Trang chủ    Thực tiễn    Chống thất thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh thực hiện các hiệp định tự do thương mại
Thứ tư, 28 Tháng 11 2018 17:09
1473 Lượt xem

Chống thất thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh thực hiện các hiệp định tự do thương mại

(LLCT) - Tăng cường thu và chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) là nhiệm vụ quan trọng của ngành hải quan góp phần thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018, Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 8-4-2018 của Chính phủ về giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trước ảnh hưởng, tác động mạnh của các Hiệp định tự do thương mại, bước sang năm 2018, ngành hải quan đã nỗ lực xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường số thu NSNN  năm 2018, đạt chỉ tiêu phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ chính trị. 

1. Thực trạng tình hình thu ngân sách năm 2017 và đầu năm 2018

Ngân sách nhà nước là dự toán hàng năm về toàn bộ các nguồn tài chính được huy động cho Nhà nước và sử dụng các nguồn tài chính đó, nhằm bảo đảm thực hiện chức năng của Nhà nước do Hiến pháp quy định. Đó là nguồn tài chính tập trung quan trọng nhất trong hệ thống tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước là tiềm lực tài chính, là sức mạnh về mặt tài chính của Nhà nước. Quản lý và điều hành ngân sách nhà nước có tác động chi phối trực tiếp đến các hoạt động khác trong nền kinh tế.

Ngay những ngày đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN của năm nay, trong đó, nhiều nhiệm vụ gắn với vai trò của cơ quan hải quan. Với vai trò là đơn vị gác cửa nền kinh tế, ngành hải quan trong những năm qua thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như thu ngân sách nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cơ quan hải quan đã nỗ lực điều phối, đôn đốc các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động đóng góp trực tiếp vào cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách hiện đại hóa, xây dựng chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa qua biên giới.

Về mặt tổng quan, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu. Năm 2017, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực, toàn diện, đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch. Mặc dù, năm 2017 là năm các Hiệp định tự do thương mại (FTA) tiếp tục cắt giảm sâu thuế nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao, số thu chiếm tỷ trọng lớn; các sự cố về thiên tai lũ lụt xảy ra liên tục trong năm 2017 cũng tác động tiêu cực đến số thu của ngành hải quan. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan và sự nỗ lực, quyết tâm của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở tất cả các đơn vị trong ngành, thu ngân sách nhà nước năm 2017 của ngành Hải quan đạt 104,24% dự toán.

Năm 2018, dự toán thu ngân sách giao Tổng cục Hải quan theo quyết định số 2465/QĐ-BTC ngày 29-11-2017 là 283.000 tỷ đồng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo tiếp tục trên đà phục hồi tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, thuế suất nhập khẩu theo các Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong giai đoạn cắt giảm mạnh (trên 90% các dòng hàng theo Hiệp định ATIGA sẽ có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%). Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ năm 2018, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phấn đấu thu NSNN  năm 2018 đạt 293.000 tỷ đồng.

Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2018 là 145.934 tỷ đồng, đạt 51,57% dự toán, đạt 49,8% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 2% so với cùng kỳ 2017. Trong đó số thu từ mặt hàng xăng dầu nhập khẩu chiếm 13%.

Nguyên nhân số thu 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do mặt hàng xăng dầu nhập khẩu tăng cả về lượng và trị giá trong những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, nguồn thu từ xăng dầu các tháng cuối năm sẽ không còn ổn định, dự kiến sẽ giảm mạnh do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã cho ra các sản phẩm thương mại. Mặt khác, năm 2018 có ảnh hưởng sâu rộng nhất từ trước tới nay bởi tất cả các Hiệp định tự do thương mại FTAs đều tới giai đoạn cắt giảm sâu, riêng với Hiệp định ATIGA hầu hết (trên 90%) có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%.

2. Các giải pháp chủ yếu chống thất thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh mới

a) Bám sát chỉ thị của Chính phủ về xây dựng nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước

Các cấp và ngành tài chính cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 8-4-2018 về giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu NSNN năm 2018.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26-1-2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2018 của ngành do Bộ Tài chính giao là 293.000 tỷ đồng.

b) Cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu

Các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng  cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về chính sách, nhằm giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước; hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chính sách để trục lợi, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Tiếp tục duy trì Tổ giải quyết nhanh, chủ động gặp gỡ và giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế. Xử lý kịp thời vướng mắc về chế độ chính sách thuế ảnh hưởng tới quản lý thu nộp NSNN.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế theo Thông tư số 126/2014/TT-BTC ngày 28-8-2014 của Bộ Tài chính. Tiếp tục triển khai, mở rộng kết nối với các Ngân hàng thương mại để tạo thuận lợi tối đa cho việc thu và nộp thuế, hoàn thiện triển khai mở rộng cổng thanh toán điện tử, nâng cấp hệ thống sử dụng bảng kê điện từ có gắn chữ ký số, nâng cấp hệ thống trao đổi thông tin với Ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu với 27 ngân hàng thương mại, số thu qua ngân hàng chiếm khoảng 63,5% trong tổng số thu toàn ngành.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục Hải quan, thủ tục quản lý thuế, hiện đại hóa công tác hải quan, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua các hội nghị doanh nghiệp góp phần thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết của Chính phủ.

Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn pháp luật về hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để nâng cao tính tuân thủ trong thực thi pháp luật thuế.

Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra(1) rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục thu nộp thuế.

Để tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu NSNN giữa Kho bạc Nhà nước, cơ quan thu và ngân hàng thương mại; Tổng cục Hải quan đã trình Bộ ký Thông tư số 184/2015/TT-BTC ngày 17-11-2015 thay thế Thông tư 126/2014/TT-BTC theo nguyên tắc của Luật Hải quan sửa đổi, thực hiện kê khai điện tử qua mạng, thực hiện nộp thuế điện tử. Theo đó, khi Thông tư ban hành sẽ có tác động cụ thể:

Người nộp thuế có thể ở nhà hoặc bất cứ đâu, thời điểm nào cũng có thể kê khai nộp tiền qua kênh giao dịch điện tử của ngân hàng khi kết nối với mạng internet, không phải đến quầy giao dịch, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính. Chứng từ nộp tiền được hỗ trợ lập từ cổng thông tin điện tử hải quan bảo đảm thông tin chính xác trước khi cung cấp cho cơ quan thu để nộp tiền.

Trường hợp người nộp thuế sử dụng bảo lãnh chung bằng điện tử sẽ chủ động thời gian làm thủ tục hải quan, hoàn thành nghĩa vụ thuế bằng bảo lãnh tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, không kể ngày nghỉ, ngày lễ ngân hàng không làm việc. Ngay sau khi ngân hàng đã truyền thông tin bảo lãnh tiền thuế điện tử, người nộp thuế kịp thời mở tờ khai hải quan, hạn chế tối đa thời gian làm thủ tục hải quan, thời gian nộp tiền thuế.

Cơ quan hải quan được sử dụng thông tin bảo lãnh tiền thuế qua cổng thanh toán điện tử hải quan thay cho Thư bảo lãnh tiền thuế bằng giấy.

Thực hiện thu nộp lệ phí của các Bộ, ngành tham gia cơ chế một cửa quốc gia, nhằm giảm thiểu đáng kể thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp thay vì đến từng cơ quan chức năng liên quan để nộp lệ phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu như trước đây.

Tổng cục Hải quan đã xây dựng được hệ thống quản lý thông tin hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh để phục vụ cho việc hoàn thuế GTGT điện tử đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh theo Thông tư 72/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh.

Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xét giảm thuế điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25-3-2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với mục tiêu người nộp thuế gửi dữ liệu đến cơ quan hải quan, cơ quan hải quan tiếp nhận và xử lý dữ liệu qua hệ thống và thực hiện các nghiệp vụ trên hệ thống dữ liệu của cơ quan hải quan với Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan.

Cần đơn giản hóa hơn nữa đối với 11 thủ tục hành chính liên quan đến quản lý biên giới trong xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển và cửa khẩu biên giới đất liền thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

c) Tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thuế và quản lý thuế bao gồm:

- Không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô chở người các loại kể cả xe vừa chở người vừa chở hàng (pickup) vì các thị trường xuất khẩu các loại xe này vào Việt Nam như Hàn quốc, Nga, ASEAN, EU….đều là các nước được giảm thuế nhập khẩu theo các Hiệp định FTA

- Kiến nghị các cơ quan chức năng phải gấp rút nghiên cứu, xây dựng và ban hành các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn một số mặt hàng nhập khẩu tràn lan, nhưng mức thuế rất thấp, đặc biệt là hàng cận đát (date) đối với thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm được nhập khẩu tự do như hiện nay ở các nước nếu mặt hàng còn hạn sử dụng dưới 6 tháng thì sẽ không được nhập khẩu hay nếu được nhập khẩu thì cũng bị kiểm tra rất gắt gao vì giá các mặt hàng này rất rẻ, không thu được nhiều thuế nhập khẩu do giá nhập khẩu quá thấp mà cũng không thể áp dụng được thuế chống bán phá giá do giá nhập khẩu là giá thực tế và cạnh tranh gay gắt hàng sản xuất trong nước và ảnh hưởng sức khỏe an toàn tính mạng người dân và xã hội.

- Rà soát lại chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất nằm ngoài khu chế xuất vì thực tế rất khó quản lý hàng hóa của các doanh nghiệp chế xuất trong việc trao đổi với nội địa.

-  Sớm ban hành các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga - Belarut - Cadaxtan) để Tổng cục Hải quan có các giải pháp tăng cường quản lý về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ các thị trường này.

- Quy định thống nhất chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài theo hướng áp dụng cơ chế miễn thuế như hàng hóa nhập khẩu để gia công nhằm khắc phục hạn chế hiện hành

- Thống nhất tên hàng và mã số hàng hóa giữa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam với các biểu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên ngành. Sửa đổi các văn bản về phân loại hàng hóa, đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện. Chuẩn hóa Chú giải chi tiết HS và công bố tài liệu này chính thức trên trang website của Tổng cục Hải quan để làm tài liệu tham khảo trong việc phân loại hàng hóa.

- Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo hướng: giảm bớt số lượng mức thuế suất; thuế suất nguyên liệu thấp hơn hoặc bằng thành phẩm, thuế suất linh kiện thấp hơn hoặc bằng nguyên chiếc; bảo đảm bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn, trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng, ngành hàng, góp phần định hướng đầu tư, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đối với các mặt hàng có tính chất, công dụng như nhau thì áp dụng một mức thuế suất. Trường hợp cần bảo hộ sản xuất trong nước, phải có tiêu chuẩn để phân biệt. Xây dựng lộ trình và bước đi phù hợp với từng ngành hàng, lợi thế cạnh tranh, nhu cầu, khả năng sản xuất trong nước.

- Xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro, danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thu thập và xử lý thông tin, quy chế trao đổi, cung cấp thông tin với Tổng cục Thuế bộ tiêu chí rủi ro xác định doanh nghiệp trọng điểm, áp dụng thống nhất cơ chế quản lý doanh nghiệp.

- Sửa Luật thuế Môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện để  tạo thuận lợi cho thực hiện, góp phần giảm chi phí quản lý, hạn chế gây thất thu thuế như: quy định rõ xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế là các loại xăng dầu nhập khẩu, không phân biệt có gốc hóa thạch hay không, vì việc quy định này rất phức tạp; quy định thống nhất hàng hóa nhập khẩu thì nộp thuế bảo vệ môi trường cho cơ quan hải quan.

- Sửa đổi một số nội dung của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu NSNN, ví dụ như, sửa đổi quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt tại Điều 65 Luật Quản lý thuế theo hướng trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi thì áp dụng biện pháp xóa hoặc khoanh nợ.

- Xác định cụ thể kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó, trước hết chú trọng việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận xuất xứ, trị giá, mã số (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương; Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; Cục quản lý giá...). Xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng xuất khẩu có dấu hiệu kim ngạch lớn bất thường ở từng thời điểm để yêu cầu kiểm tra xuất xứ. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý rủi ro, trong đó tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Rà soát, phân tích hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp trọng điểm, doanh nghiệp có rủi ro cao trong nhập khẩu hàng hóa là sản phẩm nguyên chiếc dưới dạng tháo rời thành linh kiện, bán thành phẩm để gian lận số tiền thuế phải nộp hoặc doanh nghiệp có dấu hiệu xuất khống để hoàn thuế GTGT; nâng cao chất lượng đánh giá tuân thủ doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế thu thập, quản lý thông tin hồ sơ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng kiểm tra hải quan đảm bảo số lượng, tỷ lệ lô hàng được phân luồng kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa phù hợp với nguồn lực thực tế tại từng Chi cục Hải quan...

Như vậy, để các giải pháp nêu trên đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan luôn theo dõi, phân tích sát tình hình thu nộp NSNN để chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, phát hiện kịp thời các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng, loại hình kinh doanh còn thất thu để có biện pháp quản lý thu phù hợp.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018

(1) Nghị quyết 19/NQ-CP đặt ra mục tiêu đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; rút ngắn thời gian để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục xuất khẩu là 14 ngày, thời gian nhập khẩu là 13 ngày, bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Thanh: Khái niệm, đặc điểm và vai trò của ngân sách nhà nước, trang web trithuccongdong.net

2. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018, Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 8-4-2018 của Chính phủ.

3. LucDe Wulf và José B. Sokol, tài liệu nghiên cứu về “Kinh nghiệm hiện đại hóa hải quan của một số nước”.

4. K B Brady, WCO, “Revenue Package” (June 2012).

ThS Nguyễn Thị Diệu Hoa

Tổng cục Hải quan

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền