn đề chủ quyền biển đảo là một cuộc đấu tranh lâu dài, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt về mặt nhân sự. Vì thế, Việt Nam cần xây dựng chiến lược cụ thể và dài hơi trong việc đào tạo đội ngũ nhân sự có trình độ cao trong lĩnh vực pháp luật quốc tế chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu về tham gia giải quyết các tranh chấp tại các thiết chế tài phán quốc tế. Trên cơ sở đó,  Việt Nam cần tiến hành một số giải pháp như sau:

- Hoạch định chương trình hành động tổng thể quốc gia nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đấu tranh về mặt pháp lý. Thiết lập cơ chế chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi về lĩnh vực luật quốc tế đặc biệt là luật biển để tham mưu cho Nhà nước những giải pháp pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sử dụng các chế độ đãi ngộ, ưu đãi các nhà nghiên cứu, cử thực tập sinh đi tu nghiệp tại các trung tâm luật quốc tế và các thiết chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS),...

- Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tận dụng sức dân, khai thác nguồn nhân lực trong nước và ngoài nước cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phổ biến kết quả nghiên cứu và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tiếp xúc nguồn tư liệu của quốc gia về biển đảo. Xây dựng các thư viện và các trung tâm dữ liệu về biển, đảo nhằm cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu về chủ quyền biển đảo.

- Nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn của những nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đang theo học và nghiên cứu trong lĩnh vực luật biển quốc tế. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ nghiên cứu viên để có thể tiếp cận với không chỉ tư liệu trong nước mà còn nguồn tư liệu phong phú từ nước ngoài.

- Việc đấu tranh bằng con đường ngoại giao pháp lý là nỗ lực bền bỉ mà các nước nhỏ như Việt Nam vẫn luôn theo đuổi trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy vậy, cuộc đấu tranh ngày càng công khai, sử dụng công luận và công cụ pháp lý hiệu quả sẽ mở ra khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển để rút ra bài học cho Việt Nam  là điều cần thiết.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2018

(1), (2), (3), (4), (10), (17) Phán quyết ngày 17-12-2002 của Tòa án Công lý quốc tế về vấn đề chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan (Indonesia/Malaysia), tr.19, 27, 28, 6, 79, 57.

(5), (6) TS Nguyễn Thanh Minh (2016): Một số phán quyết về tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nguồn: http://nghiencuuquocte.org

(7) Nguyễn Bá Diến, Nguyễn Hùng Cường: Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa và nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật quốc tế, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học, tập 30, số 1 (2014), tr.13-22.

(8) Vấn đề này được ghi chép rõ ràng trong các tài liệu cổ như Phủ Biên tạp lục năm 1776; Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) Đại Nam thực lục Tiền biên năm 1844; Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm Chính Hòa thứ 7 (1686); Ghi chép mô tả chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa trong Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Trung Quốc Thích Đại Sán sang Đàng Trong trên đường về nước; các ghi chép của các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite về quần đảo Trường Sa. Xem: Trần Thăng Long, Hà Thị Hạnh (2013), Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật quốc tế và sự vận dụng vào lập luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Tạp chí Khoa học pháp lý trường Đại học luật Tp.Hồ Chí Minh, số 5 (78)/2013, tr.49-57.

(9) Nguyễn Bá Diến, Nguyễn Hùng Cường: Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật quốc tế và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, số 55/2014.

(11) TS Trần Thăng Long (2016): Một số vấn đề về chứng cứ trong thủ tục giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế - Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí khoa học pháp lý số 2/2016.

(12) Peter Tomka, Vincent-Joel Proulx: The evidentiary pratice of the World Court, Nus Law Working paper 2015/010

(13) TS Lê Minh Phiếu (2012): Giá trị pháp lý của bản đồ, Trang Thông tin điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, http://plo.vn.

(14) Frontier Dispute (Burkina Faso/Mali) (1986) ICJ Reports, p.554, 582

(15) Cameroon/Nigeria, para.101

(16) Land, Island and Maritime Frontier Dipuste, [Elsavador/Honduras, Nicaragua intervening] ICJ Reports 1992, p.550, para.316

(18) Đại diện của nước Cộng hòa Indonesia bao gồm: Ngài Hassan Wirajuda, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ngài Abdul Irsan, Đại sứ của Cộng hòa Indonesia tại Hà Lan; Ông  Alain Pellet, Giáo sư tại Đại học Paris X-Nanterre, thành viên và cựu chủ tịch của Ủy ban Pháp luật Quốc tế; Ông Alfred H.A.Soons, Giáo sư về Công pháp quốc tế, Đại học Ultrecht; Ngài Arthur Watts, K.C.M.G., Q.C., thành viên Đoàn Luât sư Anh, thành viên Viện Pháp luật Quốc tế; Ông Rodman R. Bundy, avocat à la cour d’appel de Paris, Thành viên của Đoàn Luật sư New York, Frere Cholmeley/Eversheds, Paris; Bà Loretta Malintoppi, avocat à la cour d’appel de Paris, Thành viên của Đoàn Luật sư Rome, Frere Cholmeley/Eversheds, Paris... với tư cách Luật sư và người bào chữa. Đại diện của Malaysia bao gồm: Ngài Tan Sri Abdul Kadir Mohamad, Đại sứ Lưu động, Bộ Ngoại giao; Ngài Dato’ Noor Farida Ariffin, Đại sứ Malaysia tại Hà Lan; Ngài Elihu Lauterpacht C.B.E., Q.C., Giáo sư Danh dự về Luật Quốc tế, Đại học Cambridge, thành viên của Viện Pháp luật Quốc tế; Ông Jean-Pierre Cot, Giáo sư Danh dự, Đại học Paris I (Panthéon - Sorbonne), Cựu Bộ trưởng; Ông James Crawford, S.C., F.B.A., Giáo sư Luật Quốc tế, Đại học Cambridge, thành viên các Đoàn Luật sư Anh và Australia, thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc tế; Ông Nico Schrijver, Giáo sư Luật Quốc tế, Đại học Tự do Amsterdam và Viện Nghiên cứu Xã hội, La Haye; thành viên Tòa Trọng tài Thường trực với tư cách luật sư và người bào chữa... Xem thêm: Phán quyết ngày 17-12-2002 của Tòa án Công lý Quốc tế về vấn đề chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan (Indonesia/ Malaysia), tr.11.

ThS Mai Hạnh Trang

Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế,

Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền