Trang chủ    Thực tiễn    Bắc Giang khởi sắc vươn lên sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII
Thứ ba, 27 Tháng 11 2018 17:57
1473 Lượt xem

Bắc Giang khởi sắc vươn lên sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII

(LLCT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, trong giai đoạn 2016-2018, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 năm (2016 - 2018) ước đạt 13,3%/năm (vượt mục tiêu đề ra 10-11%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 2.300 USD/người (đạt 76,6% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020). Thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng năm 2018.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Năm 2018, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 82,3%, tăng 10,9% so với năm 2015. Theo đó, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2018, tỷ lệ lao động ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38%, tăng 13,7% so với năm 2015, ngành dịch vụ chiếm 20%, tăng 1,5% so với năm 2015.

Phát triển công nghiệp:

Xác định công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành khác, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng cường thu hút đầu tư. Tỉnh đã bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch phát triển công nghiệp; rà soát, điều chỉnh, ban hành một số cơ chế, chính sách của địa phương để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ như đào tạo và cung ứng lao động, các thủ tục thuế, hải quan. Ưu tiên lựa chọn các dự án có công nghệ tiên tiến, có đóng góp nhiều cho ngân sách và hạn chế tác động đến môi trường, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, đầu tư xây dựng, nâng cấp một số tuyến giao thông trọng điểm và hệ thống đường huyện, xã.

Sau thời gian triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 103 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2016 đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh thu hút được 510 dự án, vốn đăng ký trên 3,7 tỷ USD, nâng tổng số dự án đến nay còn hiệu lực là 1.430 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD. Trong đó có 350 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 4 tỷ USD. Thu hút FDI của Bắc Giang luôn duy trì trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Chất lượng thu hút đầu tư dần được nâng lên với một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang..., một số dự án có công nghệ tiên tiến như: Nhà máy sản xuất tế bào quang điện Vina Cell Technology, Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH JA Solar,... Từ năm 2016 đến nay, có trên 2.600 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 28.500 tỷ đồng, lũy kế đến nay có hơn 7.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký gần 50 nghìn tỷ đồng.

Những kết quả trên đã đưa tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 21,2%/năm. Trong đó công nghiệp tăng 22,3%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (theo giá cố định năm 2010) ước đạt 131.260 tỷ đồng. Công nghiệp trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới:

Xác định phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh tập trung hoàn thiện các quy hoạch sản xuất nông nghiệp (quy hoạch đất đai, quy hoạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thế mạnh); đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, gắn với bảo vệ môi trường; hình thành các cánh đồng mẫu, các mô hình trang trại, gia trại sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị.

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 1,7%/năm; cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Năm 2018, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 103 triệu đồng, đạt 94% mục tiêu đề ra đến năm 2020. Đã từng bước hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo quy hoạch; một số sản phẩm từng bước tiếp cận quy trình sản xuất hiện đại; xuất hiện một số mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tiếp tục duy trì vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn có quy mô lớn nhất cả nước. Năm 2018, diện tích lúa 104.595 ha, sản lượng ước đạt 595,7 nghìn tấn; diện tích và sản lượng lúa có chất lượng tăng. Đã hình thành41 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó 38 mô hình đã đi vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả; hình thành 165 mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa, rau với diện tích 5.141 ha, đã có 58 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 1.932,8 ha.

Chăn nuôi phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô trang trại. Trên địa bàn tỉnh hiện có 676 trang trại chăn nuôi trong đó có 26% tổng đàn lợn và 35% tổng đàn gà đạt yêu cầu về an toàn sinh học.Duy trì và phát triển mới một số thương hiệu như: gà đồi Yên Thế, thịt lợn sạch Tân Yên, thịt lợn hữu cơ Trường Thành huyện Hiệp Hòa...

Thủy sản phát triển theo hướng thâm canh và bán thâm canh; ước đến hết năm 2018, diện tích nuôi thuỷ sản 12.400 ha, trong đó nuôi chuyên canh 5.600 ha; nuôi thâm canh 1.420 ha, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 500 ha (trong đó có 40 ha đạt tiêu chuẩn). Sản lượng thuỷ sản ước đạt 43 nghìn tấn.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, đã cứng hóa hơn 230 km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ cứng hóa đường thôn, bản lên 58,9%, tăng 11,3% so với năm 2015. Thu nhập người dân nông thôn không ngừng nâng lên; ước hết năm 2018, toàn tỉnh có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,6% tổng số xã trong tỉnh, có 01 huyện (Việt Yên) về đích nông thôn mới.

Đa dạng hóa các ngành thương mại, dịch vụ:

Tỉnh đã quy hoạch và tiến hành thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ, tài chính, thông tin truyền thông theo hướng hiện đại, đồng bộ. Triển khai đầu tư Trung tâm logistics quốc tế thành phố Bắc Giang. Tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực dịch vụ (2016-2018) ước đạt 8,0%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2018 ước đạt 24.500 tỷ đồng. Đa dạng hóa một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá như dịch vụ viễn thông, vận tải, tài chính, ngân hàng. Xuất khẩu tăng trưởng cao, ước năm 2018 giá trị xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2015.

Du lịch đang từng bước phát triển gắn với lợi thế của địa phương. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đã thu hút Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, hoàn thành và đưa vào hoạt động sân golf và dịch vụ Yên Dũng,... Khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, năm 2018 ước đạt 1,5 triệu lượt khách.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển toàn diện, thuộc nhóm tiên tiến của cả nước. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt, vị thế tỉnh Bắc Giang ngày càng được nâng lên.

Đạt được kết quả trên là doTỉnh ủy và các cấp ủy, chính quyền đã kịp thời triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Các nghị quyết, chỉ thị nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng và đồng thuận thực hiện. Trong tổ chức thực hiện đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, bảo đảm đồng bộ giữa chủ trương của Đảng với cơ chế, chính sách và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của chính quyền; do vậy đã đạt kết quả tích cực và toàn diện trêntất cảcác lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại như: chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, trình độ công nghệ và năng suất lao động còn thấp; số doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho ngân sách còn ít; đa số doanh nghiệp quy mô nhỏ, năng lực tài chính và trình độ quản lý thấp; sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, phân tán;dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; quản lý nhà nước trên một số mặt còn lỏng lẻo; tăng thu ngân sách chưa bền vững. Từ thực tiễn sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, cần phải nắm chắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, vận dụng vào xác định các nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm, phù hợp với tình hình của địa phương; sâu sát thực tế để nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực dự báo; linh hoạt, sáng tạo và mạnh dạn đề ra các chủ trương, quyết sách phù hợp, hiệu quả đối với từng lĩnh vực then chốt để tập trung nguồn lực trong từng giai đoạn cụ thể.

Hai là, nêu cao tinh thần quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của những người đứng đầu các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở; phân rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, từng cá nhân và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Lãnh đạo các cấp, ngành, các địa phương phải sâu sát cơ sở, sát dân, chú trọng kiểm tra, lắng nghe ý kiến nhân dân để bổ sung, hoàn thiện chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh; vướng mắc ở đâu phải kịp thời bàn giải pháp tháo gỡ ngay ở đó, không cứng nhắc, không buông xuôi, không né tránh, đùn đẩykhó khăn. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực; chú trọng phát hiện, cổ vũ, động viên kịp thời các điển hình tiên tiến.

Ba là, coi trọng công tác dân vận, khơi dậy sức mạnh, sự sáng tạo của nhân dân trên cơ sở tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Chú trọng đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội và khuyến khích nhân dân tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách của tỉnh và giám sát quá trình thực hiện.

Bốn là, đặc biệt quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và công tác cán bộ, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, các ngành. Phải giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, trước hết là Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và trong tập thể cấp ủy các cấp, lãnh đạo các ngành, địa phương, đơn vị trên cơ sở các nguyên tắc của Đảng và chấp hành nghiêm quy chế làm việc. Phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và trong quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Năm là, tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để chủ động phòng ngừa sai phạm; bảo đảm đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của chính quyền và các đoàn thể; xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời các sai phạm.

ThS Ngô Thị Toàn

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang

TS Lê Thị Hà

Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền